Các cách đơn giản để kiểm soát tiểu không tự chủ
Hạn chế caffeine và rượu bia
Caffeine và cồn đều có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là làm tăng sự sản xuất nước tiểu. Do đó, ở những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang, uống đồ uống chứa caffeine hoặc cồn có thể góp phần làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Để kiểm soát các triệu chứng, hãy hạn chế hoặc tránh hoàn toàn caffeine và rượu bia. Caffeine có trong cà phê, trà, nước ngọt có ga, nước tăng lực, sô cô la và một số loại thuốc.
Tránh chất làm ngọt nhân tạo
Một số chất làm ngọt nhân tạo, gồm có natri saccharine, acesulfame K và aspartame, có thể gây kích thích bàng quang và làm trầm trọng thêm tình trạng tiểu không tự chủ. Chất làm ngọt nhân tạo còn có thể làm tăng sự sản xuất nước tiểu giống như caffeine. Để kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ, hãy tránh những loại thực phẩm và đồ uống có chứa các chất làm ngọt nhân tạo này. Nếu bạn muốn tìm một chất làm ngọt thay cho đường mía thì có thể thử đường cỏ ngọt (stevia). Đường cỏ ngọt không gây kích thích bàng quang.
Tránh thực phẩm gây kích thích bàng quang
Ngoài những thực phẩm chứa caffeine, một số loại thực phẩm khác cũng có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng các triệu chứng tiểu không tự chủ, ví dụ như:
- Cà chua
- Thực phẩm có tính axit như đồ muối chua
- Trái cây họ cam quýt
- Đồ ăn cay
- Hành tây
- Thực phẩm có chứa siro ngô
Hãy cố gắng hạn chế những thực phẩm này để làm giảm tình trạng tiểu không tự chủ.
Bài tập Kegel
Bàng quang tăng hoạt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng tiểu không tự chủ, đặc biệt là ở phụ nữ. Thực hiện bài tập Kegel thường xuyên có thể giúp củng cố cơ sàn chậu và điều trị tình trạng này.
Bài tập Kegel rất dễ thực hiện nhưng trước tiên cần phải xác định đúng cơ sàn chậu. Hãy thử nhịn tiểu hoặc ngừng tiểu giữa chừng. Các cơ mà bạn đang siết lại để ngăn nước tiểu chính là cơ sàn chậu.
Khi đã xác định được cơ sàn chậu, hãy siết các cơ này trong 5 - 10 giây rồi thả lỏng vài giây, lặp lại chu kỳ siết cơ - thả lỏng như vậy nhiều lần (có thể lên đến 30 lần). Thực hiện đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 2 – 3 lần để có hiệu quả rõ rệt.
Rèn luyện bàng quang
Rèn luyện bàng quang là một cách hiệu quả để giảm tần suất đi tiểu và cải thiện chứng tiểu không tự chủ. Có thể kết hợp rèn luyện bàng quang với bài tập Kegel hoặc các phương pháp điều trị khác. Để rèn luyện bàng quang, hãy đi vệ sinh vào những thời điểm cách đều nhau trong ngày và tăng dần khoảng cách giữa các lần đi tiểu. Ban đầu có thể chỉ cần nhịn tiểu 5 - 10 phút khi cảm thấy buồn tiểu rồi cố gắng tăng dần thời gian nhịn tiểu theo thời gian. Điều này sẽ giúp tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.
Đi khám
Tiểu không tự chủ nhẹ có thể được khắc phục bằng cách thay đổi lối sống nhưng nếu những cách này không hiệu quả, bạn sẽ phải dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác. Ví dụ, bác sĩ
có thể kê thuốc làm giảm co thắt cơ bàng quang hoặc thuốc điều trị các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng bàng quang.Hãy đi khám nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp giúp kiểm soát tình trạng tiểu không tự chủ và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.
Tiểu không tự chủ là một vấn đề khá phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ phải chấp nhận sống chung với tình trạng khó chịu này. Có rất nhiều cách để điều trị và thậm chí ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.
Các phương pháp điều trị bước đầu cho chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực gồm có thay đổi lối sống, liệu pháp hành vi và bài tập cơ sàn chậu. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật.
Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.