1

Một số lầm tưởng thường gặp về bệnh tiểu đường

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 420 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù rất phổ biến nhưng tiểu đường là một căn bệnh phức tạp mà không phải ai cũng hiểu rõ. Dưới đây là những lầm tưởng phổ biến về bệnh tiểu đường.
Một số lầm tưởng thường gặp về bệnh tiểu đường Một số lầm tưởng thường gặp về bệnh tiểu đường

Lầm tưởng số 1: Bệnh tiểu đường có thể lây

Một số người thắc mắc bệnh tiểu đường có lây từ người sang người qua quan hệ tình dục, nước bọt hoặc máu hay không.

Khoa học đã khẳng định tiểu đường là bệnh không lây.

Sự thật: Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Insulin là một loại hormone giúp cơ thể điều hòa lượng đường trong máu (glucose).

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra khi cơ thể không tạo ra insulin trong khi bệnh tiểu đường type 2 là do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những điều này hiện vẫn đang được nghiên cứu.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, hệ miễn dịch hoạt động quá mức, tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Điều này làm cho tuyến tụy ngừng sản xuất insulin.

Mặc dù đã xác định được một số yếu tố nguy cơ nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác tại sao tuyến tụy không sản xuất đủ insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Lầm tưởng số 2: Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là do ăn quá nhiều đường

Nhiều người vẫn nghĩ rằng ăn nhiều đường sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Lý do dẫn đến lầm tưởng này chủ yếu là do bệnh tiểu đường có đặc trưng là lượng đường trong máu ở mức cao.

Tuy nhiên, đồ ăn thức uống chứa đường không phải thủ phạm gây ra bệnh tiểu đường.

Sự thật: Bệnh tiểu đường không phải do ăn nhiều đường

Insulin giúp vận chuyển đường trong máu vào các tế bào để sản sinh năng lượng. Bệnh tiểu đường có đặc điểm là lượng đường trong máu ở mức cao nhưng điều này không phải là do ăn quá nhiều thức ăn có đường mà là do cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, dẫn đến hậu quả là lượng đường trong máu tăng cao.

Mặc dù chế độ ăn nhiều đường không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thường xuyên tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây tăng cân và thừa cân, béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.

Lầm tưởng số 3: Người mắc bệnh tiểu đường không được ăn đường

Một số người cho rằng một khi mắc bệnh tiểu đường thì sẽ phải loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi chế độ ăn uống. Điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn đồ ăn và nấu nướng. Suy nghĩ phải kiêng đường tuyệt đối còn khiến cho người bị tiểu đường bị giới hạn về lựa chọn thực phẩm và điều này làm tăng nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng.

Sự thật: Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn đường

Chế độ ăn uống điều độ đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Chế độ ăn uống cần có sự cân bằng giữa protein, trái cây, rau củ và đường.

Những người mắc bệnh tiểu đường chỉ cần phải điều chỉnh lượng đường tiêu thụ chứ không nhất thiết phải kiêng đường tuyệt đối. Bệnh nhân thi thoảng vẫn có thể ăn những thực phẩm chứa carb như:

  • Cơm, bún, mì, bánh mì
  • Trái cây
  • Kem
  • Bánh quy

Cũng giống như những người không mắc bệnh tiểu đường, điều quan trọng là ăn những loại thực phẩm này một cách vừa phải, đồng thời ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau củ tươi hơn.

Lầm tưởng số 4: Chỉ người thừa cân mới mắc bệnh tiểu đường

Ngườ thừa cân thường nạp vào quá nhiều calo hoặc có lối sống ít vận động mà cả hai đều là những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.

Sự thật: Bệnh tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ ai

Không phải chỉ có người thừa cân, béo phì mới có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể cân nặng.

Khoảng 85% những người mắc bệnh tiểu đường type 2 bị béo phì hoặc thừa cân, có nghĩa là vẫn 15% còn lại có cân nặng bình thường. (1)

Lầm tưởng số 5: Bệnh tiểu đường không di truyền

Mặc dù di truyền là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất.

Nếu một người thân trong gia đình bị bệnh tiểu đường thì bạn cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường còn có các yếu tố nguy cơ khác không liên quan đến tiền sử gia đình.

Sự thật: Tiền sử gia đình không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất của bệnh tiểu đường

Mặc dù tiền sử gia đình có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường của một người nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất. Và trên thực tế, bạn có thể mắc bệnh tiểu đường ngay cả khi trong gia đình không có ai bị bệnh, đặc biệt là tiểu đường type 2.

Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tiểu đường type 2 gồm có:

  • Lối sống ít vận động
  • Vòng eo trên 89cm (35 inch) đối với phụ nữ và trên 101cm (40 inch) đối với nam giới
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Tiền sử tiền tiểu đường (lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tiểu đường)

Lầm tưởng số 6: Tất cả người mắc bệnh tiểu đường đều phải dùng insulin

Vì cơ thể của những người mắc bệnh tiểu đường type 1 không sản xuất insulin nên cần phải tiêm insulin hoặc sử dụng máy bơm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.

Một số người bị tiểu đường type 2 không sản xuất đủ insulin nên cũng cần phải bổ sung insulin từ bên ngoài. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng cần điều trị bằng insulin.

Sự thật: Một số người bị tiểu đường có thể kiểm soát tốt mức đường huyết bằng thuốc và thay đổi lối sống

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh và tránh tăng đường huyết đột biến bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, gồm có hoạt động thể chất thường xuyên.

Tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin, có nghĩa là giúp các tế bào cơ sử dụng insulin hiệu quả hơn và nhờ đó có tác động tích cực đến lượng đường trong máu.

Điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là điều cần thiết để kiểm soát tiểu đường type 2 và đôi khi, người bệnh cần sử dụng thuốc đường uống. Nếu những biện pháp này không hiệu quả thì có thể sẽ phải điều trị bằng insulin.

Lầm tưởng số 7: Bệnh tiểu đường không nghiêm trọng

Vì tiểu đường là một bệnh lý phổ biến nên không ít người coi thường mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này.

Sự thật: Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng

Người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ để kiểm soát lượng đường trong máu, chẳng hạn như dùng insulin hoặc thuốc và thay đổi lối sống.

Lượng đường trong máu cao có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có cả những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Một số biến chứng của bệnh tiểu đường gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Nhồi máu cơ tim
  • Tổn thương thận hoặc suy thận
  • Mù lòa
  • Tổn thương thần kinh

Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường còn có thể gây ra các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh.

Sống cùng người bị bệnh tiểu đường

Những người bị bệnh tiểu đường cần sự hỗ trợ từ người xung quanh. Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường và tình trạng bệnh có thể thay đổi hoặc tiến triển nặng thêm theo thời gian.

Người mắc bệnh tiểu đường cần phải duy trì các phương pháp điều trị suốt đời để giữ đường huyết trong phạm vi an toàn. Sự hỗ trợ từ người xung quanh sẽ giúp ích rất lớn cho người bệnh, bất kể là mới được chẩn đoán hay đã sống chung với bệnh tiểu đường được một thời gian dài.

Dưới đây là một số điều mà người thân, bạn bè nên làm để giúp những người bị tiểu đường kiểm soát tốt tình trạng bệnh:

  • Giúp người bệnh xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và giám sát việc ăn uống hàng ngày của người bệnh.
  • Cùng nhau tập thể dục. Thường xuyên hoạt động thể chất giúp cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết
  • Đi cùng người bệnh đến các buổi tái khám.
  • Tìm hiểu về bệnh tiểu đường và nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết, chẳng hạn như:
    • Cáu gắt
    • Chóng mặt
    • Mệt mỏi
    • Run rẩy
    • Đổ nhiều mồ hôi
    • Thở gấp
    • Da tái nhợt

Kết luận

Bệnh tiểu đường rất phổ biến nhưng vẫn còn tồn tại những hiểu lầm về căn bệnh này. Hiểu đúng về tiểu đường là điều cần thiết để kiểm soát tình trạng bệnh hoặc chăm sóc tốt cho người bị bệnh.

Bệnh tiểu đường là một vấn đề sức khỏe mãn tính nghiêm trọng chưa có cách chữa trị khỏi và có thể phát triển từ từ trong suốt nhiều năm. Nếu nhận thấy các dấu hiệu như khát nước liên tục, đi tiểu nhiều lần hoặc vết thương chậm lành thì hãy đi khám ngay để làm xét nghiệm đo đường huyết.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương

Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo
Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.

Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường
10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây