1

Đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Đo đường huyết thường xuyên là một phần quan trọng trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Theo dõi đường huyết sẽ giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị và đưa ra những thay đổi cần thiết.
Đường huyết bao nhiêu là bình thường? Đường huyết bao nhiêu là bình thường?

Đường huyết là gì?

Đường huyết là lượng đường (glucose) trong máu. Đối với những người bị đái tháo đường, kiểm soát đường huyết là một phần quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh. Lý do là bởi lượng đường trong máu cao có thể gây ra nhiều biến chứng về lâu dài.

Ở người mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể không sản xuất hoặc sản xuất không đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Kết quả là đường trong máu không được vận chuyển vào tế bào. Điều này dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao. Ăn thực phẩm chứa carbohydrate (carb) sẽ khiến cho lượng đường trong máu tăng lên sau bữa ăn.

Carbohydrate trong thực phẩm được phân hủy thành glucose trong đường tiêu hóa. Lượng đường này được giải phóng vào máu và sau đó được vận chuyển đến các tế bào dưới sự hỗ trợ của insulin – một loại hormone do tuyến tụy tạo ra.

Insulin có vai trò như một “cầu nối”, cho phép đường trong máu có thể đi vào trong các tế bào. Khi tế bào sử dụng đường để làm năng lượng, lượng đường trong máu sẽ giảm xuống.

Bệnh đái tháo đường xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất insulin hoặc các tế bào phản ứng kém với insulin hoặc cả hai.

Bệnh đái tháo đường được chia thành các loại chính là:

  • Đái tháo đường type 1: xảy ra do cơ thể không sản xuất insulin.
  • Đái tháo đường type 2: xảy ra do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin và các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả, tình trạng này được gọi là kháng insulin.
  • Tiền đái tháo đường: xảy ra khi các tế bào sử dụng insulin không hiệu quả, khiến cho đường huyết tăng cao nhưng chưa cao đến mức được chẩn đoán là đái tháo đường.
  • Đái tháo đường thai kỳ: tình trạng đường huyết tăng cao trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ.

Nên đo đường huyết vào lúc nào?

Hỏi bác sĩ về thời điểm tốt nhất để đo đường huyết. Thời điểm đo đường huyết lý tưởng ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, đường huyết thường được đo vào các thời điểm sau:

  • Sau khi nhịn ăn (thường là nhịn ăn trong 8 đến 12 tiếng) hoặc trước bữa ăn
  • Trước và sau một bữa ăn để đánh giá tác động của bữa ăn đến lượng đường trong máu
  • Trước mỗi bữa ăn để xác định liều insulin cần tiêm
  • Vào giờ đi ngủ

Ghi lại kết quả các lần đo đường huyết và mang theo khi đi tái khám để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết.

Cách kiểm tra đường huyết

Để kiểm tra mức đường huyết tại nhà, người bệnh cần có máy đo đường huyết. Đa số máy đo đường huyết hiện nay đều đi kèm kim hoặc lưỡi dao nhỏ để lấy máu ở đầu ngón tay. Sau khi chích ngón tay, người dùng chấm máu lên que thử dùng một lần.

Que thử được lắp vào máy trước hoặc sau khi chấm máu. Máy sẽ phân tích mẫu máu để đo nồng độ glucose và hiển thị kết quả trên màn hình.

Một lựa chọn khác là máy đo đường huyết liên tục. Thiết bị này gồm có một sợi dây nhỏ được luồn xuống bên dưới da bụng. Cứ sau 5 phút, máy sẽ đo mức đường huyết và gửi kết quả đến thiết bị theo dõi mà người dùng đeo trên quần áo hoặc để trong túi. Máy đo đường huyết liên tục cho phép người bệnh và bác sĩ theo dõi mức đường huyết trong thời gian thực.

Phạm vi đường huyết khuyến nghị

Chỉ số đường huyết được tính bằng đơn vị miligam trên decilit (mg/dL).

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội Bác sĩ Nội tiết Lâm sàng Hoa Kỳ (AACE) đưa ra các khuyến nghị khác nhau về phạm vi đường huyết nên duy trì đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2:

Thời điểm trong ngày Khuyến nghị của ADA Khuyến nghị của AACE
Nhịn ăn và trước bữa ăn 80 - 130 mg/dL đối với người lớn không mang thai <110 mg/dL
2 tiếng sau bữa ăn <180 mg/dL đối với người lớn không mang thai <140 mg/dL

Nói chuyện với bác sĩ để biết phạm vi đường huyết cụ thể cần duy trì.

Cần làm gì khi đường huyết quá cao?

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về phương pháp can thiệp điều trị khi đường huyết tăng cao. Có thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống và các thay đổi lối sống khác, chẳng hạn như giảm cân nếu thừa cân. Tập thể dục cũng là một cách giúp giảm đường huyết.

Đôi khi sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết. Trong hầu hết những trường hợp mắc đái tháo đường type 2, metformin là loại thuốc được sử dụng đầu tiên. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường khác với các cơ chế tác dụng khác nhau.

Tiêm insulin là một cách để giảm lượng đường trong cơ thể một cách nhanh chóng. Bác sĩ có thể chỉ định insulin nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể về liều, cách tiêm và thời điểm tiêm insulin.

Hãy cho bác sĩ biết nếu đường huyết liên tục ở mức cao. Người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc thường xuyên hơn hoặc thực hiện các điều chỉnh khác đối với phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường. Đường huyết cao trong thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh thần kinh đái tháo đường hoặc suy thận.

Chế độ ăn uống dành cho người bị đái tháo đường

Chế độ ăn uống có tác động lớn đến lượng đường trong máu.

Người mắc bệnh đái tháo đường tuyệt đối không được bỏ bữa. Việc ăn uống thất thường có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao đột ngột và khó giữ đường huyết ổn định.

Nên ăn các loại thực phẩm chứa carbohydrate tốt, thực phẩm giàu chất xơ và protein nạc. Một số loại thực phẩm chứa carb tốt gồm có:

  • Trái cây
  • Rau củ
  • Ngũ cốc nguyên cám
  • Các loại đậu

Kiểm soát lượng carb trong cả các bữa chính và bữa phụ. Kết hợp các loại thực phẩm chứa protein và chất béo để làm chậm quá trình tiêu hóa và tránh làm tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn.

Tuy nhiên, cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri. Lựa chọn những thực phẩm chứa chất béo tốt là điều rất quan trọng để có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Một số ví dụ là các loại quả hạch, hạt, quả bơ, các loại cá béo, trứng, dầu ô liu và quả ô liu.

Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. Những loại thực phẩm này được tiêu hóa nhanh chóng và do đó sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng đột ngột sau ăn. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều:

  • Natri
  • Đường
  • Chất béo bão hòa
  • Chất béo chuyển hóa
  • Calo

Có thể nấu các món ăn lành mạnh với số lượng lớn, sau đó chia thành các phần nhỏ và bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Việc chuẩn bị trước các bữa ăn như vậy sẽ giúp người bệnh hạn chế được việc ăn những loại thực phẩm không lành mạnh khi cảm thấy đói hay thèm ăn.

Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên cũng rất cần thiết. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện, đặc biệt là khi còn mắc các bệnh lý khác. Trong thời gian đầu mới tập thể dục, hãy tập nhẹ nhàng, sau đó mới tăng dần cường độ và thời lượng tập.

Ngoài ra cũng cần tăng cường hoạt động thể chất nói chung bằng những cách như:

  • Đi thang bộ thay vì thang máy
  • Đi bộ thay vì đi xe nếu có thể
  • Đi bộ sau bữa ăn
  • Thường xuyên làm việc nhà

Theo thời gian, những thay đổi nhỏ này có thể mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe.

Tóm tắt bài viết

Đo đường huyết thường xuyên là một phần quan trọng trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Theo dõi đường huyết sẽ giúp đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị và đưa ra những thay đổi cần thiết.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, tập thể dục đều đặn và uống thuốc theo chỉ định sẽ giúp duy trì mức đường huyết ổn định. Nếu đường huyết liên tục ở mức cao, hãy báo cho bác sĩ để có biện pháp đưa đường huyết trở về phạm vi bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: đường huyết
Tin liên quan
Glucose có vai trò gì trong cơ thể? Mức bao nhiêu là bình thường?
Glucose có vai trò gì trong cơ thể? Mức bao nhiêu là bình thường?

Có thể bạn đã từng nghe nói đến glucose dưới một cái tên khác là đường trong máu hay đường huyết. Glucose là nguồn năng lượng quan trọng để cơ thể hoạt động một cách bình thường.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 1: Những điều cần biết

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, đo đường huyết là một phần trong thói quen hàng ngày. Đây là một bước quan trọng để điều chỉnh liều lượng insulin và từ đó giữ cho lượng đường trong máu trong phạm vi lý tưởng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh nhân bổ sung nhiều insulin hơn mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp.

Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?
Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?

Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì hãy cẩn thận vì rất có thể đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần và trong đó có một số nguyên nhân vô hại. Điều quan trọng là phải hiểu tác động của bệnh tiểu đường đến chức năng bàng quang, cũng như là các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.

12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột
12 cách đơn giản để ngăn tăng đường huyết đột ngột

Tăng đường huyết đột ngột là tình trạng lượng đường trong máu tăng vọt và sau đó giảm mạnh sau khi ăn. Về ngắn hạn, tăng đường huyết đột ngột có thể gây mệt mỏi và đói. Theo thời gian, khả năng làm giảm và kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể sẽ trở nên kém hiệu quả, điều này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Quy tắc 15-15 để điều trị hạ đường huyết cho người bị tiểu đường
Quy tắc 15-15 để điều trị hạ đường huyết cho người bị tiểu đường

Quy tắc 15-15 là một cách để làm tăng lượng đường trong máu khi xảy ra hạ đường huyết – một vấn đề phổ biến ở những người bị tiểu đường phải điều trị bằng insulin.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây