Lipitor có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Lipitor là gì?
Lipitor (atorvastatin) là một loại thuốc trong nhóm statin, được sử dụng để giảm cholesterol trong máu (hạ mỡ máu), nhờ đó giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Lipitor và các loại thuốc khác trong nhóm statin có tác dụng ngăn cản sự sản xuất cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL cholesterol) trong gan. LDL cholesterol còn được gọi là cholesterol xấu. Mức LDL cholesterol cao làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.
Rất nhiều người đang phải sử dụng các loại thuốc statin như Lipitor để kiểm soát và điều trị tình trạng cholesterol cao.
Tác dụng phụ của Lipitor
Giống như các loại thuốc khác, Lipitor cũng có một số tác dụng phụ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Lipitor có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. (1)
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sẽ càng tăng cao nếu như người dùng thuốc vốn đã có nguy cơ bị tiểu đường và không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như thay đổi lối sống và dùng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ như metformin.
Các tác dụng phụ khác của Lipitor còn có:
- Đau khớp
- Đau lưng
- Tức ngực
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon miệng
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Mất ngủ
- Tiêu chảy
- Phát ban
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu khó
- Phù bàn chân
- Tổn thương cơ
- Giảm trí nhớ hoặc lú lẫn
- Tăng đường huyết
Lipitor và bệnh tiểu đường
Vào năm 1996, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt Lipitor cho mục đích sử dụng là giảm cholesterol trong máu. Sau một thời gian Lipitor được bán trên thị trường, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dùng statin có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn so với những người không dùng statin. (2)
Vào năm 2012, FDA đã thay đổi thông tin an toàn của nhóm thuốc statin phổ biến. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo bổ sung rằng statin có thể làm “gia tăng nhẹ” nguy cơ tăng đường huyết và bệnh tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, cũng trong cảnh báo này, FDA khẳng định những lợi ích của statin đối với sức khỏe tim mạch vẫn lớn hơn so với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
FDA cũng khuyến nghị những người dùng statin nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi lượng đường trong máu.
Ai có nguy cơ bị tiểu đường khi dùng Lipitor?
Bất cứ ai sử dụng Lipitor hay các loại thuốc hạ mỡ máu tương tự đều có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu chưa lý giải được chính xác nguyên nhân tại sao các loại thuốc này lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã tuyên bố rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là rất thấp và không đáng kể so với những lợi ích mà nhóm thuốc này mang lại cho sức khỏe tim mạch.
Không phải ai dùng thuốc statin cũng gặp phải các tác dụng phụ như tiểu đường type 2 nhưng một số người sẽ có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như:
- Phụ nữ
- Người trên 65 tuổi
- Người dùng nhiều hơn một loại thuốc hạ cholesterol
- Người mắc bệnh gan hoặc thận
- Người uống nhiều bia rượu
Người bị tiểu đường có thể dùng statin không?
Các nghiên cứu hiện có đều không khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường phải tránh dùng statin. Thậm chí, vào năm 2014, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã đưa ra khuyến nghị rằng tất cả những bệnh nhân tiểu đường type 2 từ 40 tuổi trở lên nên bắt đầu dùng statin ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
Mức cholesterol và các yếu tố sức khỏe khác sẽ quyết định mức độ của liệu pháp statin.
Trong một số trường hợp mắc cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (atherosclerotic cardiovascular disease - ASCVD), bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn. Trong những trường hợp này, ADA khuyến nghị sử dụng một số loại thuốc ức chế SGLT2 hoặc thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 như một phần của phác đồ điều trị hạ đường huyết thông thường.
Ở những người đang sống chung với bệnh tiểu đường, các loại thuốc này có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tiểu đường, giảm nhu cầu insulin và nhu cầu dùng statin.
Các cách giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi dùng Lipitor
Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi sử dụng Lipitor là giảm nhu cầu sử dụng thuốc hạ cholesterol và thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Để giảm nhu cầu sử dụng thuốc hạ cholesterol thì cần thực hiện các biện pháp làm giảm LDL cholesterol và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan.
Dưới đây là một số cách giúp cải thiện mức cholesterol.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân hay béo phì có thể làm tăng nguy cơ cholesterol cao. Cách giảm cân an toàn và hiệu quả nhất là kết hợp chế độ ăn uống khoa học với tập thể dục đều đặn.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Một điều quan trọng để duy trì cân nặng khỏe mạnh là thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
Nên chọn các loại thực phẩm chứa ít cholesterol. Cố gắng duy trì chế độ ăn ít calo nhưng nhiều vitamin và khoáng chất. Bữa ăn hàng ngày nên có nhiều trái cây, rau củ, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và ít đường, tinh bột.
Vận động nhiều hơn
Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tim mạch và sức khỏe tinh thần. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Ngoài lúc tập thể dục, khoảng thời gian còn lại trong ngày cũng nên tích cực vận động, hạn chế ngồi một chỗ.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc, dù là chủ động hay thụ động đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Càng hít nhiều khói thuốc lá thì nguy cơ phải dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch sẽ càng cao. Bỏ thuốc sẽ làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
Lưu ý, không được ngừng dùng Lipitor hay bất kỳ loại thuốc statin nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Khi nào cần trao đổi với bác sĩ?
Nếu bạn hiện đang dùng một loại thuốc statin như Lipitor hoặc đang có ý định dùng thuốc và lo ngại về nguy cơ bị tiểu đường thì hãy trao đổi với bác sĩ.
Bác sĩ sẽ tư vấn những lợi ích và rủi ro khi dùng thuốc, đồng thời đưa ra các cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cũng như các cách để cải thiện sức khỏe và giảm nhu cầu dùng thuốc.
Nếu có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, hãy đi khám càng sớm càng tốt. Phát hiện và bắt đầu điều trị từ sớm sẽ giúp việc kiểm soát tình trạng bệnh dễ dàng hơn và ngăn ngừa các biến chứng.
Nghiên cứu đã chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ gãy xương cao hơn so với người không mắc bệnh.
Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.
Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phổ biến hơn ở những người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cắt cụt chi là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng này, bệnh nhân cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu và chú ý chăm sóc chân cẩn thận. Cùng tìm hiểu lý do tại sao bệnh tiểu đường lại có thể dẫn đến phải cắt cụt chi và cách phòng ngừa.
Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường do đường trong máu cao phá hỏng các mạch máu trong mắt.