Mối liên hệ giữa vấn đề về van tim và tình trạng khó thở

Van tim và chức năng hô hấp tưởng như không có liên quan chặt chẽ nhưng thực tế thì chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi bạn hít thở không khí, oxy trong không khí sẽ đi vào máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể.
Nếu van tim không hoạt động đúng cách, máu không thể lưu thông qua các buồng tim để nhận oxy hoặc vận chuyển máu giàu oxy đến các mô trong cơ thể.
Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó thở. Khó thở do đó được coi là một triệu chứng của bệnh van tim.
Bài viết này sẽ giải thích nguyên nhân vì sao bệnh van tim lại gây ra tình trạng khó thở và cách điều trị triệu chứng này cùng các dấu hiệu khác của bệnh van tim.
Liệu các vấn đề về van tim có thể gây khó thở không?
Khó thở là một trong những triệu chứng điển hình mà bạn có thể gặp phải khi bị các vấn đề về van tim.
Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van trong số bốn van tim không hoạt động đúng cách. Van tim có thể bị hẹp, khiến máu khó lưu thông qua, không thể mở hoặc đóng hoàn toàn, hoặc bị hở, làm máu chảy ngược trở lại buồng tim ban đầu.
Tình trạng này khiến máu giàu oxy không được vận chuyển hiệu quả từ phổi qua tim đến các bộ phận khác của cơ thể.
Khi không nhận đủ máu và oxy, các mô trong cơ thể sẽ gửi tín hiệu đến tim và não để yêu cầu thêm oxy. Điều này khiến tim phải làm việc vất vả hơn tuy cũng không thể cải thiện được nhiều.
Gánh nặng lên tim tăng thêm có thể khiến tim bị lớn hơn và yếu đi.
Các dấu hiệu khác cho thấy van tim bị suy yếu
Van tim có thể bắt đầu suy yếu mà không có triệu chứng rõ rệt. Vấn đề này có thể tiến triển dần theo thời gian và đi kèm các dấu hiệu mà bạn có thể nhầm lẫn là do quá trình lão hóa.
Một số triệu chứng phổ biến nhất của bệnh van tim bao gồm:
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Sưng ở mắt cá chân hoặc bàn chân
- Thay đổi nhịp tim
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ nghe thấy tiếng thổi tim khi khám. Đây thường là dấu hiệu được phát hiện đầu tiên cho thấy có vấn đề về van tim. Dựa trên vị trí và thời điểm của tiếng thổ timi, bác sĩ có thể xác định van tim nào bị ảnh hưởng.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp siêu âm tim để chẩn đoán thêm. Bạn có thể cần kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc thường xuyên hơn tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.
Van tim bị hở có thể gây khó thở không?
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của hầu hết các loại bệnh van tim.
Van tim bị hở khiến máu chảy ngược lại buồng tim vừa được bơm ra thay vì di chuyển sang buồng nhận tiếp theo.
Khi điều này xảy ra, máu không được vận chuyển đến nơi cần thiết, khiến các mô và cơ quan không nhận đủ oxy. Cơ thể nhận biết được nhu cầu oxy tăng cao, buộc tim và phổi phải làm việc nhiều hơn để đáp ứng. Cuối cùng, bạn sẽ gặp phải tình trạng khó thở.
Dấu hiệu và triệu chứng của khó thở
Khó thở không chỉ biểu hiện qua việc bị hụt hơi. Cơ thể có thể thích nghi với nhu cầu oxy tăng cao một cách từ từ, khiến bạn khó có thể nhận ra.
Một số dấu hiệu và triệu chứng cho thấy cơ thể đang phải làm việc vất vả để thực hiện chức năng hô hấp là:
- Có tư thế cúi người về phía trước (chống hai tay vào đầu gối hoặc bàn)
- Thở mím môi
- Đứng phải dựa tường
- Thở bằng cơ bụng
- Mệt mỏi gia tăng
- Suy giảm khả năng vận động thể chất
Bạn có thể nhận thấy khó thở khi vận động, nhưng nếu những dấu hiệu và triệu chứng này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tim và phổi.
Điều trị
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị bệnh van tim hiệu quả nhất. Các van tim bị cứng, tắc hoặc không hoạt động hiệu quả có thể được thay thế bằng phẫu thuật tim hở. Một phương pháp ít xâm lấn hơn là thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR).
Trong thủ thuật TAVR, một van mới được đưa vào bên trong van cũ thông qua ống thông dài luồn từ vùng bẹn lên tim. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện thực hiện thủ thuật này. Bác sĩ sẽ khuyến nghị phương pháp sửa chữa hoặc thay thế van tim dựa trên loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim, cũng như các vấn đề sức khỏe khác mà bạn đang gặp phải.
Thủ thuật TAVR có thể là lựa chọn phù hợp cho người lớn tuổi hoặc những người không thể thực hiện phẫu thuật thay van tim hở. Tuy nhiên, phương pháp này thường không có tác dụng lâu dài như phẫu thuật hở.
Bác sĩ cũng có thể cân nhắc phương pháp Mitra clip không xâm lấn để sửa chữa van hai lá bị hở. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách gắn kẹp vào van hai lá nhằm giảm tình trạng rò rỉ máu.
Có thể không cần phẫu thuật khi điều trị bệnh van tim không?
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp tim hoạt động hiệu quả hơn. Các loại thuốc này thường là giải pháp tạm thời nhằm tăng cường hiệu suất của tim trong thời gian chuẩn bị cho ca phẫu thuật.
Một số loại thuốc thường được kê để điều trị các vấn đề về van tim là:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
- Thuốc chẹn beta (Beta-blockers)
- Thuốc bisphosphonates
- Hydralazine
- Thuốc kháng thụ thể aldosterone
- Nifedipine
- Statins
Các loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương tim và kéo dài thời gian trước khi buộc phải phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng van tim để xác định xem liệu có cần thiết phải phẫu thuật hay không.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh van tim?
Áp dụng lối sống tốt cho tim mạch có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh van tim. Bạn nên:
- Tránh hút thuốc
- Hạn chế uống rượu
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên
- Tránh sử dụng chất gây nghiện qua đường tiêm
- Hình thành thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Yếu tố di truyền cũng có thể góp phần gây ra bệnh van tim. Một số loại bệnh, chẳng hạn như hẹp van tim bẩm sinh (atresia), thường phát triển trước khi sinh và không thể phòng ngừa. Hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị phù hợp.
Kết luận
Bệnh van tim có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng các triệu chứng này thường không biểu hiện rõ ràng cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Khó thở là dấu hiệu cho thấy các mô trong cơ thể đang cần thêm oxy. Vấn đề này chủ yếu là do máu không lưu thông tốt qua tim.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị khó thở. Cần tìm hiểu về những biện pháp có thể thực hiện ngay từ bây giờ để ngăn ngừa bệnh van tim, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA) là tình trạng các động mạch ở vùng đầu bị viêm và sưng, khiến lòng mạch thu hẹp và hạn chế lưu lượng máu. Nếu mắt không nhận đủ máu, thị lực có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mù lòa đột ngột.

Mặc dù hiếm gặp nhưng một người có thể đồng thời bị mắc cả hội chứng Raynaud và viêm khớp vảy nến (PsA). Hiện chưa có nghiên cứu nào xác nhận hoặc giải thích rõ ràng về mối liên hệ giữa hai bệnh lý này. Hội chứng Raynaud thường đi kèm với các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ và xơ cứng bì.

Lupus là một trong nhiều bệnh lý có thể gây ra hội chứng Raynaud thứ phát – một tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến ngón tay và ngón chân do mạch máu bị co thắt.

Phình động mạch não hình túi (berry aneurysm) là dạng phình động mạch não phổ biến nhất, có hình dáng giống như một túi nhỏ hoặc quả mọng nhô ra từ thành động mạch. Phình động mạch bị vỡ sẽ có thể gây xuất huyết não - tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức.

Mất nước có thể gây mất cân bằng điện giải, dẫn đến đánh trống ngực. Ngoài ra, tình trạng này còn buộc tim phải làm việc nhiều hơn, làm tăng nhịp tim và tăng nguy cơ bị đánh trống ngực.