Chỉ có một quả thận có thể sống khỏe mạnh không?
Nếu vì một lý do nào đó mà bạn chỉ có một quả thận thì điều quan trọng là phải bảo vệ và giữ cho thận hoạt động tốt.
Duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và khám sức khỏe định kỳ là những điều cần thiết để giữ cho thận luôn khỏe mạnh.
Dưới đây là những điều cần lưu ý khi chỉ có một quả thận để có sức khỏe tốt.
Những lý do chỉ có một quả thận
Hầu hết mọi người sinh ra có hai quả thận nhưng một số người lại chỉ có một quả thận. Điều này có thể là do:
- Bẩm sinh chỉ có một quả thận
- Phẫu thuật cắt bỏ một quả thận để điều trị bệnh
- Ghép thận
- Đã hiến một quả thận
Một số người có hai quả thận nhưng chỉ có một quả hoạt động. Điều này cũng giống như chỉ có một quả thận.
Sinh ra chỉ có một quả thận và mất đi một quả thận do bị bệnh hoặc hiến thận sẽ có ảnh hưởng không giống nhau đến sức khỏe.
Ở những người sinh ra chỉ có một quả thận, quả thận này đảm nhiệm công việc của hai quả thận ngay từ đầu, theo thời gian sẽ phát triển to lên và hoạt động tốt hơn.
Khi một quả thận bị cắt đi do bệnh tật hoặc nhằm mục đích hiến tặng, quả thận còn lại không bù đắp được và do đó chức năng tổng thể của thận sẽ giảm một nửa.
Tầm quan trọng của lối sống lành mạnh
Thận có chức năng lọc chất thải và nước dư thừa từ máu, sau đó biến những chất này thành nước tiểu để đào thải ra khỏi cơ thể.
Một quả thận có thể lọc đủ máu để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn có thể sống khỏe mạnh khi chỉ có một quả thận.
Nhìn chung, dù có đủ cả hai quả thận hay chỉ có một quả thận thì cũng cần thực hiện những điều dưới đây để luôn có sức khỏe tốt:
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Uống đủ nước
- Duy trì huyết áp và lượng đường trong máu ở phạm vi khuyến nghị (kiểm soát cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường nếu mắc)
- Hạn chế rượu bia
- Hạn chế căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ
Nếu bạn chỉ có một quả thận thì phải hết sức cẩn thận để giữ cho thận hoạt động tốt, ví dụ như phải tránh làm thận bị tổn thương và hạn chế các loại thuốc có thể gây hại cho thận, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS).
Chỉ có 1 quả thận ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Thận có vai trò duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể, giữ lại protein khi lọc máu và kiểm soát huyết áp.
Thận ngừng hoạt động sẽ dẫn đến những vấn đề như:
- Cao huyết áp
- Rò rỉ protein vào nước tiểu (protein niệu)
- Tích nước
Hầu hết những người có một quả thận vẫn có thể sống bình thường mà không gặp bất kỳ vấn đề dài hạn hay ngắn hạn nào.
Tuy nhiên, những người có một quả thận có nguy cơ bị cao huyết áp nhẹ, tích nước và protein niệu cao hơn một chút so với những người có đủ hai quả thận. Lý do là vì khi có hai quả thận, quả thận khỏe mạnh sẽ có thể bù đắp cho quả thận bị tổn thương.
Mặt khác, khi chỉ có duy nhất một quả thận và thận bị suy giảm chức năng thì sẽ không có quả thận thứ hai đảm nhận công việc thay. Điều này có thể dẫn đến protein niệu, tích nước hoặc cao huyết áp sớm hơn.
Phòng ngừa tổn thương thận khi chỉ có một quả thận
Đối với những người chỉ có một quả thận, tổn thương thận sẽ là một vấn đề lớn vì không có quả thận thứ hai để bù đắp. Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng hoặc thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn thì người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận để tiếp tục sống.
Để tránh xảy ra điều này, điều quan trọng là phải bảo vệ tốt quả thận duy nhất. Tránh các môn thể thao có thể gây tổn thương thận, ví dụ như quyền anh, bóng đá, khúc côn cầu, võ thuật, bóng bầu dục và đấu vật.
Nếu chơi các môn thể thao này thì nên sử dụng dụng cụ bảo vệ để giảm nguy cơ tổn thương thận. Cần lưu ý, điều này chỉ giúp làm giảm nguy cơ chứ không thể phòng ngừa hoàn toàn tổn thương thận.
Ngoài ra nên tránh hoặc có biện pháp bảo vệ khi thực hiện các hoạt động có nguy cơ tổn thương thận khác, ví dụ như:
- Leo núi
- Các môn thể thao dưới nước như mô tô nước hoặc lướt ván nước
- Đi xe máy
- Cưỡi ngựa
- Nhảy bungee
- Nhảy dù
Theo thời gian, tình trạng suy giảm chức năng ở quả thận duy nhất thường rất nhẹ và không gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe, trừ khi thận bị tổn thương.
Có cần thay đổi chế độ ăn uống không?
Người có một quả thận không cần phải theo chế độ ăn uống đặc biệt nhưng cũng nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh giống như những người có đầy đủ hai quả thận.
Một điều quan trọng để giữ cho thận khỏe mạnh là uống đủ nước mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng không nên uống quá nhiều nước.
Những người chỉ có một quả thận do được ghép thận hoặc bị bệnh thận thường phải hạn chế lượng natri, phốt pho và protein trong chế độ ăn uống. Lý do là bởi thận không thể lọc những chất này khỏi máu một cách hiệu quả và lượng chất dư thừa sẽ tích tụ trong máu
Người bệnh còn phải giảm lượng nước uống hàng ngày.
Trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể về nhu cầu dinh dưỡng và lượng nước uống an toàn.
Chỉ có một quả thận có thể uống rượu bia không?
Rượu bia gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả thận. Uống rượu bia một cách vừa phải (10g cồn nguyên chất mỗi ngày đối với phụ nữ và 20g mỗi ngày đối với nam giới) thường sẽ không gây hại cho thận.
Uống rượu bia làm tăng lượng nước tiểu mà thận tạo ra nhưng lại làm giảm khả năng lọc máu của thận. Điều này phá vỡ sự cân bằng nước cũng như chất điện giải trong cơ thể và dẫn đến mất nước.
Khi cơ thể không có đủ nước, tế bào của các cơ quan, bao gồm cả thận, sẽ không thể hoạt động bình thường và cuối cùng, tình trạng này có thể dẫn đến suy giảm chức năng vĩnh viễn.
Gan cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự cân bằng nước và chất điện giải trong cơ thể. Uống quá nhiều bia rượu sẽ gây tổn thương gan và làm mất đi sự cân bằng này. Mất cân bằng nước và điện giải sẽ khiến cho thận càng khó hoạt động bình thường hơn.
Nguy cơ tổn thương thận sẽ càng cao nếu như vừa uống nhiều rượu bia và vừa hút thuốc lá.
Mặc dù có một hay hai quả thận thì uống nhiều rượu bia cũng đều có hại nhưng uống rượu bia có thể dẫn đến suy thận nhanh hơn ở những ngừoi chỉ có một quả thận hoạt động.
Người chỉ có một quả thận có cần lọc máu không?
Lọc máu là phương pháp loại bỏ chất thải và nước dư thừa khỏi máu. Lọc máu chỉ được chỉ định trong những trường hợp mà thận gần như hoặc hoàn toàn ngừng hoạt động (có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn).
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ nên bắt đầu lọc máu khi chức năng thận giảm từ 85 đến 90%. (1) Vì những người chỉ có 1 quả thận đa phần vẫn có chức năng thận gần như bình thường nên sẽ không cần phải lọc máu, trừ khi thận bị tổn thương.
Nên đi khám bao lâu một lần?
Những người chỉ có một quả thận nên đi khám định kỳ ít nhất một lần mỗi năm để đánh giá chức năng của quả thận duy nhất. Nếu như có vấn đề thì nên đi khám thường xuyên hơn.
Hai xét nghiệm thường được thực hiện để đánh giá chức năng thận gồm có:
- Độ lọc cầu thận (GFR): cho biết khả năng lọc máu của thận. GFR được tính dựa trên chỉ số creatinin trong máu kết hợp các yếu tố khác như giới tính, tuổi tác, chiều cao, cân nặng, các bệnh lý khác đang mắc…
- Xét nghiệm protein trong nước tiểu. Bình thường, thận ngăn không cho protein trong máu rò rỉ vào nước tiểu. Do đó, nồng độ protein cao trong nước tiểu có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng thận đang có vấn đề.
Ngoài ra sẽ còn phải đo huyết áp. Thận không hoạt động tốt sẽ khiến nước tích tụ trong cơ thể và điều này làm tăng huyết áp.
Do đó, cao huyết áp có thể là dấu hiệu của vấn đề về thận. Ngược lại, cao huyết áp có thể làm hỏng các mạch máu trong thận và điều này khiến cho tình trạng suy giảm chức năng thận càng trở nên trầm trọng.
Thay đổi lối sống và dùng thuốc sẽ giúp kiểm soát cao huyết áp và ngăn thận bị tổn thương thêm.
Người chỉ có một quả thận có cần ghép thận không?
Ghép thận chỉ được thực hiện khi không còn quả thận nào hoạt động. Ca phẫu thuật ghép thận tiềm ẩn nhiều rủi ro và sau phẫu thuật, người bệnh sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) trong suốt quãng đời còn lại. Nếu có một quả thận và quả thận này vẫn hoạt động tương đối tốt thì việc ghép thận sẽ không mang lại sự cải thiện nào đáng kể về chức năng thận tổng thể. Nói chung, trong những trường hợp này, rủi ro của việc ghép thận lớn hơn nhiều so với lợi ích có được.
Nếu như quả thận duy nhất bị tổn thương hoặc bị bệnh và ngừng hoạt động thì có thể ghép thận.
Bất kể có bao nhiêu quả thận trước khi phẫu thuật thì cũng chỉ có thể ghép một quả thận. Quả thận được ghép thường sẽ tăng kích thước và hoạt động mạnh hơn theo thời gian. Sau một thời gian, quả thận ghép sẽ thực hiện chức năng tương đương hai quả thận.
Tóm tắt bài viết
Hầu hết những người có một quả thận đều có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Cho dù có một hay hai quả thận thì duy trì lối sống lành mạnh cũng rất quan trọng để giữ cho thận hoạt động tốt.
Lối sống lành mạnh gồm có ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế bia rượu, uống đủ nước và khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm.
Tránh các môn thể thao va đập và các hoạt động có nguy cơ gây tổn thương thận khác cũng là điều cần thiết để bảo vệ quả thận duy nhất về lâu dài.
Nói chung ghép thận có tỷ lệ thành công cao. Phương pháp này giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Có tới 97% ca ghép thận sống thêm được ít nhất 1 năm.
Chụp CT có thể chẩn đoán chính xác ung thư thận không? Là một trong những loại ung thư rất phổ biến và cũng giống như những bệnh ung thư khác, ung thư thận càng được phát hiện sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan.
Xét nghiệm máu có phát hiện ung thư thận không? Trên thực tế, những bất thường trong kết quả xét nghiệm máu định kỳ có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thận đang có vấn đề. Tuy nhiên, không thể chẩn đoán ung thư thận dựa trên kết quả xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu chỉ cung cấp thông tin về mức độ hoạt động của thận.
Nang thận có trở thành ung thư thận không? Đây cũng là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt với những ai đã và đang có vấn đề về nang thận. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Ung thư biểu mô tế bào thận có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm khi ung thư vẫn còn khu trú trong thận. Ngay cả khi ung thư đã di căn thì vẫn có các phương pháp điều trị để làm chậm sự tiến triển của bệnh.