Bệnh tim được chẩn đoán như thế nào?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ, chiếm 1/4 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ.
Để chẩn đoán bệnh tim, bác sĩ sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm và đánh giá. Một số xét nghiệm này cũng có thể được dùng để sàng lọc bệnh tim trước khi có triệu chứng rõ ràng.
Triệu chứng của bệnh tim
Các triệu chứng của bệnh tim có thể bao gồm:
- Ngất xỉu
- Nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh
- Cảm giác ngực bị bóp nghẹt
- Đau ngực
- Khó thở
- Sưng phù đột ngột ở cẳng chân, bàn chân, mắt cá chân hoặc bụng
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm. Chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng như đau tim hoặc đột quỵ.
Khám lâm sàng và xét nghiệm máu
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ hỏi thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh cá nhân và gia đình cũng như đo nhịp tim và huyết áp.
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim. Chẳng hạn, xét nghiệm cholesterol giúp xác định lượng cholesterol trong máu.
Xét nghiệm cholesterol toàn phần bao gồm:
- Cholesterol toàn phần: Tổng lượng cholesterol trong máu.
- Cholesterol LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp): Còn gọi là “cholesterol xấu”, khi dư thừa sẽ tích tụ trong động mạch, gây hẹp mạch máu, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
- Cholesterol HDL (lipoprotein tỷ trọng cao): Còn gọi là “cholesterol tốt”, giúp vận chuyển LDL ra khỏi động mạch.
- Triglyceride: Một loại mỡ trong máu, tăng cao do tiểu đường, hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm C-reactive protein (CRP) để kiểm tra tình trạng viêm trong cơ thể. Kết quả xét nghiệm CRP kết hợp với mức cholesterol giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các xét nghiệm không xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim
Sau khi thực hiện khám lâm sàng và xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm không xâm lấn. Đây là những phương pháp không sử dụng dụng cụ để rạch da và can thiệp vào trong cơ thể. Có nhiều xét nghiệm không xâm lấn có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tim.
Điện tâm đồ (EKG)
Điện tâm đồ (EKG) là một xét nghiệm nhanh giúp theo dõi hoạt động điện của tim. Kết quả được ghi lại trên giấy, giúp bác sĩ phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc tổn thương tim.
Siêu âm tim
Siêu âm tim sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh tim, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng van tim và cơ tim.
Nghiệm pháp gắng sức
Để chẩn đoán các vấn đề về tim, bác sĩ có thể cần kiểm tra khi bạn thực hiện các hoạt động gắng sức. Trong khi xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ/chạy trên máy chạy bộ trong vài phút để theo dõi phản ứng của tim khi nhịp tim tăng lên.
Siêu âm động mạch cảnh
Siêu âm động mạch cảnh sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của các động mạch cảnh ở hai bên cổ, giúp bác sĩ kiểm tra sự tích tụ mảng bám và đánh giá nguy cơ đột quỵ.
Máy Holter
Nếu cần theo dõi nhịp tim liên tục trong 24–48 giờ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đeo máy Holter. Đây là thiết bị nhỏ hoạt động như một điện tâm đồ liên tục, giúp phát hiện rối loạn nhịp tim mà điện tâm đồ thông thường có thể bỏ sót.
Chụp X-quang ngực
Chụp X-quang ngực sử dụng một lượng nhỏ tia X để tạo hình ảnh vùng ngực, bao gồm cả tim. Xét nghiệm này giúp xác định nguyên nhân gây khó thở hoặc đau ngực.
Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nếu bạn có triệu chứng ngất xỉu mà không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể đề xuất thực hiện nghiệm pháp bàn nghiêng. Bạn sẽ nằm trên một bàn có thể đổi được từ tư thế nằm ngang sang thẳng đứng trong khi bác sĩ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy để xác định nguyên nhân gây ngất xỉu có phải là do bệnh tim hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim
Chụp cắt lớp vi tính (CT) sử dụng nhiều hình ảnh X-quang để tạo hình ảnh cắt lớp của tim. Một số phương pháp chụp CT tim bao gồm:
- Chụp canxi động mạch vành: Kiểm tra sự tích tụ canxi trong động mạch vành.
- Chụp CT mạch vành: Xác định sự tích tụ mỡ hoặc canxi trong động mạch.
Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim)
Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim) sử dụng từ trường và sóng radio để tạo hình ảnh động chi tiết của tim và mạch máu. Kết quả giúp bác sĩ chẩn đoán nhiều bệnh lý tim mạch, bao gồm bệnh cơ tim và bệnh động mạch vành.
Các xét nghiệm xâm lấn để chẩn đoán bệnh tim
Trong một số trường hợp nếu các xét nghiệm không xâm lấn không cung cấp đủ thông tin, bác sĩ có thể cần thực hiện các thủ thuật xâm lấn, sử dụng các dụng cụ như kim, ống thông hoặc ống nội soi để kiểm tra tình trạng tim mạch.
Chụp mạch vành và thông tim
Trong thủ thuật thông tim, bác sĩ sẽ luồn một ống mềm dài qua mạch máu ở bẹn hoặc một vị trí khác trên cơ thể và đưa đến tim. Phương pháp này giúp kiểm tra bất thường ở mạch máu và tim.
Một kỹ thuật liên quan là chụp mạch vành bằng thuốc cản quang. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiêm thuốc cản quang vào động mạch vành, sau đó chụp X-quang để kiểm tra xem động mạch có bị hẹp hoặc tắc nghẽn không.
Thăm dò điện sinh lý tim
Nếu bạn bị rối loạn nhịp tim, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò điện sinh lý tim để xác định nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp. Thủ thuật này sử dụng một ống thông điện cực đưa qua mạch máu đến tim. Bác sĩ sẽ gửi các tín hiệu điện đến tim để lập bản đồ hoạt động điện của tim.
Từ kết quả này, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị như dùng thuốc hoặc thực hiện các can thiệp khác để khôi phục nhịp tim bình thường.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên hẹn gặp bác sĩ nếu nghi ngờ mình mắc bệnh tim, đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ sau:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Tuổi tác cao
Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, xét nghiệm máu và thực hiện các xét nghiệm khác để kiểm tra tim mạch và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Câu hỏi thường gặp
Những xét nghiệm hình ảnh nào được sử dụng để chẩn đoán suy tim?
Các xét nghiệm hình ảnh thường được dùng để chẩn đoán suy tim bao gồm:
- Siêu âm tim
- Siêu âm động mạch cảnh
- Chụp X-quang ngực
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim
- Chụp cộng hưởng từ tim (MRI tim)
- Thăm dò điện sinh lý tim
- Chụp mạch vành và thông tim
Xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh tim tốt nhất?
Không có một xét nghiệm nào là tối ưu nhất để chẩn đoán bệnh tim. Bác sĩ thường bắt đầu quy trình chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và điện tâm đồ (EKG) để kiểm tra tín hiệu điện của tim. Các bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả ban đầu.
Xét nghiệm nào thường được sử dụng để chẩn đoán suy tim?
Xét nghiệm B-type natriuretic peptide (BNP) thường được sử dụng để chẩn đoán suy tim. BNP là một loại protein được giải phóng khi tim bị giãn ra. Mức BNP tăng cao có thể là dấu hiệu của suy tim, tuy nhiên đôi khi cũng có thể xảy ra do nguyên nhân khác. Vì vậy, xét nghiệm này cần kết hợp với kết quả khám lâm sàng, thông tin về tiền sử bệnh và các xét nghiệm hình ảnh khác để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Kết luận
Bệnh tim có thể dẫn đến các biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể giảm đáng kể nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe tim mạch, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng và duy trì một trái tim khỏe mạnh.

Bệnh Behcet là một bệnh tự miễn hiếm gặp, gây tổn thương mạch máu và dẫn đến loét miệng, phát ban da cùng nhiều triệu chứng khác. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau tùy từng người.

Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị yếu đi do một số tác nhân, chẳng hạn như bị tổn thương do tích tụ mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành một túi phình bất thường.
Mọi người trên 20 tuổi nên đo mức cholesterol mỗi 5 năm một lần.

Bệnh cơ tim phì đại (HCM) là một bệnh tim di truyền khiến tim khó có thể bơm máu hiệu quả. Xét nghiệm di truyền thường được khuyến nghị cho các thành viên trong gia đình của người mắc bệnh HCM.

Bác sĩ phân loại hở van hai lá thành bốn giai đoạn tiến triển. Các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến giai đoạn cuối, nhưng cần theo dõi và điều trị ở giai đoạn sớm để có thể làm bệnh chậm tiến triển.