1

Đau khi quan hệ tình dục sau mãn kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Vào thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường và cuối cùng chấm dứt. Nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng buồng trứng, dẫn đến giảm nồng độ estrogen và progesterone. Mặc dù mỗi phụ nữ gặp phải triệu chứng khác nhau khi bước vào thời kỳ mãn kinh nhưng các triệu chứng điển hình gồm có bốc hỏa, thay đổi tâm trạng thất thường, khó ngủ và tăng cân. Từ 25 đến 45% phụ nữ sau mãn kinh cho biết họ bị đau khi quan hệ tình dục. Điều này gây giảm ham muốn, né tránh quan hệ và ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm vợ chồng.
Đau khi quan hệ tình dục sau mãn kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục Đau khi quan hệ tình dục sau mãn kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Nguyên nhân gây đau khi quan hệ tình dục

Cảm giác đau đớn khi quan hệ tình dục trong thời kỳ mãn kinh là do sự thiếu hụt estrogen. Hormone estrogen có vai trò kích thích sự tiết dịch bôi trơn âm đạo và duy trì độ dày niêm mạc âm đạo bằng cách thúc đẩy sự phát triển tế bào mới. Khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, buồng trứng dần sản xuất ít estrogen hơn.

Khi có ít estrogen, niêm mạc âm đạo sẽ mỏng đi, co lại và bị khô. Lớp niêm mạc còn trở nên kém đàn hồi hơn. Tình trạng này được gọi là “teo âm đạo”.

Khi niêm mạc âm đạo mỏng đi và có quá ít dịch bôi trơn, việc thâm nhập khi quan hệ tình đục sẽ gây đau đớn. Âm đạo còn có thể bị rách hoặc chảy máu.

Đau đớn khi quan hệ tình dục còn gây ra tâm lý sợ hãi, căng thẳng. Điều này lại càng làm giảm lượng dịch bôi trơn và khiến cho cơ ở thành âm đạo siết chặt khi quan hệ, dẫn đến khó thâm nhập. Tình trạng đau đớn và khó khăn khi quan hệ tình dục khiến cho nhiều phụ nữ lảng tránh “chuyện ấy” khi bước vào thời kỳ mãn kinh.

Quan hệ tình dục làm tăng lưu lượng máu đến âm đạo, nhờ đó giữ cho mô âm đạo khỏe mạnh. Khi không quan hệ tình dục một thời gian dài, lớp niêm mạc âm đạo sẽ trở nên mỏng đi và giảm độ đàn hồi. Ở một số phụ nữ, tình trạng đau khi quan hệ giảm bớt sau khi mãn kinh nhưng ở một số người, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Các cách giảm đau khi quan hệ tình dục

Gel bôi trơn

Đây là cách đơn giản nhất để giảm bớt đau đớn khi quan hệ tình dục. Gel bôi trơn có tác dụng giảm ma sát khi thâm nhập và nhờ đó giảm cảm giác đau rát. Thoa gel bôi trơn vào âm đạo hoặc dương vật ngay trước khi quan hệ. Có ba loại gel bôi trơn là gel bôi trơn gốc nước, gel bôi trơn gốc dầu và gel bôi trơn gốc silicon.

Nếu bạn chưa mãn kinh hoàn toàn hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ thì nên chọn gel bôi trơn gốc nước. Gel bôi trơn gốc dầu có thể làm hỏng bao cao su.

Gel dưỡng ẩm âm đạo

Sản phẩm này cũng giúp làm giảm ma sát khi quan hệ nhưng vì thẩm thấu vào mô nên tác dụng sẽ kéo dài hơn so với gel bôi trơn. Khác với gel bôi trơn, bạn cần sử dụng gel dưỡng ẩm âm đạo hàng ngày.

Estrogen tại chỗ liều thấp

Nếu tình trạng khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục không cải thiện dù đã dùng gel dưỡng ẩm hoặc gel bôi trơn thì có thể bạn sẽ phải dùng estrogen tại chỗ liều thấp.

Estrogen giúp cải thiện độ dày cũng như độ ẩm của mô âm đạo và tăng lưu lượng máu. Estrogen tại chỗ có dạng kem bôi, viên đặt, miếng dán và vòng âm đạo. Estrogen tại chỗ được đưa trực tiếp vào âm đạo nên ít gây tác dụng phụ hơn so với estrogen đường uống.

Estrogen dạng kem bôi thường được dùng 2 đến 3 lần một tuần. Vòng estrogen được đưa vào âm đạo và có thể để trong ba tháng. Viên đặt được đưa vào âm đạo hai lần một tuần.

Có tới 93% phụ nữ sử dụng estrogen tại chỗ liều thấp cho biết phương pháp này giúp làm giảm đáng kể tình trạng đau khi quan hệ tình dục. (1)

Ospemifene (Osphena, Senshio)

Ospemifene là loại thuốc không chứa nội tiết tố duy nhất được phê duyệt để điều trị đau khi quan hệ tình dục do mãn kinh. Ospemifene có cơ chế tác dụng tương tự như estrogen, giúp làm dày niêm mạc âm đạo nhưng không làm tăng nguy cơ ung thư vú hay ung thư tử cung như liệu pháp estrogen. Trong các nghiên cứu, ospemifene có tác dụng cải thiện cả tình trạng khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục. Ospemifene có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với estrogen tại chỗ. (2, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20032798

Ospemifene có dạng viên nén uống một lần mỗi ngày. Tác dụng phụ chính là bốc hỏa. Loại thuốc này còn có thể làm tăng nhẹ nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ.

Estrogen đường uống

Nếu đã dùng estrogen tại chỗ mà không hiệu quả thì có thể bạn cần chuyển sang estrogen đường uống. Phương pháp này còn có thể làm giảm bốc hỏa và các triệu chứng khó chịu khác của thời kỳ mãn kinh.

Tuy nhiên, estrogen đường uống có nhiều tác dụng phụ hơn estrogen tại chỗ, ví dụ như:

  • Đau đầu
  • Đau vú
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Tăng cân
  • Chảy máu âm đạo bất thường

Sử dụng estrogen trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung và ung thư vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng estrogen đường uống. Không nên dùng estrogen đường uống nếu bạn có tiền sử gia đình bị ung thư tử cung hoặc ung thư vú.

Các nguyên nhân khác gây đau khi quan hệ

Đau khi quan hệ tình dục không phải lúc nào cũng do teo âm đạo. Tình trạng này cũng có thể là do các nguyên nhân khác như:

  • Đau tiền đình âm đạo: Tiền đình âm đạo là khu vực mà âm hộ (phần bên ngoài của âm đạo, gồm có âm vật, mũ âm vật và môi âm hộ) giao với âm đạo. Ở một số phụ nữ, khu vực này rất nhạy cảm và bị đau khi quan hệ tình dục hoặc đặt tampon. Các giải pháp điều trị tình trạng này là dùng thuốc gây tê tại chỗ, vật lý trị liệu và trị liệu tâm lý.
  • Đau âm hộ: Tình trạng đau hoặc rát ở âm hộ mà không rõ nguyên nhân. Khoảng 60% phụ nữ mắc chứng đau âm hộ không thể quan hệ tình dục do đau đớn. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc gây tê tại chỗ, vật lý trị liệu và trị liệu tâm lý.
  • Co thắt âm đạo: Tình trạng các cơ xung quanh âm đạo co thắt không tự chủ khi quan hệ tình dục hoặc khi có vật nào đó được đưa vào âm đạo, chẳng hạn như tampon hay dụng cụ y tế. Tình trạng này có thể xảy ra do ám ảnh tâm lý sau khi bị xâm hại. Các phương pháp điều trị gồm có vật lý trị liệu và dùng dụng cụ nong để mở rộng và thả lỏng cơ âm đạo.
  • Viêm bàng quang: Viêm bàng quang cũng có thể gây đau khi quan hệ tình dục vì bàng quang nằm ngay trên âm đạo. Trong một cuộc khảo sát, 90% số phụ nữ được hỏi cho biết viêm bàng quang kẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tình dục của họ. Các phương pháp điều trị viêm bàng quang gồm có dùng thuốc, thuốc gây tê và vật lý trị liệu. Các biện pháp thư giãn, chườm nóng hoặc chườm lạnh cũng có thể giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu.

Tóm tắt bài viết

Sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh khiến cho niêm mạc âm đạo trở nên mỏng và khô, dẫn đến đau đớn khi quan hệ tình dục. Có nhiều cách để khắc phục tình trạng này, gồm có sử dụng gel bôi trơn, gel dưỡng ẩm, estrogen tại chỗ và estrogen đường uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách khắc phục khô âm đạo vào thời kỳ mãn kinh
Cách khắc phục khô âm đạo vào thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nếu đã qua 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt thì có nghĩa là bạn đã mãn kinh. Độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi nhưng mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn.. Nội tiết tố có sự thay đổi lớn vào thời kỳ mãn kinh. Ở giai đoạn này, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm. Điều này gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gồm có khô âm đạo.

Mãn kinh ở độ tuổi 20: Nguyên nhân và cách điều trị
Mãn kinh ở độ tuổi 20: Nguyên nhân và cách điều trị

Ở hầu hết phụ nữ, thời kỳ mãn kinh bắt đầu ở độ tuổi cuối 40 đến đầu 50. Nhưng ở một số người, sự sản xuất estrogen suy giảm và chu kỳ kinh nguyệt kết thúc sớm hơn nhiều. Thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu trước tuổi 40 và thậm chí có thể xảy ra ở độ tuổi 20. Thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước tuổi 40 được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).

Nguyên nhân nào gây mãn kinh sớm?
Nguyên nhân nào gây mãn kinh sớm?

Hầu hết phụ nữ bắt đầu mãn kinh trong độ tuổi từ 45 đến 55 mà đa phần là ngoài 50 tuổi. Nếu phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi này thì gọi là mãn kinh sớm.

Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh

Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.

Nguyên nhân gây buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh

Mặc dù không phổ biến nhưng buồn nôn cũng có thể là một triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Buồn nôn vào thời kỳ mãn kinh có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có sự thay đổi nội tiết tố và các triệu chứng mãn kinh khác như bốc hỏa. Buồn nôn cũng có thể là tác dụng phụ của liệu pháp hormone thay thế.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây