1

Mối liên hệ giữa viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung

Viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung có nhiều triệu chứng tương tự nhau như đau vùng chậu kéo dài, đau thắt lưng và đau khi quan hệ tình dục.
Mối liên hệ giữa viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung Mối liên hệ giữa viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung

Viêm bàng quang kẽ là một vấn đề về bàng quang mạn tính, gây đau, căng tức bàng quang và đau vùng chậu. Viêm bàng quang kẽ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể độ tuổi và giới tính.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi tế bào nội mạc tử cung phát triển ở những khu vực khác bên ngoài tử cung. Bệnh lý này chỉ xảy ra ở phụ nữ.

Mặc dù viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung là hai bệnh lý hoàn toàn riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau.

Cùng tìm hiểu hai bệnh lý này có liên quan đến nhau như thế nào, được chẩn đoán và điều trị ra sao.

Viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung là gì?

Viêm bàng quang kẽ, hay còn gọi là hội chứng đau bàng quang, là một tình trạng mạn tính có đặc trưng là sự kích thích và viêm thành bàng quang. Tình trạng này có thể dẫn đến cứng và sẹo trong bàng quang.

Viêm bàng quang kẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Đau ở vùng chậu hoặc bụng dưới, cơn đau có thể tăng lên vào kỳ kinh nguyệt
  • Đột ngột buồn tiểu dữ dội
  • Đi tiểu nhiều lần (có thể lên đến 60 lần một ngày)
  • Đau khi bàng quang đầy và giảm sau khi đi tiểu
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Cảm giác khó chịu hoặc căng tức ở vùng chậu, đặc biệt là xung quanh bàng quang

Các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ có mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng có thể kéo dài dai dẳng hoặc xảy ra thành từng đợt, giữa mỗi lần triệu chứng bùng phát là các khoảng thuyên giảm kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi mô nội mạc tử cung (bề mặt bên trong của tử cung) phát triển bên ngoài tử cung. Điều này thường xảy ra ở các cấu trúc trong vùng chậu như buồng trứng, bàng quang, ruột và niêm mạc vùng chậu.

Những mô phát triển “lạc chỗ” này mở rộng trong kỳ kinh nguyệt, đó là lý do tại sao các triệu chứng như đau bụng dưới hay đau vùng chậu trở nên nặng hơn vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, các triệu chứng lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong tháng.

Các triệu chứng phổ biến của lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Đau dữ dội vào kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu nhiều khi có kinh
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau quặn ở bụng và vùng chậu
  • Đau thắt lưng
  • Mệt mỏi
  • Giảm khả năng sinh sản
  • Đau hoặc khó chịu khi đại tiện

Phân biệt triệu chứng

  • Lạc nội mạc tử cung: Nếu cơn đau và các triệu chứng khác trở nên nặng hơn trước kỳ kinh nguyệt và sau đó đỡ hơn thì có khả năng đó là lạc nội mạc tử cung hoặc một vấn đề khác liên quan đến hormone, ví như đau bụng kinh.
  • Viêm bàng quang kẽ: Nếu cơn đau thường xảy ra khi bàng quang đầy và giảm bớt sau khi đi tiểu thì khả năng đó là viêm bàng quang kẽ.

Mối liên hệ giữa viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung

Viêm bàng quang kẽ có nhiều triệu chứng tương tự như lạc nội mạc tử cung, đặc biệt là lạc nội mạc tử cung xảy ra ở bàng quang (mô nội mạc tử cung phát triển ở bàng quang). Do có nhiều triệu chứng tương tự nhau như vậy nên không thể biết được các triệu chứng là của bệnh lý nào. Cách duy nhất để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng là đi khám.

Viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung có thể xảy ra đồng thời. Trên thực tế, lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang kẽ.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đã theo dõi hơn 9.000 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung và hơn 27.000 người không bị lạc nội mạc tử cung trong 3 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ bị viêm bàng quang kẽ cao gấp 4 lần so với những người không bị lạc nội mạc tử cung. (1)

Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu về mối liên hệ giữa viêm bàng quang kẽ và này và lạc nội mạc tử cung cũng như lý giải tại sao những người bị lạc nội mạc tử cung lại có nguy cơ viêm bàng quang kẽ cao hơn.

Chẩn đoán viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung

Cả lạc nội mạc tử cung và viêm bàng quang kẽ đều là những bệnh khó chẩn đoán. Không có bất cứ xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh nào có thể xác định chính xác hai bệnh lý này. Thay vào đó, bác sĩ thường sẽ dựa trên kết quả của nhiều công cụ chẩn đoán khác nhau để loại trừ và thu hẹp phạm vi chẩn đoán.

Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung gồm có:

Khám lâm sàng

Trước tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và hỏi người bệnh về các triệu chứng, gồm có tần suất gặp các triệu chứng, thời điểm mà các triệu chứng thường xảy ra cũng như những yếu tố kích hoạt các triệu chứng.

Bác sĩ sẽ ấn lên bụng người bệnh để xác định những khu vực bị đau và xem có u cục hay không. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu để tìm các bất thường.

Xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác

Bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm, gồm có xét nghiệm nước tiểu để loại trừ các tình trạng bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự, chẳng hạn như viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu hay một bệnh phụ khoa khác.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm qua đường âm đạo đôi khi cũng được sử dụng để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung và viêm bàng quang kẽ. Siêu âm sử dụng sóng âm tần số cao trong khi chụp cộng hưởng từ sử dụg từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong vùng chậu.

Nội soi ổ bụng và sinh thiết

Nội soi ổ bụng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán lạc nội mạc tử cung. Trong thủ thuật xâm lấn tối thiểu này, bác sĩ rạch một đường trên bụng của người bệnh và đưa ống nội soi vào. Ống nội soi có gắn đèn chiếu sáng và camera, cho phép bác sĩ quan sát bên trong khoang chậu để phát hiện dấu hiệu lạc nội mạc tử cung. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô bất thường và sau đó mang đến phòng xét nghiệm để phân tích (sinh thiết). Kết quả phân tích mẫu mô sẽ giúp xác nhận lạc nội mạc tử cung.

Nội soi bàng quang

Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh để kiểm tra bên trong các cơ quan này. Phương pháp này giúp chẩn đoán viêm bàng quang kẽ và có thể được kết hợp với sinh thiết để giúp bác sĩ xác định chính xác vấn đề.

Điều trị viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung

Không có phương pháp điều trị nào có hiệu quả với tất cả mọi người.Việc điều trị viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung phụ thuộc vào các triệu chứng và phụ thuộc vào việc người bệnh chỉ bị một hay cả hai bệnh lý.

Các phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Thuốc giảm đau như naproxen và ibuprofen
  • Thuốc nội tiết tố, ví dụ như thuốc tránh thai và thuốc tương tự gnrh (hormone giải phóng gonadotropin)
  • Các biện pháp hỗ trợ sinh sản nếu người bệnh muốn mang thai
  • Phẫu thuật để loại bỏ mô lạc nội mạc tử cung
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục
  • Các kỹ thuật thư giãn để giảm đau đớn

Các phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ:

  • Vật lý trị liệu để giảm đau vùng chậu
  • Thuốc giảm đau và giảm viêm, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Thuốc kháng histamin
  • Pentosan natri polysulfate để điều trị triệu chứng đi tiểu nhiều lần và kích thích thành bàng quang
  • Kích thích điện thần kinh cùng để giảm triệu chứng đi tiểu nhiều lần và tiểu gấp
  • Kích thích điện thần kinh qua da (TENS) để giảm đau vùng chậu và giảm tần suất đi tiểu
  • Bơm loại thuốc như dimethyl sulfoxide trực tiếp vào bàng quang
  • Phẫu thuật (cắt bàng quang hoặc mở rộng bàng quang)

Viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung có chữa khỏi được không?

Hiện chưa có cách nào có thể chữa khỏi viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng.

Tóm tắt bài viết

Lạc nội mạc tử cung và viêm bàng quang kẽ là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau nhưng có nhiều triệu chứng tương đồng và có mối liên với nhau. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra hai bệnh lý này nhưng nghiên cứu cho thấy bị lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng nguy cơ viêm bàng quang kẽ.

Người bệnh nên đi khám khi nhận thấy triệu chứng bất thường để được chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp.

Có nhiều phương pháp điều trị viêm bàng quang kẽ và lạc nội mạc tử cung. Việc điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau và tùy thuộc vào các triệu chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Kích thích điện thần kinh cùng để điều trị bàng quang tăng hoạt
Kích thích điện thần kinh cùng để điều trị bàng quang tăng hoạt

Kích thích điện thần kinh cùng hay điều hòa dây thần kinh cùng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng bàng quang tăng hoạt. Trong phương pháp điều trị này, một điện cực được cấy dưới da của người bệnh, điện cực sẽ phát xung điện để kích thích các dây thần kinh xung quanh bàng quang.

Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.

Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị viêm đột ngột. Viêm bàng quang cấp đa phần xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng là do vi khuẩn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây