1

Kiểm soát tiểu/đại tiện không tự chủ ở người bị sa sút trí tuệ

Tiểu không tự chủ hay són tiểu là một vấn đề phổ biến ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Đây là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát từ bàng quang. Thể tích nước tiểu bị rò rỉ ở mỗi người là khác nhau, từ chỉ một lượng nhỏ cho đến lượng lớn đủ làm ướt quần. Một số người mắc chứng sa sút trí tuệ còn bị đại tiện không tự chủ - tình trạng rò rỉ phân hoặc hoàn toàn mất khả năng kiểm soát việc đại tiện.
Kiểm soát tiểu/đại tiện không tự chủ ở người bị sa sút trí tuệ Kiểm soát tiểu/đại tiện không tự chủ ở người bị sa sút trí tuệ

Tiểu hoặc đại tiện không tự chủ thường xảy ra ở giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ. Khoảng 60 đến 70% người mắc bệnh Alzheimer bị chứng tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ. Không phải ai bị sa sút trí tuệ đề bị tiểu/đại tiện không tự chủ.

Nếu bạn đang chăm sóc cho người bị sa sút trí tuệ thì hiểu rõ về tình trạng tiểu/đại tiện không tự chủ là điều rất cần thiết.

Nguyên nhân gây tiểu/đại tiện không tự chủ ở người bị sa sút trí tuệ

Trong giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ, người bệnh sẽ bị giảm hoặc mất khả năng phản ứng nhanh và ghi nhớ. Người bệnh sẽ không còn nhận biết được cảm giác buồn tiểu hoặc đại tiện. Các lý do dẫn đến tiểu/đại tiện không tự chủ ở người mắc chứng sa sút trí tuệ gồm có:

  • Không nhận ra nhà vệ sinh
  • Mất khả năng giao tiếp
  • Không thể vào nhà vệ sinh kịp thời
  • Giảm khả năng vận động

Tiểu/đại tiện không tự chủ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng là một vấn đề phổ biến ở những người mắc chứng sa sút trí tuệ. Người chăm sóc cần chú ý các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có:

  • Nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau ở vùng chậu hoặc lưng
  • Sốt, buồn nôn, nôn
  • Thay đổi trạng thái tinh thần hoặc tình trạng lú lẫn đột ngột xấu đi, một trong những biểu hiện của điều này là những thay đổi về hành vi

Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ trở nên nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng.

Các bệnh lý khác có thể dẫn đến tiểu/đại tiện không tự chủ

Tiểu/đại tiện không tự chủ có thể xảy ra ở cả những người không mắc chứng sa sút trí tuệ. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Nguyên nhân có thể là do các tình trạng hoặc bệnh lý như:

  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Táo bón mãn tính
  • Biến chứng thần kinh, thường là do đột quỵ
  • Các bệnh như bệnh parkinson, bệnh đa xơ cứng và ung thư tuyến tiền liệt
  • Tác dụng phụ của thuốc làm giãn cơ bàng quang và giảm nhận thức, chẳng hạn như thuốc ngủ và thuốc an thần

Ai có nguy cơ tiểu/đại tiện không tự chủ?

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiểu/đại tiện không tự chủ gồm có:

  • Thừa cân, vì cân nặng quá lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang
  • Tuổi tác, vì khi có tuổi, cơ bàng quang sẽ trở nên suy yếu
  • Mang thai và sinh nở, cơ sàn chậu và cơ bàng quang có thể bi suy yếu trong quá trình mang thai và sinh nở
  • Mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh có thể ảnh hưởng đến bàng quang
  • Phì đại tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt
  • Một số loại thuốc
  • Chấn thương ảnh hưởng đến dây thần kinh

Các cách kiểm soát tiểu không tự chủ

Nếu tiểu không tự chủ là do bàng quang hoạt động quá mức (bàng quang tăng hoạt) thì có thể sử dụng các loại thuốc làm dịu bàng quang. Nhưng một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ làm trầm trọng thêm chứng sa sút trí tuệ. Người thân nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng của người bệnh để được kê thuốc phù hợp, không nên tự ý cho người bệnh dùng thuốc. Nếu tiểu không tự chủ là do một bệnh lý khác thì sẽ phải điều trị hoặc kiểm soát bệnh lý đó để giảm các triệu chứng tiểu không tự chủ.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Một số điều chỉnh chế độ ăn uống giúp ích cho người bị tiểu không tự chủ:

  • Tránh đồ uống có ga và caffeine
  • Không uống nước trước khi đi ngủ
  • Tránh đồ ăn cay và đồ ăn có tính axit để tránh gây kích thích đường tiết niệu
  • Ăn nhiều chất xơ để ngăn táo bón

Tập thể dục đều đặn

Uống đủ nước mỗi ngày là điều rất quan trọng vì uống đủ nước giúp giữ cho bàng quang và ruột khỏe mạnh. Tùy vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và mức độ hoạt động mà người bệnh sẽ cần uống từ 6 – 8 cốc nước mỗi ngày.

Miếng lót thấm hút nước tiểu hoặc bỉm

Một cách để khắc phục chứng tiểu không tự chủ là sử dụng miếng lót thấm hút nước tiểu hoặc bỉm. Mặc dù điều này không giúp ngăn chặn tình trạng rò rỉ nước tiểu nhưng sẽ giúp tránh nước tiểu thấm ra quần và tích tụ trên da. Người chăm sóc cần thay miếng lót và vệ sinh da thường xuyên cho người bệnh. Hơi ẩm tích tụ trên da có thể gây ra một số vấn đề như viêm và nhiễm nấm.

Giữ cho da luôn sạch sẽ bằng cách rửa nhẹ nhàng với dung dịch vệ sinh có độ pH cân bằng và sau đó nhẹ nhàng thấm khô bằng khăn mềm. Có thể sử dụng thêm bột hút ẩm chống loét để tránh tích tụ hơi ẩm trên da.

Thay đổi thói quen và sắp xếp đồ đạc trong nhà

Đái dầm ở người bị sa sút trí tuệ có thể xảy ra do không kịp vào nhà vệ sinh. Người chăm sóc nên quan sát người bệnh và nhanh chóng đưa người bệnh vào nhà vệ sinh khi có các dấu hiệu sắp đi tiểu như rùng mình, đỏ mặt hay giật mạnh quần áo. Nên chọn cho người bệnh các loại quần áo dễ cởi và nếu cần thiết thì giúp người bệnh cởi đồ khi vào nhà vệ sinh.

Người chăm sóc cũng có thể nhắc người bệnh đi vệ sinh thường xuyên trong ngày, chẳng hạn như 2 tiếng một lần để tránh bị són tiểu.

Có thể sẽ phải sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để người bệnh dễ dàng vào nhà vệ sinh khi cảm thấy buồn tiểu hay đại tiện:

  • Bỏ các đồ vật gây cản trở trên đường vào nhà vệ sinh
  • Luôn mở cửa nhà vệ sinh
  • Lắp bồn cầu ở độ cao phù hợp và đảm bảo nhà vệ sinh có đủ ánh sáng. Lắp thanh vịn bên cạnh bồn cầu nếu cần thiết.

Vào ban đêm có thể đặt bô hoặc ghế vệ sinh ở cạnh giường của người bệnh. Lắp đèn cảm ứng chuyển động sẽ giúp người bệnh dễ tìm đến nhà vệ sinh vào ban đêm hơn. Nếu như người bệnh không thể tự đi vệ sinh thì có thể trải tấm lót trên giường của người bệnh.

Nếu phải ra ngoài lâu, hãy mang theo quần áo và bỉm để thay khi cần thiết. Nếu phải di chuyển đường dài, cách vài tiếng nên dừng lại ở một nơi có toilet để người bệnh đi vệ sinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các cách đơn giản để kiểm soát tiểu không tự chủ
Các cách đơn giản để kiểm soát tiểu không tự chủ

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát. Đây là một vấn đề phổ biến, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và cũng có nhiều cách điều trị. Một số thay đổi về lối sống có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và giảm tình trạng tiểu không tự chủ.

Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết
Tiểu không tự chủ ở người lớn: Những điều cần biết

Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.

Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ
Tiểu không tự chủ do tăng áp lực ở phụ nữ

Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.

Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?
Đau lưng có mối liên hệ như thế nào với tiểu không tự chủ?

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây