1

Các biện pháp giảm đau tại nhà trong ngày đèn đỏ

Các cơn đau đớn, khó chịu ở quanh bụng, thắt lưng và đùi là vấn đề phổ biến xảy ra vào mỗi kỳ kinh nguyệt.
Các biện pháp giảm đau tại nhà trong ngày đèn đỏ Các biện pháp giảm đau tại nhà trong ngày đèn đỏ

Nội dung chính của bài viết: 

  • Các cơn co thắt cơ tử cung là nguyên nhân gây ra các cơn đau đớn vào mỗi lần hành kinh.
  • Ngoài ra những phụ nữ mới sinh con đầu lòng, dưới 20 tuổi, cơ thể nhạy cảm với prostaglandin, có khối u trong tử cung, sử dụng các biện pháp tránh thai cũng là nguyên nhân gây đau đớn trong ngày hành kinh.
  • Một số cách để giảm đau nhanh và tránh những cơn đau vào kỳ kinh nguyệt là: dùng thuốc giảm đau; chườm nóng; liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt; quan hệ tình dục; chế độ ăn; dùng thảo dược; hay tập thể dục.
  • Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị đau đớn dữ dội và máu kinh ra quá nhiều. 

Nguyên nhân gây đau bụng kinh

Trong giai đoạn đầu của chu kỳ kinh nguyệt, lớp niêm mạc tử cung (lớp mô bao phủ thành bên trong tử cung) dày lên để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh bám vào làm tổ và phát triển thành thai nhi. Khi trứng không được thụ tinh thì các cơ ở tử cung sẽ co thắt và giãn ra liên tục để làm bong và đẩy lớp niêm mạc này ra ngoài. Chính các cơn co thắt cơ này là nguyên nhân gây ra các cơn đau đớn vào mỗi lần hành kinh. Ngoài ra, một số người còn gặp hiện tượng buồn nôn, nôn ọe, đau đầu hoặc tiêu chảy trong thời gian này.

Mặc dù không phải ai cũng bị đau đớn, khó chịu khi có kinh nguyệt và mức độ của những hiện tượng này ở mỗi người là khác nhau nhưng có một số yếu tố khiến cho nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau dữ dội hơn người khác. Những yếu tố này gồm có:

  • Ra lượng máu kinh lớn
  • Mới sinh con đầu lòng
  • Dưới 20 tuổi hoặc mới bắt đầu có kinh nguyệt
  • Cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá nhạy cảm với prostaglandin - một loại hormone ảnh hưởng đến tử cung

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như có khối u trong tử cung, lạc nội mạc tử cung (mô niêm mạc tử cung hình thành ở những bộ phận khác trong cơ thể) và sử dụng các biện pháp tránh thai.

Đối với các cơn đau do co thắt ở mức độ nhẹ và xảy ra tạm thời thì có thể giảm đau bằng một số biện pháp khắc phục tại nhà. Dưới đây là một số cách để giảm đau nhanh và tránh những cơn đau vào kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

1. Dùng thuốc giảm đau

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là dạng thuốc giảm đau không kê đơn chính được khuyến cáo dùng cho các cơn đau bụng kinh và tình trạng máu kinh nguyệt ra nhiều. Thuốc chống viêm không steroid gồm có ibuprofen và naproxen.

Những loại thuốc này có tác dụng giảm mức độ sản sinh prostaglandin của cơ thể. Mặc dù thuốc prostaglandin không hiệu quả như thuốc tránh thai đường uống nhưng vẫn có tác dụng làm dịu các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt một cách nhanh chóng.

2. Chườm nóng

Chườm nóng cũng là một biện pháp hữu hiệu để giảm đau vùng bụng và thắt lưng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chườm nóng ở 40°C có hiệu quả làm dịu cơn đau tương đương với thuốc giảm đau ibuprofen.

Bạn có thể dùng túi chườm nóng y tế, bình đựng nước nóng, miếng dán nóng, khăn bông nhúng nước ấm hoặc tắm nước ấm đều có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm túi chườm bằng cách:

  1. Cắt và khâu hai mảnh vải lại với nhau, chừa lại một lỗ ở mép.
  2. Đổ đầy gạo vào túi và khâu kín lỗ hở.
  3. Quay trong lò vi sóng khoảng vài phút đến khi đạt nhiệt độ mong muốn nhưng đừng để quá nóng.
  4. Nếu quá nóng thì để nguội một chút hoặc bọc trong một chiếc khăn và chườm lên chỗ bị đau. Túi chườm này có thể dùng được nhiều lần.

Để đơn giản hơn thì bạn có thể mua các loại túi chườm.

3. Liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt

Liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt có thể giúp giảm các cơn đau do hành kinh.

Đây là phương pháp ấn lên các huyệt (điểm) trên cơ thể đồng thời xoa bóp xung quanh bụng, hai bên hông và lưng. Nghiên cứu đã chứng minh việc thực hiện liệu pháp này trong khoảng 20 phút có thể giúp giảm đau ngay lập tức và hiệu quả được duy trì một thời gian dài sau đó.

Ngoài ra có thể sử dụng thêm các loại tinh dầu để nâng cao hiệu quả giảm đau.

Các loại tinh dầu có tác dụng làm dịu cảm giác đau đớn, khó chịu thường được dùng trong liệu pháp xoa bóp gồm có tinh dầu hoa oải hương (lavender), cây xô thơm (clary sage) và tinh dầu kinh giới. Bạn có thể mua các loại tinh dầu này và tự mát-xa tại nhà.

Tuy nhiên, cần lưu ý phải luôn hòa loãng tinh dầu với một loại dầu nền, thường là các loại dầu thực vật hoặc dầu hạt như dầu hạt nho hoặc dầu hạnh nhân. Tỉ lệ pha là một giọt tinh dầu với mỗi muỗng cà phê dầu nền.

4. Quan hệ tình dục

Khoa học đã chứng minh khoái cảm có tác dụng tích cực đối với các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt.

Việc đạt cực khoái sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tủy sống – cơ quan phát ra tín hiệu để cơ thể giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh. Cảm giác này khi quan hệ sẽ kích hoạt não bộ giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin và oxytocin. Endorphin sẽ làm giảm nhận thức về cơn đau.

Một nghiên cứu còn phát hiện ra rằng việc kích thích âm đạo làm tăng khả năng chịu đựng cơn đau của phụ nữ lên gấp đôi so với bình thường.

5. Chế độ ăn

Chế độ ăn uống hàng ngày cũng có tác động không nhỏ đến trạng thái cơ thể trong kỳ kinh và nếu biết cách điều chỉnh thì sẽ có thể giảm bớt tình trạng đau đớn, khó chịu do kinh nguyệt.

Thực phẩm cần bổ sung

Nói chung, chế độ ăn uống hàng ngày cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và điều này lại càng quan trọng hơn nữa vào kỳ kinh nguyệt.

Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn của mình:

  • Rau xanh và trái cây vì đây là những nguồn vitamin dồi dào.
  • Gạo lứt vì có chứa vitamin B6, có thể làm giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
  • Các loại hạt như óc chó, hạnh nhân hay đậu nành vì rất giàu mangan – chất có tác dụng giảm đau do cơ thắt cơ.
  • Dầu ô-liu và bông cải xanh vì có chứa vitamin E.
  • Thịt gà, cá và rau xanh để bổ sung lượng sắt bị mất trong kỳ kinh nguyệt.
  • Các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi vì đây là chất có đặc tính chống oxy hóa, giúp làm giảm sưng và viêm.

Boron: Khoáng chất này giúp cơ thể hấp thụ canxi và phốt-pho tốt hơn. Ngoài ra, boron còn làm giảm các cơn đau do kinh nguyệt. Một số loại thực phẩm có chứa nhiều boron gồm có:

  • Quả bơ
  • Bơ đậu phộng
  • Táo
  • Đậu xanh
  • Chuối
  • Sữa
  • Khoai tây
  • Các loại quả khô như nho khô và các loại hạt như hạt óc chó

Bạn cũng có thể dùng viên uống bổ sung boron nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng viên uống bổ sung boron.

Nước: Trong kỳ kinh nguyệt nên uống nhiều nước để giữ cho cơ thể không bị giữ nước, đầy hơi, sưng phù và giảm cảm giác khó chịu. Nên uống nước ấm vì nhiệt độ cao sẽ làm tăng lưu lượng máu đến da và có thể giúp thư giãn các cơ bị co thắt.

Ngoài ra cũng nên bổ sung thêm các loại thực phẩm mọng nước như: Rau diếp, dưa chuột, cà chua, súp lơ, dưa hấu, dâu, bưởi,…

Canxi: Khoáng chất này có tác dụng giảm cơn đau do co thắt cơ trong kỳ kinh nguyệt. Các chuyên gia khuyến cáo nên bổ sung ít nhất 1.000mg canxi mỗi ngày cho phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 50. Một số loại thực phẩm giàu canxi gồm có:

  • Sữa và các sản phẩm từ sữa
  • Các loại rau lá sậm
  • Các loại quả hạnh
  • Đậu nành và sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng viên uống bổ sung canxi nhưng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng để xem có an toàn hay không.

Trong thời gian có kinh nguyệt, nên tránh các loại thực phẩm gây đầy hơi, trướng bụng và giữ nước. Một số thủ phạm lớn nhất gây ra những hiện tượng này gồm có:

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ
  • Đồ uống có cồn
  • Đồ uống có ga
  • Caffeine
  • Thức ăn mặn

Giảm hoặc loại bỏ hẳn những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn sẽ giúp giảm bớt tình trạng co thắt cơ tử cung và đồng thời giảm căng thẳng. Ngoài ra, nên uống trà gừng, trà bạc hà hoặc chỉ đơn giản là nước ấm có pha chút nước chanh để làm dịu cảm giác khó chịu. Nếu bạn thèm ngọt thì có thể ăn các loại trái cây.

6. Dùng thảo dược

Thảo dược từ lâu đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau và bao gồm cả tình trạng đau đớn, khó chịu do hành kinh. Nhiều loại thảo dược có chứa các hợp chất chống viêm và chống co thắt, nhờ đó mà có thể làm giảm các cơn đau do co thắt và sưng phù trong những ngày “đèn đỏ”. Một số loại thảo dược và viên uống bổ sung gốc thực vật có hiệu quả giảm các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt gồm có:

Loại thảo dược Cách dùng Tác dụng
Trà hoa cúc Uống 2 tách trà hoa cúc mỗi ngày trong khoảng một tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt. Nếu có thể thì tốt nhất nên uống đều đặn mỗi tháng. Trà hoa cúc làm tăng lượng glycine trong cơ thể và giúp làm giảm co thắt cơ. Glycine còn có tác dụng làm thư giãn thần kinh.

Hạt cây thì là

Khi kỳ kinh bắt đầu, uống 30mg viên chiết xuất hạt thì là (fennel extract) 4 lần một ngày trong thời gian 3 ngày.

 

Các chất trong hạt thì là có đặc tính chống viêm và giúp làm dịu cơn đau do kinh nguyệt, có hiệu quả tương đương với thuốc giảm đau ibuprofen.
Quế Uống khoảng 850mg viên quế 3 lần một ngày trong 3 ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt. Hoặc có thể uống trà quế.

Quế giúp giảm lượng máu kinh, các cơn đau, cảm giác buồn nôn và nôn mửa khi đến kỳ kinh nguyệt.

Gừng

Nghiền một miếng gừng nhỏ và pha với nước nóng để uống hoặc cũng có thể dùng trà gừng. Gừng có tác dụng giảm đau bụng kinh.Thậm chí có nghiên cứu còn chỉ ra rằng hiệu quả giảm các cơn đau do kinh nguyệt của gừng còn tương đương với ibuprofen.
Pycnogenol Uống 60 mg viên uống pycnogenol mỗi ngày trong chu kỳ kinh nguyệt.

Giảm đau do kinh nguyệt mức độ nhẹ đến vừa. Hiệu quả tiếp tục duy trì ngay cả sau khi đã dừng uống.

Viên uống dầu hạt thì là

Dùng 1.000 mg viên uống dầu hạt thì trong 5 ngày, bắt đầu 2 ngày trước khi có kinh nguyệt.

Dầu hạt thì là có tác dụng làm giảm chứng co thắt cơ tử cung trong kỳ kinh nguyệt và hiệu quả tương đương với axit mefenamic - một loại thuốc giảm đau bụng kinh không kê đơn.

Ngoài ra, curcumin - một chất tự nhiên có trong củ nghệ đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Trong một nghiên cứu vào năm 2015, 70 phụ nữ dùng 2 viên curcumin trong vòng 7 ngày trước và 3 ngày đầu có kinh nguyệt thì thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt giảm đáng kể. Bạn có thể dùng tinh bột nghệ hoặc viên uống curcumin.

Lưu ý

Nếu muốn dùng thảo dược và các loại viên uống bổ sung nguồn gốc thực vật thì cần mua ở những nơi uy tín, biết rõ nguồn gốc để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn. Mặc dù hầu hết các loại thảo dược đều rất an toàn và ít tác dụng phụ nhưng vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt là khi còn đang dùng các loại thuốc khác vì các loại thảo dược có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.

7. Tập thể dục

Đa số phụ nữ đều cảm thấy uể oải, mệt mỏi và không muốn vận động cả trước cũng như là trong những ngày đến kỳ nhưng việc tập thể dục thực sự giúp giảm các cơn đau do kinh nguyệt và thậm chí còn giúp giảm hoặc loại bỏ hẳn nhu cầu dùng thuốc giảm đau. Trong thời gian này, bạn không cần và cũng không nên tập cường độ cao mà chỉ nên vận động nhẹ nhàng ví dụ như đi bộ.

Yoga cũng là một bài tập nhẹ nhàng cũng giải phóng endorphin và ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng khó chịu do kinh nguyệt. Trong một nghiên cứu vào năm 2011, các nhà nghiên cứu đã cho biết 3 tư thế yoga là Cobra (tư thế rắn hổ mang), Cat (tư thế con mèo) và Fish (tư thế con cá) giúp giảm đáng kể mức độ và thời gian kéo dài các cơn đau do hành kinh ở phụ nữ trẻ từ 18 đến 22 tuổi.

Ban đầu khi chưa quen, bạn có thể đến các lớp học để được hướng dẫn tập đúng tư thế.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu bị đau đớn dữ dội và máu kinh ra nhiều đến mức:

  • Cơn đau gây cản trở các hoạt động hàng ngày
  • Cơn đau ngày càng nặng hơn hoặc ngày càng ra máu nhiều hơn
  • Đã uống thuốc giảm đau mà không có tác dụng

Ngoài ra, cũng nên đi khám nếu bạn trên 25 tuổi và đột nhiên gần đây mới bị các triệu chứng đau đớn, khó chịu nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt.

Đối với những trường hợp nặng thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây ra các cơn đau và có biện pháp điều trị sớm. Rất có thể các cơn đau không chỉ là do kinh nguyệt mà là do một vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn nào đó. Phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi sẽ càng cao.

Nếu bạn quan tâm đến các phương pháp để giảm đau bụng kinh thì có thể đọc thêm bài viết này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: biện pháp
Tin liên quan
Phụ Nữ Đến Tháng Mất Bao Nhiêu Máu Trong Ngày Đèn Đỏ?
Phụ Nữ Đến Tháng Mất Bao Nhiêu Máu Trong Ngày Đèn Đỏ?

Kinh nguyệt là hiện tượng mà hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều phải trải qua mỗi tháng. Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc đến tháng mất bao nhiêu máu chưa?

8 biện pháp điều hòa kinh nguyệt có thể thực hiện tại nhà
8 biện pháp điều hòa kinh nguyệt có thể thực hiện tại nhà

Có thể cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt và đưa chu kỳ kinh trở lại đều đặn bình thường bằng một số thay đổi trong lối sống và biện pháp khắc phục tự nhiên.

Các biện pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều
Các biện pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều

Kinh nguyệt ra nhiều sẽ gây mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, học tập hay việc sinh hoạt hàng ngày nhưng có rất nhiều biện pháp để khắc phục.

Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.

Kinh Nguyệt Chỉ Kéo Dài 1 - 2 Ngày Có Bình Thường Không?
Kinh Nguyệt Chỉ Kéo Dài 1 - 2 Ngày Có Bình Thường Không?

Ra máu chỉ kéo dài một hoặc hai ngày có thể là dấu hiệu mang thai nhưng cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây