1

Nguyên nhân gây mãn kinh sớm

Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất trứng và ngừng sản xuất estrogen, dẫn đến nồng độ estrogen thấp. Mãn kinh sớm (early menopause) có nghĩa là mãn kinh trước 45 tuổi. Còn nếu mãn kinh trước 40 tuổi thì được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).
Nguyên nhân gây mãn kinh sớm Nguyên nhân gây mãn kinh sớm

Mãn kinh là gì?

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi từ 45 đến 55. Độ tuổi trung bình bắt đầu mãn kinh là 51 tuổi.

Mãn kinh sớm (early menopause) có nghĩa là mãn kinh trước 45 tuổi. Còn nếu mãn kinh trước 40 tuổi thì được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause), hay còn gọi là suy buồng trứng nguyên phát.

Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất trứng và ngừng sản xuất estrogen, dẫn đến nồng độ estrogen thấp. Estrogen là hormone kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và ngoài ra còn có nhiều vai trò quan trọng khác trong cơ thể.

Một phụ nữ được xác định là mãn kinh khi không có kinh trong ít nhất 12 tháng liên tục. Khoảng thời gian trước khi mãn kinh được gọi là tiền mãn kinh. Ở giai đoạn này, nồng độ hormone bắt đầu thay đổi và gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, mệt mỏi, khô âm đạo…

Bất cứ điều gì làm tổn thương buồng trứng hoặc ngừng sản xuất estrogen đều có thể dẫn đến mãn kinh sớm. Các nguyên nhân gây mãn kinh sớm phổ biến là điều trị ung thư và phẫu thuật cắt buồng trứng. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ cho biết về nguy cơ mãn kinh sớm trước khi bắt đầu điều trị. Nhưng đôi khi, mãn kinh sớm xảy ra ngay cả khi vẫn còn buồng trứng.

Các dấu hiệu mãn kinh sớm

Thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu ngay từ khi chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều (dài hơn hoặc ngắn hơn đáng kể so với chu kỳ kinh bình thường).

Các thay đổi về kinh nguyệt báo hiệu bạn đang bước vào thời kỳ mãn kinh sớm gồm có:

  • Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Thời gian hành kinh kéo dài trên 1 tuần
  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường (các lần hành kinh cách xa nhau hơn)

Khi gặp những thay đổi bất thường về kinh nguyệt, tốt nhất bạn nên đi khám để xác dịnh nguyên nhân.

Ngoài thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, những dấu hiệu phổ biến khác của thời kỳ mãn kinh gồm có:

  • Khó ngủ
  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi ban đêm
  • Mệt mỏi
  • Cảm xúc thất thường
  • Dễ cáu gắt
  • Khô âm đạo
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Tiểu không tự chủ

Các nguyên nhân gây mãn kinh sớm

Khoa học đã tìm ra một số nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm. Tuy nhiên, không phải trường hợp mãn kinh sớm nào cũng xác định được nguyên nhân.

Di truyền

Nếu bạn bị mãn kinh sớm dù không mắc bệnh lý nào ảnh hưởng đến buồng trứng thì nguyên nhân có thể là do di truyền. Di truyền là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến độ tuổi bắt đầu mãn kinh.

Biết khi nào bà, mẹ hoặc chị em gái bắt đầu mãn kinh sẽ giúp bạn phần nào xác định được độ tuổi mãn kinh của bản thân. Nếu bà, mẹ hoặc chị em gái của bạn bị mãn kinh sớm thì rất có thể bạn cũng sẽ mãn kinh sớm.

Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng. Ngoài di truyền còn có rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến độ tuổi mãn kinh.

Yếu tố lối sống

Một số yếu tố về lối sống có thể ảnh hưởng đến thời điểm bắt đầu mãn kinh. Ví dụ, hút thuốc ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng cũng như mức estrogen và có thể góp phần gây mãn kinh sớm.

Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ hút thuốc thường xuyên hoặc trong thời gian dài có nguy cơ bị mãn kinh sớm hơn 1 đến 2 năm so với người không hút thuốc. (1)

Chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ mãn kinh sớm. Estrogen được lưu trữ trong mô mỡ. Những phụ nữ gầy có ít estrogen dự trữ hơn và do đó, estrogen sẽ bị cạn kiệt sớm hơn.

Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng chế độ ăn chay, không tập thể dục và ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể gây mãn kinh sớm.

Bất thường nhiễm sắc thể

Một số bất thường nhiễm sắc thể có thể dẫn đến mãn kinh sớm. Một ví dụ là hội chứng Turner – tình trạng xảy ra do thiếu một phần hoặc toàn bộ một nhiễm sắc thể giới tính X. Những phụ nữ bị hội chứng Turner chỉ có 1 nhiễm sắc thể X trong khi người bình thường có 2 nhiễm sắc thể X.

Ở những phụ nữ mắc hội chứng Turner, buồng trứng không hoạt động bình thường và điều này thường sẽ dẫn đến mãn kinh sớm hoặc quá sớm.

Một bất thường nhiễm sắc thể khác cũng có thể gây mãn kinh sớm là rối loạn phát triển giới tính đơn thuần, một biến thể của hội chứng Turner.

Ở những phụ nữ bị chứng rối loạn này, buồng trứng không hoạt động và do đó phải sử dụng liệu pháp hormone thay thế (bắt đầu ở tuổi thiếu niên) để có kinh nguyệt và phát triển các đặc điểm giới tính.

Phụ nữ mắc hội chứng Fragile X và những người mang gen bệnh cũng có thể bị mãn kinh sớm. Hội chứng Fragile X là một tình trạng di truyền.

Nếu bản thân bị mãn kinh sớm hoặc có người thân trong gia đình bị mãn kinh sớm, bạn có thể cân nhắc việc làm xét nghiệm di truyền.

Bệnh tự miễn

Mãn kinh sớm có thể là triệu chứng của bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc viêm khớp dạng thấp.

Bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch nhầm một phần của cơ thể là kẻ xâm lược từ bên ngoài và tấn công. Điều này gây viêm và phản ứng viêm có thể ảnh hưởng đến buồng trứng. Sau một thời gian, buồng trứng có thể sẽ ngừng hoạt động và dẫn đến mãn kinh.

Bệnh động kinh

Động kinh là bệnh xảy ra do rối loạn ở hệ thần kinh trung ương, gây ra các cơn co giật. Những phụ nữ mắc bệnh động kinh có nguy cơ cao bị suy buồng trứng sớm và kết quả là mãn kinh sớm. Mặt khác, sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh cũng có ảnh hưởng đến bệnh động kinh.

Một nghiên cứu vào năm 2001 cho thấy 14% nhóm phụ nữ mắc bệnh động kinh bị mãn kinh sớm trong khi tỷ lệ mãn kinh sớm ở dân số nói chung chỉ là 1%. (2)

Chẩn đoán mãn kinh sớm

Giai đoạn trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn được gọi là tiền mãn kinh. Ở giai đoạn này, chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều và bắt đầu xuất hiện các triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone.

Phụ nữ được xác định là mãn kinh sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt mà không phải do các nguyên nhân khác như bệnh hay tác dụng phụ của thuốc. Nếu mãn kinh diễn ra trước 45 tuổi thì được coi là mãn kinh sớm.

Các xét nghiệm giúp xác định mãn kinh sớm

Đa phần không cần phải làm bất kỳ xét nghiệm nào để chẩn đoán mãn kinh. Hầu hết phụ nữ đều có thể nhận biết thời kỳ mãn kinh dựa trên các triệu chứng gặp phải. Tuy nhiên, nếu bạn chưa đến tuổi mãn kinh nhưng nhận thấy những thay đổi bất thường thì có thể đi khám để kiểm tra xem có phải bị mãn kinh sớm hay không.

Bạn sẽ phải làm xét nghiệm hormone để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Các hormone cần kiểm tra gồm có:

  • AMH (anti-Müllerian hormone): Xét nghiệm PicoAMH Elisa đo nồng độ hormone này để xác định xem bạn đang ở giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh.
  • Estrogen: hay còn được gọi là xét nghiệm estradiol. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ giảm.
  • FSH (follicle-stimulating hormone): Nếu nồng độ FSH luôn ở mức trên 30 mIU/ml và bạn không có kinh nguyệt trong một năm thì có khả năng bạn đã mãn kinh. Tuy nhiên, một mình chỉ số FSH là chưa đủ để xác nhận mãn kinh.
  • TSH hay hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone): có thể còn phải đo nồng độ TSH để xác nhận chẩn đoán. Nồng độ TSH quá cao là dấu hiệu cho thấy tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Tình trạng này cũng có các triệu chứng tương tự như triệu chứng mãn kinh.

Theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (the North American Menopause Society - NAMS), các xét nghiệm hormone đôi khi không giúp ích nhiều trong việc xác định mãn kinh vì nồng độ hormone dao động liên tục trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Mặc dù vậy nhưng nếu bạn gặp các các dấu hiệu mãn kinh và cảm thấy lo lắng thì vẫn nên làm xét nghiệm để kiểm tra.

Điều trị mãn kinh sớm

Không có bất kỳ cách nào có thể ngăn chặn hay đảo ngược mãn kinh.

Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh và các vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh.

Mãn kinh quá sớm cần điều trị vì xảy ra sớm hơn nhiều so với bình thường. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích làm tăng nồng độ các hormone bị thiếu hụt cho đến đến tuổi mãn kinh tự nhiên.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất là liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy - HRT). Có hai dạng liệu pháp hormone thay thế là HRT toàn thân và HRT tại chỗ. HRT toàn thân có nghĩa là dùng thuốc đường uống. Điều này giúp làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến như bốc hỏa. HRT tại chỗ có nghĩa là dùng estrogen dạng miếng dán, vòng, viên đặt hoặc kem bôi đưa trực tiếp vào âm đạo. Những sản phẩm này chứa estrogen liều thấp hơn so với HRT đường uống. Liệu pháp estrogen tại chỗ giúp làm giảm các triệu chứng như khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục.

Mặc dù có hiệu quả làm giảm các triệu chứng mãn kinh nhưng HRT có rủi ro. Liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư vú.

Bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi bắt đầu điều trị bằng HRT. Nếu dùng liều hormone thấp hơn thì sẽ ít có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hơn.

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tự nhiên

Một khi thời kỳ mãn kinh đã bắt đầu thì không gì có thể ngăn chặn được nhưng có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu bằng cách điều chỉnh thói quen sống.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh. Nếu hút thuốc, hãy cai thuốc càng sớm càng tốt vì hút thuốc có thể làm tăng các triệu chứng mãn kinh và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến mãn kinh. Ngoài ra, bạn nên ngủ đủ giấc, hạn chế stress và uống đủ nước.

Bạn cũng có thể thử dùng các loại thảo dược và thực phẩm chức năng để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, ví dụ như:

  • Thảo dược: nhân sâm, bồ công anh, bạc hà, trinh nữ, cam thảo, cam cúc hoa, kỷ tử,…
  • Thực phẩm chức năng: canxi, magie, vitamin D, vitamin E…

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào.

Mãn kinh sớm có thể đảo ngược được không?

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh nhưng không có cách nào có thể đảo ngược được mãn kinh, bất kể mãn kinh sớm hay mãn kinh đúng tuổi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu các cách để giúp phụ nữ mãn kinh có con.

Vào năm 2016, các nhà khoa học tại Hy Lạp đã công bố một phương pháp điều trị mới giúp khôi phục kinh nguyệt và lấy trứng ở một nhóm phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Phương pháp điều trị này được ví như một cách “đảo ngược” mãn kinh nhưng cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp này.

Các nhà khoa học đã điều trị cho hơn 30 phụ nữ trong độ tuổi từ 46 đến 49 bằng cách tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào buồng trứng. PRP đã được sử dụng trong lĩnh vực y tế với mục đích chính là đẩy nhanh tốc độ lành mô và vẫn đang được nghiên cứu những mục đích sử dụng mới.

Theo các nhà khoa học, phương pháp này có hiệu quả đối với 2/3 số phụ nữ được điều trị. Tuy nhiên, nghiên cứu này được cho là chưa đủ thuyết phục do có quy mô nhỏ và thiếu nhóm đối chứng.

Liệu pháp PRP hiện vẫn chưa được coi là một phương pháp điều trị chính thống cho các vấn đề liên quan đến mãn kinh nhưng đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực này.

Tác hại của mãn kinh sớm

Mãn kinh sớm từ 10 năm trở lên sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch sinh con. Tuy nhiên, mãn kinh sớm còn gây ra nhiều tác hại khác đối với sức khỏe.

Nồng độ estrogen cân bằng là điều rất quan trọng để các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường và duy trì sức khỏe tốt. Estrogen giúp làm tăng HDL cholesterol hay cholesterol tốt và làm giảm LDL cholesterol hay cholesterol xấu. Hormone này còn giúp giữ cho mạch máu mở rộng và ngăn ngừa loãng xương.

Sụt giảm estrogen sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý như:

  • Bệnh tim mạch
  • Loãng xương
  • Trầm cảm
  • Sa sút trí tuệ
  • Tử vong

Do những rủi ro này nên những phụ nữ bị mãn kinh sớm thường phải sử dụng liệu pháp hormone thay thế để cải thiện nồng độ estrogen.

Lợi ích của mãn kinh sớm

Mặc dù làm tăng nguy cơ mắc các bệnh kể trên nhưng mãn kinh sớm lại giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh khác, gồm có các bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen như ung thư vú.

Những phụ nữ mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn so với những phụ nữ mãn kinh sớm hơn. Điều này là do mô vú phải tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài hơn.

Có con sau mãn kinh

Sau khi mãn kinh, bạn sẽ không còn khả năng thụ thai tự nhiên do buồng trứng ngừng rụng trứng. Nếu vẫn muốn có con thì bạn có thể cân nhắc các lựa chọn sau đây:

  • Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người hiến tặng
  • Mang thai hộ
  • Nhận con nuôi

Bác sĩ sẽ tư vấn và giúp bạn chọn ra giải pháp phù hợp nhất. Rủi ro và tỷ lệ thành công của các biện pháp hỗ trợ sinh sản sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh

Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân gây hội chứng sương mù não vào thời kỳ mãn kinh và cách điềutrị
Nguyên nhân gây hội chứng sương mù não vào thời kỳ mãn kinh và cách điềutrị

“Sương mù não” là gì và tại sao phụ nữ lại gặp phải vấn đề này trong thời kỳ mãn kinh?

Mãn kinh ở độ tuổi 20: Nguyên nhân và cách điều trị
Mãn kinh ở độ tuổi 20: Nguyên nhân và cách điều trị

Ở hầu hết phụ nữ, thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi cuối 40 đến đầu 50. Nhưng ở một số người, sự sản xuất estrogen suy giảm và chu kỳ kinh nguyệt kết thúc sớm hơn nhiều. Thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu trước tuổi 40 và thậm chí có thể xảy ra ở độ tuổi 20. Thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước tuổi 40 được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).

Đau khi quan hệ tình dục sau mãn kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục
Đau khi quan hệ tình dục sau mãn kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Vào thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường và cuối cùng chấm dứt. Nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dẫn đến giảm nồng độ estrogen và progesterone. Mặc dù mỗi phụ nữ gặp phải triệu chứng khác nhau khi bước vào thời kỳ mãn kinh nhưng các triệu chứng điển hình gồm có bốc hỏa, thay đổi tâm trạng thất thường, khó ngủ và tăng cân. Từ 25 đến 45% phụ nữ sau mãn kinh cho biết họ bị đau khi quan hệ tình dục. Điều này gây giảm ham muốn, né tránh quan hệ và ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm vợ chồng.

Nguyên nhân gây buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh

Mặc dù không phổ biến nhưng buồn nôn cũng có thể là một triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có sự thay đổi nội tiết tố và các triệu chứng mãn kinh khác như bốc hỏa. Buồn nôn cũng có thể là tác dụng phụ của liệu pháp hormone thay thế.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây