1

Đục Thủy Tinh Thể

Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là tình trạng hình thành vùng mờ đục trong thủy tinh thể của mắt. Đục thủy tinh thể xảy ra khi các protein trong mắt tụ lại thành đám khiến cho ánh sáng từ thủy tinh thể không thể đến được võng mạc. Võng mạc có chức năng chuyển đổi ánh sáng đi qua thủy tinh thể thành tín hiệu và gửi các tín hiệu này đến dây thần kinh thị giác để dây thần kinh thị giác truyền đến não bộ.

Đục thủy tinh thể phát triển chậm và cuối cùng sẽ làm suy giảm thị lực. Bệnh này có thể xảy ra ở cả hai mắt nhưng thường không hình thành cùng một lúc. Bệnh đục thủy tinh xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi.

Triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể

Các triệu chứng thường gặp của bệnh đục thủy tinh thể gồm có:

  • Mắt mờ
  • Khó nhìn vào ban đêm
  • Chói mắt khi nhìn ánh sáng
  • Màu sắc nhòe hoặc nhìn mọi thứ đều có màu vàng
  • Xuất hiện quầng sáng xung quanh đèn
  • Song thị (nhìn một thành hai hình) ở bên mắt bị đục thủy tinh thể
  • Thị lực ngày càng kém, nhanh phải thay kính

Lúc đầu, vùng mờ đục thường chỉ hình thành ở một phần nhỏ của thủy tinh thể và tầm nhìn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Dần dần, vùng mờ đục ngày càng lan rộng và làm biến dạng ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Điều này khiến cho các triệu chứng ngày càng trở nên rõ rệt.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

  • Cơ thể tạo ra quá nhiều chất oxy hóa - các phân tử oxy đã biến đổi về cấu trúc hóa học do tác động của các yếu tố trong cuộc sống hàng ngày
  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc nhiều với tia cực tím
  • Sử dụng steroid và một số loại thuốc khác trong thời gian dài
  • Mắc một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường
  • Mắc bệnh về mắt khác hoặc từng phẫu thuật mắt
  • Xạ trị
  • Di truyền

Đục thủy tinh thể hình thành như thế nào?

Thủy tinh thể là bộ phận nằm ở phía sau mống mắt. Thủy tinh thể có chức năng hội tụ ánh sáng truyền tới mắt, nhờ đó tạo ra hình ảnh rõ ràng, sắc nét trên võng mạc – lớp màng nhạy cảm với ánh sáng trong mắt có chức năng giống như phim trong máy ảnh.

Khi có tuổi, thủy tinh thể trong mắt trở nên kém linh hoạt, không còn trong suốt và dày hơn. Vì một số nguyên nhân, chẳng hạn như mắc các bệnh do tuổi già, mà các protein bên trong thủy tinh thể bị phân hủy, trật tự sắp xếp bị đảo lộn và kết tụ lại với nhau tạo thành đám, gây mờ đục thủy tinh thể.

Theo thời gian, vùng mờ đục ở thủy tinh thể ngày càng lan rộng và trở nên dày đặc. Thủy tinh thể bị đục sẽ tán xạ và cản trở ánh sáng, khiến cho hình ảnh rõ nét của các vật thể không đến được võng mạc và kết quả là thị lực trở nên mờ nhòe cùng với các triệu chứng khác.

Đục thủy tinh thể thường xảy ra ở cả hai mắt nhưng mức độ nặng nhẹ ở mỗi bên mắt đa phần không giống nhau, gây ra sự khác biệt về thị lực giữa hai mắt.

Các dạng đục thủy tinh thể

Có nhiều dạng đục thủy tinh thể, được phân loại dựa trên vị trí và cách hình thành trong mắt:

  • Đục nhân thủy tinh thể: hình thành ở giữa thủy tinh thể và làm cho vùng trung tâm có màu vàng hoặc nâu.
  • Đục vỏ thủy tinh thể: vùng mờ đục có hình chêm và hình thành xung quanh rìa của nhân thủy tinh thể.
  • Đục bao sau: hình thành nhanh hơn so với hai dạng bên trên và xảy ra ở mặt sau của thủy tinh thể.
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: hình thành ngay từ khi mới sinh hoặc trong vòng một năm đầu đời. Dạng này ít phổ biến hơn so với đục thủy tinh thể do lão hóa.
  • Đục thủy tinh thể thứ phát: xảy ra do bệnh tật hoặc dùng thuốc. Các bệnh có thể dẫn đến đục thủy tinh thể gồm có tăng nhãn áp và bệnh tiểu đường. Việc sử dụng steroid prednisone và các loại thuốc khác trong thời gian dài đôi khi cũng có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.
  • Đục thủy tinh thể do tổn thương: xảy ra sau khi mắt bị tổn thương, có thể là do một bệnh về mắt khác hoặc phẫu thuật mắt. Có thể phải vài năm sau khi mắt bị tổn thương mới hình thành dạng đục thủy tinh thể này.
  • Đục thủy tinh thể do bức xạ: hình thành sau quá trình xạ trị điều trị ung thư.

Những ai có nguy cơ đục thủy tinh thể?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể:

  • Tuổi tác cao
  • Thường xuyên uống nhiều rượu
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Cao huyết áp
  • Từng bị tổn thương mắt
  • Có tiền sử gia đình bị đục thủy tinh thể
  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Tiếp xúc với bức xạ từ tia X và xạ trị điều trị ung thư

Chẩn đoán bệnh đục thủy tinh thể

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mắt toàn diện để đánh giá thị lực và phát hiện các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể. Thường sẽ phải dùng bảng thị lực để đo thị lực ở các khoảng cách khác nhau và đo nhãn áp để kiểm tra áp suất bên trong mắt.

Kỹ thuật đo nhãn áp phổ biến nhất sử dụng một luồng khí không gây đau để làm phẳng giác mạc và sau đó kiểm tra áp suất trong mắt. Bác sĩ cũng sẽ nhỏ thuốc vào mắt người bệnh để làm cho đồng tử to lên. Điều này cho phép bác sĩ dễ dàng kiểm tra dây thần kinh thị giác và võng mạc ở phía sau mắt xem có bị hư hại hay không.

Ngoài ra còn có các biện pháp khác để chẩn đoán đục thủy tinh thể, chẳng hạn như kiểm tra độ nhạy cảm với ánh sáng và nhận thức về màu sắc.

Điều trị đục thủy tinh thể

Đối với những trường hợp không thể hoặc không muốn làm phẫu thuật thì sẽ có các biện pháp để kiểm soát và khắc phục các triệu chứng đục thủy tinh thể, chẳng hạn như tăng độ kính, dùng kính lúp hoặc kính râm có lớp phủ chống chói.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp thường được chỉ định khi bệnh đục thủy tinh thể gây cản trở các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đọc báo, lái xe hoặc gây khó khăn cho việc điều trị các vấn đề về mắt khác.

Một phương pháp phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể là phẫu thuật Phaco (phacoemulsification), trong đó sử dụng sóng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể và loại bỏ các mảnh bị mờ đục.

Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật lấy thể thủy tinh ngoài bao, trong đó loại bỏ phần bị đục của thủy tinh thể qua một đường rạch dài trong giác mạc. Sau đó, một thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào thay cho thủy tinh thể tự nhiên.

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị đục thủy tinh thể nói chung đều rất an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Mặc dù vẫn có một số rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu, bong võng mạc nhưng tỷ lệ xảy ra những vấn đề này chỉ chưa đến 1%. Hầu hết mọi người đều có thể về nhà ngay trong ngày sau khi phẫu thuật.

Điều gì xảy ra nếu không điều trị đục thủy tinh thể?

Nếu không điều trị, đục thủy tinh thể sẽ cản trở các hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến mù lòa. Mặc dù cũng có trường hợp đục thủy tinh thể ngừng phát triển nhưng vùng mờ đục một khi đã hình thành thì sẽ không tự biến mất. Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể là thủ thuật rất phổ biến và có hiệu quả lên đến 90%.

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

Hiện chưa có biện pháp nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa hoàn toàn hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp dưới đây:

  • Khám mắt thường xuyên: Khám mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ngay từ sớm và nhờ đó có thể điều trị kịp thời.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt vì hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.
  • Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác: Tuân thủ điều trị khi mắc bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý khác cũng giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều trái cây và rau củ: Trái cây và rau củ tươi, đặc biệt là những loại có màu sắc sặc sỡ có chứa nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, những loại thực phẩm này còn giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ sức khỏe của đôi mắt. Một nghiên cứu quy mô lớn gần đây đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất có thể giúp làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Trái cây và rau củ còn được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Ăn nhiều rau củ quả là một cách an toàn và hiệu quả để tăng lượng khoáng chất và vitamin trong chế độ ăn uống.
  • Đeo kính râm: Tia cực tím (tia UV), đặc biệt là tia UVB từ ánh nắng mặt trời có thể góp phần gây đục thủy tinh thể. Do đó, nên đeo kính râm có tác dụng ngăn tia UVB khi đi ngoài trời.
  • Hạn chế uống rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Đục Thủy Tinh Thể

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây