Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh?
Nước tiểu của mỗi người có mùi đặc trưng riêng và thi thoảng, mùi nước tiểu sẽ có sự thay đổi do đồ ăn, thức uống, mất nước hay do thuốc. Đây là hiện tượng hết sức bình thường.
Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lưu huỳnh cũng có thể là do một số bệnh lý tiềm ẩn.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh và cách điều trị.
1. Măng tây và các loại thực phẩm khác
Một trong những loại thực phẩm làm cho nước tiểu có mùi lưu huỳnh là măng tây. Lý do là bởi măng tây có chứa axit asparagusic và khi vào cơ thể, axit asparagusic được chuyển hóa thành các hợp chất có chứa lưu huỳnh. Những hợp chất này bị đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu và làm cho nước tiểu có mùi lưu huỳnh rõ rệt.
Ăn quá nhiều hành hoặc tỏi cũng có thể gây ra mùi này.
Cách khắc phục
Tránh những loại thực phẩm này là cách duy nhất để ngăn mùi nước tiểu bất thường. Tuy nhiên, nếu không muốn kiêng hoàn toàn thì bạn có thể giảm mùi bằng cách uống nhiều nước trước và trong bữa ăn. Điều này sẽ làm loãng các hợp chất gây mùi trong nước tiểu.
2. Mất nước
Nước tiểu gồm có nước và các chất hóa học bị đào thải khỏi cơ thể. Khi bị mất nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc và nồng độ các hóa chất này trong nước tiểu sẽ cao hơn. Điều này khiến nước tiểu nặng mùi hơn bình thường.
Do không có đủ nước để hòa loãng nên dù chỉ có một lượng nhỏ lưu huỳnh được đào thải vào nước tiểu thì cũng sẽ gây mùi rõ rệt.
Các dấu hiệu khác của mất nước gồm có:
- Khô miệng
- Khát nước
- Mệt mổi, uể oải
- Đau đầu
- Da khô
- Chóng mặt
Cách khắc phục
Hãy uống nhiều nước hàng ngày để cơ thể luôn có đủ nước. Tốt nhất nên uống nước lọc, tránh đồ uống có cồn và caffeine vì cả hai đều có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là gây đi tiểu nhiều hơn và khiến cơ thể dễ bị mất nước.
3. Một số loại thuốc
Nước tiểu có mùi lưu huỳnh có thể là do một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Hai ví dụ điển hình là viên uống bổ sung vitamin B và thuốc sulfonamide.
Thuốc sulfonamide được sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh, gồm có:
- Viêm khớp dạng thấp
- Nhiễm trùng
- Bệnh tiểu đường
Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B và thuốc sulfonamide ảnh hưởng đến sự cân bằng chất hóa học trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng lượng lưu huỳnh được bài tiết vào nước tiểu.
Cách khắc phục
Uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng nước tiểu và giảm mùi lưu huỳnh trong thời gian dùng các loại thuốc này.
Nếu nước tiểu vẫn còn mùi khó chịu thì bạn có thể nói với bác sĩ về việc đổi sang loại thuốc khác. Ví dụ, tiêm vitamin B12 thay vì bổ sung vitamin B12 qua đường uống có thể giúp giảm bớt mùi lưu huỳnh trong nước tiểu.
4. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường do vi khuẩn gây ra và vi khuẩn có thể làm thay đổi mùi nước tiểu.
Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu rất ít
- Đau vùng chậu ở phụ nữ
- Nước tiểu có máu
- Nước tiểu đục
Cách điều trị
Hãy đi khám khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, hãy uống nhiều nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp đi tiểu thường xuyên hơn và ngăn vi khuẩn tích tụ trong đường tiết niệu. Ngoài ra, hãy giữ vệ sinh vùng sinh dục.
5. Viêm bàng quang
Viêm bàng quang thường xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại.
Vi khuẩn gây viêm có thể ảnh hưởng đến nước tiểu khi nước tiểu ở trong hoặc đi qua bàng quang. Điều này có thể khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh mạnh.
Các triệu chứng khác của viêm bàng quang gồm có:
- Buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu
- Nước tiểu có máu
- Nước tiểu đục
- Đau bụng hoặc thắt lưng
- Đau khi quan hệ tình dục
Cách điều trị
Hãy đi khám nếu gặp các triệu chứng viêm bàng quang. Nếu đúng là viêm bàng quang, bạn sẽ phải dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Bên cạnh đó, hãy uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn khỏi bàng quang và giảm mùi lưu huỳnh của nước tiểu.
Uống nước ép nam việt quất cũng là một cách giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu – một nguyên nhân có thể dẫn đến viêm bàng quang.
6. Bệnh gan
Khi chức năng gan bị suy giảm, các chất độc và chất thải sẽ không được lọc khỏi máu một cách hiệu quả. Điều này có thể làm thay đổi màu sắc, mùi và độ đặc của nước tiểu.
Các triệu chứng khác của bệnh gan gồm có:
- Vàng da và tròng trắng của mắt
- Sưng phù ở cẳng chân, bàn chân và mắt cá chân
- Ngứa ngáy
- Đau bụng
- Bụng phình to
- Buồn nôn
- Nôn
- Nước tiểu sậm màu
- Ăn không ngon miệng
- Dễ bị bầm tím
- Phân nhạt màu, màu đen hoặc có lẫn máu
Cách điều trị
Nếu gặp các triệu chứng kể trên thì bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp.
Các phương pháp điều trị bệnh gan gồm có:
- Ăn uống cân bằng
- Hạn chế uống rượu bia
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Dùng thuốc kháng virus nếu bệnh gan là do virus gây ra
Trong trường hợp mắc bệnh gan nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật ghép gan.
7. Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt và khu vực xung quanh. Viêm tuyến tiền liệt có thể là mạn tính hoặc cấp tính và thường là do nhiễm vi khuẩn gây ra.
Tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo, do đó vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng đến bàng quang cũng như niệu đạo và đi vào nước tiểu, khiến cho nước tiểu có mùi lưu huỳnh.
Các triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt gồm có:
Đau trong hoặc gần bìu, dương vật hoặc vùng đáy chậu (khu vực giữa hậu môn và bìu)
- Đau thắt lưng
- Đau trong hoặc sau khi đi tiểu
- Đau trong hoặc sau khi xuất tinh
- Dòng nước tiểu yếu hoặc ngắt quãng
Cách điều trị
Hãy đi khám khi có các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên. Điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn. Những thói quen này còn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
8. Lỗ rò
Lỗ rò là những đường nối thông bất thường giữa hai bộ phận trong cơ thể, chẳng hạn như giữa trực tràng và bàng quang. Khi hình thành lỗ rò, vi khuẩn từ trực tràng sẽ di chuyển vào bàng quang.
Điều này có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng bàng quang tái phát và một trong các triệu chứng là nước tiểu có mùi giống lưu huỳnh. Nước tiểu cũng có thể có mùi này ngay cả khi không bị nhiễm trùng.
Một triệu chứng khác của rò trực tràng - bàng quang là nước tiểu có mùi thối như phân.
Cách điều trị
Hãy đi khám nếu gặp các triệu chứng trên. Nếu đúng là do lỗ rò thì có thể sẽ phải phẫu thuật. Nếu lỗ rò là do nhiễm trùng thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ để ngăn ngừa vấn đề tái phát.
9. Tăng methionine máu
Tăng methionine máu là một bệnh lý di truyền, xảy ra khi trong máu có quá nhiều methionine (một loại axit amin).
Nước tiểu sẽ có mùi lưu huỳnh nếu methionine không được phân hủy hết trong cơ thể. Không chỉ nước tiểu, tăng methionine máu còn có thể khiến hơi thở hoặc mồ hôi có mùi lưu huỳnh.
Các triệu chứng khác của tăng methionine máu gồm có:
- Trẻ chậm phát triển trí tuệ và kỹ năng vận động
- Vấn đề về gan
- Yếu cơ
- Cử động, phản ứng chậm chạp
- Vấn đề về thần kinh
Cách điều trị
Hãy đưa trẻ đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu tăng methionine máu. Trẻ bị tăng methionine máu cần hạn chế ăn thực phẩm chứa methionine như các loại hạt, thịt bò, cừu, lợn, phô mai, cá, động vật có vỏ, đậu nành, trứng, sản phẩm từ sữa và các loại đậu cũng như thực phẩm giàu protein để kiểm soát các triệu chứng và cân bằng mức methionine trong cơ thể.
Khi nào cần đi khám?
Nếu nguyên nhân do đồ ăn hoặc do mất nước thì mùi lưu huỳnh trong nước tiểu sẽ chỉ là tạm thời. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nên đi khám, đặc biệt là khi mùi nước tiểu bất thường đi kèm các triệu chứng như:
- Đau buốt khi đi tiểu
- Nước tiểu đục
- Nước tiểu có máu
- Đau bụng, vùng chậu hoặc đau lưng
Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.
Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu hồng, đỏ, cam, xanh lam, xanh lục hoặc nâu thì được coi là bất thường. Màu nước tiểu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như một số loại thuốc, thực phẩm, vấn đề sức khỏe hoặc do bị mất nước. Nếu nhận thấy nước tiểu có màu bất thường và không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám. Màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị.
Nước tiểu có bọt đôi khi chỉ đơn giản là do dòng nước tiểu chảy nhanh, va đập vào bồn cầu và tạo thành bọt khí. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra do hóa chất vệ sinh hoặc vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như những vấn đề ảnh hưởng đến bàng quang hoặc thận.
Nước tiểu sậm màu có thể do mất nước hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, nguyên nhân là do loại thuốc mà bạn đang dùng.
Tình trạng nước tiểu có hồng cầu (một loại tế bào máu) được gọi là đái máu hay tiểu máu. Đái máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như mới quan hệ tình dục hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu. Hồng cầu trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm gan siêu vi.