Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tạo đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin là một loại hormone cho phép đường trong máu (glucose) đi vào các tế bào để tạo năng lượng. Nếu cơ thể gặp vấn đề với việc sản xuất hoặc sử dụng insulin, đường sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến lượng đường trong máu cao.
Lượng đường trong máu cao không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, gồm có tổn thương thần kinh và bệnh tim mạch. Ngoài ra, đường huyết cao còn làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 32,2% người mắc bệnh tiểu đường từ 45 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể. (1)
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và đục thủy tinh thể
Đường trong máu cao là nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể ở người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, để hiểu mối liên hệ cụ thể giữa hai bệnh lý này thì trước hết cần hiểu lượng đường trong máu cao ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào.
Nếu không được kiểm soát, lượng đường trong máu cao sẽ từ từ làm hỏng các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm cả các mạch máu nhỏ trong mắt. Và khi các mạch máu này bị ảnh hưởng, người bệnh tiểu đường sẽ có nguy cơ bị đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt khác.
Đục thủy tinh thể là kết quả của lượng đường cao trong thủy dịch - chất dịch do thể mi tiết ra ở giữa nhãn cầu và thủy tinh thể, có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thủy tinh thể.
Khi lượng đường trong máu tăng cao, thủy tinh thể sẽ phồng lên và dẫn đến suy giảm thị lực.
Lượng đường trong máu không được kiểm soát còn khiến các enzyme trong thủy tinh thể chuyển hóa glucose thành một chất gọi là sorbitol. Quá nhiều sorbitol trong thủy tinh thể cũng sẽ gây mờ mắt.
Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể
Có thể điều trị đục thủy tinh thể do bệnh tiểu đường và khôi phục lại thị lực bằng phương pháp phẫu thuật. Đây là một thủ thuật đơn giản, nhanh chóng, trong đó thủy tinh thể bị hỏng sẽ được loại bỏ và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi thủ thuật hoàn tất.
Khi nào cần phẫu thuật?
Những người bị đục thủy tinh thể nhẹ thường không cần phẫu thuật mà có thể dùng thuốc hoặc đeo kính để tạm thời cải thiện thị lực.
Tuy nhiên, tình trạng đục thủy tinh thể sẽ trở nên nặng thêm theo thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thị lực yếu sẽ khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi thực hiện các công việc thường ngày như lái xe, đọc sách báo, đi lại...
Quá trình phẫu thuật
Mục đích của phẫu thuật đục thủy tinh thể là phục hồi thị lực. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật chỉ mất khoảng 30 phút đến một tiếng và gồm có các bước chính sau đây:
Bác sĩ nhỏ thuốc nhỏ mắt vào mắt bệnh nhân để làm giãn đồng tử, điều này giúp bác sĩ có thể quan sát bên trong mắt.
Bệnh nhân được gây tê tại chỗ để không cảm thấy đau đớn và có thể dùng thuốc an thần để thư giãn trong suốt quá trình tiến hành thủ thuật. Hầu hết mọi người đều vẫn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Bác sĩ rạch một đường nhỏ trên giác mạc và sau đó đưa đầu dò siêu âm vào. Đầu dò siêu âm phá hủy và loại bỏ thủy tinh thể bị hỏng. Sau đó, bác sĩ đưa thủy tinh thể nhân tạo vào để thay cho thủy tinh thể cũ và cuối cùng khâu đường rạch trên giác mạc.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Thị lực sẽ chưa cải thiện ngay sau khi phẫu thuật. Thường sau một vài ngày, bệnh nhân sẽ nhìn rõ hơn. Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân đeo băng che mắt trong vài ngày và được kê thuốc nhỏ mắt để giảm viêm và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể có tỷ lệ thành công cao. Vì thủy tinh thể bị hỏng đã được thay bằng thủy tinh thể nhân tạo nên đục thủy tinh thể sẽ không tái phát sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bao sau thủy tinh thể còn sót lại có thể bị đục sau một thời gian. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh sau phẫu thuật để bảo vệ thị lực.
Lưu ý đối với người mắc bệnh tiểu đường
Đối với những người bị tiểu đường, kết quả sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể phụ thuộc vào việc có mắc các bệnh về mắt khác liên quan đến tiểu đường như tăng nhãn áp hoặc bệnh võng mạc đái tháo đường hay không. Trong trường hợp có các bệnh lý này, tầm nhìn sẽ vẫn bị mờ nhẹ sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Một điều nữa cần lưu ý là bệnh nhân phải kiểm soát đường huyết trước khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương, cũng như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu.
Phòng ngừa đục thủy tinh thể cho người bị tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa đục thủy tinh thể bằng cách duy trì lượng đường trong máu khỏe mạnh. Để đạt được điều này, người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên và dùng thuốc điều trị tiểu đường theo chỉ định.
Nếu dùng insulin hoặc các loại thuốc điều trị tiểu đường đường uống mà đường trong máu vẫn cao thì hãy báo cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc.
Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách để kiểm soát lượng đường trong máu. Hoạt động thể chất giúp các cơ sử dụng glucose trong máu một cách hiệu quả hơn và ngăn cản sự tiến triển của bệnh tiểu đường type 2.
Các bài tập giúp ổn định lượng đường trong máu gồm có:
- Đi bộ nhanh
- Đạp xe
- Đi bộ đường dài
- Khiêu vũ
- Bơi lội
- Các môn thể thao cạnh tranh như bóng đá, tennis, bóng chuyền…
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe mắt, người bệnh cần khám mắt ít nhất một lần mỗi năm, duy trì huyết áp và mức cholesterol khỏe mạnh và bỏ thuốc lá nếu hút.
Triệu chứng đục thủy tinh thể
Nhìn mờ là triệu chứng chính của bệnh đục thủy tinh thể. Nhiều người bị đục thủy tinh thể miêu tả họ cảm thấy giống như nhìn qua cửa kính bị phủ hơi nước. Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn có các triệu chứng khác như:
- Tăng nhạy cảm với ánh sáng
- Mắt mỏi khi tập trung nhìn vào một vật nào đó
- Thay đổi cảm nhận về màu sắc
- Giảm thị lực vào ban đêm
- Nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn
- Không thể đọc trong điều kiện thiếu ánh sáng
- Phải thay mắt kính thường xuyên
Nên đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực, đặc biệt là khi mắc bệnh tiểu đường. Những thay đổi đó có thể là dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể hoặc các bệnh về mắt khác như bệnh tăng nhãn áp hoặc bệnh võng mạc đái tháo đường.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nhận thấy thị lực suy yếu hay có bất kỳ thay đổi nào thì đừng chần chừ hay chờ đến khi khám mắt định kỳ mà phải đi khám càng sớm càng tốt để xác định đúng vấn đề. Điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và bảo vệ thị lực về lâu dài.
Mặc dù phẫu thuật đục thủy tinh thể có tỷ lệ thành công cao nhưng vẫn đi kèm một số rủi ro giống như nhiều thủ thuật khác, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu
- Sưng tấy
- Sụp mí mắt
- Bong võng mạc
Đi khám ngay nếu như gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể như giảm thị lực, đau dai dẳng hay đỏ mắt.
Ngoài ra, nếu lượng đường trong máu thường xuyên dao động thì cũng nên đi khám để điều chỉnh kế hoạch điều trị.
Tóm tắt bài viết
Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường do đường trong máu cao phá hỏng các mạch máu trong mắt. Có thể khôi phục lại thị lực cho những người bị đục thủy tinh thể bằng một thủ thuật đơn giản, nhanh chóng.
Tuy nhiên, kết quả sau phẫu thuật còn phụ thuộc vào tình trạng tổng thể của mắt và có mắc các bệnh về mắt khác liên quan đến tiểu đường hay không. Duy trì đường huyết ở mức khỏe mạnh là điều quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh về mắt và các biến chứng khác của bệnh tiểu đường.
Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.
Các chuyên gia cho biết có một số điều mà người bị tiểu đường nên thực hiện trước những xét nghiệm này, gồm có điều chỉnh thuốc và ăn nhẹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ sinh con bị bệnh tự kỷ cao hơn. Mặc dù chưa rõ chính xác nguyên nhân tại sao nhưng nồng độ glucose trong máu cao có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến mối liên hệ này.
Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?