Nguyên nhân gây bí tiểu và các cách điều trị
Bí tiểu là gì?
Bí tiểu là tình trạng buồn tiểu nhưng không tiểu được hoặc tiểu không hết, bàng quang không rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu. Điều này dẫn đến hiện tượng vẫn buồn tiểu, thậm chí buồn tiểu gấp dù vừa mới đi tiểu.
Nếu tình trạng bí tiểu xảy ra đột ngột và hoàn toàn không thể đi tiểu thì được gọi là bí tiểu cấp tính. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài và vẫn có thể đi tiểu nhưng tiểu không hết thì được gọi là bí tiểu mạn tính.
Bí tiểu có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ nhưng phổ biến hơn ở nam giới. Cứ 1.000 nam giới thì có khoảng 4,5 đến 6,8 người mắc chứng bí tiểu mỗi năm.
Bí tiểu là vấn đề đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi. Sau 80 tuổi, nam giới có nguy cơ bí tiểu cao hơn nhiều so với khi còn trẻ.
Các triệu chứng bí tiểu
Bí tiểu cấp tính và bí tiểu mạn tính có các triệu chứng hơi khác nhau.
Bí tiểu cấp tính
Bí tiểu cấp tính (xảy ra đột ngột) có thể là vấn đề nguy hiểm. Triệu chứng thường gặp là buồn tiểu nhưng không tiểu được.
Khi không thể đi tiểu trong một thời gian dài, người bệnh sẽ có cảm giác đau tức và khó chịu ở vùng bụng dưới. Nguyên nhân là do bàng quang chứa đầy nước tiểu nên căng lên và chèn ép lên các dây thần kinh và mô xung quanh.
Cần đến bệnh viện ngay lập tức khi có triệu chứng bí tiểu cấp tính.
Bí tiểu mạn tính
Bí tiểu mạn tính có biểu hiện là có thể đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn, dẫn đến vẫn buồn tiểu dù vừa mới đi tiểu xong. Lượng nước tiểu còn sót lại trong bàng quang sẽ tích tụ và khiến cho các mô phải tiếp xúc với các chất độc mà cơ thể thải ra.
Theo thời gian, bí tiểu mạn tính cũng có thể gây ra các biến chứng. Do đó, cũng phải đi khám nếu nhận thấy các triệu chứng bí tiểu mạn tính, chẳng hạn như:
- Đi tiểu nhiều hơn 8 lần một ngày và thường xuyên buồn tiểu gấp
- Tiểu khó (phải rặn mạnh và mất nhiều thời gian nước tiểu mới chảy ra)
- Khi đi tiểu, dòng nước tiểu không đều, ngắt quãng, yếu hoặc dừng dù vẫn chưa tiểu hết
- Vừa mới đi tiểu xong lại buồn tiểu
- Đi tiểu nhiều lần vào ban đêm
- Thường xuyên cảm giác buồn tiểu gấp, không thể nhịn được và rò rỉ nước tiểu không kiểm soát. Tình trạng này được gọi là són tiểu cấp kỳ hay tiểu gấp không tự chủ
- Buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy
- Cảm thấy khó chịu ở vùng hông hoặc có cảm giác vẫn còn nước tiểu trong bàng quang.
Nguyên nhân gây bí tiểu
Để biết nguyên nhân gây bí tiểu thì trước tiên cần hiểu cấu tạo cơ bản của đường tiết niệu và những gì sẽ xảy ra khi đi tiểu.
Bàng quang chứa nước tiểu và là một phần của đường tiết niệu dưới. Ngoài ra, đường tiết niệu dưới còn có các cơ quan khác:
- Niệu đạo: Ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.
- Cơ vòng trong: Cơ trơn nằm ở cổ bàng quang, có nhiệm vụ ngăn nước tiểu giải phóng vào niệu đạo quá sớm. Chúng ta không thể kiểm soát được hoạt động của cơ này.
- Cơ vòng ngoài: Cơ vân nằm bên dưới bàng quang ở phụ nữ và dưới tuyến tiền liệt ở nam giới, có nhiệm vụ kiểm soát sự giải phóng nước tiểu qua niệu đạo. Bình thường, cơ vòng ngoài siết chặt để giữ nước tiểu lại bên trong bàng quang và khi đi tiểu, cơ này giãn ra để mở niệu đạo, cho phép nước tiểu thoát ra ngoài. Có thể kiểm soát được cơ vòng ngoài. Khi nhịn tiểu là chúng ta đang siết chặt cơ này và khi đi tiểu, cơ này được thả lỏng.
- Tuyến tiền liệt (chỉ có ở nam giới): Đây là nơi chứa một phần chất dịch của tinh dịch. Thực ra tuyến tiền liệt không thuộc đường tiết niệu nhưng nằm gần phần còn lại của đường tiết niệu.
Dưới đây là những gì diễn ra khi chúng ta đi tiểu:
- Cơ bàng quang đẩy nước tiểu từ bàng quang vào niệu đạo.
- Các dây thần kinh phát tín hiệu báo cho các cơ vòng giãn ra để nước tiểu có thể chảy ra bên ngoài.
- Dòng nước tiểu bắt đầu và dừng lại theo sự thả lỏng - siết chặt của cơ vòng ngoài.
- Cảm giác buồn tiểu sẽ hết khi các dây thần kinh nhận thấy rằng bàng quang đã trống hoàn toàn và không còn chèn lên vùng mô lân cận.
Bất kỳ bộ phận hoặc quá trình nào trong số này xảy ra vấn đề đều có thể dẫn đến bí tiểu. Do đó, bí tiểu có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra.
Tắc nghẽn
Tắc nghẽn là tình trạng xảy ra khi có thứ gì đó gây cản trở nước tiểu thoát ra khỏi bàng quang.
Nếu sự tắc nghẽn xảy ra đột ngột thì sẽ dẫn đến bí tiểu cấp tính. Nếu sự tắc nghẽn phát triển dần dần theo thời gian và nước tiểu vẫn có thể chảy ra ngoài nhưng chảy chậm hoặc ngắt quãng thì sẽ gây bí tiểu mạn tính.
Một số nguyên nhân có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu gồm có:
- Sưng ở niệu đạo
- Niệu đạo bị thu hẹp, khiến nước tiểu khó thoát ra ngoài
- Có vật bít niệu đạo
- Táo bón
- Sỏi thận hoặc sỏi ở các bộ phận khác của đường tiết niệu
- Có khối u trong ruột hoặc vùng hông chèn ép lên đường tiết niệu
- Cục máu đông trong niệu đạo
Do thuốc
Một số loại thuốc có thể gây bí tiểu do làm suy yếu cơ hoặc gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cơ vòng trong. Những loại thuốc này gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc điều trị chứng són tiểu
- pseudoephedrine
- Một số loại thuốc chống trầm cảm
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson
- Một số loại thuốc chống loạn thần
- amphetamine
- Thuốc giảm đau opioid (chẳng hạn như morphin)
Các vấn đề về thần kinh
Tổn thương hoặc gián đoạn các dây thần kinh gần đường tiết niệu có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng tiểu tiện. Các vấn đề xảy ra với dây thần kinh này gây cản trở sự truyền tín hiệu thần kinh đến não và từ não trở lại các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả các bộ phận trong đường tiết niệu và dẫn đến bí tiểu.
Một số nguyên nhân có thể gây ra các vấn đề thần kinh dẫn đến bí tiểu gồm có:
- Biến chứng của bệnh tiểu đường
- Chấn thương não hoặc cột sống
- Sinh thường
- Đa xơ cứng
- Bệnh Parkinson
- Đột quỵ
- Phẫu thuật
Hiện tượng tiểu khó có thể xảy ra trong thời gian vừa mới phẫu thuật xong, chẳng hạn như phẫu thuật thay thân đốt sống hoặc thay khớp.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã cho thấy rằng những người vừa mới phẫu thuật thay khớp có nguy cơ cao bị bí tiểu. Nguy cơ bí tiểu sau khi phẫu thuật thay khớp cao hơn khoảng 1,5 lần so với các ca phẫu thuật khác.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy gần 60% bệnh nhân mới phẫu thuật thay thân đốt sống bị chứng bí tiểu.
Nguyên nhân gây bí tiểu ở nam giới
Theo một nghiên cứu vào năm 2014, hơn 50% số trường hợp bí tiểu ở nam giới có liên quan đến tuyến tiền liệt.
Tuyến tiền liệt nằm rất gần đường tiết niệu dưới. Nguyên nhân gây bí tiểu có thể là do u lành tính, chẳng hạn như tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (phì đại tuyến tiền liệt lành tính) hoặc khối u ác tính (ung thư). Khối u sẽ khiến cho niệu đạo bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn và dẫn đến tiểu khó.
Phì đại tuyến tiền liệt là một vấn đề rất phổ biến ở nam giới. Có đến 90% nam giới ở độ tuổi 80 gặp phải vấn đề này.
Tắc nghẽn đường tiết niệu
Những nguyên nhân có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu ở nam giới gồm có:
- Phì đại tuyến tiền liệt lành tính, xảy ra do có u lành hình thành ở tuyến tiền liệt, khiến cho tuyến tiền liệt to lên
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Hẹp niệu đạo - một vấn đề có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh khi lỗ niệu đạo sưng lên và thu hẹp lại do dòng chảy của máu, tiếp xúc với nước tiểu hoặc cọ xát với vật liệu trong tã
Những nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu ở nam giới chưa cắt bao quy đầu:
- Hẹp bao quy đầu – tình trạng không thể kéo tuột bao da quy đầu hoàn toàn khỏi quy đầu.
- Thắt nghẹt bao quy đầu - một tình trạng khẩn cấp xảy ra khi bao quy đầu sau khi kéo tuột xuống dưới đầu dương vật thì bị mắc kẹt và không thể trở lại vị trí bình thường.
Nhiễm trùng và viêm
Nhiễm trùng và sưng tấy ở đường tiết niệu dưới có thể dẫn đến bí tiểu. Các vấn đề có thể gây sưng ở đường tiết niệu dưới gồm có:
- Viêm niệu đạo
- Viêm bàng quang
- Viêm tuyến tiền liệt
- Viêm bao quy đầu
Chấn thương
Chấn thương dương vật có thể gây sưng tấy và làm tắc nghẽn niệu đạo hoặc các bộ phận bên trong khác của đường tiết niệu dưới, điều này gây cản trở nước tiểu thoát ra bên ngoài.
Nguyên nhân gây bí tiểu ở phụ nữ
Bí tiểu ở phụ nữ chủ yếu là do các nguyên nhân dưới đây gây ra.
Tắc nghẽn đường tiết niệu
U lành tính hoặc khối u ác tính hình thành ở tử cung có thể chèn ép lên bàng quang hoặc niệu đạo, làm cho các cơ quan này bị thu hẹp lại và gây cản trở nước tiểu thoát ra ngoài.
Các nguyên nhân gây tắc nghẽn phổ biến khác là:
- Sa bàng quang: xảy ra khi bàng quang tụt khỏi vị trí bình thường và đẩy vào thành trước của âm đạo.
- Sa trực tràng: trực tràng phình lên và đẩy vào thành âm đạo.
- Sa tử cung: xảy ra khi tử cung tụt xuống và đẩy vào bàng quang.
Nhiễm trùng
Ở phụ nữ, viêm âm hộ sẽ ảnh hưởng đến phần bên ngoài của âm đạo và có thể dẫn đến bí tiểu. Viêm bàng quang và viêm đường tiết niệu cũng có thể là nguyên nhân gây bí tiểu.
Chẩn đoán bí tiểu
Để chẩn đoán bí tiểu, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra cả bộ phận sinh dục và trực tràng để tìm các dấu hiệu bất thường ở khu vực này mà cũng có thể ảnh hưởng đến đường tiết niệu.
Một số biện pháp khác được thực hiện để xác nhận chẩn đoán gồm có:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Đo niệu động học (đo lượng nước tiểu trong bàng quang)
- Đo thể tích nước tiểu tồn lưu sau khi đi tiểu (PVR)
- Nội soi bàng quang
- Ghi điện cơ
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Siêu âm
Điều trị bí tiểu
Điều trị bí tiểu cấp tính
Cần phải điều trị ngay lập tức khi bị bí tiểu cấp tính. Phương pháp điều trị thường là đặt ống thông tiểu để nhanh chóng đưa nước tiểu ra khỏi bàng quang. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ để không cảm thấy đau hay khó chịu khi đặt ống thông.
Nếu phương pháp đặt ống thông qua niệu đạo thông thường không khả thi hoặc không có tác dụng do chấn thương hoặc lý do khác thì cần đặt ống thông qua thành bụng, trong đó một ống thông được đưa vào bàng quang qua da để dẫn nước tiểu ra ngoài.
Điều trị bí tiểu mạn tính
Những trường hợp bí tiểu mạn tính hoặc đã xảy ra biến chứng sẽ phải điều trị lâu dài.
Đặt ống thông tiểu
Cần phải đặt ống thông ngay lập tức để dẫn nước tiểu trong bàng quang ra ngoài trong trường hợp không thể điều trị được nguyên nhân gốc rễ.
Đặt ống thông tiểu thường không phải là một giải pháp lâu dài. Việc sử dụng thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ra các vấn đề như nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua ống thông.
Nếu cần sử dụng ống thông tiểu tại nhà để điều trị bí tiểu mạn tính thì phải thay ống thông nhiều lần trong ngày để tránh bị nhiễm trùng.
Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cách thay ống thông và vệ sinh để ngăn ngừa các vấn đề phát sinh.
Nong niệu đạo và đặt stent
Niệu đạo bị thu hẹp có thể được nới rộng ra bằng cách đưa các ống nhỏ vào bên trong. Bác sĩ sẽ tăng dần kích thước của các ống cho đến khi niệu đạo đủ rộng để dẫn nước tiểu ra ngoài.
Cách thứ hai là đưa một quả bóng vào niệu đạo và từ từ làm phồng bóng lên để nới rộng niệu đạo.
Một giải pháp nữa là đặt stent vào niệu đạo để nước tiểu có thể chảy qua. Stent thường được để trong niệu đạo lâu dài để ngăn ngừa bí tiểu.
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang là kỹ thuật đưa một ống mềm có gắn đèn và camera qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát bên trong.
Hình ảnh hiển thị trên màn hình cho phép bác sĩ phát hiện nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, chẳng hạn như sỏi và tiến hành loại bỏ để người bệnh có thể đi tiểu bình thường.
Dùng thuốc
Các loại thuốc có thể giúp điều trị chứng bí tiểu:
- Thuốc kháng sinh để điều trị viêm tuyến tiền liệt, bàng quang hoặc đường tiết niệu
- Thuốc làm giãn tuyến tiền liệt hoặc cơ vòng để giúp cho nước tiểu chảy ra ngoài dễ dàng hơn
- Thuốc giảm kích thước của tuyến tiền liệt (ở những người bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính)
Thay đổi thói quen và tập cơ sàn chậu
Đôi khi, việc thay đổi một số thói quen hàng ngay và các bài tập cơ sàn chậu cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng bí tiểu:
- Uống nước vào những thời điểm cố định trong ngày để có thể kiểm soát thời điểm đi tiểu.
- Thực hiện các bài tập cơ sàn chậu để kiểm soát cơ vòng tiết niệu tốt hơn.
- Tập các bài tập giúp củng cố các cơ kiểm soát bàng quang (dành cho cả phụ nữ và nam giới)
Phẫu thuật
Nếu đã dùng thuốc, đặt ống thông tiểu và tập các bài tập mà vẫn không điều trị được tình trạng bí tiểu thì sẽ cần phải phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân nam, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ qua niệu đạo và loại bỏ vật gây tắc nghẽn bằng laser hoặc dụng cụ chuyên dụng. Ca phẫu thuật này thường xâm lấn tối thiểu và thời gian phục hồi rất nhanh chóng. Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày.
Một số phương pháp phẫu thuật để điều trị bí tiểu gồm có:
- Dùng kim dài đưa qua niệu đạo và truyền nhiệt để phá hủy vật gây tắc nghẽn
- Mở niệu đạo (mở rộng niệu đạo bị thu hẹp)
- Cắt mô tuyến tiền liệt gây hẹp niệu đạo (cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo - TURP)
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt
Một số ca phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi (chỉ cần tạo đường rạch nhỏ để đưa ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật vào bên trong) hoặc bằng kỹ thuât mổ mở (tạo đường rạch dài để tiếp cận đến cơ quan cần can thiệp) đối với những ca bệnh phức tạp hơn:
- Cắt bỏ khối u ác tính ở tuyến tiền liệt
- Cắt bỏ tử cung nếu tử cung quá lớn hoặc bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác
- Đưa bàng quang hoặc trực tràng trở lại vị trí bình thường trong những trường hợp bị sa
- Cắt bỏ khối u trong niệu đạo hoặc bàng quang
- Cắt bỏ u lành hoặc u ác tính trong các cơ quan vùng chậu
Biến chứng của chứng bí tiểu
Việc dẫn nước tiểu trong bàng quang ra ngoài có thể khiến bàng quang đầy trở lại nhanh hơn. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra trong khoảng 24 giờ và đa phần không gây ra bất kỳ vấn đề lớn nào nhưng có thể khiến cơ thể mất nhiều muối và nước, dẫn đến tình trạng mất nước và tụt huyết áp.
Nếu không được theo dõi và can thiệp kịp thời, những vấn đề này có thể gây nguy hiểm. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi lượng chất lỏng và chất điện giải bị mất đi khi đi tiểu, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra lượng nước cần uống để giữ lượng nước và chất điện giải trong cơ thể ở mức ổn định.
Có thể cần để nguyên ống thông tiểu cho đến khi tạo ra lượng nước tiểu bình thường để có thể theo dõi.
Theo thời gian, việc để ống thông tiểu quá lâu có thể gây ra các vấn đề như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu
- Tổn thương niệu đạo
- Niệu đạo bị thu hẹp và tắc nghẽn
Nếu không được điều trị, bí tiểu mạn tính có thể gây tổn hại thận do nước tiểu không thoát được ra ngoài và dẫn đến các biến chứng như:
- Cao huyết áp
- Sưng phù chân do tích tụ chất lỏng
- Thận bị tổn hại ngày càng nặng và cuối cùng là bị suy thận
Bí tiểu có điều trị khỏi được không?
Thông thường, bí tiểu cấp tính hay mạn tính đều dễ chẩn đoán và đây là vấn đề có thể điều trị được, đặc biệt là nếu đi khám ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân mà người bệnh có thể sẽ phải điều trị lâu dài, chẳng hạn như đặt ống thông tiểu hay đặt stent, để làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.
Xem thêm:
Tiểu rắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu, mang thai, phì đại tuyến tiền liệt, căng thẳng, hồi hộp hoặc bệnh tiểu đường.
Bàng quang nằm ngay phía trên xương chậu và được hỗ trợ bởi cơ sàn chậu. Bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu. Cổ bàng quang có cơ vòng giúp giữ cho cơ quan này đóng chặt và ngăn nước tiểu chảy ra ngoài khi không đi tiểu. Cơ sàn chậu có thể bị suy yếu trong thời gian mang thai và sinh nở. Điều này sẽ làm giảm khả năng giữ nước tiểu của bàng quang.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi tanh. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời và dễ dàng khắc phục. Nhưng đôi khi đó là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần phải điều trị phức tạp hơn.