1

Viêm khớp dạng thấp có làm giảm tuổi thọ không?

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bệnh viêm khớp dạng thấp có thể rút ngắn tuổi thọ. Tuy nhiên, căn bệnh này ảnh hưởng đến mỗi người theo cách khác nhau và sự tiến triển của bệnh ở mỗi người cũng khác nhau, do đó rất khó dự đoán tiên lượng của người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp có làm giảm tuổi thọ không? Viêm khớp dạng thấp có làm giảm tuổi thọ không?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn gây đau và sưng khớp. Không chỉ gây triệu chứng ở khớp, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Mặc dù người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn có thể sống thọ nhưng theo một số nghiên cứu, căn bệnh này có thể làm giảm từ 3 đến 10 năm tuổi thọ. (1)

Hiện không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp mặc dù các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh thuyên giảm. Ngay cả khi tình trạng có cải thiện, các triệu chứng vẫn có thể tái phát hoặc người bệnh có thể mắc các bệnh đi kèm, điều này làm tăng nguy cơ gặp biến chứng do viêm khớp dạng thấp.

Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), hơn 50% số ca tử vong sớm ở những người bị viêm khớp dạng thấp là do bệnh tim mạch. (2)

Cùng tìm hiểu xem bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ và làm thế nào để giảm nguy cơ gặp phải biến chứng của căn bệnh này.

Bệnh viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến tuổi thọ?

Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh mạn tính tiến triển, có nghĩa là các triệu chứng sẽ tăng nặng theo thời gian. Căn bệnh này gây ra nhiều tác động đến sức khỏe và những tác động này có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Những tác động chính gồm có:

  • Hệ miễn dịch: Là một bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp làm suy yếu hệ thống miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Viêm mạn tính: Tình trạng viêm mạn tính có thể phá hỏng các mô, tế bào và cơ quan khỏe mạnh, điều này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được kiểm soát.
  • Thời gian mắc bệnh: Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp từ khi còn trẻ sẽ sống chung với căn bệnh này lâu hơn so với những người mắc bệnh khi tuổi đã cao.
  • Bệnh đi kèm và biến chứng: Nếu xảy ra biến chứng hoặc mắc các bệnh lý khác ngoài viêm khớp dạng thấp, tiên lượng sẽ kém hơn so với những trường hợp không có biến chứng và không có bệnh đi kèm. Thời gian mắc bệnh càng dài thì nguy cơ gặp phải các biến chứng làm giảm tuổi thọ sẽ càng cao.
  • Bệnh không được điều trị: Tuổi thọ sẽ bị rút ngắn nếu bệnh viêm khớp dạng thấp và biến chứng không được điều trị hoặc việc điều trị không hiệu quả. Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp không điều trị có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với những người cùng tuổi không mắc viêm khớp dạng thấp. (3)

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến tuổi thọ

Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như người bệnh có mắc các bệnh mạn tính khác hay không, di truyền và lối sống hiện tại.

Mức độ nghiêm trọng và tiên lượng của người bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như:

Giới tính

Theo Mạng lưới hỗ trợ người bị viêm khớp dạng thấp (the Rheumatoid Arthritis Support Network), phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới. Tình trạng bệnh ở phụ nữ cũng thường nghiêm trọng hơn ở nam giới.

Viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của hai loại kháng thể là yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor - RF) và kháng thể anti-CCP. Cả hai đều là tự kháng thể.

Nếu xét nghiệm máu cho thấy sự hiện diện của các tự kháng thể này thì có nghĩa là bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính (seropositive rheumatoid arthritis). Nếu người bệnh có các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng xét nghiệm máu lại không phát hiện các tự kháng thể này thì có nghĩa là bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính (seronegative rheumatoid arthritis).

Thông thường, viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương tính có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với viêm khớp dạng thấp huyết thanh âm tính và điều này góp phần làm giảm tuổi thọ.

Hút thuốc

Hút thuốc vừa làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp và vừa làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bất kể đã hút thuốc được bao lâu, bỏ thuốc sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ở những người đã bị viêm khớp dạng thấp, cai thuốc sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh

Các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó có một số biến chứng có thể gây tử vong.

1. Bệnh tim mạch

Mối liên hệ chính xác giữa bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh tim mạch vẫn chưa được hiểu òa.

Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao gấp 1,5 lần so với người không bị viêm khớp dạng thấp. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ ở thành động mạch, khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp lại, điều này làm tăng huyết áp và cản trở sự lưu thông máu đến tim và các cơ quan khác.

Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề về tim như viêm màng ngoài tim, bệnh mạch vành và viêm cơ tim.

Cao huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Cả hai tình trạng đều có thể gây tử vong. Các mảng xơ vữa có thể vỡ ra và gây hình thành cục máu đông.

Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn. Dạng rối loạn nhịp tim này làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

2. Bệnh phổi

Tình trạng viêm do hệ miễn dịch gây ra không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến phổi, dẫn đến các vấn đề về phổi như viêm phổi và xơ phổi.

Triệu chứng của các vấn đề về phổi gồm có:

  • Hụt hơi
  • Ho khan kéo dài
  • Mệt mỏi, khả năng hoạt động thể chất kém
  • Tràn dịch màng phổi (tích tụ chất lỏng ở không gian giữa phổi và khoang ngực)

Bệnh phổi nghiêm trọng sẽ gây khó thở và những người mắc bệnh này có tỷ lệ tử vong cao. Một số người bị viêm khớp dạng thấp cần phải ghép phổi để cải thiện chức năng phổi và hô hấp.

3. Nhiễm trùng

Hệ miễn dịch suy yếu do viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như cúm và viêm phổi. Ngoài ra, một số loại thuốc dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm mô khớp. Nhiều loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp có cơ chế là ức chế hệ miễn dịch. Điều này giúp giảm viêm và giảm các triệu chứng nhưng hệ miễn dịch yếu đi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

4. Ung thư

Hệ miễn dịch yếu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch (u lympho). Đây là một loại ung thư bắt đầu xảy ra trong các tế bào bạch cầu tên là tế bào lympho.

Tế bào lympho đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch. Ung thư hạch xảy ra khi những tế bào này có thay đổi bất thường.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), những người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc ung thư hạch không Hodgkin cao hơn.

5. Thiếu máu

Tình trạng viêm mạn tính có thể dẫn đến thiếu máu, tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy.

Điều này khiến cho các cơ quan không được cung cấp đủ oxy. Lượng hồng cầu thấp buộc tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Do đó, nếu không được điều trị, thiếu máu có thể dẫn đến các vấn đề về tim như suy tim.

Giảm nguy cơ biến chứng do viêm khớp dạng thấp

Có nhiều cách để cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng do bệnh viêm khớp dạng thấp:

  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất không chỉ giúp cải thiện khả năng cử động của khớp mà còn giúp giảm viêm và đau. Cố gắng tập thể dục 5 ngày/tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút. Chọn các bài tập nhẹ nhàng không gây áp lực lên khớp như đi bộ, bơi lội hoặc đạp xe.
  • Giảm cân: Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên khớp, điều này làm tăng đau và viêm. Do đó, nếu bạn đang bị thừa cân hoặc béo phì thì nên cố gắng giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục.
  • Ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm có tác dụng giảm viêm như trái cây, rau củ tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Những loại thực phẩm này còn có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp và tăng nguy cơ gặp biến chứng như viêm phổi và cao huyết áp, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Một cách để cai thuốc lá là liệu pháp thay thế nicotin. Ngoài ra còn có các loại thuốc giúp làm giảm cảm giác thèm thuôc.
  • Dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều đặn: Một điều quan trọng để kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp và giảm thiểu nguy cơ biến chứng là dùng thuốc đúng chỉ định. Người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của thuốc. Nếu các triệu chứng không cải thiện thì sẽ phải điều chỉnh thuốc.
  • Tiêm phòng cúm: Do bệnh viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nên người bệnh nên tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa bệnh cúm và các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tai và viêm phế quản.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Đưng bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ. Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề như rối loạn nhịp tim, cao huyết áp và ung thư hạch.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng là một trong những tác nhân kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát. Căng thẳng kéo dài có thể khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy cố gắng tránh để bản thân bị căng thẳng quá mức và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như ngủ đủ giấc, hít thở sâu và yoga.

Người bệnh cũng có thể hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc xin phòng ngừa viêm phổi. Vắc xin phòng viêm phổi được khuyến nghị cho những người mắc một số bệnh nhất định, trong đó có viêm khớp dạng thấp.

Khi nào cần đi khám?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển. Hãy đi khám khi nhận thấy các triệu chứng tăng nặng, xuất hiện triệu chứng mới hay có bất kỳ thay đổi bất thường nào, ví dụ như:

  • Hụt hơi
  • Nổi cục ở cổ
  • Tình trạng đau hoặc sưng khớp gia tăng
  • Mệt mỏi thường xuyên
  • Các triệu chứng giống cúm kéo dài không đỡ
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Xuất hiện các vệt tụ máu bên dưới móng tay (dấu hiệu của viêm mạch máu)

Người bệnh cũng nên đi khám nếu cảm thấy các phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả hoặc nếu các triệu chứng viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Câu hỏi thường gặp

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn cuối có gây tử vong không?

Ở giai đoạn cuối của bệnh viêm khớp dạng thấp, các xương bên trong khớp bị viêm sẽ dính liền với nhau và dẫn đến mất chức năng khớp. Tuy nhiên, nếu được điều trị thì khả năng bệnh tiến triển đến giai đoạn này là rất thấp. Ngay cả khi tiến triển đến giai đoạn cuối thì bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp cũng thường chỉ gây mất khả năng cử động. Các trường hợp tử vong đa phần là do các biến chứng ảnh hưởng đến tim, phổi hoặc các cơ quan khác hoặc do bệnh lý khác xảy ra cùng lúc với viêm khớp dạng thấp.

Nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?

Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến viêm khớp dạng thấp là do bệnh tim mạch.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp?

Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc kích hoạt bệnh khởi phát, gồm có:

  • Di truyền: những người có người thân ruột thịt trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
  • Nhiễm virus hoặc vi khuẩn
  • Chấn thương khớp

>>> Tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Tóm tắt bài viết

Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp có thể rút ngắn tuổi thọ từ 3 - 10 năm nhưng ảnh hưởng của căn bệnh này đến mỗi người là khác nhau và có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tuổi thọ. Do đó, không thể dự đoán chính xác tuổi thọ của người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Những người gặp phải biến chứng như bệnh tim mạch hay bệnh phổi sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người không có biến chứng.

Mặc dù không có cách nào có thể dự đoán chính xác sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các phương pháp điều trị hiện nay đã hiệu quả hơn rất nhiều so với trước. Nhờ vậy nên nhiều người mắc bệnh này có thể sống thọ và khỏe mạnh mà hầu như không gặp phải biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?
Viêm khớp dạng thấp có gây rụng tóc không?

Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đều có thể gây rụng tóc nhưng triệu chứng này không phổ biến và đa phần không nghiêm trọng. Hơn nữa còn có nhiều cách để khắc phục tình trạng rụng tóc do viêm khớp dạng thấp.

Các cách giảm đau lưng do viêm khớp dạng thấp
Các cách giảm đau lưng do viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp ngoại biên nhưng cũng có thể xảy ra ở đốt sống cổ và dẫn đến đau lưng. Có nhiều cách để giảm triệu chứng đau lưng do viêm khớp dạng thấp, gồm có các biện pháp khắc phục tại nhà, dùng thuốc, trị liệu và phẫu thuật.

Cần làm gì khi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không còn hiệu quả?
Cần làm gì khi thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp không còn hiệu quả?

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này ngăn chặn phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức gây tổn thương khớp, nhờ đó giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, DMARD không phải lúc nào cũng có tác dụng ngay từ đầu. Nếu đã dùng DMARD nhưng vẫn bị đau, có thể bạn sẽ cần chuyển sang loại thuốc khác hoặc kết hợp một số loại thuốc khác với DMARD để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh lý mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Các triệu chứng phổ biến nhất là sưng, đau và cứng khớp. Theo thời gian, các khớp có thể bị biến dạng.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây