1

Són tiểu do tăng áp lực là gì?

Tiểu không tự chủ do áp lực xảy ra khi các cơ hỗ trợ bàng quang (cơ sàn chậu) và các cơ điều tiết giải phóng nước tiểu (cơ vòng niệu đạo) bị suy yếu
Són tiểu do tăng áp lực là gì? Són tiểu do tăng áp lực là gì?

Tiểu không tự chủ do áp lực là gì?

Tiểu không tự chủ do áp lực hay són tiểu do áp lực (do gắng sức) là tình trạng mất khả năng kiểm soát quá trình giải phóng nước tiểu, xảy ra khi tăng áp lực đột ngột lên bàng quang và niệu đạo, làm cho các cơ vòng mở ra trong thời gian ngắn và dẫn đến són tiểu. Áp lực ở đây là áp lực về mặt thể chất, có nghĩa là lực chèn ép tác động lên bàng quang chứ không phải áp lực về tâm lý. Khi bị són tiểu nhẹ, áp lực từ các hoạt động mạnh và đột ngột như tập thể dục, hắt hơi, cười hay ho sẽ gây rò rỉ nước tiểu. Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị tiểu són do cả những chuyển động nhẹ như đứng lên, đi bộ hay cúi xuống. Lượng nước tiểu bị rò rỉ có thể dao động từ một vài giọt cho đến mức đủ nhiều để thấm qua quần. Són tiểu do áp lực là vấn đề phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Són tiểu do áp lực khác với són tiểu cấp kỳ - đây là tình trạng rò rỉ nước tiểu không chủ đích do cơ bàng quang co thắt đột ngột, thường đi kèm với cảm giác mót tiểu gấp và nguyên nhân là do bàng quang tăng hoạt (hoạt động quá mức).

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một người có thể bị cả bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ do áp lực, tình trạng này được gọi là són tiểu hỗn hợp.

Cấu tạo bàng quang

Bàng quang được hỗ trợ bởi một hệ thống cơ gồm có:

  • Cơ vòng bao quanh niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể.
  • Cơ trơn hay cơ bàng quang: là cơ ở thành bàng quang, cho phép bàng quang giãn rộng để chứa nước tiểu.
  • Các cơ sàn chậu có vai trò hỗ trợ bàng quang và niệu đạo.

Cơ vòng có khả năng co thắt để giữ nước tiểu bên trong bàng quang mà không bị rò rỉ ra bên ngoài. Khi cơ vòng này và cơ sàn chậu bị suy yếu, khả năng co thắt sẽ giảm và kết quả là tiểu không tự chủ do áp lực.

Các triệu chứng tiểu són do áp lực

Triệu chứng chính của tiểu són do áp lực là mất kiểm soát bàng quang, dẫn đến rò rỉ vài giọt nước tiểu hoặc cả một dòng nước tiểu lớn trong khi hoạt động hay cử động mạnh. Điều này có thể xảy ra trong khi:

  • Cười
  • Hắt xì
  • Ho
  • Nhảy nhót
  • Vận động mạnh ví dụ như tập thể dục
  • Làm việc nặng
  • Quan hệ tình dục

Đôi khi, việc đang ngồi rồi đứng dậy hoặc cúi xuống cũng có thể gây áp lực lên bàng quang và gây rò rỉ nước tiểu. Các hoạt động gây tiểu són do áp lực ở mỗi người là khác nhau.

Nguyên nhân

Tiểu không tự chủ do áp lực xảy ra khi các cơ hỗ trợ bàng quang (cơ sàn chậu) và các cơ điều tiết giải phóng nước tiểu (cơ vòng niệu đạo) bị suy yếu.

Bàng quang chúng ta có khả năng giãn rộng theo lượng nước tiểu chứa bên trong. Thông thường, cơ vòng niệu đạo (hai cơ có vai trò giống như chiếc van ở quanh niệu đạo) luôn ở trạng thái đóng kín khi bàng quang giãn rộng để ngăn chặn nước tiểu rò rỉ và chỉ khi sẵn sàng đi tiểu thì các cơ này mới mở ra để cho phép xả nước tiểu ra ngoài. Tuy nhiên, khi những cơ này bị suy yếu thì bất cứ lực nào tác động lên bụng và cơ sàn chậu như hắt hơi, cúi xuống, gắng sức, cười mạnh,… đều có thể gây áp lực lên bàng quang, khiến cơ vòng niệu đạo mở ra và dẫn đến rò rỉ nước tiểu.

Các nguyên nhân khiến cơ sàn chậu và cơ vòng niệu đạo bị suy yếu có thể là do:

  • Sinh con: Ở phụ nữ, chức năng của cơ sàn chậu hoặc cơ vòng niệu đạo có thể bị ảnh hưởng do tổn thương mô hoặc dây thần kinh trong khi sinh con. Tình trạng són tiểu do áp lực có thể bắt đầu xảy ra ngay sau khi sinh hoặc nhiều năm sau đó.
  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt: Ở nam giới, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tiểu són do áp lực là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt để điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Do cơ vòng niệu đạo nằm ngay dưới tuyến tiền liệt nên việc cắt bỏ tuyến tiền liệt có thể gây suy yếu cơ vòng niệu đạo.

Một số phụ nữ còn bị tiểu són trong khoảng một tuần trước khi có kinh nguyệt. Lý do là bởi ở giai đoạn này của chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ estrogen giảm và ảnh hưởng đến niệu đạo.

Ngoài ra, tình trạng són tiểu do áp lực có thể trở nên nghiêm trọng hơn do các yếu tố sau:

  • Mắc các bệnh gây ho hoặc hắt hơi mãn tính
  • Béo phì
  • Hút thuốc, đây là một trong những nguyên nhân gây ho thường xuyên
  • Các hoạt động thể chất mạnh, như chạy và nhảy trong thời gian dài

Ai có nguy cơ bị tiểu són do áp lực

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng tiểu không tự chủ do áp lực gồm có:

  • Tuổi tác: Mặc dù tiểu són không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa tự nhiên nhưng những thay đổi về thể chất do sự lão hóa, chẳng hạn như sự suy yếu của cơ có thể dẫn đến vấn đề này. Do đó, mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tiểu són là vấn đề xảy ra phổ biến nhất ở người cao tuổi.
  • Từng sinh thường: Những phụ nữ từng sinh thường có nguy cơ mắc chứng tiểu són cao hơn so với những người sinh mổ. Những phụ nữ từng sinh con bằng forcep (phương pháp hỗ trợ để sinh con nhanh và đảm bảo thai nhi khỏe mạnh cho những trường hợp có vấn đề bất thường trong khi sinh) cũng có nguy cơ bị són tiểu do áp lực cao hơn. Phương pháp sinh con bằng giác hút không làm tăng nguy cơ này.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị són tiểu cao gấp đôi so với nam giới do phụ nữ phải mang thai và sinh nở, đặc biệt là sinh thường. Khi mang thai và sinh nở, cơ vòng niệu đạo và cơ sàn chậu bị kéo giãn ra và suy yếu.
  • Béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bị tiểu són do áp lực cao hơn nhiều so với những người có cân nặng khỏe mạnh do cân nặng quá lớn làm tăng áp lực lên các cơ quan vùng bụng và vùng chậu.
  • Từng phẫu thuật vùng chậu: Phẫu thuật cắt tử cung ở phụ nữ và phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới có thể ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc hỗ trợ của bàng quang cùng với niệu đạo, khiến người bệnh dễ bị tiểu không tự chủ hơn.

Ở nam giới, phẫu thuật tuyến tiền liệt là một nguyên nhân phổ biến gây tiểu són do áp lực. Tuyến tiền liệt là tuyến bao quanh niệu đạo và việc phẫu thuật cắt bỏ sẽ làm mất đi cấu trúc hỗ trợ niệu đạo.

Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ tiểu không tự chủ do áp lực:

  • Hút thuốc, dẫn đến ho trong thời gian dài
  • Mắc phải các bệnh lý nào gây ho mãn tính
  • Tiêu thụ quá nhiều caffeine và rượu
  • Táo bón
  • Thường xuyên vận động mạnh trong thời gian dài
  • Thiếu hụt nội tiết tố

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tiểu không tự chủ do gắng sức, bác sĩ sẽ cần tiến hành các bước sau:

  • Khai thác bệnh sử
  • Thăm khám lâm sàng, tập trung đặc biệt vào vùng bụng và cơ quan sinh dục
  • Lấy mẫu nước tiểu và xét nghiệm để phát hiện nhiễm trùng, có lẫn máu hoặc các dấu hiệu bất thường khác
  • Kiểm tra thần kinh để xác định các vấn đề ở hệ thần kinh vùng chậu
  • Kỹ thuật stress test, trong đó bàng quang được bơm nước và bạn ho hoặc gắng sức để mô phỏng hiện tượng rò rỉ nước tiểu cho bác sĩ quan sát.

Kiểm tra chức năng bàng quang

Bác sĩ cần đo niệu động học để đánh giá chức năng của bàng quang. Không phải ai cũng cần phải làm phương pháp kiểm tra này và nếu chỉ bị són tiểu nhẹ thì không cần.

Các bước kiểm tra chức năng bàng quang gồm có:

  • Đo lượng nước tiểu tồn dư: Nếu bàng quang không thể xả hết nước tiểu, đặc biệt là ở những người lớn tuổi, đã từng phẫu thuật bàng quang trước đó hoặc bị tiểu đường thì sẽ cần tiến hành đo lượng nước tiểu tồn dư hay lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
  • Để đo lượng nước tiểu tồn dư, một ống thông nhỏ được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Ống thông này dẫn lượng nước tiểu còn sót lại ra ngoài để bác sĩ đo lại. Hoặc cũng có thể sử dụng công nghệ siêu âm để lấy hình ảnh của bàng quang và lượng nước bên trong.
  • Đo áp lực bàng quang: Những người mắc bệnh về thần kinh ở tủy sống thường sẽ cần đo áp lực bàng quang. Bác sĩ dùng một dụng cụ gọi là bàng quang kế để đo áp lực trong bàng quang và khu vực xung quanh trong khi bàng quang dần được làm đầy. Phương pháp này sử dụng ống thông để dẫn một loại chất lỏng ấm từ từ vào trong bàng quang. Trong lúc đó, bác sĩ sẽ kiểm tra sự rò rỉ nước từ bàng quang để đánh giá tình trạng tiểu không tự chủ. Phương pháp này có thể được kết hợp với kỹ thuật nghiên cứu dòng chảy - áp lực để xác định mức áp lực cần thiết để bàng quang có thể xả hết hoàn toàn nước tiểu.
  • Chụp X-quang bàng quang có cản quang: Sử dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh để lấy hình ảnh của bàng quang khi lấp đầy và xả nước tiểu. Một loại chất lỏng ấm trộn với thuốc cản quang được đưa vào bàng quang bằng ống thông và sau đó chụp X-quang. Thuốc cản quang sẽ hiện thị trên phim chụp. Sau khi bàng quang đầy và đi tiểu thì tiếp tục ghi lại hình ảnh.
  • Nội soi bàng quang: Đây là một thủ thuật kiểm tra bàng quang và niệu đạo bằng cách sử dụng ống nội soi đưa vào bàng quang.

Điều trị tiểu són do áp lực bằng cách nào?

Phương pháp điều trị tiểu són do áp lực còn tùy thuộc vào nguyên nhân của vấn đề. Tùy theo kết quả kiểm tra mà bác sĩ sẽ đưa ra một kế hoạch điều trị phù hợp.

Thay đổi thói quen

Người bị tiểu không tự chủ do áp lực cần thay đổi một số thói quen sống để giảm các cơn tiểu són. Ngoài ra cũng cần cố gắng tránh các hoạt động gây rò nước tiểu, chẳng hạn như nhảy hoặc chạy bộ.

Nicotine là chất có thể kích thích bàng quang và góp phần gây ra tình trạng tiểu không tự chủ. Nếu bạn hút thuốc thì nên bỏ ngay. Ngoài lý do có chứa nicotine, thuốc lá còn gây ho mãn tính và dẫn đến són tiểu. Bên cạnh đó, cần tránh dùng caffeine và rượu vì đây đều là những chất kích thích bàng quang. Cuối cùng, nên giảm lượng chất lỏng tiêu thụ để giảm áp lực bàng quang.

Chế độ ăn

Một số thay đổi về chế độ ăn có thể làm giảm các triệu chứng són tiểu do áp lực:

  • Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống: Nếu bị táo bón mãn tính thì đây có thể là nguyên nhân góp phần gây tình trạng tiểu không tự chủ. Nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, trái cây và rau xanh để làm giảm tình trạng táo bón và giảm áp lực lên cơ sàn chậu.
  • Hạn chế chất lỏng: Nên uống nước và các loại chất lỏng khác ở mức giới hạn và lên lịch uống cụ thể. Thông thường, sau khi uống, nước sẽ đến bàng quang trong vòng 2 đến 3 tiếng nên bạn có thể sắp xếp thời gian uống nước và đi tiểu để chứng tiểu són không ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Ngoài ra, không nên uống nước trong vòng 3 tiếng trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, không nên vì sợ rò rỉ nước tiểu mà bỏ qua việc uống nước.
  • Tránh thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang: Nếu nhận thấy tần suất són tiểu tăng lên mỗi khi uống cà phê hoặc trà thì nên cắt giảm hoặc bỏ hẳn, đặc biệt là vào những ngày có sự kiện quan trọng.

Ngoài ra, nếu bạn thừa cân, tức là chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 thì cần giảm cân để giảm áp lực lên cơ bàng quang và cơ sàn chậu. Giảm cân sẽ giúp cải thiện đáng kể chứng tiểu không tự chủ do áp lực

Tập cơ sàn chậu

Ở phụ nữ, việc tập cơ sàn chậu bằng bài tập Kegel có tác dụng cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ do áp lực. Bài tập Kegel giúp củng cố cơ vòng niệu đạo và cơ sàn chậu. Cách thực hiện là siết chặt cơ sàn chậu giống như khi ngừng tiểu giữa chừng và giữ trong khoảng 10 giây rồi thả lỏng 10 giây, tiếp tục như vậy 10 lần và lặp lại ít nhất 3 lượt mỗi ngày. Ban đầu có thể tập khi ngồi trên bồn vệ sinh để xác định được cơ cần tập. Khi đã thành thạo thì có thể thực hiện ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Kích thích điện

Kích thích điện là một phương pháp điều trị khác để điều trị chứng tiểu không tự chủ. Phương pháp này sử dụng dòng điện nhẹ truyền đến các cơ sàn chậu và làm cho cơ co thắt, có tác dụng giống như bài tập Kegel. Sau khi cảm nhận được chính xác cơ nào bị co thắt dưới tác dụng của dòng điện thì bạn có thể tự tập.

Dùng thuốc

Hiện tại chưa có loại thuốc nào chính thức được phê chuẩn để điều trị chứng tiểu không tự chủ do áp lực. Tuy nhiên, phụ nữ có thể dùng liệu pháp estrogen tại chỗ (dạng kem bôi, vòng, miếng dán hoặc viên đặt) để cải thiện vấn đề. Ngoài ra, người bệnh có thể được kê pseudoephedrine – một loại thuốc được dùng để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng hay cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi. Hiện nay, Cymbalta - một loại thuốc chống trầm cảm – đang trong quá trình thử nghiệm, đánh giá để chuẩn bị được đưa vào điều trị chứng tiểu không tự chủ do áp lực.

Thiết bị hỗ trợ

Một số thiết bị được sử dụng để kiểm soát tình trạng són tiểu do gắng sức ở phụ nữ:

Vòng nâng pessary: một dụng cụ có hình vòng tròn được đưa vào âm đạo để hỗ trợ cho đáy bàng quang, niệu đạo và ngăn chặn rò rỉ nước tiểu trong khi hoạt động, đặc biệt là những trường hợp bị sa bàng quang.

Đây là một lựa chọn cho những trường hợp không muốn phẫu thuật. Tuy nhiên, khi dùng vòng pessary, người bệnh sẽ cần tháo và vệ sinh thường xuyên.

Ống bít niệu đạo: Đây là dụng cụ giống như tampon được đưa vào niệu đạo và hoạt động giống như một vật cản để ngăn chặn rò rỉ nước tiểu. Ống bít niệu đạo có thể được sử dụng để ngăn chặn són tiểu trong một số hoạt động cụ thể như nâng đồ nặng, chạy hoặc chơi thể thao hoặc cũng có thể được đeo trong suốt cả ngày.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp tiểu són nghiêm trọng thì có thể cần can thiệp bằng cách phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, ví dụ như chỉnh sửa âm đạo hoặc các thủ thuật treo bàng quang và niệu đạo, tùy theo vấn đề của từng trường hợp.

Trong quá trình phẫu thuật treo bàng quang hay niệu đạo, bác sĩ sẽ sử dụng mô của chính bạn hoặc vật liệu sinh học để tạo sự hỗ trợ cho niệu đạo và bàng quang.

Ngoài ra còn có phương pháp tiêm collagen trực tiếp vào vùng mô hỗ trợ niệu đạo để củng cố cơ vòng. Tiêm collagen là phương pháp ít xâm lấn nhất để điều trị chứng tiểu són do áp lực.

Biến chứng

Các biến chứng của tiểu không tự chủ do áp lực:

  • Vấn đề tâm lý: Chứng tiểu són do áp lực sẽ khiến cho người bệnh thấy xấu hổ và mất tự tin. Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.
  • Tiểu són hỗn hợp: Tiểu són hỗn hợp là vấn đề kết hợp cả tiểu són do áp lực và tiểu són cấp kỳ - tình trạng són tiểu do sự co thắt đột ngột, không tự nguyện của cơ bàng quang (bàng quang tăng hoạt).
  • Ngứa rát hoặc kích ứng da: Việc tiếp xúc thường xuyên với nước tiểu sẽ làm cho da bị kích ứng, ngứa rát và có thể bị lở loét. Điều này xảy ra trong những trường hợp tiểu són nghiêm trọng mà không có các biện pháp phòng ngừa, ví dụ như dùng băng thấm tiểu.

Có nhiều cách để điều trị vấn đề tiểu không tự chủ do áp lực, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu bạn bị hiện tượng rò rỉ nước tiểu khi vận động hay cử động thì hãy đi khám bác sĩ. Nếu để lâu, tình trạng này sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tự chủ, áp lực
Tin liên quan
Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ
Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ

Vòng pessary là một giải pháp điều trị sa tạng vùng chậu ở phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này giúp tránh phải phẫu thuật.

Phân biệt bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu
Phân biệt bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu

Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?
Tiểu són do tiểu không hết bãi là gì và điều trị như thế nào?

Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.

Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.

Són tiểu cấp kỳ là gì?
Són tiểu cấp kỳ là gì?

Mặc dù són tiểu cấp kỳ là một vấn đề phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc phải cao nhất.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây