1

Lợi ích của giảm cân đối với bệnh tiểu đường

Cân nặng có ảnh hưởng lớn đến bệnh tiểu đường và ngược lại, bệnh tiểu đường cũng ảnh hưởng đến cân nặng. Tác động qua lại giữa bệnh tiểu đường và cân nặng còn phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường mắc phải - type 1 hay type 2.
Lợi ích của giảm cân đối với bệnh tiểu đường Lợi ích của giảm cân đối với bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một bệnh chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu (glucose) ở mức cao. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không tạo ra đủ hormone insulin hoặc không thể sử dụng một cách hiệu quả lượng insulin được tạo ra. Insulin là hormone có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn.

Những người bị tiểu đường type 1 có thể bị sụt cân không chủ đích do cơ thể không thể sử dụng đường từ thức ăn để sản sinh năng lượng. Ở loại bệnh tiểu đường này, tuyến tụy không tạo ra insulin và đường sẽ bị đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Loại bệnh tiểu đường này xuất phát từ một tình trạng gọi là kháng insulin, có nghĩa là tuyến tụy vẫn tạo ra insulin nhưng cơ thể lại không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Tuyến tụy cố gắng bù lại điều này bằng cách tạo ra nhiều insulin hơn và sau một thời gian làm việc quá sức, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy sẽ ngừng hoạt động.

Giảm cân là một cách để cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát bệnh tiểu đường type 2, đôi khi còn có lợi cho cả người bị tiểu đường type 1. Có nhiều cách để giảm cân, gồm có thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng một số loại thuốc.

Tại sao bệnh tiểu đường gây sụt cân?

Sụt cân không chủ đích là một dấu hiệu cho thấy bệnh tiểu đường (cả type 1 và type 2) đang không được kiểm soát tốt.

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Do không có insulin để vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào nên glucose sẽ tích tụ trong máu. Sau đó, thận sẽ đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Khi đường không được sử dụng làm năng lượng, cơ thể sẽ bắt đầu đốt cháy mỡ và cơ để tạo năng lượng, điều này dẫn đến sụt cân.

Tình trạng cân nặng sụt giảm ở người bị tiểu đường type 1 có thể là ngoài ý muốn. Nếu người bệnh bị thừa cân thì có thể giảm cân một cách an toàn bằng cách giảm lượng calo nạp vào. Một số người bị tiểu đường type 1 cố tình không điều trị bệnh để giảm cân nhưng điều này rất nguy hiểm. Việc không sử dụng insulin có thể khiến cho lượng đường trong máu tăng lên quá cao và dẫn đến một biến chứng nguy hiểm gọi là nhiễm toan ceton. Nếu không can thiệp điều trị kịp thời, nhiễm toan ceton có thể gây tử vong.

Không điều trị bệnh tiểu đường để giảm cân có thể là một biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống. Nếu nghi ngờ mình bị rối loạn ăn uống thì nên đi khám bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ điều trị.

Lợi ích của việc giảm cân đối với bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi các tế bào cơ thể kháng lại tác động của hormone insulin, khiến đường tích tụ trong máu. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết.

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần giảm 5 đến 7% khối lượng cơ thể là có thể làm giảm hơn 50% nguy cơ mắc tiểu đường type 2 ở những người trưởng thành có nguy cơ cao. (1)

Ở những người bị tiểu đường type 2, việc giảm cân mang lại nhiều lợi ích như:

  • Cải thiện tình trạng kháng insulin, giúp dễ dàng đạt được và duy trì mức đường huyết khuyến nghị hơn
  • Tăng mức năng lượng tổng thể và cải thiện tâm trạng
  • Cải thiện khả năng vận động
  • Giảm mức cholesterol toàn phần, triglyceride và LDL cholesterol (cholesterol xấu)
  • Giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường như bệnh thận hoặc tim mạch

Trong một số trường hợp, giảm cân thậm chí còn đưa lượng đường trong máu về mức bình thường và giúp người bệnh không phải dùng thuốc điều trị tiểu đường type 2.

Người mắc tiểu đường type 1 có thể tăng cân khi bắt đầu dùng insulin. Để giảm cân thì sẽ phải điều chỉnh lượng calo và carbohydrate trong chế độ ăn cũng như liều dùng insulin.

Bệnh nhân tiểu đường type 1 cũng có thể bị tình trạng kháng insulin và trong những trường hợp này, giảm cân có thể giúp giảm liều insulin.

Thuốc điều trị tiểu đường và giảm cân

Một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường có thể giúp giảm cân, chẳng hạn như:

Metformin

Metformin là loại thuốc có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu cho thấy metformin còn giúp giảm cân.

Thuốc đồng vận thủ thể GLP-1

Nhóm thuốc đồng vận thủ thể GLP-1 rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu và ngoài ra còn giúp giảm cân.

Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • dulaglutide (Trulicity)
  • exenatide phóng thích kéo dài (Bydureon)
  • liraglutide (Victoza)
  • semaglutide (Ozempic)

Thuốc ức chế SGLT2

Một nhóm thuốc khác cũng có tác dụng giúp giảm cân và cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết là thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri glucose 2 (thuốc ức chế SGLT2). Các loại thuốc trong nhóm này gồm có:

  • canagliflozin (Invokana)
  • dapagliflozin (Farxiga)
  • empagliflozin (Jardiance)

Điều chỉnh thuốc để giảm cân

Khi giảm cân, người bệnh có thể sẽ cần ít thuốc hơn so với trước. Nếu vẫn giữ nguyên liều dùng thuốc, giảm cân có thể gây hạ đường huyết. Nếu gặp phải các triệu chứng hạ đường huyết khi giảm cân thì hãy báo cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường.

Cách giảm cân khi mắc bệnh tiểu đường

Đối với những người bị tiểu đường, kết hợp chế độ ăn uống cân bằng với tập thể dục đều đặn là cách tốt nhất để giảm cân. Ngay cả những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống cũng có thể mang lại hiệu quả lâu dài.

Nói chung, người bệnh nên duy trì chế độ ăn nhiều rau củ không chứa tinh bột, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt.

Chế độ ăn uống

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị sử dụng phương pháp đĩa thức ăn (plate method) để xác định khẩu phần các nhóm thực phẩm trong bữa ăn.

Để thực hiện phương pháp này, chỉ cần sử dụng một chiếc đĩa có đường kính khoảng 22cm và xếp các nhóm thực phẩm theo tỷ lệ sau đây vào đĩa:

  • Nửa đĩa là các loại rau củ không chứa tinh bột. Các loại rau củ không chứa tinh bột có hàm lượng carbohydrate thấp hơn và cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất cùng chất xơ. Nếu không có rau tươi thì có thể ăn rau củ đóng hộp hoặc đông lạnh. Một số ví dụ là xà lách, ớt chuông, dưa chuột, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, củ dền, cần tây và bắp cải.
  • Một phần tư đĩa là các nguồn protein nạc, chẳng hạn như thịt gà, cá, đậu phụ, tempeh và các loại đậu.
  • Một phần tư đĩa còn lại là các loại thực phẩm chứa carbohydrate phức tạp như gạo lứt, hạt quinoa, yến mạch, bánh mì hoặc mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa như sữa chua ít béo.

Về đồ uống thì nên chọn nước lọc hoặc trà không đường.

Hạn chế tối đa các loại đồ ăn thức uống chứa nhiều đường, chất béo và thực phẩm đã qua chế biến sẵn, chẳng hạn như kẹo, bánh quy, bánh ngọt, nước ngọt, đồ ăn nhanh và đồ chiên.

Tập thể dục

Ngoài điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục cũng là điều rất quan trọng để giảm cân. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ tập luyện mới.

Nếu không quen vận động thì ban đầu chỉ nên tập nhẹ nhàng, có thể đi bộ bên ngoài hoặc đi bộ trên máy chạy bộ ở tốc độ vừa phải từ 10 đến 20 phút mỗi ngày. Sau khoảng 1 - 2 tuần, khi đã quen dần với việc tập luyện thì tăng thời gian và cường độ tập.

Nghiên cứu cho thấy rằng tập cardio cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần là đủ để cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát đường huyết và giảm cân. (2)

Một số bài tập cardio là đi bộ, chạy bộ, bơi, nhảy dây, đạp xe hoặc chơi các môn thể thao như tennis.

Để có động lực thì có thể đến phòng tập, rủ người tập cùng hoặc tham gia nhóm chơi thể thao.

Tóm tắt bài viết

Sụt cân không chủ đích có thể xảy ra khi bệnh tiểu đường type 1 không được điều trị. Những người bị tiểu đường type 1 cần đi khám khi nhận thấy cân nặng đột nhiên sụt giảm để xác định nguyên nhân và điều trị.

Mặt khác, giảm cân là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường type 2 và cả tiểu đường type 1 ở những người bị thừa cân. Giảm cân có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát lượng đường trong máu dễ dàng hơn.

Khi mắc tiểu đường type 2 và phải giảm cân, tốt nhất người bệnh nên đặt ra mục tiêu thực tế và chọn những cách giảm cân an toàn, gồm có thực hiện chế độ ăn uống điều độ, cân bằng, tăng cường hoạt động thể chất và dùng đủ thuốc theo chỉ định.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương
Bệnh tiểu đường tuýp 2 và rối loạn cương dương

Ở những nam giới từ 45 tuổi trở xuống thì rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo
Bệnh tiểu đường và nấm Candida âm đạo

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.

Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?
Bị bệnh tiểu đường có được ăn dầu dừa không?

Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.

10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường
10 loại thực phẩm nên tránh khi mắc bệnh thận và bệnh tiểu đường

Người bị bệnh thận và tiểu đường tốt nhất nên hạn chế một số chất dinh dưỡng, gồm có carb, natri, kali và phốt pho.

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới
Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở nam giới

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây ra các vấn đề về mắt, thận và da... Bệnh tiểu đường còn có thể dẫn đến rối loạn cương dương và các vấn đề về tiết niệu ở nam giới.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây