1

Bao nhiêu tuổi nên bắt đầu khám tuyến tiền liệt?

Khám tuyến tiền liệt giúp phát hiện tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) và viêm tuyến tiền liệt, ngoài ra còn giúp phát hiện những dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt – một trong những bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới.

Lý do cần khám tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước nhỏ nằm bên dưới bàng quang, bao quanh một phần niệu đạo. Tuyến tiền liệt có chức năng tạo ra dịch trong tinh dịch.

Khám tuyến tiền liệt giúp phát hiện tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt) và viêm tuyến tiền liệt, ngoài ra còn giúp phát hiện những dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt – một trong những bệnh ung thư rất phổ biến ở nam giới.

Quá trình khám tuyến tiền liệt thường gồm có bước thăm trực tràng và xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Bác sĩ có thể yêu cầu khám tuyến tiền liệt khi người bệnh có các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt. Khám tuyến tiền liệt cũng có thể là một phần trong quá trình khám sức khỏe định kỳ ở nam giới.

Ai nên khám tuyến tiền liệt?

Bắt đầu từ tuổi 50, tất cả nam giới nên trao đổi với bác sĩ về việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến nghị những nam giới có nguy cơ cao nên trao đổi về việc này ở tuổi 45.

Những người có nguy cơ cao gồm có người gốc Phi và người có một thân nhân bậc một (cha, con trai hoặc anh em ruột) mắc ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi. Nếu có nhiều hơn một thân nhân bậc một bị ung thư tuyến tiền liệt trước 65 tuổi thì nên cân nhắc bắt đầu khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt sớm hơn.

Ước tính trên thế giới có khoảng 1,4 triệu ca mắc mới ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2020 và khoảng trên 375.000 người tử vong do căn bệnh này.

Việc điều trị sẽ dễ dàng hơn nếu bệnh ung được phát hiện ở các giai đoạn đầu, khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt mà chưa lan ra ngoài. Tuy nhiên, một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm nên không phải lúc nào cũng cần điều trị. Điều này phụ thuộc nhiều vào tuổi tác của người bệnh và một số yếu tố khác.

Nam giới nên trao đổi về các yếu tố nguy cơ với bác sĩ và hỏi xem có nên khám tuyến tiền liệt đình kỳ hàng năm hay không.

Thăm trực tràng

Cách phổ biến nhất để kiểm tra sức khỏe tuyến tiền liệt là thăm trực tràng. Đây là một quy trình thăm khám khá nhanh chóng và đơn giản.

Người bệnh sẽ đứng gập người hoặc nằm nghiêng co gối trên bàn khám. Bác sĩ đưa ngón tay có bôi trơn và đeo găng tay y tế vào bên trong trực tràng của người bệnh, sau đó ấn một tay lên tuyến tiền liệt trong khi tay kia cảm nhận vùng chậu từ bên ngoài. Quá trình thăm trực tràng thường chỉ mất một vài phút.

Người bệnh sẽ cảm thấy hơi khó chịu và buồn tiểu khi bác sĩ sờ nắn bên trong, đặc biệt là nếu tuyến tiền liệt bị sưng hoặc viêm.

Ngay sau khi khám xong, bác sĩ sẽ cho người bệnh biết tình trạng của tuyến tiền liệt. Nói chung, thăm trực tràng rất an toàn và không có rủi ro.

Xét nghiệm PSA

Một phương pháp nữa cũng được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt hay PSA. PSA (prostate-specific antigen) là một loại protein được tạo ra bởi các tế bào tuyến tiền liệt để hóa lỏng tinh dịch.

Một lượng nhỏ PSA sẽ đi vào máu. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, một số vấn đề xảy ra với tuyến tiền liệt có thể khiến nồng độ PSA trong máu tăng cao hơn bình thường, ví dụ như:

  • Tuyến tiền liệt bị viêm hoặc nhiễm trùng
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Một số dạng ung thư tuyến tiền liệt

Một số dạng ung thư tuyến tiền liệt lại có thể làm giảm mức PSA.

Trước khi làm xét nghiệm PSA, hãy hỏi bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của xét nghiệm này. Xét nghiệm PSA có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả đối với ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả xét nghiệm dương tính giả dẫn đến việc phải kiểm tra thêm và điều trị không cần thiết trong khi kết quả âm tính giả khiến bệnh không được phát hiện và điều trị sớm.

Tìm hiểu thêm về xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)

Chuẩn bị trước khi khám tuyến tiền liệt

Người bệnh nên cho bác sĩ biết nếu như bị trĩ, rách hậu môn hoặc có các vấn đề khác ở hậu môn. Trong quá trình thăm trực tràng, hãy hít thở bình thường và cố gắng thả lỏng để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi.

Trước khi làm xét nghiệm PSA, người bệnh nên cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Việc mới xuất tinh gần đây cũng có thể ảnh hưởng đến mức PSA. Hãy hỏi bác sĩ xem có cần ngừng quan hệ tình dục trước khi làm xét nghiệm hay không.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm PSA

Xét nghiệm PSA là một xét nghiệm máu nên người bệnh sẽ phải lấy mẫu máu. Mẫu máu sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm để phân tích, vì vậy nên xét nghiệm PSA sẽ không cho kết quả ngay lập tức. Người bệnh sẽ được hẹn lịch trả kết quả.

Dưới đây là ý nghĩa các mức nồng độ PSA trong máu:

  • Dưới 4ng/ml: Bình thường
  • 4 – 10ng/ml: Trung bình
  • Trên 10ng/ml: Cao

Ngoài nồng độ PSA trong máu, bác sĩ sẽ còn đánh giá tốc độ thay đổi mức PSA. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức PSA, vì vậy nên kết quả xét nghiệm cần được đánh giá cẩn thận. Bác sĩ sẽ xem xét tất cả các thông tin liên quan đến sức khỏe của người bệnh.

Kết quả xét nghiệm PSA bất thường không có nghĩa là đã mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Hầu hết nam giới có mức PSA cao đều không bị ung thư tuyến tiền liệt. Khi xét nghiệm PSA cho kết quả cao bất thường, bác sĩ có thể sẽ đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt. Trong số những trường hợp phải sinh thiết do có mức PSA cao, chỉ có khoảng 25% mắc ung thư tuyến tiền liệt. (2)

Mặt khác, nhiều người dù mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng lại có kết quả thăm trực tràng và xét nghiệm PSA bình thường.

Nếu phát hiện thấy thay đổi bất thường trong quá trình thăm trực tràng, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh. Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề rất phổ biến ở nam giới, đặc biệt là khi có tuổi.

Nếu xét nghiệm PSA cho kết quả cao hơn mức bình thường thì có thể sẽ phải xét nghiệm lại hoặc tiến hành các phương pháp chẩn đoán khác, ví dụ như siêu âm qua ngả trực tràng để quan sát hình ảnh của tuyến tiền liệt. Trong quá trình siêu âm qua ngả trực tràng, bác sĩ sẽ đưa đầu dò siêu âm qua hậu môn vào trực tràng của người bệnh. Quá trình siêu âm thường chỉ mất khoảng 10 phút. Người bệnh có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu nhưng thường không đau. Siêu âm qua ngả trực tràng cũng rất an toàn.

Bác sĩ cũng có thể sẽ đề nghị sinh thiết tuyến tiền liệt để xác nhận hoặc loại trừ ung thư. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sử dụng kim dài đưa vào tuyến tiền liệt để lấy một vài mảnh mô nhỏ. Quá trình sinh thiết có thể được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm qua ngả trực tràng để đưa kim đến đúng vị trí. Các mẫu mô sau khi được lấy ra ngoài sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm sự hiện diện của tế bào ung thư.

Quá trình sinh thiết thường chỉ mất khoảng 10 - 15 phút. Người bệnh có thể sẽ bị đau và chảy máu nhẹ sau sinh thiết. Bước tiếp theo cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào kết quả sinh thiết.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: bao nhiêu, bắt đầu
Tin liên quan
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.

So sánh thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Cialis và Flomax
So sánh thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Cialis và Flomax

Ngày nay đã có nhiều loại thuốc để làm giảm các triệu chứng của vấn đề này. Tadalafil (Cialis) và tamsulosin (Flomax) là hai trong số các loại thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Tác dụng phụ của thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Flomax
Tác dụng phụ của thuốc trị phì đại tuyến tiền liệt Flomax

Flomax (tamsulosin) là một loại thuốc chẹn alpha được sử dụng để điều trị triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt).

Tại sao người bị phì đại tuyến tiền liệt nên tránh caffeine?
Tại sao người bị phì đại tuyến tiền liệt nên tránh caffeine?

Caffeine có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là làm tăng tốc độ sản xuất nước tiểu. Caffeine còn có thể làm tăng cảm giác và sự co bóp bàng quang. Vì thế nên caffeine có thể còn làm tăng triệu chứng tiểu gấp và đi tiểu nhiều lần ở những người bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.

Những điều cần biết về siêu âm tuyến tiền liệt
Những điều cần biết về siêu âm tuyến tiền liệt

Siêu âm tuyến tiền liệt được sử dụng để kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt và phát hiện các vấn đề bất thường như ung thư hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây