Tiêm xơ tĩnh mạch trong điều trị tĩnh mạch mạng nhện
Tiêm xơ tĩnh mạch là gì?
Tiêm (chích) xơ tĩnh mạch là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả cao được sử dụng để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện. Đây thường được coi là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho những trường hợp suy giãn tĩnh mạch nhẹ.
Sau khi tiêm, các tĩnh mạch được điều trị thường mờ đi trong vòng 2 tuần nhưng đôi khi có thể phải sau một tháng thì mới thấy hiệu quả tối đa. Thông thường sẽ cần tiêm nhiều lần để có được kết quả như mong muốn.
Quy trình thực hiện
Tiêm xơ tĩnh mạch là một thủ thuật đơn giản, nhanh chóng và không cần gây mê. Quá trình thực hiện thường mất từ 15 phút đến một tiếng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề cần xử lý.
Đầu tiên, bệnh nhân nằm ngửa, hơi nâng cao chân. Bác sĩ sát trùng vùng cần tiêm bằng cồn và sử dụng kim tiêm rất mảnh để tiêm một loại chất gây xơ trực tiếp vào tĩnh mạch. Bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi nhói và giật nhẹ ở vị trí tiêm trong 1 đến 2 phút. Chất gây xơ sẽ làm xẹp đoạn tĩnh mạch được điều trị, buộc máu phải chuyển hướng chảy sang các tĩnh mạch khỏe mạnh hơn. Tĩnh mạch bị xẹp sẽ được cơ thể tái hấp thu và cuối cùng biến mất.
Sau khi rút kim, dùng tay ấn chặt bông lên vị trí tiêm và giữ một lúc để ngăn chảy máu và dung dịch tiêm ra ngoài. Khi điều trị các tĩnh mạch lớn hơn thì gạc sẽ được dán lên vị trí tiêm. Số lần tiêm sẽ phụ thuộc vào kích thước của các tĩnh mạch cần xử lý.
Mục đích
Phương pháp chích xơ tĩnh mạch được sử dụng để loại bỏ tĩnh mạch mạng nhện và giảm một số triệu chứng đi kèm, ví dụ như đau nhức, nóng, mỏi, sưng phù và chuột rút về đêm. Đây là phương pháp chính để điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch nhẹ ở chân.
Cần chuẩn bị gì?
Trước khi tiến hành thủ thuật tiêm xơ tĩnh mạch, bác sĩ sẽ khám sức khỏe và lấy bệnh sử.
Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ sẽ đánh giá các tĩnh mạch cần điều trị và kiểm tra xem có bất kỳ bệnh mạch máu tiềm ẩn nào hay không.
Cần lấy bệnh sử để xác định những vấn đề như:
- Hút thuốc lá hoặc uống thuốc tránh thai. Cả hai đều làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
- Dị ứng
- Các bệnh hoặc vấn đề sức khỏe đang mắc phải, chẳng hạn như bệnh tim mạch
- Thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng, đặc biệt là aspirin, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng sinh
- Những lần điều trị tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch trước đây
Nếu như đang dùng thuốc chống viêm không steroid, aspirin hoặc thuốc chống đông máu thì sẽ cần tạm ngừng dùng thuốc trong một khoảng thời gian nhất định theo chỉ dẫn của bác sĩ trước khi tiêm xơ để giảm nguy cơ chảy máu.
Trong vòng 24 tiếng trước khi thực hiện thủ thuật thì không được cạo lông ở vùng sắp tiêm và không thoa bất cứ thứ gì lên da. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái khi đi tiêm.
Sau khi tiêm
Sau khi tiêm xơ tĩnh mạch, bệnh nhân nằm nghỉ trong vài phút. Bác sĩ sẽ kiểm tra các vị trí tiêm để xem có xảy ra phản ứng tiêu cực nào hay không. Sau đó, bệnh nhân đứng dậy và đi xung quanh khoảng vài phút. Lưu ý, cần phải cử động chân sau khi tiêm để ngăn ngừa hình thành cục máu đông và có kết quả tối ưu. Tuy nhiên, không nên vận động mạnh trong vòng vài ngày đến một tuần.
Tránh để vùng được điều trị tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong vài ngày đầu tiên. Phản ứng viêm do tiêm kết hợp với ánh nắng mặt trời sẽ gây hình thành những đốm thâm trên da, đặc biệt là những người vốn đã có da tối màu.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn mang tất nén hoặc băng thun trong 1 đến 3 tuần để duy trì áp lực lên các tĩnh mạch được điều trị. Vị trí tiêm sẽ bị đỏ nhưng đây là một hiện tượng bình thường và sẽ tự hết sau vài ngày. Có thể sẽ nhìn thấy các đường hoặc đốm nâu trên da tại các vị trí tiêm. Trong hầu hết các trường hợp, chúng sẽ biến mất trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, vị trí tiêm sẽ bị bầm tím nhưng đây cũng là hiện tượng tạm thời và sẽ hết trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Bao lâu thì có hiệu quả?
Tĩnh mạch mạng nhện nhỏ thường đáp ứng với phương pháp tiêm xơ trong vòng từ 3 đến 6 tuần nhưng với các tĩnh mạch lớn hơn thì có thể phải sau từ 3 đến 4 tháng mới thấy kết quả. Các tĩnh mạch đã biến mất sẽ không phát triển trở lại. Nếu các tĩnh mạch mới xuất hiện thì hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm nếu cần.
Cần đến tái khám theo lịch hẹn, thường là khoảng một tháng sau khi tiêm để đánh giá hiệu quả của việc điều trị và quyết định xem có cần tiêm thêm hay không. Nói chung, mỗi lần tiêm nên cách nhau từ 4 đến 6 tuần.
Nghiên cứu về các phương pháp điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện đã chỉ ra rằng mức độ hiệu quả của phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch là từ 50 đến 80%.
Biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị tĩnh mạch mạng nhện
Tĩnh mạch mạng nhện có thể xuất hiện ở cả một số vị trí mà nhiều người không ngờ tới như mặt, bàn tay và bàn chân.
Suy giãn tĩnh mạch là một vấn đề phổ biến trong thời gian mang thai nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa và điều trị được.
Tìm hiểu phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch
Tìm hiểu về thuốc tiêm gây xơ mạch Asclera (polidocanol)
- 7 trả lời
- 1331 lượt xem
Tôi đang chuẩn bị điều trị tĩnh mạch mạng nhện bằng laser nhưng rất lo lắng về nguy cơ tăng sắc tố. Tôi có da sáng, hơi ngả sang tone màu olive và ngoại trừ việc hay mặc đồ ngắn vào mùa hè ra thì tôi không thường tiếp xúc nhiều với nắng hay tắm nắng. Liệu da tôi có bị tăng sắc tố sau khi điều trị không?
- 4 trả lời
- 1355 lượt xem
Tôi có thể tự loại bỏ tĩnh mạch mạng nhện bằng cách tiêm Insulin và nước muối sinh lý không?
- 4 trả lời
- 1780 lượt xem
Chi phí trung bình để điều trị tĩnh mạch mạng nhện cho một chân là bao nhiêu?
- 7 trả lời
- 1621 lượt xem
Tôi đã tiêm xơ tĩnh mạch vào tuần trước và được hướng dẫn là đeo băng thun hoặc vớ nén sau khi điều trị. Tôi chỉ đeo được trong 2 - 3 ngày vì tôi còn phải đi làm. Nếu như vậy thì có ảnh hưởng gì không?
- 9 trả lời
- 1893 lượt xem
Tôi cần chọn phương pháp nào để xử lý các đường tĩnh mạch mạng nhện đỏ bắt đầu xuất hiện xung quanh mũi?