1

Bệnh tim mạch được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh tim mạch là bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như bệnh mạch vành hoặc rối loạn nhịp tim. Để chẩn đoán bệnh tim mạch, bác sĩ có thể sử dụng nhiều xét nghiệm và phương pháp đánh giá khác nhau. Một số xét nghiệm này có thể được sử dụng để sàng lọc bệnh tim ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ rệt.
Hình ảnh 49 Bệnh tim mạch được chẩn đoán như thế nào?

Triệu chứng của bệnh tim mạch

Triệu chứng của các vấn đề về tim có thể bao gồm:

  • Ngất xỉu
  • Nhịp tim chậm hoặc nhanh
  • Căng tức ngực
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Sưng phù ở chân, bàn chân, mắt cá chân hoặc bụng

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây, hãy hẹn lịch khám bác sĩ. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ gặp các biến chứng như đau tim hoặc đột quỵ.

Khám lâm sàng và xét nghiệm máu

Trong buổi thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng bạn gặp phải và tiền sử bệnh lý gia đình. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nhịp tim và đo huyết áp.

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu, ví dụ như xét nghiệm cholesterol để đo lường chỉ số mỡ máu (mức cholesterol trong máu). Kết quả xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim.

Một xét nghiệm cholesterol toàn diện sẽ kiểm tra bốn loại chất béo trong máu:

  • Cholesterol toàn phần: Tổng lượng cholesterol trong máu.
  • Cholesterol LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp): Còn được gọi là "cholesterol xấu", nếu có quá nhiều sẽ khiến chất béo tích tụ trong động mạch, làm giảm lưu lượng máu, dẫn đến nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
  • Cholesterol HDL (lipoprotein tỷ trọng cao): Được gọi là "cholesterol tốt", giúp loại bỏ cholesterol LDL và làm sạch động mạch.
  • Triglycerides: Một loại chất béo trong máu. Mức triglycerides cao thường do bệnh tiểu đường, hút thuốc lá và uống rượu quá mức.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) để kiểm tra dấu hiệu viêm trong cơ thể. Kết quả của xét nghiệm CRP cùng với xét nghiệm cholesterol sẽ giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các xét nghiệm không xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim mạch

Sau khi khám lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm không xâm lấn, nghĩa là không sử dụng đến dụng cụ gây tổn thương da can thiệp sâu vào bên trong cơ thể. Có nhiều loại xét nghiệm không xâm lấn giúp bác sĩ kiểm tra bệnh tim mạch.

Điện tâm đồ (EKG)

Điện tâm đồ là một xét nghiệm ngắn theo dõi hoạt động điện của tim. Hoạt động này được ghi lại trên một dải giấy. Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này để kiểm tra nhịp tim bất thường hoặc tổn thương tim.

Siêu âm tim

Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tim. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này để đánh giá các van tim và cơ tim.

Kiểm tra gắng sức

Để chẩn đoán vấn đề về tim, bác sĩ cũng có thể cần kiểm tra khi bạn đang thực hiện hoạt động thể lực. Trong kiểm tra gắng sức, bạn có thể được yêu cầu đạp xe đạp cố định hoặc đi bộ/chạy bộ trên máy chạy trong vài phút. Bác sĩ sẽ theo dõi phản ứng của cơ thể bạn khi nhịp tim tăng lên.

Siêu âm động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh các động mạch cảnh ở hai bên cổ. Bác sĩ sẽ kiểm tra sự tích tụ mảng bám trong động mạch và đánh giá nguy cơ đột quỵ.

Máy Holter

Nếu bác sĩ cần theo dõi tim bạn trong 24 đến 48 giờ, họ sẽ yêu cầu bạn đeo một thiết bị gọi là máy Holter. Thiết bị nhỏ này hoạt động như một máy điện tâm đồ liên tục, giúp bác sĩ phát hiện những bất thường trong tim như rối loạn nhịp tim (tim đập không đều) mà các xét nghiệm EKG thông thường không ghi nhận được.

Chụp X-quang ngực

Chụp X-quang ngực sử dụng một lượng nhỏ tia bức xạ để tạo hình ảnh của lồng ngực, bao gồm cả tim. Phương pháp này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây khó thở hoặc đau ngực.

Nghiệm pháp bàn nghiêng

Bác sĩ có thể tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng nếu bạn bị ngất xỉu. Bạn sẽ nằm trên một chiếc bàn có thể giúp thay đổi từ tư thế nằm ngang sang thẳng đứng. Khi bàn di chuyển, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và mức oxy của bạn. Kết quả giúp xác định xem liệu ngất xỉu có phải do bệnh tim mạch không hay do một nguyên nhân khác.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)

CT scan là kỹ thuật sử dụng nhiều tia X để tạo ra hình ảnh cắt ngang của tim. Bác sĩ có thể sử dụng các loại CT scan khác nhau để chẩn đoán bệnh tim mạch, chẳng hạn như:

  • Chụp CT đánh giá vôi hóa mạch vành: Kiểm tra sự tích tụ canxi trong động mạch vành.
  • Chụp CT mạch vành: Kiểm tra sự tích tụ chất béo hoặc canxi trong động mạch.

Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)

Chụp cộng hưởng từ sử dụng nam châm lớn và sóng vô tuyến để tạo hình ảnh các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể. Trong MRI tim, kỹ thuật viên sẽ tạo hình ảnh các mạch máu và tim khi tim đang đập. Dựa trên hình ảnh này, bác sĩ có thể chẩn đoán nhiều tình trạng, bao gồm bệnh cơ tim và bệnh mạch vành.

Các xét nghiệm xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim mạch

Đôi khi, các xét nghiệm không xâm lấn không cung cấp được đủ thông tin nên bác sĩ có thể cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim mạch. Thủ thuật xâm lấn sử dụng các dụng cụ đưa vào cơ thể, chẳng hạn như kim, ống hoặc ống soi.

Chụp mạch và thông tim

Trong quá trình thông tim, bác sĩ sẽ đưa một ống thông mềm và dài qua mạch máu ở vùng bẹn hoặc khu vực khác trên cơ thể, sau đó dẫn ống này đến tim. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp này để thực hiện các xét nghiệm nhằm kiểm tra vấn đề ở mạch máu và bất thường ở tim.

Ví dụ, bác sĩ có thể tiến hành chụp mạch vành kết hợp với thông tim. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc cản quang đặc biệt vào mạch máu của tim, sau đó sử dụng tia X để quan sát động mạch vành. Phương pháp này giúp phát hiện các động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn.

Nghiên cứu điện sinh lý

Nếu bạn gặp tình trạng rối loạn nhịp tim, bác sĩ có thể thực hiện nghiên cứu điện sinh lý để xác định nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị phù hợp. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông có các điện cực qua mạch máu đến tim. Điện cực này dùng để gửi tín hiệu điện đến tim và tạo đồ thị hoạt động điện của tim.

Dựa trên kết quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc đề xuất các phương pháp điều trị khác để khôi phục nhịp tim bình thường.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu bạn nghi ngờ có thể mình đang mắc bệnh tim mạch, hãy hẹn gặp bác sĩ. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Tuổi tác

Bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng, yêu cầu xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác để kiểm tra tim và mạch máu. Các xét nghiệm này giúp chẩn đoán bệnh tim mạch và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Các câu hỏi thường gặp

1. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để phát hiện suy tim là gì?

Các xét nghiệm hình ảnh dùng để chẩn đoán suy tim bao gồm:

  • Siêu âm tim
  • Siêu âm động mạch cảnh
  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI)
  • Nghiên cứu điện sinh lý
  • Chụp mạch và thông tim

2. Xét nghiệm chẩn đoán bệnh tim mạch nào là tốt nhất?

Không có một xét nghiệm nào được coi là "tốt nhất" khi chẩn đoán bệnh tim mạch. Trước hết, bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm máu và điện tâm đồ (EKG) để kiểm tra các tín hiệu điện từ tim. Các bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả ban đầu đó.

3. Xét nghiệm nào thường được sử dụng để chẩn đoán suy tim?

Xét nghiệm peptide natri lợi niệu tuýp B (BNP) thường được sử dụng để chẩn đoán suy tim. BNP là một loại protein được giải phóng khi tim bị kéo giãn. Nồng độ BNP tăng cao khi bị suy tim nhưng cũng có thể tăng do các nguyên nhân khác. Để chẩn đoán chính xác suy tim, cần kết hợp xét nghiệm BNP với khám lâm sàng, tiền sử bệnh lý và các xét nghiệm hình ảnh.

Kết luận

bệnh tim mạch có thể gây ra các biến chứng bao gồm đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên bạn có thể giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng này bằng cách chẩn đoán và điều trị sớm. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu lo ngại rằng mình có khả năng mắc bệnh tim mạch. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách nhận biết các triệu chứng và cách duy trì sức khỏe tim mạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Nếp gấp dái tai có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch
Nếp gấp dái tai có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch

Một dấu hiệu nhỏ như nếp gấp ở dái tai thì có liên quan gì đến bệnh tim mạch?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây