1

Đĩa kinh nguyệt có phải sản phẩm chị em phụ nữ đang mong chờ?

Các nhà sản xuất không ngừng tung ra thị trường những sản phẩm mới để phục vụ chị em phụ nữ trong ngày đèn đỏ, từ băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san cho đến đĩa kinh nguyệt. Đĩa kinh nguyệt có lẽ là một cái tên còn khá mới lạ đối với nhiều người.
Đĩa kinh nguyệt có phải sản phẩm chị em phụ nữ đang mong chờ? Đĩa kinh nguyệt có phải sản phẩm chị em phụ nữ đang mong chờ?

Nội dung chính của bài viết:

  • Cùng là sản phẩm được đưa vào âm đạo và ngăn máu chảy ra ngoài cơ thể, cốc nguyệt san là dụng cụ có hình phễu còn đĩa kinh nguyệt có dạng hình tròn, dẹt, trông giống như chiếc đĩa.
  • Cốc nguyệt san nằm cách cổ tử cung khoảng vài cm và kéo dài đến gần cửa âm đạo. Đĩa kinh nguyệt được đặt khít ở túi cùng âm đạo – vị trí ống âm đạo gặp cổ tử cung.
  • Đĩa kinh nguyệt có thể để được trong cơ thể trong thời gian lên đến 12 tiếng nhưng còn tùy thuộc vào mức độ ra máu. Nếu kinh nguyệt ra nhiều thì sẽ cần tháo đĩa thường xuyên hơn.
  • Tuy nhiên, hầu hết đĩa kinh nguyệt là sản phẩm dùng một lần nên không thân thiện với môi trường.
  • So với băng vệ sinh hay tampon thì đĩa kinh nguyệt có những ưu điểm rất lớn. Nếu bạn có kinh nguyệt ra nhiều, đang muốn tìm một sản phẩm thoải mái, “dùng như không dùng” và vẫn có thể quan hệ tình dục và làm giảm triệu chứng đau bụng trong ngày đèn đỏ thì nên cân nhắc dùng thử đĩa kinh nguyệt.

Đĩa kinh nguyệt là gì?

Đĩa kinh nguyệt là một sản phẩm được dùng trong "ngày đèn đỏ", được đưa vào bên trong âm đạo để ngăn máu chảy ra ngoài cơ thể và được quảng cáo là có thể tạo sự bảo vệ trong thời gian 12 tiếng, cho phép người dùng quan hệ tình dục bình thường và thậm chí còn giúp giảm các cơn đau bụng kinh. Nghe có vẻ đúng là một sản phẩm lý tưởng, hội tụ đủ những ưu điểm mà chị em phụ nữ vẫn mong chờ bấy lâu nay. Vậy liệu có đúng là đĩa kinh nguyệt có thể thay thế được cho những sản phẩm khác hay không?

Đĩa kinh nguyệt và cốc nguyệt san

Đĩa kinh nguyệt và cốc nguyệt san giống nhau ở chỗ là cả hai sản phẩm đều được đưa vào âm đạo và ngăn máu chảy ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, hai sản phẩm này có một số điểm khác biệt.

Cốc nguyệt san là dụng cụ có hình phễu còn đĩa kinh nguyệt có dạng hình tròn, dẹt, trông giống như chiếc đĩa.

Cốc nguyệt san nằm cách cổ tử cung khoảng vài cm và kéo dài đến gần cửa âm đạo. Đĩa kinh nguyệt được đặt khít ở túi cùng âm đạo – vị trí ống âm đạo gặp cổ tử cung.

Cách sử dụng

Cách đặt

Giống như tampon hay cốc nguyệt san, ban đầu khi mới dùng đĩa kinh nguyệt thì cũng sẽ chưa quen và cần phải luyện tập một vài lần nhưng một khi đã quen và đặt một cách chính xác thì bạn sẽ không còn cảm nhận thấy gì nữa.

Dưới đây là những bước để đặt đĩa kinh nguyệt:

  1. Trước tiên, cần rửa tay sạch sẽ để tránh đưa vi khuẩn vào bên trong âm đạo
  2. Chọn tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, có thể là ngồi trên bồn cầu, đứng gác một chân lên ghế hoặc ngồi xổm.
  3. Gập đĩa lại để thu nhỏ kích thước đĩa.
  4. Đưa đĩa vào bên trong âm đạo với phần gập hướng xuống dưới. Nếu đang ngồi thì cần ngồi thẳng để đĩa có thể che phủ toàn bộ cổ tử cung.
  5. Dùng ngón tay đẩy đĩa qua xương mu càng xa càng tốt để vành đĩa nằm ngay trên xương.

Cách tháo

Quá trình tháo đĩa kinh nguyệt sẽ hơi phức tạp hơn so với cốc nguyệt san. Điều quan trọng là phải giữ cho đĩa thật cân bằng khi kéo ra để không làm đổ chất dịch bên trong.

Cách tháo đĩa kinh nguyệt như sau:

  1. Trước tiên cũng phải rửa tay sạch sẽ.
  2. Khi tháo đĩa thì nên ngồi trên bồn cầu để đề phòng máu kinh chảy ra ngoài.
  3. Đưa ngón tay trỏ vào trong âm đạo và móc vào vành đĩa rồi kéo thẳng ra ngoài.
  4. Nếu không chạm được đến đĩa thì hãy thử rặn mạnh giống như khi đi ngoài. Điều này sẽ đẩy vành đĩa xuống từ phía sau xương mu.
  5. Đổ chất dịch bên trong đĩa vào bồn cầu, bọc đĩa vào giấy vệ sinh nếu cần và bỏ vào thùng rác. Không được xả xuống bồn cầu để tránh gây tắc nghẽn

Bao lâu thì cần tháo ra?

Đĩa kinh nguyệt có thể để được trong cơ thể trong thời gian lên đến 12 tiếng nhưng còn tùy thuộc vào mức độ ra máu. Nếu kinh nguyệt ra nhiều thì sẽ cần tháo đĩa thường xuyên hơn.

Có dùng được khi kinh nguyệt ra nhiều không?

Trước tiên, cần hiểu thế nào là kinh nguyệt ra nhiều? Nếu bạn cần thay băng vệ sinh hoặc tampon sau chưa đầy 2 tiếng một lần và có kèm các cục máu đông cỡ lớn (đường kính trên 2.5cm) thì được coi là kinh nguyệt ra nhiều.

Đĩa kinh nguyệt có thể dùng được cho cả những người có kinh nguyệt ra nhiều nhưng sẽ tháo đĩa ra thường xuyên hơn để đổ chất dịch bên trong.

Một chiếc đĩa kinh nguyệt có thể giữ được lượng dịch tương đương với khoảng 5 chiếc tampon thường hoặc 3 chiếc tampon có độ thấm hút cao, tức là khoảng 5 đến 6 muỗng cà phê chất lỏng. Lượng máu trung bình mà một phụ nữ mất đi trong thời gian có kinh nguyệt hàng tháng là khoảng 4 đến 12 muỗng cà phê.

Có dùng được khi quan hệ không?

Đĩa kinh nguyệt không chiếm chỗ trong ống âm đạo giống như tampon hay cốc nguyệt san nên phụ nữ vẫn hoàn toàn có thể quan hệ tình dục trong khi sử dụng. Đĩa kinh nguyệt nằm ở ngay bên dưới cổ tử cung giống như màng ngăn âm đạo nên miễn là được đặt một cách chính xác thì bạn và đối phương đều sẽ không thể cảm nhận được sự hiện diện của chiếc đĩa này.

Mặc dù vậy nhưng nếu thâm nhập quá sâu thì có thể sẽ làm cho đĩa bị xê dịch. Một số người dùng cho biết, họ vẫn có thể cảm nhận được đĩa và bị rò rỉ máu trong khi quan hệ.

Đĩa kinh nguyệt có thực sự giảm đau bụng kinh?

Đĩa kinh nguyệt có thể làm dịu đi cảm giác khó chịu trong thời gian hành kinh chứ không giảm được triệu chứng đau bụng kinh.

Tuy nhiên, theo nhà sản xuất đĩa kinh nguyệt thì dụng cụ này có thể giảm bớt các cơn đau bụng kinh so với khi dùng tampon. Lý do được đưa ra là đĩa kinh nguyệt nằm ở phần rộng nhất của ống âm đạo trong khi tampon lại nằm ở vị trí thấp hơn, hẹp hơn nhiều của âm đạo. Khi tampon thấm hút máu và nở ra thì có thể gây cảm giác khó chịu và đau bụng kinh. Điều này không xảy ra với đĩa kinh nguyệt.

Nghe thì có vẻ có lý nhưng trên thực tế thì nguyên nhân gây đau bụng kinh là do các cơn co thắt trong tử cung chứ không liên quan đến âm đạo. Thêm nữa, ống âm đạo có thể giãn rộng đủ để cho phép thai nhi chui qua nên dù có nở to đến đâu thì tampon cũng không thể gây đau.

Mặc dù vậy nhưng nhiều người vẫn cho biết họ cảm thấy đỡ đau đớn hơn khi sử dụng đĩa kinh nguyệt so với khi dùng tampon. Lý do có thể là bởi đĩa kinh nguyệt linh hoạt hơn và tạo cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng.

Đĩa kinh nguyệt có thể tái sử dụng không?

Xét về điểm này thì cốc nguyệt san có ưu thế hơn so với đĩa kinh nguyệt. Hầu hết các sản phẩm đĩa kinh nguyệt đều là loại dùng một lần và không tái sử dụng được nên không phải là một lựa chọn thân thiện với môi trường.

Rủi ro khi dùng đĩa kinh nguyệt

Đĩa kinh nguyệt không đi kèm rủi ro nghiêm trọng nào nhưng cốc nguyệt san lại có thể gây hội chứng sốc nhiễm độc (toxic shock syndrome).

Hội chứng sốc nhiễm độc là một vấn đề hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do nhiễm vi khuẩn gây ra với các triệu chứng xuất hiện đột ngột, ví dụ như sốt, tụt huyết áp và nổi những mảng da đỏ. Nếu không can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.

Để giảm nguy cơ xảy ra vấn đề này thì cần chú ý đảm bảo vệ sinh bằng cách rửa tay sạch sẽ trước khi đặt và tháo đĩa kinh nguyệt và phải luôn thực hiện theo đúng chỉ dẫn.

Khả năng đĩa kinh nguyệt bị kẹt bên trong cơ thể cũng chỉ tương đương với các sản phẩm được đưa vào cơ thể khác như tampon hay cốc nguyệt san. Tuy nhiên, vì không đi kèm với sợi dây như tampon hay cuống như cốc nguyệt san nên có thể bạn sẽ cần phải rặn hoặc thử các tư thế khác nhau để có thể có thể chạm được đến đĩa kinh nguyệt ở bên trong và lấy ra.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Kinh nguyệt ra nhiều là vì sao?
Kinh nguyệt ra nhiều là vì sao?

Ra máu nhiều và đau bụng kinh là những vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ khi có kinh nguyệt. Mặc dù lượng máu kinh và chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng ra nhiều máu đến mức làm gián đoạn việc sinh hoạt thường ngày thì lại là điều không bình thường.

Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt
Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một vấn đề rất phổ biến. Theo thống kê, có đến 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều đã và đang gặp phải các triệu chứng của hội chứng này.

Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.

Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt

Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt có nhiều nguyên nhân

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây