1

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị

Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị

Nước tiểu gồm có nước và một lượng nhỏ chất thải. Nước tiểu thường có mùi khai nhẹ nhưng mùi nước tiểu có thể thay đổi vì nhiều lý do. Đôi khi, nước tiểu có mùi tanh.

Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra điều này và cách điều trị.

1. Chế độ ăn uống và mất nước

Một số chất trong đồ ăn, thức uống được bài tiết vào nước tiểu và khiến cho mùi nước tiểu thay đổi.

Ví dụ, nước tiểu có thể có mùi tanh sau khi ăn nhiều cá.

Các loại thực phẩm và đồ uống khác cũng có thể gây ra điều này gồm có:

  • Caffeine: một chất có đặc tính lợi tiểu có trong cà phê, trà, socola
  • Măng tây: có chứa axit asparaginic - một hợp chất chứa lưu huỳnh, do đó nước tiểu có thể có mùi bất thường sau khi ăn măng tây.
  • Bắp cải: chứa methyl mercaptan – một hợp chất lưu huỳnh

Mất nước cũng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm mùi tanh trong nước tiểu. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ không có đủ nước để làm loãng nước tiểu, điều này có nghĩa là nồng độ hóa chất trong nước tiểu sẽ cao hơn và khiến cho nước tiểu có mùi nhiều hơn.

Cách khắc phục

Khi ngừng ăn các loại thực phẩm gây mùi, mùi nước tiểu sẽ trở về bình thường sau một vài ngày. Bạn cũng có thể uống nhiều nước, đặc biệt là sau khi uống caffeine để ngăn mất nước và làm loãng nước tiểu, nhờ đó làm giảm mùi khó chịu.

2. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn có thể đi vào nước tiểu và tạo ra mùi tanh. Phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu liên tục
  • Tiểu gấp
  • Đau bụng dưới hoặc thắt lưng
  • Sốt nhẹ

Cách điều trị

Hãy đi khám nếu các triệu chứng kéo dài quá 24 giờ không đỡ. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đúng là nhiễm trùng thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nhiễm trùng không được điều trị kịp thời có thể sẽ lan đến thận.

3. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi có quá nhiều vi khuẩn có hại trong âm đạo, phá vỡ sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Viêm âm đạo do vi khuẩn có triệu chứng là khí hư màu xám, có mùi tanh và điều này cũng có ảnh hưởng đến mùi nước tiểu.

Không phải ai bị viêm âm đạo do vi khuẩn cũng có triệu chứng.

Nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Khí hư loãng, có màu trắng đục hoặc xám, mùi tanh, mùi tăng lên sau khi quan hệ tình dục
  • Ngứa ngáy, nóng rát âm đạo
  • Đau rát khi quan hệ tình dục
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo bất thường

Cách điều trị

Đôi khi viêm âm đạo do vi khuẩn sẽ tự khỏi nhưng nếu qua một tuần mà các triệu chứng không đỡ thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị. Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể tái phát sau điều trị.

4. Hội chứng mùi cá

Hội chứng mùi cá (trimethylaminuria) là một rối loạn chuyển hóa hiếm gặp xảy ra khi cơ thể không thể phân hủy trimethylamine – một hợp chất được tạo ra trong ruột sau khi ăn một số loại thực phẩm giàu protein. Hợp chất này đi vào nước tiểu và khiến nước tiểu có mùi tanh.

Cách điều trị

Hội chứng mùi cá là một hội chứng di truyền và không có cách chữa trị khỏi. Tuy nhiên, người mắc hội chứng này có thể làm giảm các triệu chứng bằng cách tránh một số loại thực phẩm như:

  • Trứng
  • Các loại đậu
  • Gan và các loại nội tạng khác
  • Sữa bò ăn lúa mì
  • Chuối
  • Đậu nành
  • Các loại hạt

5. Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng tuyến tiền liệt và vùng mô xunh quanh bị viêm. Viêm tuyến tiền liệt thường là do nhiễm vi khuẩn và có thể tiến triển nhanh chóng. Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang nên vi khuẩn có thể đi vào nước tiểu và khiến nước tiểu có mùi tanh.

Các triệu chứng khác của viêm tuyến tiền liệt:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi người
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đau thắt lưng
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Đau ở vùng sinh dục, gồm có dương vật, tinh hoàn và đáy chậu
  • Tiểu khó, dóng tiểu yếu và không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu

Cách điều trị

Hãy đi khám khi có các dấu hiệu viêm tuyến tiền liệt. Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm vi khuẩn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Trong thời gian chờ thuốc kháng sinh phát huy tác dụng, bạn có thể dùng thuốc chẹn alpha. Loại thuốc này giúp làm giãn cơ cổ bàng quang, giúp đi tiểu dễ dàng hơn và giảm triệu chứng tiểu buốt. Nếu cần thiết thì có thể dùng thêm thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen.

6. Sỏi thận

Sỏi thận có thể di chuyển bên trong thận và đường tiết niệu. Điều này có thể gây nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến nước tiểu có mùi tanh, đục hoặc có máu.

Một triệu chứng của sỏi thận là đau dữ dội lan từ vùng hạ sườn xuống bẹn. Cơn đau thường xảy ra thành từng đợt với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Sỏi thận còn có thể gây buồn nôn và nôn.

Nếu bị nhiễm trùng, bạn còn có thể bị sốt và ớn lạnh.

Cách điều trị

Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi theo nước tiểu ra ngoài nhưng quá trình này sẽ gây đau đớn. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau nhưng nếu bị đau dữ dội thì nên đi khám.

Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ cổ bàng quang và giúp sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn.

Nếu sỏi có kích thước lớn và có nguy cơ kẹt trong đường tiết niệu thì sẽ phải tán sỏi ngoài cơ thể hoặc phẫu thuật để loại bỏ sỏi.

7. Bệnh gan

Mặc dù không phổ biến nhưng nước tiểu có mùi tanh có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan, đặc biệt là suy gan. Suy gan là khi gan không thể xử lý độc tố một cách hiệu quả. Những độc tố này sau đó được giải phóng vào nước tiểu và gây ra mùi bất thường.

Ngoài mùi nước tiểu bất thường, các triệu chứng khác của bệnh gan gồm có:

  • Nước tiểu sẫm màu
  • Khó tiểu, một phần là do nước tiểu đặc hơn
  • Vàng da
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon miệng
  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi

Cách điều trị

Hãy đi khám khi gặp các triệu chứng kể trên. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề về gan hoặc biến chứng của bệnh gan.

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào vấn đề cụ thể. Một số vấn đề về gan có thể điều trị được bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và giảm cân nếu thừa cân. Nhưng nhiều bệnh về gan cần điều trị bằng thuốc, lọc máu hoặc phẫu thuật ghép gan.

8. Viêm bàng quang

Viêm bàng quang thường là do nhiễm vi khuẩn và tình trạng này có thể xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn có thể tạo ra mùi tanh trong nước tiểu.

Các triệu chứng khác của viêm bàng quang gồm có:

  • Tiểu gấp
  • Tiểu rắt (đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần chỉ rất ít)
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục, có máu hoặc có mùi nồng
  • Khó chịu ở vùng chậu
  • Đau tức ở vùng bụng dưới
  • Sốt

Cách điều trị

Hãy đi khám khi có các dấu hiệu viêm bàng quang. Viêm bàng quang cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận. Bạn có thể chườm ấm để giảm cảm giác khó chịu ở vùng bụng và vùng chậu. Ngoài ra nên uống nhiều nước để đào thải vi khuẩn nhanh hơn.

9. Phenylketon niệu

Phenylketon niệu là một bệnh di truyền hiếm gặp, xảy ra khi cơ thể bị thiếu hụt enzyme chuyển hóa phenylalanine (một loại axit amin). Điều này dẫn đến lượng phenylalanine trong cơ thể tăng cao và đi vào nước tiểu, gây ra mùi tanh.

Các triệu chứng phenylketon niệu thường xuất hiện ngay trong vài tháng đầu sau khi sinh.

Ngoài mùi nước tiểu bất thường, các triệu chứng khác của phenylketon niệu gồm có:

  • Trí tuệ kém phát triển
  • Tăng động
  • Kích thước đầu nhỏ hơn nhiều so với bình thường
  • Viêm da
  • Run chân tay
  • Co giật
  • Chuyển động cánh tay và chân bất thường
  • Rối loạn hành vi, cảm xúc
  • Màu da, màu tóc, màu mắt nhợt nhạt.

Cách điều trị

Phenylketon niệu không thể chữa khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Điều quan trọng là phải tránh các loại thực phẩm có chứa phenylalanine, chẳng hạn như:

  • Sữa
  • Phô mai
  • Một số chất làm ngọt nhân tạo
  • Thịt gà
  • Trứng
  • Đậu

10. Trichomonas

Trichomonas là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) do ký sinh trùng đơn bào gây ra.

Một số người bị nhiễm trichomonas không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, ở phụ nữ, bệnh này có thể gây triệu chứng khí hư có mùi tanh, trong suốt, trắng đục, vàng hoặc hơi xanh.

Các triệu chứng khác gồm có:

  • Ngứa ngáy, nóng rát ở vùng sinh dục
  • Sưng đỏ hoặc đau nhức bộ phận sinh dục
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu

Cách điều trị

Hãy đi khám ngay nếu nghi ngờ mắc các bệnh STI như trichomonas. Các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Điều quan trọng là phải dùng thuốc kháng sinh đủ liều. Cả người bị bệnh và bạn tình đều phải điều trị, sau khi điều trị xong cần chờ 7 đến 10 ngày mới được quan hệ tình dục để tránh tái nhiễm.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy nước tiểu có mùi tanh và nguyên nhân không phải do chế độ ăn hay mất nước, đặc biệt là khi còn có các triệu chứng sau:

  • Đau khi đi tiểu
  • Máu trong nước tiểu
  • Sốt

Hãy đến bệnh viện ngay nếu gặp phải các triệu chứng dưới đây:

  • Đau dữ dội khi đi tiểu
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau lưng hoặc đau bụng dữ dội
  • Sốt từ 39°C (103°F) trở lên

Đó có thể là những triệu chứng của sỏi thận hoặc nhiễm trùng lan đến thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị
Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị

Tiểu ngập ngừng có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên bị tiểu ngập ngừng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt?

Nước tiểu có mùi ngọt hoặc mùi trái cây có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi ngọt. Do cơ thể đào thải vi khuẩn, glucose, axit amin và nhiều chất khác vào nước tiểu nên mùi nước tiểu sẽ thay đổi theo tình trạng sức khỏe. Nếu đột nhiên nhận thấy nước tiểu có mùi ngọt thì bạn nên đi khám ngay.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi amoniac

Các chất thải được bài tiết vào nước tiểu đều có mùi nhưng do được hòa loãng với nước (khoảng 95% nước tiểu là nước) nên các chất này thường không còn mùi rõ rệt nữa. Tuy nhiên, nếu nước tiểu trở nên cô đặc, nghĩa là nồng độ chất thải cao hơn thì nước tiểu có thể sẽ có mùi amoniac.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ

Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu hồng, đỏ, cam, xanh lam, xanh lục hoặc nâu thì được coi là bất thường. Màu nước tiểu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như một số loại thuốc, thực phẩm, vấn đề sức khỏe hoặc do bị mất nước. Nếu nhận thấy nước tiểu có màu bất thường và không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám. Màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây