1

Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị

Tiểu ngập ngừng có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên bị tiểu ngập ngừng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị.
Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị Các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng và cách điều trị

Tiểu ngập ngừng là gì?

Tiểu ngập ngừng là tình trạng khó bắt đầu đi tiểu hoặc duy trì dòng nước tiểu. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở nam giới lớn tuổi.

Trong một số trường hợp, tiểu ngập ngừng có thể dẫn đến bí tiểu – tình trạng buồn tiểu nhưng không thể đi được. Bí tiểu là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Tiểu ngập ngừng có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên bị tiểu ngập ngừng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị.

Nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu ngập ngừng. Ở nam giới, tình trạng này thường là do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Ở cả nam và nữ, tình trạng tiểu ngập ngừng cũng có thể là do:

  • Rối loạn cơ bàng quang
  • Tổn thương thần kinh
  • Phẫu thuật
  • Nhiễm trùng
  • Vấn đề về tâm lý
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
  • Khối u gây cản trở niệu đạo hoặc bàng quang

Phì đại tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm quanh niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Một chức năng của tuyến tiền liệt là sản xuất ra chất lỏng mang tinh trùng.

Ở nhiều nam giới, tuyến tiền liệt phát triển to lên khi có tuổi. Phì đại tuyến tiền liệt hay nói cách khác tuyến tiền liệt phát triển quá mức sẽ chèn lên phần niệu đạo nằm bên trong tuyến tiền liệt và gây cản trở nước tiểu chảy qua niệu đạo, dẫn đến tình trạng khó bắt đầu dòng nước tiểu hoặc dòng tiểu yếu, ngắt quãng.

Rối loạn thần kinh và tổn thương thần kinh

Các dây thần kinh bị tổn thương hoặc rối loạn hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tiểu tiện. Các dây thần kinh có thể bị tổn thương do:

  • Tai nạn
  • Đột quỵ
  • Sinh nở
  • Bệnh tiểu đường
  • Nhiễm trùng não hoặc tủy sống
  • Bệnh đa xơ cứng và các rối loạn hệ thần kinh khác cũng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh.

Phẫu thuật

Việc gây mê trong quá trình phẫu thuật có thể làm suy yếu một số dây thần kinh. Điều này có thể dẫn đến rối loạn tiểu tiện trong giai đoạn hậu phẫu. Phẫu thuật bàng quang, thận hoặc niệu đạo còn có thể gây hình thành mô sẹo làm thu hẹp niệu đạo. Điều này có thể dẫn đến chứng tiểu ngập ngừng.

Nhiễm trùng

Viêm tuyến tiền liệt là một vấn đề thường gặp ở nam giới. Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt có thể là do bị nhiễm trùng. Tình trạng này khiến tuyến tiền liệt sưng lên và chèn lên niệu đạo. Điều này có thể dẫn đến tiểu ngập ngừng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) cũng có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng tiểu tiện ở cả nam giới và phụ nữ.

Chứng ngại tiểu tiện

Đôi khi, tình trạng tiểu ngập ngừng có thể là dấu hiệu của một vấn đề về tâm lý gọi là chứng ngại tiểu tiện (paruresis). Đây là một dạng rối loạn lo âu xã hội có biểu hiện là khó hoặc không thể đi tiểu ở nhà vệ sinh công cộng hoặc khi có mặt người khác.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra vấn đề về khả năng tiểu tiện. Ví dụ, một số loại thuốc điều trị cảm lạnh, thuốc trị nghẹt mũi và thuốc chống dị ứng có thể gây ra tác dụng phụ này.

Thuốc kháng cholinergic – một nhóm được sử dụng để điều trị co thắt dạ dày, co thắt cơ và tiểu không tự chủ cũng có thể gây tiểu ngập ngừng và bí tiểu. Thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây rối loạn tiểu tiện.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám khi đang gặp phải tình trạng tiểu ngập ngừng kéo dài dai dẳng hoặc tái phát thường xuyên để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị làm giảm các triệu chứng.

Tiểu ngập ngừng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu tình trạng tiểu ngập ngừng đi kèm các triệu chứng sau đây:

  • Nôn mửa
  • Sốt
  • Run chân tay
  • Ớn lạnh
  • Đau ở vùng thắt lưng

Nếu đột nhiên không thể đi tiểu được thì cũng phải đến bệnh viện ngay. Tình trạng này có thể rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Chẩn đoán nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng tiểu ngập ngừng hoặc các rối loạn tiểu tiện khác, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và hỏi về các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Tình trạng tiểu ngập ngừng đã xảy ra được bao lâu
  • Tình trạng này xảy ra từ từ hay đột ngột
  • Có điều gì giúp cải thiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng hay không

Bác sĩ cũng sẽ hỏi về các triệu chứng khác mà người bệnh gặp phải. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết về các bệnh lý đang mắc cũng như tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng.

Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm nước tiểu để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Có thể sẽ phải soi tươi dịch niệu đạo và đưa ống thông vào niệu đạo để lấy mẫu nước tiểu trực tiếp từ bàng quang.

Ngoài ra, để chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn tiểu tiện thì thường sẽ phải thực hiện các phương pháp kiểm tra sau đây:

  • Đo niệu dòng: đo thể tích và tốc độ dòng chảy nước tiểu khi đi tiểu.
  • Đo áp lực bàng quang: sử dụng ống thông để đo áp lực bên trong bàng quang, sau đó so sánh với tốc độ dòng chảy nước tiểu trong khi đi tiểu.
  • Quay phim niệu động học: bơm một loại dung dịch đặc biệt qua ống thông vào bàng quang để tạo ra hình ảnh tương phản trong quá trình làm đầy và làm trống bàng quang.

Nếu người bệnh là nam giới, bác sĩ sẽ tiến hành thêm phương pháp thăm trực tràng – tuyến tiền liệt và siêu âm hoặc các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác để tạo hình ảnh của tuyến tiền liệt.

Điều trị tiểu ngập ngừng

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra chứng tiểu ngập ngừng. Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê thuốc, chỉ định phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác.

Đôi khi có thể làm giảm các triệu chứng bằng biện pháp khắc phục tại nhà, ví dụ như đặt một chai nước nóng hoặc túi chườm ấm lên vùng bụng dưới. Điều này có thể giúp làm giãn cơ và cải thiện dòng nước tiểu qua niệu đạo.

Nhẹ nhàng mát xa khu vực này và uống nhiều nước cũng có thể giúp đi tiểu dễ dàng hơn.

Điều gì xảy ra nếu không điều trị?

Nếu không điều trị, các triệu chứng có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Việc tiểu tiện sẽ ngày càng khó khăn và cuối cùng người bệnh có thể bị bí tiểu (hoàn toàn không đi tiểu được). Đây là một tình trạng rất nguy hiểm.

Tốt nhất nên đi khám ngay khi gặp vấn đề bất thường khi đi tiểu. Hầu hết các nguyên nhân gây tiểu ngập ngừng đều điều trị được. Điều trị sớm sẽ giúp làm giảm nguy cơ tổn thương vĩnh viễn các cơ quan trong đường tiết niệu.

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tiểu rắt: Nguyên nhân và cách điều trị
Tiểu rắt: Nguyên nhân và cách điều trị

Tiểu rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu, mang thai, phì đại tuyến tiền liệt, căng thẳng, hồi hộp hoặc bệnh tiểu đường.

Són tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị
Són tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị

Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây