Các nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt
Nước tiểu thường có màu vàng nhạt đến màu hổ phách và không có bọt. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể khiến nước tiểu thay đổi màu sắc và nổi bọt, từ chế độ ăn uống, thuốc men cho đến bệnh tật.
Nếu nước tiểu có bọt, có thể là do bàng quang đầy, nước tiểu chảy xuống bồn cầu với tốc độ nhanh và tạo thành bọt khí trong nước. Nhưng nước tiểu có bọt cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Dưới đây là các nguyên nhân khiến nước tiểu nổi bọt và cách điều trị.
Các triệu chứng đi kèm
Khi đi tiểu, nước tiểu thường nổi bọt trong thời gian ngắn. Điều này thường là do bọt khí hình thành khi nước tiểu va chạm với thành bồn cầu hoặc nước trong bồn cầu.
Nhưng nếu hiện tượng nước tiểu có bọt xảy ra thường xuyên hoặc nặng dần theo thời gian thì rất có thể đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Nếu là do một vấn đề sức khỏe, nước tiểu có bọt thường đi kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Sưng phù ở bàn tay, bàn chân, mặt và bụng phình to, đây có thể là những dấu hiệu của tình trạng giữ nước do thận bị tổn thương
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Nôn
- Khó ngủ
- Lượng nước tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
- Nước tiểu đục
- Nước tiểu sẫm màu
- Xuất tinh ít hoặc không xuất tinh khi đạt cực khoái (cực khoái khô) ở nam giới
- Giảm khả năng sinh sản ở nam giới
Nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt
Nguyên nhân chính khiến nước tiểu có bọt là do tốc độ dòng tiểu. Giống như nước nổi bọt khi chảy mạnh ra từ vòi, nước tiểu cũng nổi bọt nếu chảy với tốc độ nhanh vào bồn cầu. Các bọt khí thường biến mất nhanh chóng.
Đôi khi, nước tiểu nổi bọt khi cô đặc. Nước tiểu trở nên cô đặc hơn khi bạn không uống đủ nước và bị mất nước.
Nước tiểu có bọt cũng có thể là do có quá nhiều protein, chẳng hạn như albumin. Protein trong nước tiểu phản ứng với không khí và tạo ra bọt.
Chức năng của thận là lọc nước thừa và chất thải từ máu, sau đó bài tiết vào nước tiểu. Protein và các chất quan trọng khác có kích thước hạt quá lớn nên không thể đi qua bộ lọc của thận, vì vậy nên các chất này ở lại trong máu.
Nhưng khi bị tổn thương, thận sẽ không còn khả năng lọc máu một cách hiệu quả. Khi thận bị tổn thương, lượng protein rò rỉ từ máu vào nước tiểu sẽ tăng lên. Tình trạng có quá nhiều protein trong nước tiểu được gọi là protein niệu hay đạm niệu. Đó là một trong những dấu hiệu của bệnh thận mạn hay suy thận mạn giai đoạn cuối.
Một nguyên nhân ít phổ biến hơn khiến nước tiểu có bọt là xuất tinh ngược. Đây là tình trạng tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì được phóng ra khỏi dương vật khi xuất tinh.
Một bệnh lý hiếm gặp gọi là thoái hóa tinh bột (amyloidosis) cũng có thể gây ra hiện tượng nước tiểu có bọt, ngoài ra còn có các triệu chứng như giữ nước và các vấn đề về thận. Thoái hóa tinh bột xảy ra khi một loại protein có tên là amyloid tích tụ ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Ngoài các bệnh lý, nước tiểu có bọt đôi khi là do thuốc. Điều này có thể xảy ra do dùng phenazopyridine – một loại thuốc được dùng để điều trị triệu chứng đau do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Và đôi khi, vấn đề đến từ nhà vệ sinh. Một số hóa chất tẩy rửa bồn cầu có thể làm cho nước tiểu có bọt. Nếu nghi ngờ đây là nguyên nhân, hãy thử dừng dùng loại hóa chất đó và xem nước tiểu có còn bọt hay không.
Yếu tố nguy cơ
Nước tiểu sẽ có bọt nếu bạn đi tiểu khi bàng quang đầy, điều này khiến dòng nước tiểu chảy nhanh và mạnh hơn.
Nước tiểu cũng có thể nổi bọt khi trở nên cô đặc, điều này có thể xảy ra do mất nước hoặc mang thai.
Protein trong nước tiểu cũng có thể gây nổi bọt và protein niệu thường là do bệnh thận. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử gia đình mắc bệnh thận
- Cao huyết áp
- Các nguyên nhân có thể gây xuất tinh ngược gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Dùng thuốc điều trị cao huyết áp, phì đại tuyến tiền liệt hoặc rối loạn tâm trạng
- Tổn thương thần kinh do chấn thương tủy sống, bệnh tiểu đường hoặc bệnh đa xơ cứng
- Phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo
Nên đi khám nếu tình trạng nước tiểu có bọt kéo dài hoặc có các dấu hiệu bệnh thận hay xuất tinh ngược.
Chẩn đoán nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt
Bạn sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ để kiểm tra lượng protein trong nước tiểu. Mẫu nước tiểu cũng sẽ được phân tích để xác định tỷ lệ albumin/creatinin (creatinin là một chất được tạo ra trong quá trình phân hủy mô cơ).
Tỷ lệ albumin/creatinin nước tiểu (ACR) giúp đánh giá chức năng lọc máu của thận. Nếu ACR cao trên 30mg/g thì rất có thể bạn đã bị bệnh thận. Bác sĩ sẽ thực hiện thêm các bước kiểm tra khác để đánh giá chức năng của thận.
Nếu phát hiện tinh trùng trong mẫu nước tiểu thì có thể nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt là do xuất tinh ngược.
Điều trị nước tiểu có bọt
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt. Nếu là do nước tiểu cô đặc thì chỉ cần uống nhiều nước hơn để cung cấp đủ nước cho cơ thể và làm loãng nước tiểu.
Điều trị bệnh tiểu đường và cao huyết áp
Nếu nước tiểu có bọt do thận bị tổn thương thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ gây tổn thương thận. Hai nguyên nhân phổ biến nhất là bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Kiểm soát tốt các bệnh lý này sẽ giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự tiến triển của tình trạng tổn thương thận.
Đặc trưng của bệnh tiểu đường là lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu cao sẽ dần dần làm hỏng thận. Người mắc bệnh tiểu đường cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn để kiểm soát lượng đường trong máu. Người bệnh sẽ phải đo đường huyết thường xuyên và duy trì đường huyết trong phạm vi khỏe mạnh. Ngoài ra có thể sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát đường huyết.
Người bị cao huyết áp cũng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và tích cực hoạt động thể chất. Ăn ít muối và protein vừa giúp làm giảm huyết áp và vừa giúp thận không phải làm việc quá nhiều.
Nếu không thể kiểm soát huyết áp bằng chế độ ăn uống và tập thể dục, người bệnh sẽ phải dùng thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu hoặc các loại thuốc làm giảm huyết áp khác. Thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin là hai loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị cao huyết áp. Hai loại thuốc này còn có tác dụng bảo vệ thận.
Điều trị xuất tinh ngược
Xuất tinh ngược không cần phải điều trị, trừ khi bạn muốn có con hoặc muốn khắc phục tình trạng cực khoái khô. Hiện không có thuốc đặc trị xuất tinh ngược. Các loại thuốc được dùng để điều trị xuất tinh ngược đa phần là thuốc dành cho các bệnh lý khác. Các loại thuốc này có tác dụng làm co cơ ở cổ bàng quang, nhờ đó ngăn tinh dịch chảy vào bên trong bàng quang khi xuất tinh.
Dưới đây là một số loại thuốc được dùng để điều trị xuất tinh ngược:
- Brompheniramin (một loại thuốc kháng histamin được dùng để làm giảm các triệu chứng dị ứng)
- chlorpheniramine (một loại thuốc kháng histamin)
- ephedrin (một loại thuốc có tác dụng làm tăng huyết áp)
- imipramine (một loại thuốc điều trị trầm cảm)
- phenylephrine (một loại thuốc có tác dụng làm tăng huyết áp)
- pseudoephedrine (một loại thuốc điều trị các triệu chứng dị ứng)
Tất cả các loại thuốc kể trên đều không được phê duyệt để điều trị xuất tinh ngược. Do đó, đây là một mục đích sử dụng “ngoài hướng dẫn” (off-label) của các loại thuốc này.
Tóm tắt bài viết
Nếu chỉ thi thoảng xảy ra thì nước tiểu có bọt không phải là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là nếu bọt khí biến mất nhanh chóng. Đây có thể chỉ là do bọt khí hình thành khi nước tiểu va chạm với bồn cầu hoặc biểu hiện của mất nước và bạn chỉ cần uống nhiều nước hơn để làm loãng nước tiểu. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy thận đang bị tổn thương. Thông thường, triệu chứng này xuất hiện khi bệnh thận đã tiến triển nặng nên điều quan trọng là phải điều trị ngay lập tức.
Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.
Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu hồng, đỏ, cam, xanh lam, xanh lục hoặc nâu thì được coi là bất thường. Màu nước tiểu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như một số loại thuốc, thực phẩm, vấn đề sức khỏe hoặc do bị mất nước. Nếu nhận thấy nước tiểu có màu bất thường và không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám. Màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị.
Nước tiểu có thể có mùi lưu huỳnh rõ rệt sau khi ăn một số loại thực phẩm như măng tây hoặc khi cơ thể bị mất nước. Đôi khi, nước tiểu có mùi bất thường là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, trong đó có bệnh gan.
Nước tiểu sậm màu có thể do mất nước hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, nguyên nhân là do loại thuốc mà bạn đang dùng.
Tình trạng nước tiểu có hồng cầu (một loại tế bào máu) được gọi là đái máu hay tiểu máu. Đái máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như mới quan hệ tình dục hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu. Hồng cầu trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm gan siêu vi.