Bệnh tiểu đường và nguy cơ cắt cụt chi
Tại sao bệnh tiểu đường có thể dẫn đến cắt cụt chi?
Nếu không được điều trị và kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (peripheral artery disease). Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng động mạch ở các chi (hai tay, hai chân) bị thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu đến cẳng chân và bàn chân. Bệnh tiểu đường còn có thể gây tổn thương dây thần kinh ở các chi, được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh thần kinh ngoại biên khiến người bệnh mất cảm giác ở bàn chân và không còn cảm nhận được đau đớn.
Khi bị mất cảm giác, người bệnh sẽ không phát hiện ra khi bị thương ở lòng bàn chân, do đó sẽ không điều trị và vẫn tiếp tục đi lại như bình thường. Điều này khiến vết thương ngày càng trầm trọng và bị nhiễm trùng.
Lưu lượng máu giảm sẽ làm chậm quá trình lành vết thương. Lưu thông máu kém còn làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng (đề kháng) của cơ thể. Kết quả là vết thương rất lâu lành, sau một thời gian sẽ xảy ra tổn thương hoặc chết mô (hoại thư). Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng có thể lan đến xương.
Nếu không thể ngăn được tình trạng nhiễm trùng hoặc mô bị hỏng nghiêm trọng, không thể phục hồi thì có thể sẽ phải cắt cụt chi. Những vị trí phải cắt cụt phổ biến nhất ở bệnh nhân tiểu đường là ngón chân, bàn chân và cẳng chân.
Tỷ lệ cắt cụt chi ở bệnh nhân tiểu đường
Vào năm 2010, 73.000 bệnh nhân tiểu đường trên 20 tuổi tại Mỹ đã phải cắt cụt chi. Con số này nghe có vẻ nhiều nhưng thực tế, số ca cắt cụt chi chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hơn 29 triệu người sống chung với bệnh tiểu đường tại quốc gia này. Ý thức được nâng cao, cộng với việc kiểm soát bệnh tiểu đường và chăm sóc bàn chân tốt hơn đã làm giảm một nửa số ca phải cắt cụt chi dưới trong vòng 20 năm qua. (1)
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu, chăm sóc bàn chân hàng ngày và chăm sóc cẩn thận khi có vết thương sẽ giúp làm giảm đáng kể hoặc ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ phải cắt cụt chi ở người mắc bệnh tiểu đường.
Ngăn ngừa cắt cụt chi khi mắc bệnh tiểu đường
Cách tốt nhất để ngăn ngừa cắt cụt chi và các biến chứng nghiêm trọng khác của bệnh tiểu đường là kiểm soát lượng đường trong máu. Các cách để kiểm soát lượng đường trong máu gồm có:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ăn chủ yếu thịt nạc, trái cây và rau củ, thực phẩm giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt
- Tránh đồ uống có đường
- Hạn chế căng thẳng
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Duy trì cân nặng và huyết áp khỏe mạnh
- Xét nghiệm đường huyết thường xuyên
- Dùng insulin và các loại thuốc điều trị tiểu đường khác theo chỉ định của bác sĩ
Chăm sóc chân cẩn thận sẽ giúp giảm nguy cơ bị thương ở bàn chân:
- Kiểm tra toàn bộ bàn chân hàng ngày để xem có các dấu hiệu bất thường như tấy đỏ, vết thương hở, bầm tím, phồng rộp và hay đổi màu da hay không. Có thể sử dụng gương để quan sát kỹ bàn chân kỹ hơn.
- Nếu không thể tự kiểm tra bàn chân thì hãy nhờ người khác kiểm tra giúp.
- Thường xuyên kiểm tra cảm giác ở bàn chân bằng cách sử dụng lông vũ hoặc một vật nhẹ tương tự lướt nhẹ lên da bàn chân.
- Thường xuyên kiểm tra khả năng cảm nhận nhiệt độ ở bàn chân.
- Mang tất mỏng, sạch, khô, không cổ bằng chất liệu tự nhiên.
- Cử động ngón chân và cổ chân liên tục trong suốt cả ngày, đặc biệt là khi phải ngồi lâu để giữ cho máu lưu thông ở bàn chân.
Khi phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thần kinh ngoại biên như tê bì, nóng và châm chích thì cần báo ngay cho bác sĩ.
Các vấn đề khác ở bàn chân
Các vấn đề về chân vốn không đáng lo ngại ở người khỏe mạnh có thể là vấn đề nghiêm trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Khi bàn chân bị mất cảm giác, những vết thương đơn giản có thể nhanh chóng bị nhiễm trùng hoặc loét.
Người bị bệnh tiểu đường nên đi khám khi gặp bất kỳ vấn đề nào dưới đây ở bàn chân:
- Nhiễm nấm
- Da bong tróc
- Móng chân quặp
- Chai chân
- Ngón chân cái biến dạng
- Mụn cóc
- Cước chân
- Ngón chân hình búa
- Khô da
- Bệnh gout
- Đau hoặc gai gót chân
Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được gọi là “sát thủ thầm lặng” vì trong nhiều trường hợp, bệnh lý này không biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Điều này có thể khiến người bệnh tưởng rằng tình trạng bệnh đã được kiểm soát và xem nhẹ việc điều trị. Người mắc bệnh tiểu đường cần duy trì các biện pháp kiểm soát đường huyết như ăn uống điều độ, cân bằng, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc theo chỉ định ngay cả khi không có triệu chứng.
Ngoài ra, hãy tập thói quen kiểm tra bàn chân đều đặn hàng ngày. Điều này chỉ mất vài phút nhưng sẽ giúp phòng tránh các vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng, hoại thư hay cắt cụt chi.
Các cách để giữ cho đôi bàn chân khỏe mạnh:
- Rửa chân hàng ngày và lau khô sau khi rửa. Dưỡng ẩm nếu da khô để da không bị nứt nẻ, bong tróc.
- Không tự xử lý vết chai, nốt sần hay mụn cóc tại nhà mà phải đến gặp bác sĩ da liễu.
- Cắt móng chân thường xuyên. Chú ý cắt một đường thẳng và không cắt quá ngắn.
- Không đi chân trần.
- Đi giày vừa chân.
- Hỏi bác sĩ về loại giày dành cho người bị tiểu đường.
- Đi giày bít mũi.
- Không đi giày mũi nhọn.
- Không ngâm chân.
- Độ ẩm ở kẽ ngón chân có thể dẫn đến nhiễm trùng. Có thể dùng tinh bột ngô để giữ cho da kẽ ngón chân luôn khô ráo.
Không phải ai mắc bệnh tiểu đường cũng phải cắt cụt chi. Chỉ cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu và chú ý chăm sóc đôi bàn chân là sẽ ngăn ngừa được các biến chứng nghiêm trọng về chân.
Bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các dạng suy giảm nhận thức khác nhau, gồm có bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ não mạch và suy giảm nhận thức nhẹ - tình trạng xảy ra trước sa sút trí tuệ.
Đục thủy tinh thể là một bệnh về mắt phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường do đường trong máu cao phá hỏng các mạch máu trong mắt.
Nghiên cứu đã chỉ ra những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ gãy xương cao hơn so với người không mắc bệnh.
Nhiễm HIV và một số loại thuốc HAART cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc khiến bệnh khởi phát ở độ tuổi trẻ hơn.
Giống như các loại thuốc khác, Lipitor cũng có một số tác dụng phụ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Lipitor có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.