Mãn kinh ở độ tuổi 20: Nguyên nhân và cách điều trị
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các dấu hiệu của mãn kinh sớm và quá sớm, nguyên nhân gây ra tình trạng này, những biện pháp để điều trị các triệu chứng cũng như những ảnh hưởng của mãn kinh sớm đến sức khỏe.
Mãn kinh quá sớm là gì?
Mãn kinh quá sớm là thời kỳ mãn minh xảy ra trước 40 tuổi. Mãn kinh quá sớm còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát vì tình trạng này xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất estrogen. Nếu bạn đang ở độ tuổi 20 và đã bước vào thời kỳ mãn kinh thì được coi là mãn kinh quá sớm.
Mãn kinh quá sớm khác với mãn kinh sớm, tức là thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước 45 tuổi. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy khoảng 3,7% phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát hay mãn kinh quá sớm. (1)
Triệu chứng mãn kinh quá sớm
Các triệu chứng của mãn kinh quá sớm cũng giống như các triệu chứng mãn kinh đúng tuổi. Mỗi phụ nữ gặp phải các triệu chứng khác nhau khi bước vào thời kỳ mãn kinh nhưng một số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Khó ngủ
- Giảm ham muốn tình dục
- Đau nhức cơ thể
- Đau đầu
- Giảm tập trung
- Trí nhớ kém
- Khô âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Tăng cân
- Giảm mật độ xương
- Tăng cholesterol
- Tâm trạng thay đổi đột ngột
Nguyên nhân gây mãn kinh quá sớm
Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân gây ra mãn kinh quá sớm. Dưới đây là một số nguyên nhân chính và các yếu tố làm tăng nguy cơ mãn kinh quá sớm.
Tiền sử gia đình
Mãn kinh quá sớm có thể là do di truyền. Nếu bạn vẫn còn trẻ mà đã bắt đầu có các dấu hiệu mãn kinh thì hãy thử hỏi bà hoặc mẹ về độ tuổi mà họ mãn kinh. Nếu người thân trong gia đình bị mãn kinh sớm hoặc quá sớm thì bạn sẽ có nguy cơ mãn kinh sớm cao hơn.
Hút thuốc
Những phụ nữ hút thuốc thường mãn kinh sớm hơn so với những người không hút. Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy càng hút thuốc nhiều thì nguy cơ mãn kinh quá sớm càng cao. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020 gồm có một số nghiên cứu thực hiện trên chuột cho thấy hút thuốc lá điện tử cũng có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa rõ hút thuốc lá điện tử có ảnh hưởng như thế nào đến độ tuổi mãn kinh.
Phẫu thuật buồng trứng
Đôi khi, phẫu thuật vùng chậu hoặc cắt buồng trứng là nguyên nhân gây mãn kinh quá sớm. Phẫu thuật cắt buồng trứng được thực hiện để điều trị bệnh ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc các vấn đề về buồng trứng khác. Sau khi cắt bỏ cả hai buồng trứng, phụ nữ sẽ mãn kinh ngay lập tức. Theo nghiên cứu vào năm 2019, nếu mãn kinh là do phẫu thuật cắt buồng trứng thì các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn so với mãn kinh tự nhiên. (2)
Tiếp xúc với chất độc
Những phụ nữ đã từng hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư có nguy cơ mãn kinh quá sớm cao hơn. (3)
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã tìm hiểu về tác hại của việc tiếp xúc với một số hóa chất gây rối loạn estrogen. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiếp xúc với các hóa chất có trong một số loại thuốc trừ sâu và phthalate có thể làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm.
Nhiễm virus và vi khuẩn
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy một số loại virus và vi khuẩn có liên quan đến tình trạng mãn kinh quá sớm nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được tại sao những loại virus và vi khuẩn này lại có thể khiến cho thời kỳ mãn kinh diễn ra sớm hơn bình thường. Ví dụ, HIV, virus quai bị, virus cytomegalo, vi khuẩn gây bệnh lao và ký sinh trùng gây bệnh sốt rét có thể gây ra những thay đổi ở buồng trứng và dẫn đến mãn kinh quá sớm.
Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn đôi khi có thể làm hỏng buồng trứng và gây mãn kinh quá sớm. Một số bệnh tự miễn được xác định là có liên quan đến mãn kinh quá sớm gồm có:
- Suy giáp tự miễn
- Viêm tuyến giáp hashimoto
- Bệnh graves
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh crohn
- Bệnh nhược cơ
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Bệnh đa xơ cứng
Gen di truyền
Nghiên cứu vào năm 2019 đã tìm thấy hơn 75 gen khác nhau có thể góp phần gây ra tình trạng suy buồng trứng nguyên phát và mãn kinh quá sớm. Hầu hết là các gen ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của buồng trứng, cách các tế bào phân chia và quá trình sửa chữa DNA trong cơ thể. Hội chứng Turner và hội chứng Fragile X là những rối loạn di truyền có thể gây mãn kinh quá sớm.
Các tác hại của mãn kinh quá sớm
Mãn kinh quá sớm gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe.
Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe mà bạn có thể gặp phải nếu bị mãn kinh quá sớm:
- Bệnh tim mạch: Sự thiếu hụt estrogen có thể gây ra những thay đổi trong mạch máu và tim, điều này làm tăng nguy cơ mắc các ván đề về tim mạch.
- Rối loạn lo âu, trầm cảm và những rối loạn tâm thần khác: Sự thay đổi nội tiết tố còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Những phụ nữ mãn kinh quá sớm có nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm cao hơn.
- Bệnh về mắt: Trong một nghiên cứu vào năm 2021, khoảng 79% phụ nữ mãn kinh bị khô mắt và các vấn đề khác ảnh hưởng đến bề mặt của mắt. Người lớn tuổi gặp phải các triệu chứng nặng hơn.
- Vô sinh: Sau khi mãn kinh, phụ nữ sẽ không thể thụ thai một cách tự nhiên. Mãn kinh quá sớm sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch sinh nở.
- Suy giáp: Ở một số phụ nữ, nồng độ hormone tuyến giáp giảm sau khi mãn kinh. Điều này làm giảm tốc độ trao đổi chất và mức năng lượng.
- Loãng xương: Nồng độ estrogen thấp làm giảm mật độ khoáng chất trong xương, khiến cho xương yếu đi và dễ gãy.
Chẩn đoán mãn kinh quá sớm
Hầu hết các trường hợp suy buồng trứng nguyên phát đều được phát hiện sau một thời gian mất kinh. Nếu bạn bị mất kinh nguyệt ba kỳ trở lên liên tiếp thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán sau đây:
- Hỏi về tiền sử gia đình vì mãn kinh quá sớm có thể di truyền
- Xét nghiệm máu đo nồng độ estradiol, FSH (hormone kích thích nang trứng) và AMH (anti-Mullerian hormone)
- Xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác cũng có thể ảnh hưởng đến buồng trứng và gây mất kinh nguyệt, chẳng hạn như suy giáp
Nếu nghi ngờ bạn bị suy buồng trứng nguyên phát, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm vùng chậu để xác định nguyên nhân.
Điều trị mãn kinh quá sớm
Một khi mãn kinh đã xảy ra thì không có cách nào đảo ngược được nhưng các nhà nghiên cứu đang tìm cách để giảm thiểu ảnh hưởng của mãn kinh sớm và quá sớm đến sức khỏe. Các phương pháp điều trị thường nhằm các mục đích sau đây:
- giảm các triệu chứng mãn kinh
- bảo vệ sức khỏe tim mạch, xương và chức năng tình dục
- cải thiện sức khỏe tinh thần
- các biện pháp hỗ trợ sinh sản nếu bạn vẫn muốn có con
Các phương pháp điều trị gồm có:
- Liệu pháp hormone thay thế
- Trị liệu tâm lý
- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch, xương và tuyến giáp
Nếu vẫn muốn có con, bạn có thể cân nhắc các lựa chọn sau đây:
- Thụ tinh trong ống nghiệm
- Đông lạnh trứng
- Mang thai hộ
- Nhận con nuôi
Tóm tắt bài viết
Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng suy giảm chức năng và không còn sản xuất nhiều estrogen như trước, dẫn đến ngừng chu kỳ kinh nguyệt và không còn khả năng thụ thai tự nhiên. Mãn kinh quá sớm, hay còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát, là thời kỳ mãn kinh xảy ra trước 40 tuổi. Ở một số phụ nữ, thời kỳ mãn kinh bắt đầu diễn ra ở tuổi 20. Mãn kinh quá sớm có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt buồng trứng.
Các triệu chứng mãn kinh quá sớm cũng giống như các triệu chứng mãn kinh đúng tuổi, gồm có bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng đột ngột, giảm tập trung, hay quên, giảm ham muốn tình dục,... Nếu mãn kinh là do phẫu thuật cắt buồng trứng thì các triệu chứng thường sẽ nghiêm trọng hơn.
Tuy rằng không thể đảo ngược được thời kỳ mãn kinh nhưng có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng và giảm thiểu ảnh hưởng của mãn kinh đến sức khỏe. Liệu pháp hormone thay thế là một trong những cách hiệu quả nhất để điều trị các triệu chứng mãn kinh và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe do mãn kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi thử phương pháp điều trị này.
Vào thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường và cuối cùng chấm dứt. Nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dẫn đến giảm nồng độ estrogen và progesterone. Mặc dù mỗi phụ nữ gặp phải triệu chứng khác nhau khi bước vào thời kỳ mãn kinh nhưng các triệu chứng điển hình gồm có bốc hỏa, thay đổi tâm trạng thất thường, khó ngủ và tăng cân. Từ 25 đến 45% phụ nữ sau mãn kinh cho biết họ bị đau khi quan hệ tình dục. Điều này gây giảm ham muốn, né tránh quan hệ và ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm vợ chồng.
Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé
Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55 mà đa phần là ngoài 50 tuổi. Nếu phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này thì gọi là mãn kinh sớm.
Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.
Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất là tuổi dậy thì). Vào thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố có sự thay đổi, dẫn đến một loạt các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, bốc hỏa, rụng tóc, tâm trạng thay đổi thất thường,... Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause - GSM) là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến âm đạo, âm hộ và đường tiết niệu dưới.