1

Các biện pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều

Kinh nguyệt ra nhiều sẽ gây mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập hay việc sinh hoạt hàng ngày nhưng có rất nhiều biện pháp để khắc phục.
Các biện pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều Các biện pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều

Nội dung chính của bài viết:

  • Nếu kỳ kinh mỗi tháng bạn phải liên tục thay băng vệ sinh hoặc tampon, dùng băng ban đêm vào ban ngày hay phải dùng cùng lúc cả băng vệ sinh và tampon thì được coi là kinh nguyệt ra nhiều hay cường kinh.
  • Có một số biện pháp có thể khắc phục tại nhà để cải thiện tình trạng này, đó là: uống nhiều nước; ăn thực phẩm giàu vitamin C, giàu chất sắt; dùng viên uống bổ sung; thuốc không kê đơn; thuốc kê đơn.
  • Khi đã dùng đến thuốc kê đơn mà kinh nguyệt hàng tháng vẫn ra nhiều thì sẽ cần tính đến phương án phẫu thuật.
  • Khi chưa tìm ra được phương pháp khắc phục phù hợp hoặc đang trong quá trình điều trị thì bạn có thể sử dụng cốc nguyệt san, quần lót nguyệt san hay chườm nóng để làm giảm mức độ ra máu kinh.
  • Cần đi khám bác sĩ nếu kinh nguyệt ra nhiều bất thường trong hơn 1 đến 2 tháng liên tục. Ngoài ra, khi gặp các triệu chứng bất thường thì nên đi khám để bác sĩ tư vấn phương án điều trị, khắc phục sớm vấn đề.

Thế nào là kinh nguyệt ra nhiều?

Nếu kỳ kinh mỗi tháng bạn phải liên tục thay băng vệ sinh hoặc tampon, dùng băng ban đêm vào ban ngày hay phải dùng cùng lúc cả băng vệ sinh và tampon thì được coi là kinh nguyệt ra nhiều hay cường kinh. Điều này sẽ gây mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập hay việc sinh hoạt hàng ngày nhưng có rất nhiều biện pháp để khắc phục.

Đôi khi có thể giảm bớt mức độ ra máu và đưa kỳ kinh trở lại bình thường bằng cách thực hiện một vài điều chỉnh đơn giản trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ và uống thuốc giảm đau không kê đơn. Nhưng nếu đã thử những biện pháp này mà tình hình vẫn không có cải thiện thì nên đi khám. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu như:

  • Kinh nguyệt có lẫn các cục máu đông đường kính lớn hơn 2.5cm
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh (hay ngoài thời gian có kinh hàng tháng)
  • Cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đau đớn dữ dội hay có những triệu chứng nghiêm trọng khác trong thời gian có kinh

Nếu bị ra máu nhiều dù đã gần đến giai đoạn mãn kinh hoặc bị chảy máu âm đạo sau khi đã chính thức mãn kinh (12 tháng liền không có kinh nguyệt) thì cần đi khám ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nguy hiểm, ví dụ như ung thư.

Dưới đây là các biện pháp để giúp cải thiện hay điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều, tùy theo nguyên nhân và được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp.

Biện pháp khắc phục tại nhà và biện pháp tự nhiên

Uống nhiều nước

Nếu bị ra máu nhiều trong suốt vài ngày liên tục thì sẽ bị mất đi một lượng máu lớn. Cần uống thêm từ 4 đến 6 cốc nước mỗi ngày để duy trì lượng máu trong cơ thể.

Bên cạnh đó, cần uống dung dịch bù điện giải hoặc thêm nhiều muối vào chế độ ăn hàng ngày để cân bằng lượng chất lỏng nạp vào.

Ăn thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn và giúp ngăn ngừa thiếu máu. Loại vitamin này có nhiều trong các loại thực phẩm như:

  • Trái cây họ cam quýt
  • Ớt chuông
  • Các loại quả như kiwi, ổi, dâu tây, đu đủ…
  • Súp lơ hay bông cải xanh
  • Cải bắp và các loại rau lá xanh đậm
  • Khoai lang
  • Cà chua

Bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu chất sắt

Khi bị ra nhiều máu thì sẽ bị thiếu sắt. Cơ thể chúng ra cần sắt để sản sinh ra huyết sắc tố - một loại phân tử giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Kinh nguyệt ra nhiều có thể làm cho lượng sắt trong cơ thể bị sụt giảm xuống mức thấp và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

Các dấu hiệu thiếu máu gồm có:

  • Người mệt mỏi, uể oải
  • Chóng mặt, hoa mắt, đau đầu
  • Da xanh tái, nhợt nhạt
  • Tức ngực, tim đập nhanh và khó thở
  • Chân tay lạnh
  • Ăn không ngong miệng
  • Móng giòn, dễ gãy

Để bổ sung thêm sắt thì cần ăn những loại thực phẩm giàu chất sắt như:

  • Gan và các loại nội tạng khác
  • Các loại thủy hải sản như hàu, cua, tôm, trai, sò…
  • Trứng
  • Các loại thịt đỏ như thịt bò
  • Các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ,…
  • Đậu phụ
  • Rau lá xanh đậm như rau đay, rau ngót, xương xông, súp lơ xanh…
  • Chocolate đen

Bên cạnh bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt, một cách khác để tăng lượng sắt cho cơ thể là nấu đồ ăn trong nồi gang. Thực phẩm có lượng nước càng cao thì sẽ càng hấp thụ nhiều chất sắt từ nồi.

Trong quá trình nấu thì nên khuấy đảo liên tục để tăng thêm lượng sắt vào món ăn.

Tuy nhiên, đừng nên lạm dụng. Nếu nấu tất cả mọi thứ trong nồi gang thì sẽ làm cho lượng sắt trong cơ thể tăng cao hơn mức cần thiết và điều này sẽ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em.

Dùng viên uống bổ sung

Việc bổ sung thêm một số loại vitamin trong thời gian có kinh nguyệt cũng sẽ giúp giảm bớt mức độ ra máu. Một số chất dinh dưỡng, ví dụ như sắt là đặc biệt cần thiết để bù lại lượng sắt đã mất theo máu kinh.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại viên uống bổ sung nào. Trước tiên sẽ cần làm xét nghiệm để kiểm tra xem bạn có thực sự bị thiếu chất và cần phải bổ sung hay không, nếu có thì cần dùng liều như thế nào, các sản phẩm này có tác dụng phụ hay tương tác với các loại thuốc đang dùng hay không.

Một số chất cần bổ sung trong ngày đèn đỏ gồm có:

  • Vitamin C: Loại vitamin này có tác dụng giảm mức độ ra máu và còn giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, từ đó ngăn ngừa thiếu sắt.
  • Sắt: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu sắt có thể góp phần khiến kinh nguyệt ra nhiều. Nếu chế độ ăn giàu chất sắt vẫn không đủ để bù lại lượng sắt bị mất thì có thể dùng thêm viên uống bổ sung.

Thuốc không kê đơn

Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm tình trạng kinh nguyệt ra nhiều. Các loại thuốc này này gồm có thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc aspirin.

Tác dụng làm giảm mức độ ra máu của thuốc chống viêm không steroid thường không được cao như các loại thuốc kê đơn nhưng bạn có thể kết hợp với các loại thuốc khác để có hiệu quả tốt hơn. Những loại thuốc này còn giúp làm giảm các cơn đau bụng kinh.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc chống viêm không steroid. Việc sử dụng các thuốc này với liều cao hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn. Ngoài ra cũng không được sử dụng thuốc chống viêm không steroid nếu bị dị ứng hoặc mắc các bệnh trong danh sách chống chỉ định.

Thuốc kê đơn

Nếu đã thử các biện pháp khắc phục tại nhà hay dùng thuốc không kê đơn mà tình trạng kinh nguyệt ra nhiều vẫn không có cải thiện thì cần đi khám. Bác sĩ sẽ kê một trong các loại thuốc sau:

Biện pháp tránh thai

Thuốc, miếng dán và vòng âm đạo

Thuốc đường uống, miếng dán và vòng âm đạo là các dạng khác nhau của biện pháp tránh thai nội tiết.

Các biện pháp này làm mỏng niêm mạc tử cung và từ đó giúp ra ít máu hơn khi đến kỳ kinh nguyệt. Những biện pháp tránh thai nội tiết còn có tác dụng giảm nhẹ bớt các triệu chứng trong kỳ kinh, chẳng hạn như đau bụng.

Thuốc đường uống, miếng dán hoặc vòng âm đạo thường được sử dụng trong 21 ngày và sau đó nghỉ 7 ngày để có kinh nguyệt. Một số loại thuốc tránh thai mới hiện nay còn giải phóng hormone liên tục vào cơ thể trong suốt tháng và làm giảm số lần có kinh nguyệt hoặc dừng kinh nguyệt trong thời gian sử dụng.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc và các biện pháp tránh thai nội tiết khác gồm có:

  • Đau vú
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn
  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Tăng cân
  • Đau đầu

Tiêm thuốc tránh thai

Tiêm thuốc tránh thai Depo-Provera cũng là một biện pháp tránh thai nội tiết. Thay vì tự dùng tại nhà như thuốc đường uống hay miếng dán, quá trình tiêm thuốc phải được thực hiện bởi bác sĩ và thuốc sẽ được tiêm vào cánh tay hoặc mông.

Sau 3 tháng sẽ cần tiêm lại một lần để duy trì hiệu quả.

Vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai nội tiết là một dụng cụ nhỏ được đặt vào bên trong tử cung để ngăn chặn sự thụ thai. Tùy thuộc vào từng hãng mà vòng tránh thai nội tiết – ví dụ như Mirena - có thể cho hiệu quả trong 3 đến 5 năm.

Ngoài ra còn có loại vòng tránh thai mạ đồng nhưng không được khuyến nghị sử dụng cho mục đích giảm mức độ ra máu kinh.

Axit tranexamic (Lysteda)

Lysteda là một loại thuốc chống tiêu sợi huyết dạng viên nén. Thuốc này có công dụng làm giảm mức độ ra máu trong kỳ kinh bằng cách ngăn cơ thể phá vỡ các cục máu đông.

Thuốc này chỉ cần dùng trong vài ngày mỗi tháng nhưng không có tác dụng ngừa thai giống như thuốc tránh thai. Các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng axit tranexamic gồm có buồn nôn, tiêu chảy, đau dạ dày, co thắt cơ, đau khớp và đau đầu.

Norethindrone (Ayestin)

Aygestin là một loại thuốc có chứa hormone progestin. Những phụ nữ bị ra máu kinh nhiều có thể dùng liều 5mg, hai lần một ngày từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 26 của chu kỳ kinh nguyệt.

Tác dụng phụ của thuốc này cũng tương tự như các biện pháp tránh thai nội tiết.

Thuốc chủ vận GnRH

Thuốc chủ vận GnRH (gonadotropin-releasing hormone) được sử dụng để tạm thời điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều do lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung. Nhóm thuốc này có dạng tiêm và dạng xịt mũi.

Không nên sử dụng thuốc chủ vận GnRH trong thời gian quá 3 đến 6 tháng. Các thuốc này có đi kèm với các tác dụng phụ như:

  • Bốc hỏa
  • Đau đầu
  • Xương yếu

Càng dùng lâu thì các tác dụng phụ càng nặng thêm.

Phẫu thuật

Khi đã dùng đến thuốc kê đơn mà kinh nguyệt hàng tháng vẫn ra nhiều thì sẽ cần tính đến phương án phẫu thuật.

Trước khi chỉ định phương pháp phẫu thuật cụ thể, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như:

  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng kinh nguyệt ra nhiều và các triệu chứng đi kèm
  • Tình trạng này có phải là do một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hay không?
  • Có còn kế hoạch mang thai trong tương lai không?

Một số phương pháp phẫu thuật để điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều gồm có:

Nút mạch u xơ tử cung

Thủ thuật điều trị này cũng được sử dụng cho những trường hợp u xơ tử cung. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ đưa ống thông qua một động mạch ở đùi và luồn vào các động mạch trong tử cung. Sau đó, một chất liệu gồm có các hạt đường kích nhỏ sẽ được tiêm qua ống thông này vào các mạch máu nuôi u xơ để chặn nguồn cung cấp máu cho khối u và khiến nó co lại.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u

Phương pháp này chỉ cắt bỏ khối u xơ và vẫn giữ nguyên tử cung. Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện qua âm đạo, đường mổ nhỏ ở bụng (phẫu thuật nội soi ổ bụng) hoặc một đường mổ dài ở bụng (kỹ thuật mổ mở).

Kỹ thuật mà bác sĩ sử dụng sẽ phụ thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của khối u xơ.

Đốt nội mạc tử cung

Đây là thù thuật loại bỏ phần lớn nội mạc tử cung bằng laser, nhiệt hoặc năng lượng tần số vô tuyến điện. Sau đó, kinh nguyệt sẽ nhẹ hơn hoặc dừng hoàn toàn nhưng sau này bạn sẽ không thể mang thai được nữa.

Cắt bỏ nội mạc tử cung

Cắt bỏ nội mạc tử cung cũng tương tự như thủ thuật đốt nội tử cung. Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng vòng điện để loại bỏ toàn bộ niêm mạc tử cung. Sau phẫu thuật, bạn sẽ không còn khả năng mang thai.

Cắt tử cung

Trong quy trình phẫu thuật này, toàn bộ tử cung được cắt bỏ. Phương pháp cắt tử cung sẽ điều trị tình trạng kinh nguyệt ra nhiều nhưng cũng sẽ chấm dứt khả năng mang thai của phụ nữ.

Các biện pháp hỗ trợ

Khi chưa tìm ra được phương pháp khắc phục phù hợp hoặc đang trong quá trình điều trị thì bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để dễ chịu hơn được phần nào khi đến kỳ và tránh để tình trạng ra máu nhiều ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày:

  • Sử dụng cốc nguyệt san: Cốc nguyệt san là dụng cụ nhỏ có hình phễu, làm bằng silicone hoặc nhựa dẻo và được đưa vào trong âm đạo. Sau khi vào trong, cốc sẽ vừa khít với thành âm đạo để đựng máu kinh, ngăn máu chảy ra ngoài cơ thể. Cốc nguyệt san có thể chứa được lượng máu lớn hơn so với băng vệ sinh hay tampon và nguy cơ rò rỉ cũng rất thấp. Hơn nữa, vì cốc nguyệt san có thể tái sử dụng nên đây là một lựa chọn thân thiện với môi trường hơn so với các sản phẩm dùng một lần như băng vệ sinh và tampon.
  • Mặc quần lót nguyệt san: Loại quần lót này được làm bằng chất liệu chống thấm và được sử dụng để hỗ trợ cho băng vệ sinh và tampon trong những ngày kinh nguyệt ra nhiều, tránh máu bị rò rỉ và thấm ra quần. Nếu mức độ ra máu ít thì có thể chỉ cần mặc mình quần nguyệt san. Một số loại quần nguyệt san được quảng cáo là có thể thấm hút lượng máu nhiều gấp đôi so với tampon mà không gây khó chịu.
  • Chườm nóng: Mặc dù cách này không làm giảm mức độ ra máu kinh nhưng sẽ giúp làm dịu các cơn đau bụng kinh.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu kinh nguyệt ra nhiều bất thường trong hơn 1 đến 2 tháng liên tục. Kinh nguyệt được coi là ra nhiều bất thường khi:

  • Phải tăng gấp đôi biện pháp bảo vệ khi đến kỳ, ví dụ như dùng hai băng vệ sinh cùng lúc hay vừa phải dùng tampom vừa phải dùng băng vệ sinh
  • Phải thay băng vệ sinh hoặc tampon từ 1 lần trở lên sau 1 tiếng
  • Phải thức dậy giữa đêm để thay băng vệ sinh
  • Có các cục máu đông đường kính lớn hơn 2.5cm
  • Gặp phải các triệu chứng thiếu máu, chẳng hạn như mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp và da tái
  • Kinh nguyệt kéo dài quá một tuần

Hầu hết các nguyên nhân gây kinh nguyệt ra nhiều ví dụ như u xơ tử cung thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng vẫn gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và nếu như không điều trị thì tình trạng ra nhiều máu sẽ tiếp diễn và dẫn đến thiếu máu.

Vì thế, khi gặp các triệu chứng bất thường thì nên đi khám để bác sĩ tư vấn phương án điều trị, khắc phục sớm vấn đề.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: biện pháp, kinh nguyệt
Tin liên quan
Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt
Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là điều bình thường trong giai đoạn dậy thì cũng như là quanh thời kỳ mãn kinh và không cần điều trị nhưng nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai giai đoạn này thì sẽ cần đến các phương pháp can thiệp.

Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.

Những điều con gái cần biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên
Những điều con gái cần biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Khi đến một độ tuổi nhất định, con gái sẽ bắt đầu có kinh nguyệt. Vậy kinh nguyệt là gì và những gì sẽ xảy ra? Bài viết này là tất cả những kiến thức cần thiết mà con gái nên biết về kỳ kinh đầu tiên của mình

Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?
Kinh nguyệt kéo dài bao lâu là bình thường?

Kinh nguyệt ở đa số phụ nữ sẽ đến theo chu kỳ hàng tháng và thường kéo dài từ 2 đến 8 ngày, tùy theo cơ địa của từng người.

Các biện pháp giảm đau tại nhà trong ngày đèn đỏ
Các biện pháp giảm đau tại nhà trong ngày đèn đỏ

Các cơn đau đớn, khó chịu ở quanh bụng, thắt lưng và đùi là vấn đề phổ biến xảy ra vào mỗi kỳ kinh nguyệt.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây