1

Viêm bàng quang khí thũng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề rất phổ biến. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu nhưng đa phần là ở bàng quang. Nhiễm trùng bàng quang thường nhẹ và chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống trong vòng vài ngày. Thậm chí đôi khi, nhiễm trùng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm bàng quang khí thũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm gặp và nghiêm trọng hơn nhiều.
Viêm bàng quang khí thũng là gì? Điều trị bằng cách nào? Viêm bàng quang khí thũng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Loại nhiễm trùng này khiến khí tích tụ xung quanh thành bàng quang. Viêm bàng quang khí thũng phải điều trị bằng kháng sinh và đôi khi phải phẫu thuật. Nếu không điều trị, viêm bàng quang khí thũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như vỡ bàng quang và nhiễm trùng máu, thậm chí có thể gây tử vong.

Viêm bàng quang khí thũng là gì?

Viêm bàng quang khí thũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm gặp có đặc điểm là khí tích tụ xung quanh thành bàng quang. Viêm bàng quang khí thũng thường là do ba loại vi khuẩn dưới đây gây ra:

  • Escherichia coli
  • Klebsiella pneumoniae
  • các vi khuẩn thuộc họ Enterobacter

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được lý do chính xác tại sao những vi khuẩn này lại khiến khí tích tụ quanh thành bàng quang. Viêm bàng quang khí thũng đa phần có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm bàng quang khí thũng có thể dẫn đến các biến chứng như vỡ bàng quang và nhiễm trùng máu.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang khí thũng

Viêm bàng quang khí thũng rất hiếm gặp và khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang khí thũng:

  • Tuổi tác: viêm bàng quang khí thũng phổ biến hơn ở người trên 60 tuổi.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như do dùng thuốc hoặc do bệnh lý, có nguy cơ bị viêm bàng quang khí thũng cao hơn.
  • Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường được coi là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh viêm bàng quang khí thũng. Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số người mắc bệnh viêm bàng quang khí thũng bị bệnh tiểu đường.
  • Khả năng kiểm soát bàng quang kém: Một số bệnh lý về tủy sống, thần kinh và não có thể gây giảm khả năng kiểm soát bàng quang. Đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang khí thũng.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: Tắc nghẽn đường tiết niệu, ví dụ như do khối u, sỏi hoặc dị tật bẩm sinh khiến nước tiểu ứ đọng, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bàng quang khí thũng.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hoặc kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ viêm bàng quang khí thũng.
  • Sử dụng ống thông tiểu: Sử dụng ống thông tiểu làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm cả viêm bàng quang khí thũng.

Triệu chứng viêm bàng quang khí thũng

Viêm bàng quang khí thũng không phải lúc nào cũng có triệu chứng và một số triệu chứng lại tương tự như triệu chứng của nhiều bệnh khác. Tốt nhất nên đi khám khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào bất thường, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.

Viêm bàng quang khí thũng là bệnh có thể điều trị được nhưng điều quan trọng là phải phát hiện sớm để tránh phát sinh biến chứng.

Các triệu chứng chính của viêm bàng quang khí thũng gồm có:

  • Đau ở một hoặc cả hai bên bụng
  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội)
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu có bọt khí
  • Sốt

Chẩn đoán viêm bàng quang khí thũng

Điều rất quan trọng là phải phát hiện sớm và điều trị viêm bàng quang khí thũng kịp thời. Nên đi khám khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng và khai thác bệnh sử.

Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xem có máu và vi khuẩn trong nước tiểu hay không. Đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng. Tiếp theo cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác nhận viêm bàng quang khí thũng. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện sự tích tụ khí xung quanh thành bàng quang. Các phương pháp thường được sử dụng gồm có siêu âm, chụp X- quang và chụp cắt lớp vi tính (CT).

Điều trị viêm bàng quang khí thũng

Phương pháp chính để điều trị bệnh viêm bàng quang khí thũng là thuốc kháng sinh. Người bệnh có thể được kê kháng sinh phổ rộng (có nghĩa là thuốc kháng sinh có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn) nhưng thông thường, bác sĩ sẽ kê kháng sinh dựa trên loại vi khuẩn được tìm thấy trong mẫu nước tiểu. Các loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị viêm bàng quang khí thũng gồm có:

  • fluoroquinolone
  • cephalosporine
  • penicillin với chất ức chế men beta-lactamase

Thông thường người bệnh sẽ cần dùng thuốc kháng sinh trong khoảng 4 tuần để điều trị viêm bàng quang khí thũng. Khi thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, cơ thể người bệnh sẽ tái hấp thu khí. Nếu như có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào góp phần gây viêm bàng quang khí thũng thì sẽ phải giải quyết, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Những trường hợp viêm bàng quang khí thũng nghiêm trọng có thể cần thêm các phương pháp điều trị khác, ví dụ như sử dụng ống thông tiểu để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Ống thông tiểu có thể được đưa trực tiếp vào bàng quang qua một đường rạch nhỏ ở bụng dưới. Thủ thuật này gọi là mở thông bàng quang ra da qua đường rạch trên xương mu. Tuy nhiên, hơn 90% số trường hợp viêm bàng quang khí thũng có thể được điều trị mà không cần đến thủ thuật này.

Cần dùng thuốc kháng sinh trong bao lâu?

Liệu trình kháng sinh tiêu chuẩn để điều trị viêm bàng quang khí thũng là 4 tuần. Bệnh sử cá nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng sẽ quyết định thời gian điều trị.

Điều quan trọng là người bệnh cần phải dùng thuốc kháng sinh đủ liều, ngay cả khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Ngừng thuốc kháng sinh giữa chừng có thể khiến viêm bàng quang khí thũng tái phát. Để thuốc kháng sinh phát huy tác dụng tối đa, người bệnh không nên dùng kháng sinh cùng lúc với thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ hoặc vitamin.

Viêm bàng quang khí thũng có thể chữa khỏi được không?

Viêm bàng quang khí thũng có thể chữa khỏi. Tình trạng bệnh thường khỏi trong vòng khoảng 4 tuần điều trị bằng kháng sinh. Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Khi không còn vi khuẩn, cơ thể sẽ hấp thụ lại khí hình thành quanh thành bàng quang và các triệu chứng sẽ chấm dứt.

Biến chứng của viêm bàng quang khí thũng

Viêm bàng quang khí thũng có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh nhưng đây là một bệnh nghiêm trọng. Nếu không điều trị, viêm bàng quang khí thũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí có thể gây tử vong. Các biến chứng của viêm bàng quang khí thũng gồm có:

  • Nhiễm trùng máu
  • Vỡ bàng quang
  • Đái máu
  • Suy thận
  • Viêm phúc mạc (viêm màng bụng)

Tiên lượng

Tiên lượng của người bị viêm bàng quang khí thũng là rất tốt nếu như bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Trong hầu hết các trường hợp, viêm bàng quang khí thũng có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên, viêm bàng quang khí thũng có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị và nhiễm trùng lây lan.

Theo một tổng quan tài liệu vào năm 2014, viêm bàng quang khí thũng có tỷ lệ tử vong được báo cáo là khoảng 7%. Đó là lý do tại sao việc điều trị kịp thời là rất quan trọng. Người bệnh cần đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của viêm bàng quang khí thũng.

Tóm tắt bài viết

Viêm bàng quang khí thũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị. Tình trạng này khiến khí tích tụ xung quanh thành bàng quang và xảy ra phổ biến nhất ở người mắc bệnh tiểu đường.

Phương pháp chính để điều trị viêm bàng quang khí thũng là thuốc kháng sinh. Người bệnh thường sẽ phải dùng thuốc trong khoảng 4 tuần. Điều trị sớm là điều rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng và cải thiện tiên lượng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang
Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang

Co thắt bàng quang là khi cơ bàng quang đột ngột siết lại một cách không tự chủ, gây ra cảm giác buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy. Co thắt bàng quang thường được hiểu là bàng quang tăng hoạt (OAB).

Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị
Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một vấn đề rất phổ biến. Các triệu chứng điển hình gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ (són tiểu). Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị bàng quang tăng hoạt.

Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.

Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây