Tụ dịch sau phẫu thuật thẩm mỹ
Tụ dịch là gì?
Tụ dịch là một khối dịch tích tụ có màu trong - về cơ bản là máu mà không có các tế bào máu, được tạo ra từ tình trạng mô bị viêm và chữa lành chứ không phải là do chảy máu. Đây là dịch rỉ ra từ các mạch máu và từ các mạch bạch huyết bị cắt vào trong quá trình phẫu thuật.
Tình trạng tụ dịch có thể xảy ra do chấn thương đụng dập hoặc sau một số loại phẫu thuật khác nhau, đặc biệt là những ca phẫu thuật cắt bỏ mô hoặc can thiệp rộng hoặc liên quan đến có khoảng trống trong mô, bao gồm sửa chữa thoát vị, hay các ca phẫu thuật thẩm mỹ lớn như hút mỡ, nâng ngực, tái tạo vú, tạo hình thành bụng hay các ca phẫu thuật được thực hiện để điều trị ung thư vú. Sự hình thành dịch tụ có thể làm tăng nguy cơ nhiễn trùng hoặc rách vết thương.
Ống dẫn lưu thường được đặt sau khi phẫu thuật để giúp giảm nguy cơ tụ dịch, điều này cho phép theo dõi khối lượng dịch rỉ ra và một khi lượng dịch rỉ ra ít hơn (thường là dưới 25cc mỗi ngày) thì sẽ được tháo ống. Dịch tụ có thể hình thành ngay sau khi phẫu thuật nếu không dẫn lưu và chúng cũng có thể xuất hiện sau khi đã loại bỏ ống dẫn lưu vì chưa thoát dịch hết, rút dẫn lưu quá sớm.
Các khối dịch tụ thường sẽ tự hết kể cả không được điều trị, nhưng chúng cũng có thể bị vôi hóa và tạo thành các nốt cứng. Với các khối dịch tụ to thường cần phải hút để loại bỏ, quy trình này có thể được thực hiện đơn giản bằng kim, hay dẫn lưu. Dịch tụ bị nhiễm trùng có thể cần điều trị bằng kháng sinh và trong những trường hợp hiếm có thể cần phẫu thuật để loại bỏ.
Khối dịch tụ có thể ảnh hưởng đến khả năng chữa lành ở vị trí phẫu thuật và một khối dịch bị nhiễm khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như áp xe, hay nhiễm trùng máu. Trong trường hợp này bệnh nhân cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, nhất là khi đã có các biểu hiện như chảy mủ từ vị trí phẫu thuật, sốt cao, đau dữ dội, tim đập nhanh hoặc hở vết mổ đáng kể.
Ngoài ra bệnh nhân cũng cần được chăm sóc y tế nhanh chóng nếu dịch bắt đầu chảy ra hoặc nếu vùng phẫu thuật bị đỏ, nóng hay sưng tấy. Trong trường hợp bệnh nhân đang chăm sóc theo dõi khối dịch tụ nhưng vẫn thấy khối dịch tăng kích thước hoặc nếu thấy vùng này có các biểu hiện đỏ, ấm, sưng thì cần đi khám trực tiếp với bác sĩ để được chăm sóc kịp thời.
Các dấu hiệu và triệu chứng của tụ dịch
Có thể xác định được tình trạng tụ dịch nếu có các dấu hiệu như: xuất hiện dịch lỏng trong suốt ở tại hoặc gần vị trí phẫu thuật, hoặc bị rỉ dịch lỏng qua vết mổ. Ngoài ra cũng có thể bị sưng nề, tấy tại chỗ, hoặc cảm giác thay đổi, đau ở tại hoặc xung quanh vết thương. Dịch tụ cũng có thể có màu đỏ hoặc nâu khi trộn lẫn với máu. Nếu dịch tụ không được điều trị thì có thể hình thành bao xơ bao bọc quanh nó, cứng lại và gây đau.
Nếu khối dịch tụ bị nhiễm trùng thì có thể có các triệu chứng bổ sung khác như rỉ mủ, đỏ, nóng da hoặc sưng đau dữ dội tại vị trí phẫu thuật, hở vết thương đáng kể, chảy máu kéo dài hoặc không thể kiểm soát sốt và ớn lạnh. Trong những trường hợp này bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Chẩn đoán tình trạng tụ dịch
Khối dịch tụ có thể cảm nhận được hoặc thậm chí là nhìn thấy được khi kiểm tra trực tiếp vùng ảnh hưởng. Vì dịch tụ có thể trở thành một khối và có thể sờ được nên đôi khi trong một số trường hợp bệnh nhân thường lo ngại và nhầm lẫn với khối u ung thư, hoặc ung thư tái phát hoặc nghi ngờ khối u ung thư không được loại bỏ hoàn toàn trong ca phẫu thuật trước đó. Siêu âm thường là công cụ tốt nhất để xác định các khối dịch tụ, dưới hình ảnh siêu âm túi chất lỏng sẽ hiện lên như một vùng tối. Nếu dịch tụ bị vôi hóa thì sẽ được nhìn thấy thông qua chụp X quang tuyến vú.
Lưu ý phân biệt khi chẩn đoán:
Có một số tình trạng dưới hình ảnh siêu âm và chụp X quang có thể tương tự như khối dịch tụ bao gồm:
- Các khối máu tụ: khối máu tụ là một khối máu thay vì dịch huyết thanh, nhưng cũng có các yếu tố nguy cơ gần giống với dịch tụ. Ngoài ra hai tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra cùng nhau.
- U nang bạch huyết (Lymphoceles): một khối dịch bạch huyết cũng có thể có hình ảnh chụp giống với khối dịch huyết thanh.
- Áp xe: các khu vực bị nhiễm trùng hình thành mô xơ bao bọc xung quanh cũng có thể có hình ảnh chụp tương tự như khối dịch tụ mặc dù thành phần ở bên trong khác nhau.
Nguyên nhân gây dịch tụ và các yếu tố nguy cơ
Dịch tụ có thể xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật và thường trở nên rõ ràng trong 2 tuần đầu. Nguyên nhân xuất hiện dịch tụ có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố như tuổi tác, cân nặng, một số tình trạng y tế như tiểu đường và tăng huyết áp cũng như kỹ thuật thực hiện. Khi một lượng lớn mô được loại bỏ khỏi cơ thể, sẽ xuất hiện không gian trống giữa các lớp mô, và các mạch máu, mạch bạch huyết bị tổn thương xung quanh vị trí vết mổ sẽ rỉ chất lỏng vào không gian trống này để ngăn ngừa nhiễm trùng, tất cả những điều này tạo nên một khối dịch tụ.
Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành dịch tụ sau phẫu thuật như phẫu thuật mở rộng, thực hiện quy trình gây phá vỡ mô quá nhiều, hay đã có tiền sử tụ dịch. Tuy nhiên không phải ai có các yếu tố nguy cơ này cũng phát triển khối dịch tụ.
Các phương pháp điều trị tụ dịch
Các khối dịch tụ nhỏ, không gây ảnh hưởng nặng thì có thể không cần can thiệp điều trị y tế, vì cơ thể bạn có thể hấp thụ chúng theo cơ chế tự nhiên trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó.
Thuốc sẽ không làm cho dịch tụ biến mất nhanh hơn nhưng bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen (Advil) để giảm cảm giác đau đớn và khó chịu và giúp giảm viêm do dịch tụ gây ra. Tuy nhiên phải trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc.
Với các khối dịch tụ lớn hơn có thể cần bác sĩ can thiệp bằng các biện pháp như hút dịch bằng kim tiêm, dẫn lưu, chích xơ và phẫu thuật cắt bỏ.
Hút dịch tụ bằng kim tiêm
Đây được xem là phương pháp xử lý tụ dịch tiêu chuẩn, được áp dụng rất phổ biến. Quy trình thực hiện rất đơn giản, bác sĩ chỉ cần đâm một cây kim vào khối dịch tụ sau đó hút ra. Dịch có thể sẽ quay trở lại và bác sĩ có thể cần hút bỏ nhiều lần.
Dẫn lưu khối dịch tụ
Nếu phương pháp hút dịch lặp đi lặp lại không hiệu quả thì bác sĩ có thể chọn kỹ thuật dẫn lưu. Đây được coi là một quy trình phẫu thuật vì có vết rạch da. Kỹ thuật này áp dụng với những tình trạng khối dịch tụ lớn và nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ rạch và đặt ống dẫn lưu vào trong vài ngày để thoát dịch, ống dẫn lưu sẽ được đặt cho đến khi không còn dịch thoát ra nữa, tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà thời gian đặt có thể khác nhau. Quá trình hồi phục sau đó cũng nhẹ nhàng vì vết rạch nhỏ và quy trình không can thiệp nhiều.
Chích xơ (tiêm tác nhân gây xơ cứng)
Trong một số trường hợp, dịch tụ có thể trở thành mãn tính (tồn tại lâu dài) và hình thành nên một “bức tường” bao quanh nó, trong trường hợp này khoang dịch tụ sẽ không thể tự biến mất được. Do đó, nếu dịch tụ vẫn rỉ ra dù đã đặt dẫn lưu nhiều ngày thì bác sĩ có thể đưa một tác nhân gây xơ cứng như tetracycline (một loại kháng sinh) đi qua ống dẫn lưu vào khối dịch tụ. Tác nhân này sẽ gây ra phản ứng xơ hóa để bịt kín không gian nơi dịch lỏng tích tụ, từ đó có thể rút dẫn lưu ra. Hầu hết các báo cáo đều cho thấy điều trị khối dịch tụ bằng tác nhân gây xơ cứng cho hiệu quả cao và bệnh nhân dung nạp tốt.
Phẫu thuật loại bỏ khối dịch tụ
Nếu dùng tác nhân gây xơ cứng vẫn không hiệu quả thì lựa chọn cuối cùng là phẫu thuật rạch lại qua vết sẹo cũ để loại bỏ khoang dịch tụ mãn tính đó.
Trong phẫu thuật ngực, đôi khi bệnh nhân thực hiện quy trình tháo bỏ túi độn nhưng lại không loại bỏ bao xơ, và dịch tụ có thể xuất hiện trong bao xơ đó. Trong trường hợp này đôi khi khối dịch tụ được bao bọc bởi lớp bao xơ bên ngoài có thể sẽ được loại bỏ nguyên khối (xem hình trên) giống như kỹ thuật tháo bỏ túi độn nguyên khối (cùng lúc đưa cả bao xơ và túi độn bên trong ra)
Các biến chứng tiềm ẩn của khối tụ dịch
Nếu không được điều trị, một khối tụ dịch có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa đến tính mạng. Một số biến chứng phổ biến bao gồm: gây tình trạng áp xe, vôi hóa dịch tụ, kết quả thẩm mỹ xấu, sẹo xấu, nhiễm trùng huyết (có thể đe dọa đến tính mạng), hoặc hở vết thương.
Các biện pháp phòng ngừa tụ dịch
Tình trạng tụ dịch có thể tồn tại dai dẳng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân, do đó có rất nhiều các biện pháp dự phòng đã được khuyên dùng. Các nghiên cứu cho rằng, cách đầu tiên và tốt nhất để điều trị dịch tụ là ngăn chặn nó ngay từ đầu. Và cách tốt nhất để ngăn chặn nó là không để bất cứ không gian nào để cho dịch có thể tích tụ hay nói cách khác chính là giảm không gian chết trong quá trình phẫu thuật. Điều này thường được thực hiện bằng cách áp dụng kỹ thuật khâu chần bằng chỉ tự tiêu. Việc giảm triệt để không gian chết như thế sẽ khiến dịch tụ nếu có hình thành thì cũng chỉ là những khối nhỏ không gây ảnh hưởng đáng kể và có thể tự tiêu.
Ngoài ra cũng cần duy trì tính toàn vẹn của mạch bạch huyết; điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ tụ dịch cao với kỹ thuật bảo tồn, không can thiệp quá mức; áp dụng kỹ thuật thắt mạch; và duy trì thời gian đặt dẫn lưu phù hợp. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc corticosteroid, thuốc lợi tiểu và dùng chất kết dính trong quá trình phẫu thuật (như keo Fibrin). Một số nghiên cứu đã chứng minh tỉ lệ tụ dịch giảm hơn hẳn khi bác sĩ áp dụng kỹ thuật khâu chần kết hợp dùng keo Fibrin.
Và một biện pháp phòng ngừa quan trọng khác nữa đó là phải thao tác càng nhẹ nhàng với mô càng tốt, tốt nhất là nên áp dụng kỹ thuật bóc tách cùn. Nghĩa là, hoặc là dùng ngón tay hoặc là dùng các dụng cụ cùn để xé các mô bên dưới, việc xé mô sẽ làm cho các mạch máu nhỏ bị co lại, điều này thường sẽ giúp cầm máu. Việc sử dụng kẹp, chỉ khâu hoặc dao đốt thường cũng có hiệu quả trong việc đóng mạch, tránh chảy máu. Trong một số trường hợp, tạo áp lực lên vùng phẫu thuật trong vòng 3 – 5 ngày sau phẫu thuật cũng giúp ngăn ngừa tụ dịch. Điều này có thể được thực hiện bằng cách dùng băng ép hoặc đồ nịt.
Các biện pháp giúp tăng tốc độ chữa lành khối tụ dịch
Chườm nhiệt ấm
Tăng lưu thông đến khu vực đang chữa lành thường sẽ giúp giảm thiểu sưng tấy do tụ dịch. Dịch tụ sẽ được tái hấp thụ vào dòng máu nhanh hơn và dòng máu lưu thông nhiều hơn sẽ mang oxy và chất dinh dưỡng đến mô mới hình thành. Nhiệt là một cách tuyệt vời để giúp tăng lưu thông đến vùng này. Bệnh nhân có thể chườm túi chườm nóng lên vùng tụ dịch, vừa giúp tăng lưu thông vừa thúc đẩy thoát dịch, giảm đau nhức hoặc giảm độ căng ở vùng này. Tuy nhiên cần đảm bảo túi chườm không được quá nóng và bạn chỉ nên đặt nó trên khối dịch tụ trong khoảng 10 phút, ít nhất 3 lần mỗi ngày. Có thể mất đến 6 tuẩn bạn mới cảm nhận được sự cải thiện, nhưng hãy tiếp tục duy trì và nếu không cải thiện, khối dịch tụ to hơn thì cần báo ngay cho bác sĩ.
Nâng cao vùng bị ảnh hưởng và hạn chế hoạt động
Nâng cao vùng có khối dịch tụ có thể giúp dịch thoát ra ở một số trường hợp. Sau phẫu thuật hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế hoạt động cho đến khi sưng tấy giảm. Hoạt động quá nhiều cũng có thể gây chậm lành vết thương. Bạn có thể đi bộ xung quanh và hoạt động nhẹ nhàng nhưng không nên tập thể dục vì sẽ kéo căng vết mổ.
Giữ sạch vùng điều trị
Khối dịch tụ có thể trở thành một biến chứng nghiêm trọng nếu nó bị nhiễm trùng, vì thế phải giữ vùng này luôn sạch sẽ, nhất là vị trí vết mổ. Việc tránh nhiễm trùng sẽ giúp các khối dịch tụ có thể tự tiêu đi mà không cần can thiệp y tế. Hãy đảm bảo không chạm vào vùng đó trừ khi đã rửa tay sạch sẽ và nếu băng ép vùng điều trị thì cần đảm bảo băng phải thật sạch.
Chăm sóc ống dẫn lưu
Nếu bạn được đặt ống dẫn lưu sau phẫu thuật, thì phải tuân theo hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ. Dẫn lưu cần được đổ đi bằng tay, do đó cần đảm bảo tay sạch sẽ trước khi thực hiện, đồng thời cần đảm bảo làm rỗng ống dẫn lưu đúng như hướng dẫn để không cản trở đến việc thoát dịch.
Dùng băng ép/đồ nịt
Băng ép, đồ nịt thường được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa tụ dịch sau phẫu thuật. Loại đồ nịt hay băng ép bạn sử dụng sẽ phụ thuộc vào từng loại phẫu thuật, những đồ dùng này sẽ được sử dụng để tạo áp lực lên vùng phẫu thuật và giảm sưng. Thông thường bạn sẽ được đề nghị mặc trong vài tuần cho đến khi hết nguy cơ tích tụ chất lỏng.
Đối với một số người tháng 3 là thời điểm giới mê bóng rổ đại học Mỹ gọi là Tháng 3 Điên, tuy nhiên đối với Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hoa kỳ (ASPS), đây là thời điểm để thu thập số liệu thống kê phẫu thuật hàng năm.
Đôi khi 2 thực sự tốt hơn 1. Và trong phẫu thuật thẩm mỹ, việc kết hợp các quy trình có thể là cách nên làm nếu bạn muốn có được kết quả tốt nhất có thể hoặc nếu bạn đã có mục tiêu cụ thể trong đầu. Một số quy trình kết hợp với nhau sẽ tốt hơn hoặc mang lại kết quả bổ sung cho nhau.
Đối với nhiều phụ nữ, phẫu thuật nâng ngực là quy trình đơn giản và an toàn. Nhưng an toàn không có nghĩa là không có nguy cơ tiềm ẩn nào.
Cho dù là phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, thu gọn ngực hay loại bỏ, thay đổi túi độn hoặc phẫu thuật nâng ngực chảy xệ thì phẫu thuật ngực cũng là một trong số những quy trình phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất tại Mỹ.
Quyết định đặt túi độn nâng ngực không phải là một vấn đề dễ dàng. Có thể bạn đã đã mất rất nhiều thời gian để quyết định mình có muốn thực hiện ca phẫu thuật thẩm mỹ này hay không.
- 9 trả lời
- 23086 lượt xem
Tôi tham khảo các thông tin trên mạng thấy có nhiều hướng dẫn khác nhau về cách mát xa vú sau phẫu thuật nâng ngực. Tôi muốn tìm hiểu các kỹ thuật mát xa thích hợp cho ngực sau mổ.
- 18 trả lời
- 10908 lượt xem
Sau khi phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn 400cc, kích thước vòng một của tôi tăng từ 34AA lên cỡ C cup. Tôi muốn biết có phải mặc áo ngực thể thao hay áo ngực định hình không và mặc trong bao lâu? Một chiếc áo ngực nịt chặt thì có tốt hơn so với cái lỏng không?
- 7 trả lời
- 8663 lượt xem
Tôi mới phẫu thuật nâng ngực bằng túi gel silicone Mentor, túi độn được đặt dưới cơ 4 tuần trước. Tôi cao 1m5 và nặng 44 kg. Bác sĩ của tôi khuyên nên chọn túi độn cỡ nhỏ nên tôi chọn túi 250cc cho cả hai bên. Tôi thuận tay phải và ngực phải của tôi nhỏ hơn một chút so với ngực trái. Bây giờ tôi đang rất lo vì ngực trái của tôi đầy hơn, hơi sưng hơn trong khi ngực phải cao và cứng hơn nhưng lại nhỏ hơn ngực trái. Liệu sau một thời gian nữa thì tình trạng này có hết không?
- 8 trả lời
- 5709 lượt xem
Tôi vừa đặt túi độn Mentor được 3 tuần (túi độn 295cc, độ nhô trên trung bình). Bác sĩ nói rằng ngực tôi bị chảy xệ, vậy tôi có cần phải tiến hành phẫu thuật nâng ngực chảy xệ nữa không?
- 4 trả lời
- 1333 lượt xem
Hơn một năm trước, tôi đã phẫu thuật nâng ngực bằng túi gel silicone 300cc, đặt túi dưới cơ. Hiện tại tôi bị co thắt bao xơ. Tôi muốn phẫu thuật cắt bỏ và muốn biết quá trình phẫu thuật này có thể được thực hiện dưới sự gây tê tại chỗ không?