Độ tuổi mãn kinh trung bình là bao nhiêu?
Nội dung chính của bài viết:
-
Mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Độ tuổi mãn kinh trung bình là khoảng 51 tuổi nhưng mãn kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong độ tuổi 40 và 50.
-
Độ tuổi mãn kinh tự nhiên ở mỗi người là khác nhau và có thể bị ảnh hưởng bởi gen di truyền cũng như là nhiều yếu tố khác trong cuộc sống.
-
Mặc dù giai đoạn tiền mãn kinh có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn nhưng có nhiều phương pháp để cải thiện những triệu chứng này.
-
Khi những triệu chứng quá nghiêm trọng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thì nên đi khám để được bác sĩ tư vấn các biện pháp điều trị.
Độ tuổi mãn kinh
Mãn kinh xảy ra khi một phụ nữ ngừng có kinh nguyệt hàng tháng một cách vĩnh viễn và thường được xác định khi qua một năm không có kinh nguyệt. Sau khi mãn kinh, phụ nữ sẽ không thể mang thai tự nhiên được nữa.
Độ tuổi mãn kinh trung bình là khoảng 51 tuổi nhưng mãn kinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong độ tuổi 40 và 50.
Có thể dự đoán tuổi mãn kinh không?
Không có phương pháp xét nghiệm đơn giản nào có thể dự đoán trước khi nào thì một người đến tuổi mãn kinh nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tiến hành các thử nghiệm để tạo ra một phương pháp như vậy.
Đánh giá tiền sử gia đình là cách đơn giản và chính xác nhất để dự đoán độ tuổi bước vào thời kỳ mãn kinh. Có thể bạn sẽ mãn kinh ở cùng một độ tuổi với mẹ hoặc chị em gái trong nhà.
Khi nào bắt đầu tiền mãn kinh?
Kinh nguyệt của phụ nữ không ngừng một cách đột ngột mà trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ sẽ trải qua một giai đoạn chuyển tiếp, được gọi là tiền mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và thường bắt đầu từ giữa đến cuối độ tuổi 40. Trung bình, hầu hết phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh trong khoảng 4 năm trước khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn.
Triệu chứng tiền mãn kinh
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone (nội tiết tố) bắt đầu thay đổi. Do đó mà chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên bất thường cùng với nhiều triệu chứng khác nữa. Chu kỳ kinh có thể dài hơn hoặc ngắn hơn bình thường và mỗi lần có kinh có thể ra máu nhiều hơn hoặc ít hơn so với trước. Ngoài ra, thi thoảng không có kinh trong một hoặc hai tháng cũng là điều thường gặp trong thời gian này.
Ngoài ra, các triệu chứng khác mà phụ nữ có thể gặp phải trong giai đoạn tiền mãn kinh còn có:
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi về đêm
- Khó ngủ
- Khô âm đạo
- Thay đổi tâm trạng
- Tăng cân
- Rụng tóc, mỏng tóc
- Da khô
- Ngực mất đi sự đầy đặn, bắt đầu trở nên chảy xệ
Mỗi phụ nữ sẽ gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Và mức độ của các triệu chứng này cũng không giống nhau. Một số người chỉ gặp những triệu chứng nhẹ nên không cần bất kỳ phương pháp can thiệp điều trị nào trong khi có nhiều người lại phải trải qua những triệu chứng nghiêm trọng đến mức cần điều trị.
Mãn kinh sớm là gì?
Khi thời kỳ mãn kinh bắt đầu xảy ra trước tuổi 40 thì được gọi là mãn kinh sớm. Khoảng 5% phụ nữ phải trải qua mãn kinh sớm một cách tự nhiên, có nghĩa là không có phải do phẫu thuật hay những yếu tố tác động khác.
Dưới đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm:
- Chưa từng có con: Những phụ nữ từng mang thai ít nhất một lần thường mãn kinh muộn hơn.
- Hút thuốc: Hút thuốc có thể khiến thời kỳ mãn kinh diễn ra sớm hơn đến hai năm.
- Tiền sử gia đình mãn kinh sớm: Nếu người mẹ bắt đầu mãn kinh sớm thì khả năng cao là các con gái cũng như vậy.
- Hóa trị hoặc xạ trị ở vùng chậu: Những phương pháp điều trị ung thư này có thể làm hỏng chức năng buồng trứng và khiến thời kỳ mãn kinh diễn ra sớm hơn.
- Phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc cắt tử cung: Sau khi phẫu thuật cắt buồng trứng, phụ nữ sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức. Khi phẫu thuật cắt tử cung và vẫn giữ lại buồng trứng thì sẽ chưa mãn kinh ngay nhưng thời kỳ mãn kinh thường sẽ bắt đầu sớm hơn từ 1 đến 2 năm so với bình thường.
- Một số vấn đề về sức khỏe: Viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, hội chứng mệt mỏi mãn tính và một số bệnh do rối loạn nhiễm sắc thể có thể gây ra mãn kinh sớm.
Nếu chưa đến độ tuổi tiền mãn kinh thông thường mà đã bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu, triệu chứng thì nên đi khám bác sĩ để làm một số phương pháp xét nghiệm cần thiết nhằm xác định có phải bạn đang bước vào thời kỳ mãn kinh hay không.
Một phương pháp xét nghiệm nhằm chẩn đoán mãn kinh mới được phê chuẩn gần đây là xét nghiệm PicoAMH Elisa. Phương pháp này đo lượng hormone anti-müllerian (AMH) trong máu, từ đó giúp xác định xem liệu có phải một người sắp bước vào hoặc đã ở trong thời kỳ mãn kinh hay không.
Mãn kinh sớm và các vấn đề sức khỏe
Những phụ nữ mãn kinh sớm thường có tuổi thọ ngắn hơn so với những phụ nữ mãn kinh đúng tuổi.
Các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng việc phải trải qua thời kỳ mãn kinh sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe, bệnh lý nhất định, chẳng hạn như:
- Bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Loãng xương và gãy xương
- Trầm cảm
Tuy nhiên, việc bắt đầu mãn kinh sớm hơn bình thường cũng đem lại một số lợi ích. Ví dụ, mãn kinh sớm sẽ làm giảm có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ sau 55 tuổi mới bước vào thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 30% so với những người bắt đầu tiền mãn kinh trước tuổi 45. Các chuyên gia cho rằng lý do mà mãn kinh muộn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này là do khi mãn kinh muộn thì cơ thể phụ nữ phải chịu sự ảnh hưởng của hormone estrogen trong thời gian dài hơn.
Có thể trì hoãn mãn kinh không?
Hiện vẫn chưa có cách nào được khoa học chứng minh là có thể trì hoãn thời kỳ mãn kinh nhưng một số thay đổi trong lối sống có thể giúp tránh bị mãn kinh sớm.
Ví dụ, hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng khả năng mãn kinh sớm nên bỏ thuốc sẽ giúp tránh được điều này.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh.
Một nghiên cứu năm vào 2018 đã cho thấy một chế độ ăn có nhiều dầu cá, các loại đậu, vitamin B6 và kẽm có thể đẩy lùi thời điểm bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh tự nhiên. Ngược lại, việc ăn nhiều carb tinh chế có thể khiến cho giai đoạn này diễn ra sớm hơn.
Một nghiên cứu khác vào năm 2017 cho thấy những phụ nữ tiêu thụ lượng vitamin D và canxi cao trong chế độ ăn hàng ngày có nguy cơ mãn kinh sớm thấp hơn.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám khi có những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh để làm các phương pháp xét nghiệm kiểm tra xem có đúng là bạn đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hay không, nếu đúng thì cần thực hiện những biện pháp nào để giảm bớt các triệu chứng. Ngoài ra, khi đi khám thì bác sĩ sẽ giải đáp những thắc mắc như những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt có bình thường hay không, cần tiếp tục sử dụng biện pháp tránh thai trong bao lâu nữa, nên làm gì để duy trì sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh…
Khi nhận thấy hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh thì cần đến gặp bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Khi một phụ nữ trải qua 12 tháng không có kinh nguyệt thì sẽ được coi là đang trong giai đoạn mãn kinh. Lúc này, nếu xảy ra hiện tượng ra máu âm đạo thì là điều không bình thường và cần đi khám để tìm ra nguyên nhân. Đó có thể là triệu chứng của những vấn đề sức khỏe, bệnh lý nghiêm trọng.
Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 40 nhưng cũng có thể bắt đầu ngay từ độ tuổi 30 hoặc tận đến khi sang độ tuổi 50 mới diễn ra.
Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.
Ở hầu hết phụ nữ, thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi cuối 40 đến đầu 50. Nhưng ở một số người, sự sản xuất estrogen suy giảm và chu kỳ kinh nguyệt kết thúc sớm hơn nhiều. Thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu trước tuổi 40 và thậm chí có thể xảy ra ở độ tuổi 20. Thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước tuổi 40 được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).
Bệnh trứng cá đỏ (rosacea) là một bệnh về da mạn tính có triệu chứng là da ửng đỏ, nóng bừng mặt, nổi các sẩn nhỏ chứa mủ và giãn mạch máu. Các triệu chứng này thường xảy ra ở mặt, cổ hoặc phần trên của ngực. Bốc hỏa – một triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh – cũng có thể khiến các khu vực này có cảm giác nóng và đỏ lên. Các cơn bốc hỏa không chỉ gây đổ mồ hôi và khó chịu mà còn có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ bùng phát. Vì lý do này nên nếu bạn bị bệnh trứng cá đỏ và đang trong thời kỳ mãn kinh thì sẽ phải điều trị đồng thời cả hai tình trạng.