Hiểu về viêm bàng quang mạn tính
Triệu chứng đau do viêm bàng quang mạn tính cũng tương tự như đau do nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ khỏi sau khi được điều trị hoặc đôi khi tự khỏi. Trong khi đó, viêm bàng quang mạn tính rất khó chẩn đoán và điều trị.
Viêm bàng quang mạn tính là gì?
Viêm bàng quang mạn tính là tình trạng viêm bàng quang kéo dài.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang thường là nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hoặc niệu đạo rồi nhân lên. Nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng khi vi khuẩn lan đến thận.
Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, một tình trạng vô cùng nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Triệu chứng viêm bàng quang mạn tính
Các triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính hay viêm bàng quang kẽ có thể xảy ra theo đợt, giữa một đợt là các khoảng thời gian thuyên giảm. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể thay đổi theo từng đợt bùng phát.
Các triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang mạn tính gồm có:
- Căng tức bàng quang
- Buồn tiểu liên tục
- Đau hoặc nóng rát ở niệu đạo
- Đau vùng chậu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Sốt nhẹ
- Nước tiểu có máu hoặc đục
Hãy đi khám khi gặp phải các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc viêm bàng quang mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang mạn tính
Nguyên nhân chính xác gây viêm bàng quang mạn tính vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên,ở những người bị viêm bàng quang mạn tính, một số yếu tố nhất định có thể kích hoạt các triệu chứng bùng phát. Ví dụ như:
- Quan hệ tình dục
- Stress
- Mất nước
- Nhịn tiểu quá lâu
- Mặc quần bó sát
- Kinh nguyệt
Chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính
Để chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính, bác sĩ sẽ loại trừ các bệnh lý khác có thể xảy ra ở bàng quang, bao gồm cả ung thư bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán viêm bàng quang mạn tính gồm có:
Xét nghiệm cấy nước tiểu
Xét nghiệm cấy nước tiểu thường sẽ được thực hiện để loại trừ nhiễm trùng đường tiết niệu. Người bệnh sẽ phải lấy mẫu nước tiểu, sau đó mẫu nước tiểu được đem đi nuôi cấy trong phòng xét nghiệm để xem có sự hiện diện của vi khuẩn hay không. Nếu bị nhiễm trùng thì cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang là thủ thuật sử dụng một thiết bị có dạng ống dài, hẹp có gắn camera và đèn chiếu sáng đưa qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong bàng quang. Nội soi giúp bác sĩ phát hiện những bất thường trong bàng quang, ví dụ như dấu hiệu viêm.
Điều trị viêm bàng quang mạn tính
Không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn viêm bàng quang mạn tính. Mục đích điều trị là làm giảm các triệu chứng và cải thiện cuộc sống hàng ngày cho người bệnh.
Thay đổi lối sống, dùng thuốc và vật lý trị liệu là những phương pháp điều trị viêm bàng quang mạn tính.
Người bệnh cần theo dõi khi các triệu chứng bùng phát để xác định tác nhân kích hoạt. Ví dụ, nếu cơn đau xuất hiện hoặc tăng lên sau khi uống cà phê thì có thể caffeine là thủ phạm và người bệnh cần tránh hoặc hạn chế đồ uống chứa caffeine.
Một số thay đổi lối sống giúp kiểm soát viêm bàng quang mạn tính gồm có:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
- Uống đủ nước để tránh bị mất nước
- Hạn chế stress
- Tăng cường hoạt động thể chất
Rèn luyện bàng quang (bladder training) cũng là một phương pháp điều trị có lợi cho người bị viêm bàng quang mạn tính. Một triệu chứng của viêm bàng quang mạn tính là đi tiểu nhiều lần, ngay cả khi bàng quang chưa đầy.
Các thực hiện rèn luyện bàng quang như sau:
- Ghi lại các thời điểm đi tiểu trong ngày
- Không đi tiểu ngay mỗi khi cảm thấy buồn mà hãy cố gắng nhịn
- Ban đầu có thể chỉ nhịn được vài phút nhưng hãy cố gắng tăng dần thời gian nhịn tiểu
Phương pháp này sẽ rèn bàng quang giữ nước tiểu được lâu hơn, nhờ đó giảm tần suất đi tiểu trong ngày.
Tóm tắt bài viết
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau hoặc khó chịu ở bàng quang thì có thể bạn đã bị viêm bàng quang mạn tính. Mặc dù tình trạng này không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hãy theo dõi thời điểm các triệu chứng bùng phát để xác định các tác nhân kích hoạt. Tránh các tác nhân này sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng.
Một trong những triệu chứng ban đầu phổ biến nhất của bệnh ung thư bàng quang là tiểu ra máu (đái máu). Tuy nhiên, không phải ai bị ung thư bàng quang cũng gặp triệu chứng này và nước tiểu có máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh ung thư bàng quang.
Hóa trị trong bàng quang được sử dụng chủ yếu để điều trị ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, nguy cơ thấp đến trung bình. Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư chưa lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang và chưa lan ra khỏi bàng quang đến các bộ phận khác của cơ thể. Loại ung thư này phát triển khá chậm.
Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.
Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.