Són tiểu cấp kỳ là gì?
Són tiểu cấp kỳ là gì?
Tiểu không tự chủ hay són tiểu cấp kỳ là vấn đề về đường tiết niệu gây cảm giác đột ngột buồn tiểu gấp và rò rỉ nước tiểu không thể kiểm soát. Ở người bình thường, khi bàng quang đầy, dây thần kinh truyền tín hiệu đến não tạo ra cảm giác buồn tiểu và sau đó, não sẽ lại phát tín hiệu chỉ đạo cơ thắt niệu đạo giãn mở và cơ thành bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài. Khi bị tiểu không tự chủ cấp kỳ, các cơ bàng quang co thắt ngay cả khi chưa sẵn sàng đi tiểu, khiến cho nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài.
Mặc dù đây là một vấn đề phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc phải cao nhất.
Són tiểu cấp kỳ không phải là một căn bệnh mà thường là triệu chứng của một vấn đề nào đó.
Són tiểu cấp kỳ là một dạng tiểu không tự chủ hay tiểu không kiểm soát. Có nhiều dạng tiểu không tự chủ khác nhau như tiểu không tự chủ do áp lực, són tiểu cấp kỳ, són tiểu chức năng, tiểu són khi bàng quang đầy hay tiểu són hỗn hợp.
Mặc dù són tiểu cấp kỳ đôi khi được gọi là "bàng quang tăng hoạt" nhưng thực chất hai vấn đề này không hoàn toàn giống nhau. Nhiều người có bàng quang hoạt động quá mức chỉ thường xuyên bị buồn tiểu gấp nhưng không bị són tiểu.
Nguyên nhân gây són tiểu cấp kỳ?
Nguyên nhân gây són tiểu cấp kỳ là do các cơn co thắt bàng quang bất thường. Bên dưới bàng quang có các cơ chắc khỏe gọi là cơ vòng hay cơ thắt niệu đạo có nhiệm vụ kiểm soát dòng tiểu từ bàng quang. Khi bị són tiểu cấp kỳ, các cơ của bàng quang "hoạt động quá mức" và co bóp với lực đủ mạnh để đẩy nước tiểu ra ngoài ngay cả khi các cơ vòng niệu đạo vẫn đóng.
Các cơn co thắt cơ bàng quang bất thường có thể xảy ra vì những lý do sau:
- Nhiễm trùng bàng quang
- Viêm bàng quang
- Sỏi bàng quang
- Tắc nghẽn bàng quang
- Phì đại tiền liệt tuyến
- Ung thư bàng quang
- Bệnh về thần kinh, ví dụ như bệnh đa xơ cứng
- Tổn thương hệ thần kinh, chẳng hạn như chấn thương tủy sống hoặc đột quỵ
Ai có thể bị són tiểu cấp kỳ?
Những người có nguy cơ cao bị són tiểu cấp kỳ gồm có:
- Người cao tuổi
- Phụ nữ đã từng sinh mổ hoặc trải qua các ca phẫu thuật khác ở vùng chậu
- Người thừa cân, béo phì
- Những nam giới đã từng phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc có vấn đề ở tuyến tiền liệt, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt hoặc viêm tuyến tiền liệt
- Những người bị tổn thương dây thần kinh do các bệnh như tiểu đường, đột quỵ hoặc chấn thương
- Những người bị một số loại ung thư nhất định như ung thư bàng quang hay ung thư tuyến tiền liệt
- Những người đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Ở nhiều người, tiểu són cấp kỳ chỉ là một vấn đề tạm thời và không cần đi khám bác sĩ.
Tuy nhiên, khi tình trạng xảy ra liên tục và tiếp diễn trong thời gian dài thì cần đi khám ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của:
- Nhiễm trùng bàng quang
- Viêm bàng quang
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Có sỏi trong bàng quang hoặc thận
Một số triệu chứng có thể đi kèm với tiểu không tự chủ và cần phải lưu ý gồm có đau nhức ở vùng chậu hay nóng rát khi đi tiểu...
Ngoài ra, khi tình trạng són tiểu gây cản trở các hoạt động hàng ngày thì cần đi khám để có biện pháp điều trị hoặc kiểm soát vấn đề.
Chẩn đoán nguyên nhân bằng cách nào?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu không tự chủ và có biện pháp điều trị thích hợp, trước tiên bác sĩ sẽ lấy bệnh sử, thói quen đi tiểu và hỏi bạn về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Sau đó sẽ cần kiểm tra vùng chậu và lấy mẫu nước tiểu.
Ngoài ra có thể sẽ còn phải thực hiện các phương pháp kiểm tra và xét nghiệm bổ sung nếu cần thiết, gồm có:
- Đánh giá cơ sàn chậu nhằm kiểm tra độ chắc khỏe của cơ sàn chậu.
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các điểm bất thường khác
- Cấy nước tiểu: nếu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phương pháp xét nghiệm này để xác định chủng vi khuẩn cụ thể.
- Siêu âm bàng quang: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho thấy cấu tạo của bàng quang và lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
- Nội soi bàng quang: Ống nội soi được đưa qua niệu đạo vào bàng quang để kiểm tra tình trạng bên trong của các cơ quan này.
- Chụp X-quang: Các kỹ thuật chụp X-quang mà phép bác sĩ sử dụng để chẩn đoán vấn đề tiểu không tự chủ:
- Chụp bàng quang tĩnh mạch: Thuốc cản quang được tiêm vào máu qua đường tĩnh mạch và chụp X-quang huỳnh quang đường tiết niệu. Bằng cách theo dõi đường đi của thuốc nhuộm trên ảnh chụp khi di chuyển qua hệ tiết niệu, bác sĩ sẽ phát hiện được những điểm bất thường.
- Chụp X-quang bụng KUB (thận, niệu quản và bàng quang): Phương pháp này được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề xảy ra ở đường tiết niệu và đường tiêu hóa.
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan: Sử dụng máy tính và thiết bị X-quang để chụp ảnh chi tiết các cơ quan nội tạng.
- Đo niệu động học (Urodynamic): Phương pháp này được sử dụng để đánh giá chức năng bàng quang và niệu đạo. Các phương pháp niệu động học gồm có:
- Đo áp lực bàng quang: là phương pháp nhằm kiểm tra chức năng lưu trữ và làm trống của bàng quang.
- Đo niệu dòng: Phương pháp này xác định lượng nước tiểu được đào thải và tốc độ của dòng tiểu.
- Stress test: bơm nước vào bàng quang và thực hiện các hoạt động gây ra triệu chứng tiểu không tự chủ như nhảy hay ho mạnh để quan sát hiện tượng rò rỉ nước tiểu.
Có thể trước khi đến khám bạn sẽ cần ghi lại nhật ký đi tiểu hàng ngày của mình để theo dõi lượng chất lỏng tiêu thụ, thời điểm đi tiểu, lượng nước tiểu đào thải và những lúc bị són tiểu. Thông tin này phần nào tiết lộ về chức năng của hệ tiết niệu và giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị
Một số người bị són tiểu cấp kỳ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, khi tình trạng này gây khó chịu, phiền toái và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nên sẽ cần đến một số phương pháp can thiệp.
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị chứng són tiểu cấp kỳ, bao gồm các phương pháp điều trị không xâm lấn ví dụ như liệu pháp hành vi (rèn luyện bàng quang, các bài tập thư giãn, bài tập cơ sàn chậu), dùng thuốc cho đến các phương pháp điều trị xâm lấn như phẫu thuật. Tùy vào các triệu chứng cụ thể và nguyên nhân và sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Trước tiên có thể thử các phương pháp điều trị không xâm lấn tại nhà dưới đây.
Thay đổi lối sống
Chế độ ăn uống hàng ngày cũng có những tác động nhất định đến bàng quang. Khi bị tiểu không tự chủ cấp kỳ, bạn nên cắt giảm hoặc loại bỏ hẳn những loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang như đồ uống có cồn, caffeine và những món ăn chua, cay, có tính axit cao hoặc có chứa chất tạo ngọt nhân tạo.
Cố gắng bổ sung nhiều chất xơ để ngăn ngừa táo bón. Táo bón có thể gây áp lực lên bàng quang và gây ra cảm giác buồn tiểu gấp.
Ngoài ra, hãy cố gắng giảm cân nếu như thừa cân. Nếu bạn bị đái tháo đường thì cần có biện pháp duy trì mức đường huyết ổn định và khỏe mạnh.
Nếu như bạn hút thuốc lá thì cần bỏ thuốc ngay. Thuốc lá gây ho mãn tính và dẫn đến tiểu không tự chủ do áp lực cũng như là són tiểu khi buồn tiểu gấp.
Nên mang băng thấm tiểu khi thực hiện các hoạt động có thể gây rò rỉ nước tiểu.
Cuối cùng, nên duy trì thói quen sống lành mạnh.
Bài tập Kegel
Bài tập Kegel thường là một trong những lựa chọn đầu tiên để điều trị chứng tiểu không tự chủ. Bài tập này giúp tăng cường các cơ có vai trò giữ nước tiểu, đặc biệt là cơ sàn chậu.
Cách thực hiện như sau: Siết chặt sàn chậu (cơ mà bạn thường sử dụng để nhịn tiểu) trong 5 đến 10 giây, sau đó thả lỏng trong 5 - 10 giây, lặp lại như vậy 10 lần hoặc nhiều nhất có thể và thực hiện ít nhất 3 lần mỗi ngày.
Bạn có thể thực hiện bài tập Kegel bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Ngoài ra, bạn có thể thử sử dụng tạ trứng âm đạo. Đó là những dụng cụ nhỏ có hình như quả trứng với trọng lượng khác nhau. Cách sử dụng là đưa vào trong âm đạo và giữ bằng cơ sàn chậu trong vài giây. Khi đã quen, bạn có thể nâng dần mức tạ. Phương pháp này cũng có tác dụng củng cố và làm săn chắc cơ sàn chậu giống như tác động của việc tập tạ đối với cơ bắp ở tay, vai hay chân.
Đi tiểu theo giờ và rèn luyện bàng quang
Đi tiểu theo giờ và rèn luyện bàng quang cũng là những phương pháp để củng cố các cơ tham gia vào quá trình đào thải nước tiểu và cải thiện khả năng giữ nước tiểu của bàng quang. Với phương pháp đi tiểu theo giờ, bạn cần đi tiểu vào những thời điểm cụ thể trong ngày theo lịch lên sẵn và ngoài những thời điểm này ra thì cố gắng không vào nhà vệ sinh, cho dù có buồn tiểu đi chăng nữa. Để xác định khoảng thời gian đi vệ sinh, bạn nên theo dõi và ghi lại những lúc bị buồn tiểu gấp rồi lên lịch đi tiểu trước khi cơn buồn tiểu đến.
Ví dụ, nếu cứ cách khoảng 1 tiếng rưỡi bạn lại bị buồn tiểu gấp hoặc són tiểu một lần thì ban đầu lên lịch mỗi lần đi tiểu cách nhau 1 tiếng. Một khi đã quen thì tăng dần khoảng thời gian này lên 15 – 30 phút mỗi ngày và cố gắng tuân thủ đúng cho đến khi có thể đi tiểu sau 3 đến 4 tiếng.
Để rèn luyện bàng quang, hãy cố gắng nhịn tiểu kể cả khi mót để tăng khả năng giữ nước tiểu cho bàng quang.
Ngoài ra, có thể thử biện pháp đi tiểu hai lần, có nghĩa là đi lần thứ nhất và sau đó vài phút đi tiếp để rèn cho bàng quang xả hết nước tiểu hoàn toàn.
Khi những biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên đều không có tác dụng thì sẽ cần đến các biện pháp can thiệp khác, ví dụ như dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Dùng thuốc
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị són tiểu cấp kỳ gồm có:
- Darifenacin (Enablex)
- Fesoterodine (Toviaz)
- Mirabegron (Myrbetriq)
- Oxybutynin (Ditropan, Ditropan XL, Gelnique, Oxytrol)
- Solifenacin (Vesicare)
- Tolterodine (Detrol, Detrol LA)
- Trospium (Sanctura)
- Miếng dán Oxytrol
Trong số này, chỉ có miến dán Oxytrol là thuốc không kê đơn.
Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc khác để kiểm soát các cơn co thắt bàng quang như hyoscyamine (Anaspaz, Cystospaz, Hyosol, Hyospaz, Levbid, Levsin) hoặc dicyclomin (Antispas, Bentyl, Byclomine, Di-Spaz, Dibent, Spasmoject).
Tiêm Botox
Tiêm một lượng nhỏ Botox (Botulinum toxin) có thể làm tê liệt cơ bàng quang và ngăn các cơ này hoạt động quá mức. Tuy nhiên, vì hiệu quả chỉ là tạm thời nên sẽ cần tiêm lại sau khoảng từ 6 – 8 tháng. Phương pháp này còn đi kèm với nguy cơ bị bí tiểu.
Kích thích cơ sàn chậu
Một phương pháp khác để tăng cường cơ sàn chậu là kích thích bằng xung điện nhưng phương pháp này không thể tự thực hiện tại nhà mà cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa hay chuyên gia trị liệu. Trong đó, bác sĩ sẽ đưa đầu dò vào âm đạo hoặc hậu môn để kích thích các cơ sàn chậu co thắt và dần dần làm cho các cơ săn chắc hơn. Một liệu trình điều trị thường gồm có nhiều buổi vào kéo dài trong thời gian vài tháng để có hiệu quả.
Kích thích thần kinh
Máy kích thích thần kinh là những thiết bị nhỏ giống với máy tạo nhịp tim được cấy xuống dưới da ở vùng bụng hoặc lưng dưới và có một sợi dây kim loại dẫn đến dây thần kinh cùng. Thiết bị này phát ra các xung điện nhẹ đến dây thần kinh để kiểm soát hoạt động của bàng quang.
Đặt ống thông tiểu
Đặt ống thông tiểu là một giải pháp điều trị cho một số dạng tiểu không tự chủ, bao gồm cả tiểu không tự chủ khi bàng quang đầy hay són tiểu cấp kỳ. Một ống thông mảnh được đặt vào niệu đạo để dẫn nước tiểu ra ngoài, làm trống bàng quang hoàn toàn mỗi khi đi tiểu và ngăn rò rỉ nước tiểu. Bạn sẽ được hướng dẫn cách đặt ống thông và tháo ra để vệ sinh mỗi ngày.
Phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật để khắc phục vấn đề són tiểu cấp kỳ gồm có:
- Phẫu thuật mở rộng bàng quang để tăng khả năng lưu trữ nước tiểu của cơ quan này
- Hạn chế truyền xung thần kinh đến các cơ kiểm soát việc giải phóng nước tiểu
- Tạo lỗ thông ra da để dẫn nước tiều ra ngoài.
Những biến chứng của són tiểu cấp kỳ
Vì són tiểu cấp kỳ là một vấn đề mãn tính nên thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng khi không được điều trị.
Miễn là không có triệu chứng nào khác ngoài tình trạng tiểu không tự chủ, chẳng hạn như đau hoặc nóng rát khi đi tiểu thì thường sẽ không có vấn đề nào về lâu dài cả.
Nhưng nếu không được điều trị, tình trạng tiểu không tự chủ sẽ trở nên nặng hơn và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, đôi khi, són tiểu cấp kỳ là dấu hiệu của những vấn đề khác ở hệ tiết niệu như nhiễm trùng, sỏi bàng quang hoặc viêm nhiễm. Nếu đúng là nguyên nhân này mà không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nhiễm trùng bàng quang có thể lan đến thận, máu và các khu vực khác trong cơ thể.
Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Một số nghiên cứu đã tìm hiểu mối liên hệ giữa đau lưng và chứng tiểu không tự chủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng đau lưng có liên quan đến các cơ ở vùng bụng và những cơ này có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ hoặc giải phóng nước tiểu.
Tiểu không tự chủ là một vấn đề khá phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ phải chấp nhận sống chung với tình trạng khó chịu này. Có rất nhiều cách để điều trị và thậm chí ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.
Các phương pháp điều trị bước đầu cho chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực gồm có thay đổi lối sống, liệu pháp hành vi và bài tập cơ sàn chậu. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần sử dụng thiết bị hỗ trợ hoặc phẫu thuật.
Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.