1

Són tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.
Són tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị Són tiểu khi mang thai: Nguyên nhân và cách điều trị

Són tiểu là gì?

Són tiểu là tình trạng nước tiểu rò rỉ ra khỏi bàng quang một cách không tự chủ.

Đi tiểu nhiều lần là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai kỳ và ngoài ra, sản phụ còn có thể gặp phải những rối loạn tiểu tiện khác như són tiểu trong và sau khi mang thai. Theo một khảo sát, khoảng 54,3% phụ nữ mang thai cho biết tình trạng són tiểu gây ra những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng hơn vào những tháng cuối của thai kỳ do lúc này thai nhi đã phát triển lớn và chèn ép lên bàng quang. Són tiểu có kéo dài vài tuần sau khi sinh.

Có nhiều loại són tiểu:

  • Són tiểu do tăng áp lực: nước tiểu rò rỉ khi có áp lực tác động lên bàng quang
  • Són tiểu cấp kỳ: đột ngột buồn tiểu dữ dội, không nhịn được và giải phóng nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh, thường do các cơ bàng quang co thắt không tự chủ.
  • Són tiểu hỗn hợp: kết hợp giữa són tiểu do tăng áp lực và són tiểu cấp kỳ.
  • Són tiểu thoáng qua: tình trạng són tiểu tạm thời do tác dụng phụ của thuốc hoặc các vấn đề tạm thời như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón

Làm sao để biết đó là nước tiểu hay nước ối?

Khi thấy có nước chảy ra, bạn có thể tự kiểm tra mà không cần phải đến bệnh viện. Nếu nước chảy ra không liên tục và lượng ít thì khả năng cao đó là nước tiểu. Nếu là nước ối thì lượng nước chảy ra sẽ nhiều hơn và kéo dài liên tục. Nếu có chất giống như sáp màu trắng hoặc màu xanh thì đó cũng có thể là dấu hiệu của vỡ ối.

Nguyên nhân gây són tiểu khi mang thai

Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng són tiểu gồm có:

  • Tăng áp lực: Tình trạng són tiểu có thể xảy ra khi ho, hắt hơi, tập thể dục hoặc cười lớn. Những hoạt động này làm tăng áp lực lên bàng quang và khiến nước tiểu bên trong rò rỉ ra ngoài. Thai nhi bên trong tử cung cũng có thể chèn ép lên bàng quang và gây són tiểu.
  • Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến niêm mạc bàng quang và niệu đạo.
  • Bệnh lý: Một số bệnh lý gây són tiểu gồm có bệnh tiểu đường, đa xơ cứng, thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu hoặc tiền sử đột quỵ.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Từ 30 đến 40% phụ nữ không điều trị dứt điểm nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ gặp phải các triệu chứng trong thời gian mang thai. Són tiểu là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Ai có nguy cơ bị són tiểu khi mang thai?

Những phụ nữ vốn đã bị bàng quang tăng hoạt hoặc són tiểu cấp kỳ trước khi mang thai thường gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong thời gian mang thai.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ són tiểu khi mang thai gồm có:

  • Mang thai khi đã lớn tuổi
  • Thừa cân
  • Từng sinh thường trước đây
  • Từng phẫu thuật vùng chậu
  • Hút thuốc, gây ho mãn tính

Chẩn đoán nguyên nhân gây són tiểu khi mang thai

Hãy đi khám nếu bạn nhận thấy tình trạng són tiểu trong thời gian mang thai. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu và cần phải nhanh chóng điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong những tháng cuối của thai kỳ, són tiểu có thể bị nhầm với rỉ ối (tình trạng nước ối chảy ra bên ngoài âm đạo với lượng ít). Tốt nhất nên đến bệnh viện khám để biết chính xác nguyên nhân.

Bác sĩ sẽ kiểm tra xem chất lỏng bị rò rỉ có phải nước ối hay không. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu.

Nếu không phải rỉ ối và són tiểu cũng không phải do nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán khác để xác định nguyên nhân, ví dụ như siêu âm và nghiệm pháp gắng sức bàng quang. Siêu âm sẽ giúp đánh giá xem bàng quang có làm rỗng hoàn toàn hay không. Nghiệm pháp gắng sức bàng quang nhằm mục đích kiểm tra xem nước tiểu có bị rò rỉ khi ho, vận động mạnh hoặc cúi người hay không.

Điều trị són tiểu khi mang thai

Phương pháp điều trị bước đầu thường là thay đổi thói quen và thực hiện các biện pháp tăng khả năng kiểm soát bàng quang:

  • Bài tập Kegel: Bài tập Kegel giúp củng cố cơ sàn chậu. Phụ nữ có thể tập bài tập Kegel trước, trong và sau khi mang thai. Để tập bài tập Kegel, trước tiên cần xác định được cơ sàn chậu. Đó chính là các cơ mà bạn siết lại để nhịn tiểu. Hãy siết các cơ này trong 10 giây rồi thả lỏng vài giây, cứ thế lặp lại trong vòng vài phút. Thực hiện 5 lần mỗi ngày. Học cách thả lỏng cơ sàn chậu sẽ rất hữu ích trong và sau khi sinh nở.
  • Rèn luyện bàng quang: Theo dõi, ghi lại thời điểm bị són tiểu nhiều nhất trong ngày và đi tiểu trước thời điểm đó. Đây cũng là bước đầu tiên để rèn luyện bàng quang. Hãy tăng dần thời gian giữa các lần đi tiểu để tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang và giảm rò rỉ nước tiểu.
  • Tránh đồ uống có ga và đồ uống chứa caffeine: Tránh đồ uống có ga, cà phê và trà. Những đồ uống này có thể khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Thay vào đó nên uống nước lọc hoặc các loại đồ uống không chứa caffeine khác.
  • Không uống rượu bia vào buổi tối: Hạn chế uống rượu bia vào buổi tối để tránh phải thức dậy đi vệ sinh nhiều lần và rò rỉ nước tiểu trong khi ngủ vào ban đêm.
  • Ăn nhiều chất xơ: Ăn thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm táo bón. Thường xuyên phải rặn mạnh khi đại tiện sẽ gây áp lực lên cơ sàn chậu và làm suy yếu cơ sàn chậu.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Trong thai kỳ, đặc biệt là trong vài tháng cuối, bàng quang vốn đã phải chịu sự chèn ép từ tử cung. Thừa cân, đặc biệt là mỡ thừa vùng bụng, sẽ càng làm tăng thêm áp lực lên bàng quang. Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều cần thiết để cải thiện tình trạng són tiểu trong thai kỳ và sau sinh.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào về lối sống, chế độ ăn để đảm bảo những điều này không gây hại cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai kỳ. Mặc dù đôi khi chứng són tiểu phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nhưng nên chờ sau khi sinh xong mới điều trị bằng các phương pháp này. Thay đổi thói quen, chế độ ăn uống, tập Kegel và rèn luyện bàng quang vẫn là những biện pháp chính để khắc phục són tiểu trong thai kỳ.

Són tiểu có tự hết sau khi sinh không?

Ở nhiều phụ nữ, tình trạng són tiểu tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi sinh nhưng cũng có những trường hợp mà tình trạng này tiếp diễn hoặc thậm chí trở nên trầm trọng hơn sau sinh. Tuy nhiên, chứng són tiểu có thể được kiểm soát bằng các phương pháp như bài tập Kegel, rèn luyện bàng quang, giảm cân nếu thừa cân và tập thể dục.

Nếu sau sáu tuần sau khi sinh mà tình trạng són tiểu vẫn không cải thiện dù đã thay đổi lối sống và thực hiện hết các biện pháp kể trên thì bạn nên đi khám. Có thể sẽ phải chuyển sang điều trị bằng các phương pháp khác như dùng thuốc và phẫu thuật.

Nguyên nhân gây són tiểu sau khi sinh

Quá trình sinh nở có thể góp phần dẫn đến són tiểu sau khi sinh. Trong quá trình sinh thường, các cơ và dây thần kinh có thể bị tổn thương. Chuyển dạ kéo dài hay rặn đẻ kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh. Sinh mổ giúp làm giảm nguy cơ són tiểu trong vòng 1 năm đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên, nguy cơ són tiểu từ năm thứ hai đến năm thứ năm sau sinh sẽ tương đương với sinh thường.

Phòng ngừa són tiểu khi mang thai

Són tiểu là một vấn đề xảy ra phổ biến trong thời gian mang thai, đặc biệt là trong những tháng cuối khi thai nhi phát triển lớn và sau khi sinh. Những biện pháp kể trên có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả chứng són tiểu.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Nên:

  • uống nhiều nước mỗi ngày
  • đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ tình dục
  • lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu
  • mặc quần lót bằng cotton và quần rộng rãi, tránh mặc quần bó sát
  • thay đồ lót mỗi ngày

Nên đi khám ngay khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non và sinh con nhẹ cân.

Tránh:

  • quan hệ tình dục khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • uống các loại đồ uống kích thích bàng quanọa ví dụ như nước ép trái cây, caffeine, rượu bia và đường
  • nhịn tiểu trong thời gian dài
  • sử dụng dung dịch vệ sinh chứa hóa chất mạnh, thụt rửa âm đạo
  • sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 3 đến 7 ngày. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai. Nhưng nếu gặp tác dụng phụ, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh hoặc đau bụng khi dùng thuốc thì cần báo ngay cho bác sĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nguyên nhân
Tin liên quan
Rò rỉ nước tiểu khi ho: Nguyên nhân và cách điều trị
Rò rỉ nước tiểu khi ho: Nguyên nhân và cách điều trị

Rò rỉ nước tiểu khi ho là một triệu chứng của chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Tình trạng này xảy ra do đâu và điều trị bằng cách nào?

Tiểu rắt: Nguyên nhân và cách điều trị
Tiểu rắt: Nguyên nhân và cách điều trị

Tiểu rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu, mang thai, phì đại tuyến tiền liệt, căng thẳng, hồi hộp hoặc bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị
Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh và cách điều trị

Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây