1

Các nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu

Nước tiểu sậm màu có thể do mất nước hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, nguyên nhân là do loại thuốc mà bạn đang dùng.
Các nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu Các nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu

Nước tiểu thường có màu vàng nhạt. Nếu nước tiểu có màu vàng đậm, cam hay nâu thì sẽ được coi là sậm màu.

Nước tiểu được tạo ra ở thận. Chất lỏng từ các các loại đồ uống và thực phẩm sẽ đi từ hệ tiêu hóa vào hệ tuần hoàn, sau đó vào thận và được lọc tại đây. Thận sẽ loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa qua nước tiểu.

Nước tiểu sau khi được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản vào bàng quang. Sau đó, nước tiểu từ bàng quang sẽ chảy qua niệu đạo ra ngoài cơ thể.

Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có đủ nước. Nước tiểu có chứa một loại sắc tố màu vàng tên là urobilin hay urochrome. Nước tiểu càng sậm màu thì có nghĩa là nồng độ urochrome càng cao.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu sậm màu là do mất nước. Tuy nhiên, nước tiểu sậm màu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ một chất thải nào đó đang cao hơn bình thường hoặc đang có một chất bất thường trong nước tiểu. Ví dụ, nước tiểu màu nâu sẫm có thể chỉ ra bệnh gan do có sắc tố mật trong nước tiểu.

Nước tiểu có máu hoặc màu đỏ là dấu hiệu của các vấn đề khác, chẳng hạn như tổn thương thận. Nếu có những triệu chứng này thì nên đi khám càng sớm càng tốt.

Các bệnh lý khiến nước tiểu sậm màu

Nước tiểu sậm màu có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau như:

  • Viêm gan
  • Tiêu cơ vân
  • Xơ gan
  • Viêm cầu thận
  • Mất nước
  • Tổn thương
  • Tắc ống mật
  • Sỏi mật
  • Sỏi bàng quang
  • Ung thư bàng quang
  • Vàng da
  • Bệnh gan
  • Ung thư thận
  • Ung thư tuyến tụy
  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh tan máu bẩm sinh
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin
  • Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu
  • Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận

Tập thể dục quá sức cũng có thể khiến nước tiểu có màu sậm hơn bình thường. Tập thể dục cường độ quá cao có thể gây chấn thương cơ và điều này khiến cơ thể thải ra quá nhiều chất thải. Kết quả là nước tiểu có màu hồng hoặc màu nâu đậm như nước coca.

Khi bị mất nước, nước tiểu thường có màu hổ phách hoặc màu cam giống như mật ong. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.

Một số bệnh lý khiến nước tiểu có màu nâu hoặc đỏ, chẳng hạn như bệnh gan hoặc thận.

Ngoài nước tiểu sậm màu, các dấu hiệu khác cho thấy cơ thể đang bị mất nước còn có:

  • Lâng lâng, chóng mặt
  • Khô miệng
  • Khô da
  • Đau đầu
  • Khát nước
  • Táo bón

Khi có những triệu chứng này, hãy thử uống nhiều nước. Nếu màu nước tiểu nhạt đi thì nguyên nhân khiến nước tiểu sậm màu đúng là do mất nước.

Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến màu nước tiểu

Đôi khi nước tiểu sậm màu không phải do mất nước hay bệnh tật mà chỉ là do đồ ăn, thức uống hoặc loại thuốc đang dùng.

Khi nhận thấy nước tiểu có màu đậm hơn bình thường, hãy nhớ lại xem bạn đã ăn những gì. Có nhiều loại thực phẩm làm thay đổi màu nước tiểu, ví dụ như củ dền, các loại quả mọng như mâm xôi, việt quất, đậu răng ngựa, thanh long ruột đỏ, cà rốt…

Màu nước tiểu bất thường cũng có thể là do thuốc. Một số ví dụ gồm có:

  • Thuốc nhuận tràng chứa senna
  • Thuốc hóa trị
  • Rifampin
  • Warfarin
  • Phenazopyridin

Khi nào cần đi khám?

Nếu đã uống nhiều nước mà nước tiểu vẫn có màu đậm hoặc nước tiểu có máu thì nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ra điều này.

Nếu nước tiểu sậm màu kèm theo đau dữ dội, đặc biệt là ở lưng thì có thể bạn đã bị sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nếu đau ngày càng tăng và kèm theo buồn nôn, nôn hoặc sốt cao thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Chẩn đoán và điều trị nước tiểu sậm màu

Nếu nước tiểu sậm màu không phải do mất nước hoặc do tác dụng phụ của thuốc thì bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử chi tiết, khám lâm sàng và yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu.

Xét nghiệm nước tiểu là một xét nghiệm rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy một mẫu nước tiểu nhỏ vào lọ đựng vô trùng. Mẫu nước tiểu sẽ được phân tích để tìm dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Vi khuẩn
  • Bilirubin
  • Tinh thể
  • Glucose (đường)
  • Protein
  • Tế bào hồng cầu
  • Tế bào bạch cầu

Phòng xét nghiệm sẽ kiểm tra mẫu nước tiểu bằng ba phương pháp:

  • Kiểm tra trực quan để đánh giá độ trong, độ đặc loãng và máu sắc nước tiểu.
  • Kiểm tra các thành phần có trong nước tiểu như bilirubin, máu, cetone, protein và glucose.
  • Quan sát dưới kính hiển xem nước tiểu có vi khuẩn hay tế bào bạch cầu hay không

Nên lấy mẫu nước tiểu vào lần đi tiểu đầu tiên trong ngày vì nước tiểu ở thời điểm này cô đặc hơn so với nước tiểu tại các thời điểm khác trong ngày, nhờ đó xét nghiệm sẽ cho kết quả chính xác hơn.

Nếu phân tích nước tiểu cho kết quả bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn trong nước tiểu.

Ngoài ra có thể còn phải tiến hành xét nghiệm công thức máu toàn bộ (complete blood count - CBC) hay bảng trao đổi chất toàn diện (comprehensive metabolic panel – CMP) để đánh giá chức năng thận hoặc gan.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào tiền sử bệnh, các triệu chứng và kết quả chẩn đoán.

Phòng ngừa nước tiểu sậm màu

Nước tiểu thay đổi màu sắc là hiện tượng bình thường khi sử dụng một số loại thuốc. Không cần thiết phải ngừng thuốc. Bạn có thể uống nhiều nước hơn để làm loãng và nhạt màu nước tiểu. Nếu vẫn cảm thấy lo ngại thì bạn có thể trao đổi với bác sĩ để được giải thích rõ và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Nếu nước tiểu sậm màu là do thực phẩm thì bạn có thể tránh loại thực phẩm đó nhưng hiện tượng này thường chỉ kéo dài từ 1 – 2 ngày sau khi ăn.

Nếu nước tiểu sậm màu là do bị mất nước thì hãy uống nhiều nước. Tần suất đi tiểu bình thường ở người khỏe mạnh là từ 4 đến 6 lần/ngày và lượng nước tiểu là khoảng 500 – 2.000 lít.

Hãy thử uống thêm một cốc nước sau khi thức giấc vào buổi sáng. Bạn có thể mua một chiếc bình lớn để đựng nước và luôn mang theo bên mình để cơ thể luôn được cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, nếu nước tiểu gần như không màu thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều nước.

Nói chung nên đi khám khi nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về màu sắc nước tiểu mà nguyên nhân không phải do thực phẩm hay thuốc. Và nếu nước tiểu có máu thì phải đến bệnh viện khám ngay.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ

Mùi nước tiểu có thể thay đổi sau khi ăn một số loại thực phẩm hoặc dùng một số loại thuốc. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi lạ đôi khi lại là dấu hiệu chỉ ra một số vấn đề về sức khỏe.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có màu từ vàng nhạt đến vàng đậm. Nếu nước tiểu có màu hồng, đỏ, cam, xanh lam, xanh lục hoặc nâu thì được coi là bất thường. Màu nước tiểu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như một số loại thuốc, thực phẩm, vấn đề sức khỏe hoặc do bị mất nước. Nếu nhận thấy nước tiểu có màu bất thường và không rõ nguyên nhân thì bạn nên đi khám. Màu nước tiểu bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt
Các nguyên nhân khiến nước tiểu có bọt

Nước tiểu có bọt đôi khi chỉ đơn giản là do dòng nước tiểu chảy nhanh, va đập vào bồn cầu và tạo thành bọt khí. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra do hóa chất vệ sinh hoặc vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như những vấn đề ảnh hưởng đến bàng quang hoặc thận.

Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh?
Nguyên nhân nào khiến nước tiểu có mùi lưu huỳnh?

Nước tiểu có thể có mùi lưu huỳnh rõ rệt sau khi ăn một số loại thực phẩm như măng tây hoặc khi cơ thể bị mất nước. Đôi khi, nước tiểu có mùi bất thường là dấu hiệu chỉ ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, trong đó có bệnh gan.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có hồng cầu
Nguyên nhân khiến nước tiểu có hồng cầu

Tình trạng nước tiểu có hồng cầu (một loại tế bào máu) được gọi là đái máu hay tiểu máu. Đái máu có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như mới quan hệ tình dục hoặc do nhiễm trùng đường tiết niệu. Hồng cầu trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm gan siêu vi.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây