1

10 dấu hiệu báo sắp có kinh nguyệt

Trong khoảng thời gian từ 5 ngày đến 2 tuần trước khi bắt đầu có kinh nguyệt, phụ nữ thường sẽ trải qua một số thay đổi ở cơ thể. Những thay đổi này được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS) và báo hiệu kinh nguyệt sắp đến.
10 dấu hiệu báo sắp có kinh nguyệt 10 dấu hiệu báo sắp có kinh nguyệt

Nội dung chính của bài viết:

  •  10 dấu hiệu báo sắp có kinh nguyệt ở phụ nữ đó là: đau bụng; nổi mụn trứng cá; ngực đau; đầy hơi, chướng bụng; người mệt mỏi; tiêu chảy, buồn nôn hoặc táo bón; đau nửa đầu; tâm trạng thất thường; mỏi lưng, ngủ không ngon.
  • Những thay đổi gây khó chịu là hiện tượng bình thường diễn ra trong một vài ngày trước khi có kinh nguyệt. Có thể dễ dàng làm dịu những hiện tượng này bằng các biện pháp khắc phục tại nhà.

  • Nhưng nếu các triệu chứng nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày thì nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân cụ thể và có biện pháp điều trị.

Hơn 90% phụ nữ đều có hội chứng tiền kinh nguyệt ở một mức độ nào đó. Trong hầu hết các trường hợp thì hội chứng tiền kinh nguyệt đều chỉ ở mức độ nhẹ và thường biến mất sau một đến hai ngày bắt đầu ra máu nhưng cũng có không ít người phải trải qua những triệu chứng nghiêm trọng đến mức làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày.

Nếu các dấu hiệu mà bạn gặp phải trước khi có kinh nguyệt gây cản trở khả năng làm việc, học tập hoặc sinh hoạt thì nên đi khám bác sĩ.

Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhất cho biết “ngày đèn đỏ” sắp đến.

1. Đau bụng

Đau bụng là dấu hiệu báo kinh nguyệt phổ biến nhất.

Hiện tượng này có thể bắt đầu từ một vài trước và kéo dài trong vài ngày sau khi bắt đầu có kinh nguyệt. Có nhiều mức độ đau bụng, từ chỉ đau nhẹ, đau âm ỉ cho đến đau đớn cực độ đến mức không thể sinh hoạt được một cách bình thường.

Các cơn đau bụng xảy ra ở bụng dưới nhưng cũng có thể đau lan ra phía sau lưng và xuống vùng đùi trên.

Nguyên nhân gây đau bụng chủ yếu là do tử cung co thắt và được gọi là đau bụng kinh nguyên phát. Những cơn co thắt này giúp làm bong lớp niêm mạc bên trong (nội mạc tử cung) khi trứng không được thụ tinh.

Sự sản sinh prostaglandin - các axit béo giống như hormone – là tác nhân kích hoạt các cơn co thắt tử cung. Mặc dù các axit béo này gây viêm nhưng chúng cũng giúp điều hòa sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

Các cơn đau bụng có thể kéo dài đến tận giữa kỳ kinh và dữ dội nhất khi lượng máu kinh đạt mức tối đa.

Một số vấn đề về sức khỏe có thể làm cho các cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Những vấn đề này gồm có:

Hiện tượng đau bụng do những vấn đề này được gọi là đau bụng kinh thứ phát.

2. Nổi mụn trứng cá

Khoảng 50% phụ nữ gặp hiện tượng nổi mụn trứng cá khoảng một tuần trước khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Mụn trứng cá do kinh nguyệt thường xuất hiện ở vùng cằm và quanh hàm nhưng có thể mọc ở bất cứ đâu trên mặt, lưng hoặc các khu vực khác trên cơ thể. Nguyên nhân gây nổi mụn là do sự thay đổi nội tiết tố tự nhiên liên quan đến chu kỳ sinh sản nữ giới.

Sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng, nếu trứng không được thụ tinh thì nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm và nồng độ các androgen, chẳng hạn như testosterone sẽ tăng nhẹ. Các androgen sẽ kích thích sự tiết dầu trong tuyến bã nhờn của da.

Khi da tiết quá nhiều dầu thì sẽ hình thành mụn trứng cá. Những nốt mụn này thường tự hết vào gần cuối kỳ kinh nguyệt hoặc ngay sau khi nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu tăng trở lại.

3. Ngực căng đau

Trong nửa đầu của chu kỳ kinh (bắt đầu vào ngày đầu tiên có kinh nguyệt), nồng độ estrogen bắt đầu tăng. Điều này kích thích sự phát triển của các ống dẫn sữa.

Nồng độ progesterone bắt đầu tăng vào giữa chu kỳ, quanh thời điểm rụng trứng. Điều này làm cho các tuyến vú trong bầu ngực mở rộng và sưng. Những thay đổi này làm cho ngực có cảm giác đau, nhạy cảm và to lên ngay trước hoặc trong kỳ kinh.

Đa phần thì dấu hiệu này chỉ rất nhẹ và nhiều người còn không cảm nhận thấy nhưng ở một số phụ nữ, bộ ngực lại trở nên nặng nề hẳn, thậm chí còn sờ thấy cục và gây cảm giác vô cùng khó chịu.

4. Mệt mỏi

Khi “ngày ấy” đến gần, cơ thể sẽ chuyển từ trạng thái sẵn sàng cho việc mang thai sang sẵn sàng hành kinh. Nồng độ các hormone giảm mạnh và dẫn đến kết quả là người mệt mỏi, uể oải. Sự thay đổi tâm trạng vào những ngày trước khi có kinh nguyệt cũng có thể gây ra tình trạng này.

Nhiều phụ nữ còn bị khó ngủ trong giai đoạn này của chu kỳ kinh nguyệt và sự thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể càng mệt mỏi hơn vào ban ngày.

5. Chướng bụng

Nếu đột nhiên bị đầy hơi, chướng bụng hoặc có cảm giác mặc quần bị chật thì rất có thể chỉ một vài ngày nữa là kỳ kinh sẽ tới. Sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone khiến cơ thể giữ nước và muối nhiều hơn bình thường. Điều này dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi.

Cân nặng trong thời gian này có thể tăng lên từ 0.5 đến 1kg nhưng hiện tượng đầy hơi tiền kinh nguyệt không thực sự gây tăng cân. Hiện tượng này thường nặng nhất vào ngày đầu tiên có kinh nguyệt và đỡ đần sau từ 1 – 2 ngày tiếp theo.

6. Vấn đề về đường ruột

Vì đường ruột rất nhạy cảm với sự dao động nồng độ nội tiết tố nên có thể thói quen đi đại tiện sẽ có sự thay đổi trước và trong những ngày “đèn đỏ”.

Prostaglandin không chỉ gây co thắt tử cung mà còn tạo nên các cơn co thắt diễn ra ở ruột. Vì thế nên nhiều người đi ngoài thường xuyên hơn trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, hiện tượng co thắt ruột còn gây nên những vấn đề khác như:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đầy hơi, xì hơi thường xuyên
  • Táo bón

7. Nhức đầu

Vì các hormone trong cơ thể tham gia vào cả phản ứng đau nên sự thay đổi hormone diễn ra trước khi có kinh nguyệt còn có thể gây đau đầu hoặc đau nửa đầu.

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh thường gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu. Estrogen có thể làm tăng mức serotonin và số lượng thụ thể serotonin trong não bộ tại một số thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự tương tác giữa estrogen và serotonin có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở những người nhạy cảm với vấn đề này.

Hơn 50% phụ nữ mắc chứng đau nửa đầu cho biết tần suất và mức độ của các cơn đau tăng lên khi sắp đến kỳ. Chứng đau nửa đầu có thể xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi có kinh nguyệt.

Một số người còn bị đau nửa đầu cả trong thời điểm rụng trứng. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khả năng xảy ra chứng đau nửa đầu tăng cao hơn 1.7 lần trong 1 - 2 ngày trước khi có kinh nguyệt và 2.5 lần trong 3 ngày đầu tiên có kinh nguyệt ở nhóm đối tượng này.

8. Tâm trạng thất thường

Không chỉ có những thay đổi về thể chất, hội chứng tiền kinh nguyệt còn có các dấu hiệu về tâm lý, cảm xúc. Cụ thể, khi sắp đến kỳ kinh nguyệt thì phụ nữ thường sẽ gặp phải những hiện tượng như:

  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Chán nản, buồn bã
  • Dễ cáu gắt
  • Nhạy cảm
  • Lo âu, bồn chồn

Nếu bạn nhận thấy tâm trạng của mình đột nhiên thay đổi liên tục, cảm thấy buồn bã không rõ nguyên nhân hoặc cáu kỉnh vì những lý do nhỏ nhặt thì thủ phạm rất có thể là do sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone.

Estrogen sẽ làm giảm sự sản sinh serotonin và endorphin – hormone tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn, do đó tạo ra những cảm xúc tiêu cực trong những ngày trước và trong khi có kinh nguyệt.

Ở nhiều người, progesterone có tác dụng làm dịu tâm trạng. Khi nồng độ progesterone tụt xuống thấp, tác dụng này đương nhiên sẽ giảm đi. Điều này lý giải tại sao nhiều phụ nữ lại đặc biệt nhạy cảm và dễ khóc khi đến tháng.

9. Đau mỏi lưng

Các cơn co thắt tử cung và bụng do sự giải phóng prostaglandins còn có thể gây ra các cơn co thắt cơ xảy ra ở vùng lưng dưới. Điều này dẫn đến cảm giác đau mỏi ở khu vực này. Một số phụ nữ còn bị đau lưng nghiêm trọng đến mức không thể đứng hay ngồi thẳng khi có kinh nguyệt.

10. Khó ngủ

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng, đau đầu và thay đổi tâm trạng đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến phụ nữ khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ cơ thể cũng có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Nhiệt độ cơ thể thường tăng lên khoảng nửa độ sau khi rụng trứng và duy trì ở mức cao cho đến khi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc một thời gian ngắn sau đó. Nửa độ nghe có vẻ không nhiều nhưng nhiệt độ cơ thể mát mẻ sẽ giúp dễ ngủ và có giấc ngủ ngon hơn và tăng nửa độ là đủ khiến cơ thể khó chịu, không thoải mái khi ngủ.

Phương pháp khắc phục

Tùy theo những dấu hiệu mà bạn gặp phải và mức độ nghiêm trọng mà sẽ có cách khắc phục phù hợp.

Nếu các hiện tượng kể trên xảy ra ở mức độ quá nghiêm trọng thì tình trạng này được gọi là rối loạn tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder). Trong những trường hợp này thì sẽ cần đi khám bác sĩ.

Nếu bị đau nửa đầu mức độ nặng thì cũng nên đi khám. Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc lạc nội mạc tử cung, cũng có thể làm cho hội chứng tiền kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn và cần phát hiện sớm vấn đề để có biện pháp điều trị kịp thời.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc tránh thai để điều chỉnh nồng độ hormone và cải thiện các vấn đề khó chịu xảy ra trước khi có kinh nguyệt. Thuốc tránh thai có chứa các loại estrogen và progesterone tổng hợp khác nhau.

Thuốc tránh thai ngăn cơ thể rụng trứng tự nhiên bằng cách cung cấp một lượng hormone ổn định trong thời gian 3 tuần. Sau đó là một tuần dùng giả dược, có nghĩa là những viên thuốc không chứa nội tiết tố. Khi uống giả dược thì nồng độ hormone sẽ giảm xuống để bắt đầu có kinh nguyệt.

Vì thuốc tránh thai cung cấp một lượng hormone ổn định nên cơ thể sẽ không diễn ra hiện tượng hormone giảm mạnh hoặc tăng cao đột ngột – nguyên nhân gây ra các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Bạn cũng có thể khắc phục các triệu chứng tiền kinh nguyệt nhẹ ở nhà bằng những biện pháp dưới đây:

  • Giảm lượng muối trong chế độ ăn để giảm đầy hơi.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil) hoặc acetaminophen (Tylenol).
  • Áp một chai nước nóng hoặc túi chườm lên bụng để giảm đau bụng.
  • Tập thể dục cường độ vừa phải để cải thiện tâm trạng và giảm đau bụng.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn trong ngày để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định. Lượng đường trong máu thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng.
  • Ngồi thiền hoặc tập yoga để cải thiện tâm trạng.
  • Uống bổ sung canxi. Một nghiên cứu được đăng trên Obstetrics & Gynecology Science đã chỉ ra rằng bổ sung canxi là cách hiệu quả để cải thiện tình trạng lo âu, phiền muộn và giữ nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: dấu hiệu
Tin liên quan
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?

Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.

Kinh nguyệt ra nhiều là vì sao?
Kinh nguyệt ra nhiều là vì sao?

Ra máu nhiều và đau bụng kinh là những vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ khi có kinh nguyệt. Mặc dù lượng máu kinh và chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng ra nhiều máu đến mức làm gián đoạn việc sinh hoạt thường ngày thì lại là điều không bình thường.

Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt
Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một vấn đề rất phổ biến. Theo thống kê, có đến 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều đã và đang gặp phải các triệu chứng của hội chứng này.

Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây