1

Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu

Nước tiểu thường trong suốt và không có vẩn đục, mặc dù màu sắc có thể thay đổi. Cặn lắng hoặc các hạt nhỏ có thể khiến cho nước tiểu bị đục. Đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe.
Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu

Đôi khi, cặn trong nước tiểu không thể nhìn thấy bằng mắt thường và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm nước tiểu.

Cặn lắng trong nước tiểu có thể được tạo nên từ:

  • Vi hạt
  • Các loại tế bào
  • Mảnh vụn từ đường tiết niệu
  • Dịch nhầy

Thế nào là cặn lắng bình thường trong nước tiểu?

Nước tiểu bình thường có thể chứa một lượng nhỏ cặn lắng mà chúng ta không nhìn thấy được. Lượng cặn lắng này có thể gồm protein, một lượng mô nhỏ, tế bào máu và da cũng như những tinh thể vô định hình.

Tuy nhiên, nếu như nước tiểu có quá nhiều cặn lắng, một lượng lớn tế bào hoặc có một số loại tinh thể nhất định thì đây lại là điều bất thường.

Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu

Cặn lắng trong nước tiểu có thể là do một số nguyên nhân. Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gốc rễ để có biện pháp điều trị thích hợp.

Viêm bàng quang cấp

Viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị viêm đột ngột. Nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn. Đây là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Viêm bàng quang cấp có thể khiến gây tiểu ra máu hoặc nước tiểu đục do có chứa các mảnh vụn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang cấp:

  • Sỏi thận
  • Vệ sinh không đúng cách
  • Bất thường trong đường tiết niệu
  • Bệnh tiểu đường
  • Đặt ống thông tiểu
  • Quan hệ tình dục

Bệnh tiểu đường

Các vấn đề về thận là một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường và các vấn đề này có thể gây cặn trong nước tiểu. Lượng đường (glucose) trong máu cao là đặc trưng của bệnh tiểu đường. Lượng glucose dư thừa trong máu sẽ được thận bài tiết vào nước tiểu và điều này cũng có thể khiến nước tiểu bị đục.

Ở người bị tiểu đường, đường trong máu không được vận chuyển hiệu quả vào các tế bào để tạo năng lượng. Điều này buộc cơ thể phải đốt cháy chất béo để tạo năng lượng. Quá trình đốt cháy chất béo sản sinh ra ceton. Ceton có thể được giải phóng vào nước tiểu và tạo nên cặn lắng.

Đái máu

Đái máu là một nguyên nhân phổ biến của tình trạng cặn lắng trong nước tiểu. Đái máu có nghĩa là có máu trong nước tiểu. Có nhiều nguyên nhân gây đái máu, gồm có:

  • Nhiễm trùng
  • Thuốc men
  • Bệnh thận
  • Chấn thương
  • Sỏi thận
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Ung thư thận

Đái máu có thể khiến nước tiểu chuyển màu hồng, nâu hoặc đỏ hoặc có những đốm máu. Dạng này được gọi là đái máu đại thể. Đôi khi, nước tiểu có máu nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường và chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu. Dạng này là đái máu vi thể

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu

Ống thông tiểu là ống mềm được đặt qua niệu đạo để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Những người phải sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Nước tiểu có máu hoặc đục
  • Nước tiểu có các hạt nhỏ hoặc chất nhầy
  • Nước tiểu có mùi nồng
  • Đau thắt lưng
  • Ớn lạnh và sốt

Vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xâm nhập vào đường tiết niệu:

  • qua ống thông
  • trong quá trình đặt ống thông
  • do không đổ bỏ nước tiểu trong túi chứa đúng cách
  • do ống thông không được vệ sinh thường xuyên hoặc vệ sinh không đúng cách
  • do vi khuẩn từ phân xâm nhập vào ống thông

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang hình thành khi khoáng chất trong nước tiểu kết tinh và tích tụ thành các khối rắn. Điều này thường xảy ra khi bàng quang không làm rỗng hoàn toàn và nước tiểu ứ đọng hình thành tinh thể.

Sỏi bàng quang nhỏ có thể tự trôi ra ngoài mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào nhưng những viên sỏi lớn có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ.

Các triệu chứng của sỏi bàng quang gồm có:

  • Đau bụng dưới
  • Tiểu khó
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục

Mất nước

Mất nước xảy ra khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước hấp thụ. Mất nước có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm cả những thay đổi trong nước tiểu.

Mất nước thường là do ra nhiều mồ hôi mà lại không uống đủ nước. Mất nước cũng có thể xảy ra do sốt, tiêu chảy, nôn mửa, đi tiểu nhiều hoặc bệnh tật.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mất nước:

  • Phụ nữ mang thai
  • Hoạt động thể chất cường độ cao
  • Sống ở nơi có khí hậu nắng nóng
  • Bị bệnh tiểu đường
  • Dùng các loại thuốc làm tăng đi tiểu
  • Bị bệnh thận

Các dấu hiệu của mất nước gồm có:

  • Giảm lượng nước tiểu, nước tiểu sẫm màu hoặc đục
  • Đau đầu
  • Khát nước
  • Buồn ngủ
  • Táo bón
  • Giảm tập trung, thiếu tỉnh táo
  • Hoa mắt, chóng mặt
  • Khô miệng, khô da

Nhiễm trùng nấm men

Nhiễm trùng nấm men, đặc biệt là ở âm đạo, xảy ra do sự phát triển quá mức của nấm Candida. Do đó, tình trạng này còn được gọi là nhiễm nấm Candida. Các triệu chứng của nhiễm nấm âm đạo gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Tiết dịch âm đạo
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục

Nấm Candida tồn tại tự nhiên ở âm đạo và bình thường không gây ra vấn đề gì nhưng sự phát triển nấm quá mức sẽ dẫn đến các triệu chứng viêm nhiễm.

Mang thai

Nước tiểu đục khi mang thai đôi khi là do sự thay đổi nội tiết tố nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu mất nước hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng. Do đó, khi nhận thấy nước tiểu đục hoặc có cặn trong nước tiểu thì phải uống nhiều nước và đi khám ngay.

Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) có thể gây cặn lắng trong nước tiểu. Mỗi bệnh STI có các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Nước tiểu đục
  • Nóng rát hoặc ngứa ở vùng sinh dục
  • Dịch tiết bất thường
  • Đau khi đi tiểu
  • Đau vùng chậu

Nếu có các triệu chứng STI, hãy đi khám ngay. Nhiều bệnh STI có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm cấy nước tiểu. Đa số các bệnh này đều có thể điều trị được.

Viêm tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt nằm dưới bàng quang và có chức năng sản xuất dịch trong tinh dịch. Viêm tuyến tiền liệt thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn từ nước tiểu rò rỉ vào tuyến tiền liệt nhưng cũng có thể do tổn thương dây thần kinh ở đường tiết niệu dưới.

Cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt gồm có:

  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Đau ở bụng dưới, bẹn hoặc thắt lưng
  • Tiểu khó
  • Tiểu gấp
  • Bí tiểu
  • Dòng tiểu yếu
  • Đau khi xuất tinh đau

Khi nào cần đi khám?

Nước tiểu bình thường phải trong suốt và không nhìn thấy cặn lắng.

Nếu thấy nước tiểu có máu hoặc bị vẩn đục, đặc biệt là khi còn kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi tiểu hoặc tiểu nhiều lần thì cần phải đi khám ngay. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai.

Nếu bạn đang đặt ống thông tiểu hoặc đang chăm sóc cho người phải sử dụng ống thông tiểu và thấy sốt trên 38°C (100°F) thì cần đến bệnh viện ngay vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Bạn sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân
Tin liên quan
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ

Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu hồng, đỏ, cam, xanh lam, xanh lục hoặc nâu thì được coi là bất thường. Màu nước tiểu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như một số loại thuốc, thực phẩm, vấn đề sức khỏe hoặc do bị mất nước. Nếu nhận thấy nước tiểu có màu bất thường và không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám. Màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt

Nước tiểu có bọt đôi khi chỉ đơn giản là do dòng nước tiểu chảy nhanh, va đập vào bồn cầu và tạo thành bọt khí. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra do hóa chất vệ sinh hoặc vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như những vấn đề ảnh hưởng đến bàng quang hoặc thận.

Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh?
Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh?

Nước tiểu có thể có mùi lưu huỳnh rõ rệt sau khi ăn một số loại thực phẩm như măng tây hoặc khi cơ thể bị mất nước. Đôi khi, nước tiểu có mùi bất thường là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, trong đó có bệnh gan.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu
Các nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu

Nước tiểu sậm màu có thể do mất nước hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, nguyên nhân là do loại thuốc mà bạn đang dùng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây