1

Những điều con gái cần biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Khi đến một độ tuổi nhất định, con gái sẽ bắt đầu có kinh nguyệt. Vậy kinh nguyệt là gì và những gì sẽ xảy ra? Bài viết này là tất cả những kiến thức cần thiết mà con gái nên biết về kỳ kinh đầu tiên của mình
Những điều con gái cần biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên Những điều con gái cần biết về kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Nội dung chính của bài viết:

  • Khi đã bắt đầu có kinh nguyệt thì bạn có thể mang thai bất cứ khi nào tinh dịch tiếp xúc với âm đạo.

  • Hầu hết phụ nữ đều có kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên trong độ tuổi từ 12 đến 13

  • Những thay đổi trên cơ thể báo hiệu kinh nguyệt sắp đến, đó là: da tiết nhiều dầu và nổi mụn trứng cá; chướng bụng, đầy hơi; đau vú; đau mỏi lưng; táo bón; tiêu chảy; mệt mỏi; tâm trạng thay đổi; thèm ăn đồ ngọt; dịch tiết âm đạo trong suốt hoặc có máu trắng ngà.

  • Kỳ kinh đầu tiên có thể chỉ kéo dài một vài ngày. Sau đó, có thể phải mất một vài tháng thì chu kỳ kinh nguyệt mới ổn định và diễn ra đều đặn, nhất quán.

  • Một phụ nữ trung bình mất khoảng 30 – 60ml máu mỗi tháng, tương đương với khoảng 2 – 4 thìa canh.

  • Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh sau và một chu kỳ trung bình là khoảng 28 ngày.

  • Trong những ngày bị hành kinh, bạn vẫn hoàn toàn có thể đi bơi và tham gia các hoạt động thể chất khác. Trong thực tế, việc tập thể dục còn giúp giảm đau bụng kinh và cảm giác khó chịu khi đến kỳ.

  • Cha mẹ cần có trách nhiệm hướng dẫn con gái của mình trong khoảng thời gian đầu mới có kinh nguyệt, hướng dẫn cụ thể các sản phẩm cần sử dụng cũng như cách chăm sóc sức khỏe để các bé gái không cảm thấy hoảng sợ. 

Tại sao lại có kinh nguyệt?

Kinh nguyệt bắt đầu vào độ tuổi dậy thì. Đây là thời điểm đánh dấu cơ thể con gái bắt có khả năng sinh sản.

Khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu, nồng độ estrogen trong cơ thể tăng lên. Điều này làm cho niêm mạc tử cung dày lên nhằm hỗ trợ cho trứng sau khi được thụ tinh sẽ bám vào và phát triển thành bào thai.

Nếu trứng không được thụ tinh thì cơ thể sẽ làm bong lớp niêm mạc này và đẩy ra khỏi tử cung, dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo hàng tháng, được gọi là kinh nguyệt hay hành kinh.

Kể từ lần có kinh nguyệt đầu tiên, đa số phụ nữ đều sẽ có kinh hàng tháng.

Khi nào sẽ có kinh nguyệt lần đầu tiên?

Hầu hết phụ nữ đều có kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên trong độ tuổi từ 12 đến 13. Tuy nhiên, cũng có không ít người bắt đầu có kinh nguyệt sớm hơn hoặc muộn hơn và đều là bình thường.

Đa phần, kinh nguyệt sẽ diễn ra lần đầu khoảng 2 năm sau khi bộ ngực bắt đầu phát triển.

Những dấu hiệu báo kinh nguyệt

Nhiều người bắt đầu có kinh nguyệt mà không hề có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào nhưng đa phần thì đều gặp một số thay đổi trên cơ thể từ vài ngày trước khi bắt đầu hành kinh. Những thay đổi này được gọi chung là hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome).

Những thay đổi trên cơ thể báo hiệu kinh nguyệt sắp đến hay triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt gồm có:

  • Da tiết nhiều dầu và nổi mụn trứng cá
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Đau vú
  • Đau mỏi lưng
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Dễ cáu gắt
  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Tâm trạng đột nhiên trở nên buồn bã, chán nản
  • Thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt
  • Tăng tiết dịch âm đạo (khí hư), trong suốt hoặc màu trắng ngà

Khi có những dấu hiệu này thì nên chuẩn bị sẵn các vật dụng cần dùng đến trong kỳ kinh như băng vệ sinh hay tampon, quần lót sạch, giấy lau và luôn mang theo khi ra ngoài để không bị động trong tình huống kinh nguyệt đến bất ngờ.

Ngoài ra, nên chuẩn bị thêm cả thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen để làm giảm các cơn đau khi đến kỳ như đau bụng, đau lưng hay đau đầu.

Cần làm gì khi kinh nguyệt đến?

Nếu kinh nguyệt đến bất ngờ khi vẫn chưa kịp chuẩn bị gì hay khi ra ngoài và không mang theo băng vệ sinh hay tampon thì cũng đừng lo lắng. Bạn có thể tạm thời dùng giấy vệ sinh để thấm hút máu và đi mua băng vệ sinh hoặc tampon.

Cách thực hiện như sau:

  • Lấy một dải giấy dài (ít nhất 10 đoạn) và gấp lại thành một tập dày.
  • Đặt giấy vào đáy quần lót (phần vải ở giữa quần).
  • Lấy một dải giấy vệ sinh dài khác và quấn xung quanh một vài vòng đề giữa tập giấy cố định, không bị xê dịch.
  • Nhét đoạn cuối của dải giấy vào phần mép. Như vậy là bạn đã có một chiếc “băng vệ sinh” tự tạo.

Tuy nhiên, đây là giải pháp tạm thời và chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Không nên sử dụng cách này thay cho băng vệ sinh hay tampon khi đến kỳ.

Kinh nguyệt sẽ kéo dài bao lâu?

Kỳ kinh đầu tiên có thể chỉ kéo dài một vài ngày.

Sau đó, có thể phải mất một vài tháng thì chu kỳ kinh nguyệt mới ổn định và diễn ra đều đặn, nhất quán. Khi ổn định, kinh nguyệt có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày mỗi tháng.

Mất bao nhiêu máu mỗi lần có kinh?

Vào kỳ kinh đầu tiên, nhiều bạn gái chỉ bị ra một lượng máu rất ít, có thể chỉ nhỏ giọt và tiếp diễn như vậy trong suốt cả tuần nhưng cũng có nhiều người bị ra một lượng máu lớn và cũng có đôi khi bị tháng ít tháng nhiều.

Khi nồng độ hormone ổn định thì mức độ ra máu hàng tháng sẽ đều đặn hơn.

Một phụ nữ trung bình mất khoảng 30 – 60ml máu mỗi tháng, tương đương với khoảng 2 – 4 thìa canh (tablespoon).

Nếu kinh nguyệt ra nhiều hay ít hơn mức này thì cũng không có gì đáng lo ngại nhưng nếu cảm thấy mình bị mất quá nhiều máu thì bạn nên nói với bố mẹ hoặc người lớn trong nhà.

Bạn cũng nên nói với người lớn khi:

  • phải thay băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san sau mỗi một đến hai tiếng một lần
  • cảm thấy chóng mặt, hoa mắt (đây là những biểu hiện thiếu máu)
  • tim đập nhanh
  • hiện tượng ra máu kéo dài quá 7 ngày

Khi có những hiện tượng này thì sẽ cần đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định xem bạn có bị mất quá nhiều máu hay không và kê thuốc để giảm bớt mức độ ra máu cũng như là những loại thuốc điều trị tình trạng thiếu máu.

Nên chọn sản phẩm nào cho kỳ kinh?

Hiện nay có nhiều lựa chọn khác nhau để giữ máu kinh trong ngày “đèn đỏ”.

Có thể bạn sẽ cần phải thử một vài sản phẩm khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất với mình.

Sản phẩm cần sử dụng để giữ máu kinh cũng có thể thay đổi theo thời gian. Sản phẩm được sử dụng trong những năm của tuổi dậy thì có thể sẽ không còn phù hợp về sau này nữa. Dưới đây là một số sản phẩm được lựa chọn phổ biến nhất trong kỳ kinh nguyệt.

Băng vệ sinh

Băng vệ sinh là những miếng hình chữ nhật được làm bằng bông có khả năng thấm hút cao được đặt vào bên trong quần lót khi có kinh nguyệt. Đây là sản phẩm được dùng phổ biến nhất.

Tất cả các loại băng vệ sinh đều có một mặt dính. Mặt này được quay xuống dưới để bám vào quần lót.

Băng vệ sinh có loại có cánh và loại không cánh. “Cánh” là hai miếng nhỏ ở hai bên của băng vệ sinh được thiết kế để ôm lấy mép quần lót và giữ chắc băng vệ sinh không bị xô lệch.

Khi dùng băng vệ sinh thì thường cần phải thay băng mới sau mỗi 4 đến 8 tiếng, tùy theo khả năng thấm hút của băng và mức độ ra máu. Nếu chưa quen với lượng máu hàng tháng của mình thì nên kiểm tra thường xuyên và thay băng khi thấy đã gần kín, tránh để quá lâu và dẫn đến tràn băng.

Băng vệ sinh có nhiều kích cỡ và mỗi kích cỡ có thể chứa được một lượng máu khác nhau. Nói chung, băng vệ sinh càng nhỏ thì càng chứa được ít máu.

Trên thị trường có 4 loại băng vệ sinh, được dùng vào những giai đoạn khác nhau của kỳ kinh là băng hàng ngày, băng mỏng, băng dày và băng ban đêm.

Thường sẽ cần dùng loại băng dày cho những ngày kinh nguyệt ra nhiều vào đầu kỳ kinh rồi khi sang đến những ngày sau thì có thể chuyển sang băng mỏng nhưng bạn cứ lựa chọn loại băng phù hợp dựa trên mức độ ra máu của mình.

Nếu ra nhiều máu thì nên dùng băng ban đêm khi ngủ để không phải thấp thỏm, lo lắng và có thể yên tâm ngủ ngon giấc.

Khi mới dùng băng vệ sinh thì nhiều bạn gái thường có tâm lý lo là băng vệ sinh sẽ bị lộ qua quần. Tuy nhiên, cho dù là băng vệ sinh dày thì cũng được thiết kế ôm sát lấy cơ thể nên không thể bị lộ ra quần được. Nếu vẫn còn lo lắng mọi người sẽ nhìn thấy và biết mình đang đến tháng thì có thể mặc quần rộng trong những ngày này.

Băng vệ sinh hàng ngày là loại nhỏ và mỏng nhất, thường được sử dụng trong một vài ngày trước khi có kinh để đề phòng ra máu bất ngờ và cũng được dùng vào những ngày cuối của kỳ kinh – khi thường chỉ còn ra máu nhỏ giọt.

Tampon

Tampon cũng là một sản phẩm được làm từ chất liệu bông thấm hút giống như băng vệ sinh nhưng khác ở chỗ là có hình ống. Không giống như băng vệ sinh, tampon được đưa vào trong âm đạo để thấm hút dịch kinh nguyệt trước khi chảy ra ngoài cơ thể.

Tampon thường có đi kèm với ống bao ngoài bằng nhựa hoặc bằng bìa cứng. Ống này được thiết kế để giúp đưa tampon vào âm đạo một cách dễ dàng. Tất cả các tampon đều có một sợi dây ở cuối, sợi dây này được để ở bên ngoài âm đạo để có thể kéo tampon ra và thay chiếc mới.

Cũng giống như băng vệ sinh, tampon có nhiều kích cỡ và độ thấm hút khác nhau.

Tủy theo mức độ ra máu trong kỳ kinh mà bạn có thể chọn cho mình kích cỡ tampon phù hợp:

  • Tampon cỡ nhỏ (slim) để dùng cho những ngày kinh nguyệt ra ít.
  • Tampon cỡ thường (regular): có kích cỡ và độ thấm hút ở mức trung bình.
  • Tampon siêu thấm hút hay tampon cỡ lớn: được dùng cho những ngày kinh nguyệt ra nhiều

Hiện nay trên thị trường còn có một số loại tampon có mùi thơm nhưng bạn không nên mua và sử dụng những sản phẩm này vì chất tạo mùi có thể gây kích ứng bên trong âm đạo.

Khi sử dụng, hãy nhẹ nhàng đẩy tampon vào bên trong ống âm đạo cho đến khi chỉ còn lại sợi dây ở bên ngoài cơ thể.

Nếu tampon có đi kèm ống bao ngoài thì hãy nhẹ nhàng kéo ra ngoài sao cho tampon nằm lại ở bên trong âm đạo.

Khi đến lúc cần thay thì chỉ cần kéo dây là tampon sẽ trượt ra ngoài.

Phải thay tampon sau thời gian tối đa 8 tiếng. Việc để tampon lại trong cơ thể quá 8 tiếng sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.

Cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san cũng là một sản phẩm được sử dụng trong kỳ kinh. Tương tự như tampon, cốc nguyệt san cũng được đưa vào âm đạo nhưng cốc không phải làm từ bông mà thường có chất liệu nhựa dẻo hoặc silicone và có hình phễu để đựng dịch kinh nguyệt.

Cốc nguyệt san thường có hai mức kích cỡ là nhỏ hoặc lớn, được sử dụng tùy theo độ tuổi và phụ thuộc vào việc đã từng sinh con hay chưa.

Nhiều phụ nữ thích sử dụng cốc nguyệt san cỡ nhỏ vì thoải mái và dễ đưa vào cơ thể hơn.

Quá trình đặt cốc nguyệt san cũng tương tự như tampon. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn đặt và tháo cốc nguyệt san tại đây.

Không giống như băng vệ sinh hoặc tampon, cốc nguyệt san có thể tái sử dụng được. Sau khi lấy cốc ra, bạn chỉ cần rửa sạch là có thể dùng lại được rất nhiều lần.

Cốc nguyệt san có thể được để trong cơ thể tối đa 12 tiếng liên tục, sau đó phải lấy ra để đổ dịch và vệ sinh. Việc để cốc trong thời gian quá 12 tiếng có thể làm tăng nguy cơ kích ứng hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tùy thuộc vào từng loại mà cốc nguyệt san có thể tái sử dụng được từ 6 tháng đến 10 năm nếu vệ sinh đúng cách.

Quần nguyệt san

Quần nguyệt san là một sản phẩm tương đối mới. Nó cũng giống như quần lót thông thường nhưng được làm bằng một loại vải đặc biệt có thể thấm hút dịch kinh nguyệt và giữ bên trong, ngăn dịch trào ngược ra ngoài.

Mỗi người thường cần dùng 2 – 4 chiếc quần nguyệt san trong suốt kỳ kinh. Chỉ cần giặt quần theo hướng dẫn của nhà sản xuất sau mỗi lần mặc là có thể tái sử dụng được nhiều lần.

Có nhiều loại quần nguyệt san và mỗi loại có mức độ thấm hút khác nhau. Nếu bạn có kinh nguyệt ra ít thì có thể chỉ cần sử dụng quần nguyệt san là đủ. Nhưng nếu kinh nguyệt ra nhiều thì vẫn nên dùng băng vệ sinh hoặc tampon rồi mặc thêm quần nguyệt san như một biện pháp đề phòng để ngăn máu kinh trào ra ngoài.

Cần làm gì khi máu dính ra quần?

Khi mới bắt đầu có kinh nguyệt, do chưa quen với mức độ ra máu, chưa ước lượng được thời gian cần thay băng vệ sinh hoặc do dùng băng vệ sinh chưa đúng cách nên rất nhiều bạn gái gặp sự cố máu dính ra ngoài quần. Kể cả ở những phụ nữ trưởng thành thì sự cố này cũng thi thoảng xảy ra.

Do đó, trong thời gian này nên mang theo giấy ướt trong túi khi đi ra ngoài để lau bớt vết máu nếu có lỡ thấm ra quần. Trong những lúc xảy ra sự cố, bạn cũng có thể buộc áo khoác quanh eo để che đi vết bẩn cho đến khi có thể thay quần.

Khi về nhà thì có thể thử phương pháp dưới đây để loại bỏ vết máu:

  1. Ngâm quần ngay vào nước lạnh càng sớm càng tốt. Nhớ là phải nước lạnh. Nước ấm hoặc nước nóng sẽ làm cho vết máu bám chắc vào vải và khó gột rửa hơn.
  2. Nếu như có thể thì nên dùng chất tẩy vết bẩn trên vải đổ lên vùng có vết máu và để nguyên trong thời gian ghi trên hướng dẫn sử dung.
  3. Nếu như không có chất tẩy vết bẩn thì đổ bột giặt hoặc nước giặt vào vùng có vết máu rồi xoa một ít nước lên để tạo bọt.
  4. Vò kỹ cho đến khi vết máu biến mất hoặc mờ đi tối đa.
  5. Xả sạch với nước và phơi khô tự nhiên.

Liệu người khác có biết mình đang có kinh nguyệt không?

Không, người khác không thể biết là bạn đang có kinh nguyệt vì không nhìn thấy hay ngửi thấy bất cứ điều gì khác thường. Tuy nhiên, nếu như để băng vệ sinh quá lâu mà không thay thì người bên cạnh có thể ngửi thấy mùi máu khi đứng ở khoảng cách gần.

Nhưng đừng vì thế mà dùng những loại băng vệ sinh hay tampon có mùi thơm. Chất tạo mùi trong những sản phẩm này có thể gây kích ứng vùng da nhạy cảm của vùng kín. Hơn nữa, nếu mùi thơm quá mạnh thì sẽ càng khiến cho người xung quanh dễ phát hiện ra hơn. Do đó, chỉ nên chọn những sản phẩm không mùi.

Nếu bạn cảm thấy vùng kín có mùi khó chịu trong những ngày này thì hãy nhẹ nhàng làm sạch bằng nước ấm, không được thụt rửa.

Có thể đi bơi và chơi thể thao khi có kinh nguyệt không?

Trong những ngày ấy, bạn vẫn hoàn toàn có thể đi bơi và tham gia các hoạt động thể chất khác. Trong thực tế, việc tập thể dục còn giúp giảm đau bụng kinh và cảm giác khó chịu khi đến kỳ.

Nếu như muốn đi bơi thì nên sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san để tránh rò rỉ máu khi ở dưới nước.

Còn với những hoạt động thể chất khác thì chỉ cần dùng băng vệ sinh là đủ.

Làm thế nào để giảm đau bụng kinh?

Đau bụng kinh là một vấn đề mà rất nhiều chị em phụ nữ phải trải qua trong thời gian có kinh nguyệt. Nguyên nhân gây nên những cơn đau này là do các cơn co thắt tử cung để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Đau bụng kinh không chỉ xảy ra trong độ tuổi dậy thì mà ở nhiều phụ nữ, tình trạng này còn kéo dài trong suốt những năm tháng của độ tuổi sinh sản.

Bạn có thể làm giảm những cơn đau bụng kinh khó chịu bằng cách:

  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn, ví dụ như ibuprofen hoặc naproxen natri
  • Dùng túi chườm ấm, miếng dán nhiệt hoặc áp một chai nước nóng lên vùng bụng dưới và thắt lưng
  • Ngâm mình trong bồn nước nóng

Nếu đau bụng dữ dội đến mức cảm thấy buồn nôn, không thể đi lại và sinh hoạt bình thường thì cần báo cho người lớn để đi khám bác sĩ.

Trong một số trường hợp, đau bụng kinh nghiêm trọng có thể là triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn khác, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung.

Những triệu chứng khác trong kỳ kinh

Ngoài đau bụng, bạn gái còn có thể gặp phải những hiện tượng khác trong thời gian hành kinh như:

  • Da tiết nhiều dầu và nổi mụn trứng cá
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Vú căng đau và nhạy cảm
  • Đau mỏi lưng
  • Táo bón
  • Tiêu chảy
  • Người mệt mỏi, uể oải
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Cảm xúc thay đổi thất thường hoặc dễ cáu
  • Buồn bã, ủ rũ
  • Thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt

Đa số chỉ gặp phải một hoặc một vài triệu chứng trong số này chứ không phải tất cả. Các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và có thể thay đổi theo từng tháng, tùy thuộc vào sự dao động nội tiết tố trong cơ thể.

Bao lâu có kinh nguyệt một lần?

Hành kinh là một phần của chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh sau và một chu kỳ trung bình là khoảng 28 ngày, có nghĩa là cứ cách 28 ngày bạn sẽ hành kinh một lần. Tuy nhiên, một số người có chu kỳ chỉ kéo dài 21 và cũng có những người mà hai lần có kinh cách nhau đến 45 ngày. Dù chu kỳ là bao nhiêu ngày nhưng nếu diễn ra đều đặn thì là hoàn toàn bình thường.

Trong thời gian đầu mới có kinh ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh hàng tháng có thể dài ngắn thất thường và phải sau một thời gian (có thể lên đến 6 năm) kể từ kỳ kinh đầu tiên thì chu kỳ mới ổn định và đều đặn. Đây là khoảng thời gian để cơ thể học cách giải phóng và điều chỉnh nồng độ hormone sinh dục. Khi chu kỳ kinh ổn định thì thời gian hành kinh sẽ dễ đoán hơn.

Làm thế nào để dự đoán ngày có kinh?

Mặc dù có thể phải mất một vài năm thì chu kỳ kinh nguyệt mới ổn định và có thể dự đoán trước nhưng trong thời gian đầu mới có kinh, bạn vẫn có thể đoán được ngày đèn đỏ của mình bằng cách theo dõi các thay đổi trên cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị trước và tránh bị động khi kinh nguyệt đến bất ngờ.

Ngoài ra, nên đánh dấu ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ kinh trên điện thoại hoặc lịch.

Bình thường, lần có kinh tiếp theo sẽ bắt đầu sau 3 đến 4 tuần kể từ khi kết thúc lần có kinh trước đó.

Bao giờ thì sẽ không còn kinh nguyệt?

Hầu hết phụ nữ đều có kinh nguyệt diễn ra hàng tháng, điều này diễn ra trong vài chục năm trước khi mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh diễn ra khi nồng độ các hormone sinh dục tham gia vào chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu giảm, thường là từ 45 đến 55 tuổi. Sau mãn kinh, phụ nữ chính thức không còn kinh nguyệt và khả năng sinh sản tự nhiên.

Tuy nhiên, kể cả khi vẫn còn trong độ tuổi sinh sản thì thi thoảng sẽ có những tháng mà kinh nguyệt không đến (lỡ kinh nguyệt hay vô kinh) vì những lý do như căng thẳng hay vấn đề sức khỏe.

Nếu bạn bắt đầu gặp các triệu chứng bất thường và bị lỡ kinh thì cần nói với bố mẹ hoặc người lớn trong nhà.

Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể được dừng lại một cách có chủ đích bằng các biện pháp tránh thai nội tiết.

Một số biện pháp cho phép dừng kinh nguyệt bất cứ khi nào bạn muốn hoặc thậm chí dừng hẳn.

Vậy là đã có thể mang thai?

Đúng. Khi đã bắt đầu có kinh nguyệt thì bạn có thể mang thai bất cứ khi nào tinh dịch tiếp xúc với âm đạo.

Mặc dù kinh nguyệt được coi là sự bắt đầu của khả năng sinh sản nhưng bạn vẫn có thể mang thai từ trước khi có kinh.

Nguyên nhân là do hormone. Trong một số trường hợp, cơ thể bắt đầu tiết ra hormone gây rụng trứng từ một thời gian khá dài trước khi hành kinh.

Và khi bắt đầu có kinh nguyệt, bạn có thể mang thai bất cứ khi nào quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai, kể cả trong thời gian có kinh. Nhưng tùy thuộc vào từng giai đoạn trong chu kỳ kinh mà khả năng mang thai sẽ cao thấp khác nhau.

Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp tránh thai khác là biện pháp cần thiết để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Cần nói chuyện với người lớn trong nhà hoặc đi khám nếu như:

  • Đã qua 15 tuổi mà vẫn chưa có kinh nguyệt
  • Đã sau hai năm kể từ khi có kinh lần đầu tiên mà kinh nguyệt vẫn chưa đều
  • Bị ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt (có nghĩa là ra máu ngoài thời gian có kinh)
  • Bị đau đớn dữ dội đến mức không thể sinh hoạt bình thường khi đến kỳ
  • Kinh nguyệt ra nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh hoặc tampon từ một đến hai tiếng một lần
  • Kinh nguyệt kéo dài quá 7 ngày

Khi đi khám, bác sĩ sẽ lấy những thông tin như:

  • Kinh nguyệt bắt đầu khi nào?
  • Lần có kinh gần đây nhất bắt đầu và kết thúc khi nào?
  • Bắt đầu từ lúc nào thì nhận thấy tình trạng kinh nguyệt bất thường hoặc các triệu chứng khác

Lời khuyên cho cha mẹ

Cha mẹ có trách nhiệm hướng dẫn con gái của mình trong khoảng thời gian đầu mới có kinh nguyệt. Khi thấy hiện tượng ra máu lần đầu, nhiều bé gái sẽ hoảng sợ nên bố mẹ cần chấn an con và giải thích cho con rằng đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Sau đó, mẹ hãy hướng dẫn con về những sản phẩm cần sử dụng để bảo vệ trong kỳ kinh, những triệu chứng có thể gặp phải cũng như là biện pháp để khắc phục dựa trên kinh nghiệm của mình. Trong vài tháng đầu, nên chuẩn bị sẵn cho con một bộ vật dụng gồm có băng vệ sinh, đồ lót sạch, khăn lau, thuốc và các vật dụng cần thiết khác để con mang theo khi đi học trong những ngày đèn đỏ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: kinh nguyệt
Tin liên quan
Phân Biệt Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Dấu Hiệu Mang Thai
Phân Biệt Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt Và Dấu Hiệu Mang Thai

Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt rất giống với những dấu hiệu sớm của thai kỳ. Việc nhận biết nguyên nhân đằng sau những triệu chứng là điều rất quan trọng.

Những điều cần biết về cốc nguyệt san
Những điều cần biết về cốc nguyệt san

Có rất nhiều sản phẩm khác nhau mà phụ nữ có thể lựa chọn sử dụng cho kỳ kinh nguyệt của mình. Ngoài băng vệ sinh và tampon thì chị em còn có thể lựa chọn cốc nguyệt san. Vậy cốc nguyệt san có những ưu, nhược điểm thế nào so với những sản phẩm khác?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt là một vấn đề rất phổ biến. Theo thống kê, có đến 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều đã và đang gặp phải các triệu chứng của hội chứng này.

Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị
Nguyên nhân nào gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và cách điều trị

Trong kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nhiều phụ nữ phải trải qua những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Đây đều là những hiện tượng bình thường, tuy nhiên nếu đau đớn dữ dội đến mức phải nghỉ học, nghỉ làm thì lại là điều không bình thường.

Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường
Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường

Thông thường, ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt không phải là điều đáng lo ngại nhưng có thể gây bất tiện và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây