Có các loại bệnh động mạch vành nào?
Bệnh động mạch vành do xơ vữa
Đây là loại bệnh động mạch vành phổ biến nhất, gây ra do một chất béo gọi là mảng bám (plaque) tích tụ dần trong các động mạch vành. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.
Mảng bám cấu tạo từ cholesterol, chất béo, canxi và các chất khác. Theo thời gian, mảng bám có thể trở nên cứng và làm hẹp động mạch, giảm lưu lượng máu đến tim.
Bệnh động mạch vành do xơ vữa được gọi là bệnh động mạch vành tắc nghẽn nếu hơn 50% không gian trong động mạch bị tắc. Nếu ít hơn 50% thì được xem là bệnh động mạch vành không tắc nghẽn.
Triệu chứng của bệnh động mạch vành do xơ vữa:
- Đau hoặc khó chịu ở ngực (đau thắt ngực)
- Đau ở cánh tay hoặc vai
- Tim đập nhanh hoặc không đều (đánh trống ngực)
- Khó thở
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Lo lắng
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành xơ vữa
Trước 55 tuổi, tỷ lệ nam giới mắc bệnh động mạch vành xơ vữa nhiều hơn nữ giới. Sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới tăng lên. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Cholesterol cao
- Tiền sản giật
- Mãn kinh sớm
- Hội chứng Buồng trứng đa nang (PCOS)
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình có người mắc mắc bệnh động mạch vành tắc nghẽn
- Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm, bao gồm cả khói thuốc lá thụ động
- Một số yếu tố do lối sống như:
- Lối sống ít vận động
- Giấc ngủ kém chất lượng
- Hút thuốc
- Căng thẳng kéo dài
- Chế độ ăn nhiều chất béo và natri
Bệnh động mạch vành không do xơ vữa
Bệnh động mạch vành không do xơ vữa xảy ra khi các động mạch vành không bị tắc nghẽn nghiêm trọng nhưng lưu lượng máu vẫn bị giảm. Điều này thường do các động mạch bị nén bởi mô cơ tim xung quanh hoặc bởi các yếu tố khác không phải tắc nghẽn.
Co thắt động mạch vành (vasospasm) là nguyên nhân phổ biến gây nén động mạch. Đây là những cơn co thắt đột ngột động mạch vành. Một nguyên nhân khác là rối loạn chức năng vi mạch, tình trạng xảy ra bất thường ở các mạch máu nhỏ của tim.
Một số trường hợp bệnh động mạch vành không do xơ vữa là do dị tật bẩm sinh.
Các triệu chứng của bệnh động mạch vành không do xơ vữa tương tự với bệnh động mạch vành do xơ vữa. Tuy nhiên, do các triệu chứng có thể xuất hiện rồi biến mất nên việc chẩn đoán thường gặp khó khăn vì khó phát hiện qua xét nghiệm.
Yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành không do xơ vữa
Bệnh động mạch vành không do xơ vữa không có các yếu tố nguy cơ riêng biệt. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung có thể góp phần gây ra rối loạn vi mạch, từ đó dẫn đến bệnh động mạch vành không do xơ vữa, bao gồm:
- Thừa cân
- Mức cholesterol cao
- Huyết áp cao
- Tiểu đường
- Hút thuốc
Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)
SCAD là một loại bệnh động mạch vành không do xơ vữa hiếm gặp, xảy ra khi một hoặc nhiều lớp của thành động mạch vành bị rách. Điều này có thể làm hạn chế lượng máu chảy đến tim, là tình trạng nghiêm trọng cần điều trị y tế khẩn cấp.
Nguyên nhân chính xác gây SCAD vẫn chưa được xác định rõ nhưng các bác sĩ cho rằng tình trạng này có thể là do thành động mạch vành bị suy yếu.
Triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hơn so với các loại bệnh động mạch vành khác, bao gồm:
- Đau ngực
- Khó thở
- Đau ở cánh tay, vai, cổ, hoặc hàm
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Ra mồ hôi lạnh
Yếu tố nguy cơ của bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)
SCAD thường gặp nhất ở phụ nữ từ 30–60 tuổi. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Loạn sản sợi cơ (fibromuscular dysplasia): tăng sinh tế bào bất thường bên trong động mạch
- Bệnh mô liên kết
- Viêm mô kéo dài
- Mang thai và sinh con
- Sử dụng cocaine
- Căng thẳng nghiêm trọng
- Hoạt động thể chất quá sức
- Liệu pháp hormone estrogen và progesterone
Điều trị các loại bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành tắc nghẽn và không tắc nghẽn
Bệnh động mạch vành tắc nghẽn và không tắc nghẽn có thể được kiểm soát bằng các biện pháp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.
Có thể thực hiện các thay đổi lối sống sau:
- Tập thể dục thường xuyên
- Thực hiện chế độ ăn cân đối, tốt cho tim mạch
- Bỏ thuốc lá nếu đang hút thuốc
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu bia
- Quản lý căng thẳng một cách lành mạnh
Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh động mạch vành:
- Statins: giúp kiểm soát mức cholesterol
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors), thuốc chẹn beta, hoặc thuốc chẹn kênh canxi: giúp giảm huyết áp
- Thuốc điều hòa đường huyết
- Nitrat, chẳng hạn nitroglycerin: giúp giãn mạch máu
Trong một số ít trường hợp hiếm gặp, có thể cần phẫu thuật để điều trị bệnh động mạch vành nghiêm trọng. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
- Nong mạch vành và đặt stent
Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)
Các vết rách động mạch do SCAD thường sẽ tự lành lại, nhưng đôi khi cần phẫu thuật để khôi phục lưu lượng máu đến tim.
Sau khi bị SCAD, bạn có thể cần phục hồi chức năng tim (cardiac rehabilitation) hoặc dùng thuốc như:
- Aspirin
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc làm loãng máu
Kết luận
Bệnh động mạch vành là tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến tim và được chia thành hai loại: bệnh động mạch vành do xơ vữa và bệnh động mạch vành không xơ vữa.
Bệnh động mạch vành tắc nghẽn (phổ biến nhất) do mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch.
Bệnh động mạch vành không tắc nghẽn gây ra do động mạch bị co thắt hoặc những bất thường trong mạch máu.
SCAD xảy ra do thành động mạch vành bị rách.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc, phục hồi chức năng tim và phẫu thuật trong trường hợp nghiêm trọng.
Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.
Bệnh mạch vành xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho cơ tim (động mạch vành) bị tổn thương hoặc gặp các tình trạng như bị thu hẹp hoặc cứng lại do mảng bám tích tụ. Mặc dù bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bạn có thể kiểm soát được tình trạng bệnh bằng nhiều phương pháp, trong đó quan trọng là dinh dưỡng đúng cách, nghĩa là ăn những thực phẩm phù hợp và tránh những thực phẩm không lành mạnh.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.
Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, hay bệnh tim mạch vành (coronary heart disease - CHD), làm suy giảm lưu lượng máu trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất, nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến đau tim.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc cảm giác yếu người. Cần phân biệt được CAD và đau tim để tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.