1

Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào một hoặc cả hai niệu quản (ống nối bàng quang với thận).
Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào? Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?

Trào ngược bàng quang - niệu quản phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ và hiếm gặp ở người lớn.

Trào ngược bàng quang - niệu quản thường không gây ra triệu chứng nhưng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận. Trào ngược bàng quang - niệu quản nhẹ thường không cần điều trị và nhiều trẻ em tự khỏi bệnh khi lớn lên. Nếu trẻ bị nhiễm trùng thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và những trường hợp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật.

Triệu chứng trào ngược bàng quang - niệu quản

Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, ở hầu hết trẻ em, trào ngược bàng quang - niệu quản không trực tiếp gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng này là sự hiện diện của nhiễm trùng đường tiết niệu. Những người bị trào ngược bàng quang - niệu quản thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu do nước tiểu chảy ngược và ứ đọng tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em khó phát hiện hơn do trẻ không để ý những thay đổi trên cơ thể hoặc trẻ chưa biết nói để báo cho người lớn biết những vấn đề đang gặp phải.

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Sốt
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu không tự chủ hay đái dầm sau khi trẻ đã tự đi vệ sinh
  • Nước tiểu có mùi khó chịu
  • Máu trong nước tiểu
  • Nước tiểu đục
  • Đau bụng

Trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản có nguy cơ cao gặp các các vấn đề như:

  • Vấn đề về đường ruột như táo bón
  • Đái dầm
  • Tiểu không tự chủ
  • Bí tiểu

Trào ngược bàng quang - niệu quản không phổ biến ở người lớn. Theo nghiên cứu vào năm 2018, một dấu hiệu của trào ngược bàng quang - niệu quản ở người lớn là tình trạng nhiễm trùng thận tái phát.

Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang - niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản được chia thành hai loại là trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát và thứ phát, tùy thuộc vào nguyên nhân.

Hầu hết các trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản là nguyên phát, có nghĩa là xảy ra do van giữa niệu quản và bàng quang phát triển bất thường. Khi van này không hoạt động bình thường, nước tiểu sẽ chảy ngược từ bàng quang về phía thận.

Trào ngược bàng quang - niệu quản được coi là thứ phát nếu nguyên nhân là do tắc nghẽn trong đường tiết niệu hoặc vấn đề về dây thần kinh kiểm soát hoạt động của cơ bàng quang. Những tình trạng này gây ra áp lực trong bàng quang và áp lực đẩy nước tiểu ngược lên niệu quản về phía thận.

Ai có nguy cơ bị trào ngược bàng quang - niệu quản?

Trào ngược bàng quang - niệu quản phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Trẻ càng lớn thì nguy cơ càng giảm. Mặc dù trẻ lớn và người trưởng thành cũng có thể bị trào ngược bàng quang - niệu quản nhưng điều này rất hiếm gặp.

Theo nghiên cứu vào năm 2016, trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có xu hướng di truyền. Khoảng 27,4% trẻ em có anh chị em ruột bị trào ngược bàng quang - niệu quản và 35,7% trẻ em có cha mẹ bị trào ngược bàng quang - niệu quản mắc bệnh này.

Nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy phụ nữ có tỷ lệ bị trào ngược bàng quang - niệu quản cao hơn nam giới. Điều này là do phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Cùng vì lý do này mà nam giới không cắt bao quy đầu có nguy cơ bị trào ngược bàng quang - niệu quản cao hơn những nam giới đã cắt bao quy đầu. (1)

Trong một nghiên cứu vào năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bé gái dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ bị trào ngược bàng quang - niệu quản cao gấp 3 lần so với bé trai. Tuy nhiên, từ khoảng 21 đến 24 tháng tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới là như nhau. (2)

Biến chứng của trào ngược bàng quang - niệu quản

Biến chứng phổ biến nhất của trào ngược bàng quang - niệu quản là nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù hầu hết trẻ em bị trào ngược bàng quang - niệu quản đều khỏi bệnh mà không gặp biến chứng nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến thận có thể dẫn đến hình thành sẹo và gây tổn thương thận vĩnh viễn.

Người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị sẹo thận nếu tình trạng trào ngược bàng quang - niệu quản không được điều trị hoặc được điều trị muộn. Thận bị tổn thương nghiêm trọng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp và có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Theo nghiên cứu vào năm 2022, khoảng một nửa số người bị nhiễm trùng thận cấp tính bị sẹo thận. Có tới 15% số người bị trào ngược bàng quang - niệu quản bị sẹo thận.

Mức độ phổ biến của trào ngược bàng quang - niệu quản

Cứ 3 trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo sốt lại có 1 trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản. (3) Trong một nghiên cứu vào năm 1999 trên 2.000 trẻ sơ sinh, khoảng 1% số trẻ này bị trào ngược bàng quang - niệu quản. Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện từ nhiều năm trước và cần nghiên cứu thêm để có dữ liệu mới.

Chẩn đoán trào ngược bàng quang - niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản đôi khi được phát hiện từ khi trẻ chưa sinh ra qua siêu âm thai nhưng đa phần, tình trạng này được phát hiện trong giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi.

Phương pháp chụp X-quang bàng quang niệu đạo khi đi tiểu có thể giúp chẩn đoán trào ngược bàng quang - niệu quản. Quá trình chụp X-quang chỉ mất khoảng 30 phút đến 1 giờ.

Các bước thực hiện như sau:

  1. Đưa ống thông vào niệu đạo của trẻ.
  2. Bơm thuốc cản quang qua ống thông cho đến khi bàng quang đầy.
  3. Chụp ảnh X-quang bàng quang khi trẻ đi tiểu để xem thuốc cản quang có đi vào một hoặc cả hai quả thận hay không.

Trẻ có thể cần làm xét nghiệm nước tiểu. Mẫu nước tiểu có bạch cầu hoặc vi khuẩn là các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Điều trị trào ngược bàng quang - niệu quản

Vấn đề lớn nhất của trào ngược bàng quang - niệu quản là có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng thận. Mục tiêu điều trị là giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng này.

Trào ngược bàng quang - niệu quản được được chia thành 5 cấp độ, cấp độ 1 là nhẹ nhất và cấp độ 5 là nghiêm trọng nhất.

Việc điều trị tình trạng này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng.

Giám sát tích cực

Trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản thường tự khỏi bệnh khi lớn lên mà không cần điều trị. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017, khoảng 80% trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản cấp độ 1, 2 và 50% trường hợp cấp độ 3 tự khỏi mà không cần điều trị. Độ tuổi trung bình mà tình trạng này tự khỏi là 5 – 6 tuổi. (4)

Thuốc kháng sinh

Nếu trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể là kháng sinh liều thấp liên tục.

Việc điều trị bằng kháng sinh liên tục được khuyến nghị cho trẻ dưới 1 tuổi có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc trào ngược bàng quang - niệu quản cấp độ 3 đến 5 mà không có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu. (5)

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bị trào ngược bàng quang - niệu quản cấp 1 hoặc 2 và không có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ cũng có thể cân nhắc điều trị bằng kháng sinh liên tục.

Đối với trẻ trên 1 tuổi có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu, các chuyên gia khuyến nghị nên cân nhắc điều trị bằng kháng sinh liên tục. Tùy vào tình trạng thực tế mà bác sĩ có thể đề nghị theo dõi và bắt đầu điều trị bằng kháng sinh ngay khi phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác

Nếu trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều lần, đặc biệt là khi bị trào ngược bàng quang - niệu quản nghiêm trọng hoặc sẹo thận, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật.

Loại phẫu thuật thường được sử dụng là cắm lại niệu quản vào bàng quang, trong đó bác sĩ cắt rời niệu quản rồi gắn lại vào vị trí mới trên bàng quang để ngăn nước tiểu chảy ngược.

Một phương pháp điều trị khác là tiêm chất độn vào bàng quang ở gần vị trí nối với niệu quản. Chất độn tạo ra một vùng phình lên ở thành bàng quang, vùng phình này có vai trò giống như một chiếc van ngăn nước tiểu chảy ngược.

Đối với bé trai dưới 1 tuổi, cắt bao quy đầu có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.

Nếu trẻ không thể tiểu bình thường thì sẽ phải sử dụng ống thông tiểu.

Khi nào cần đi khám?

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần dễ điều trị nhưng cần phải sử dụng đúng loại thuốc kháng sinh. Trẻ sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, sau đó bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị trẻ em cần được siêu âm thận và bàng quang sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu lần đầu kèm theo sốt.

Phòng ngừa trào ngược bàng quang - niệu quản

Không thể ngăn ngừa trào ngược bàng quang - niệu quản nhưng có thể thực hiện các cách dưới đây để giữ cho bàng quang và đường tiết niệu hoạt động tốt:

  • Uống đủ nước hàng ngày.
  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không được nhịn
  • Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh (đối với bé gái)
  • Điều trị và ngăn ngừa táo bón
  • Điều trị chứng tiểu không tự chủ và đại tiện không tự chủ
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm giàu chất xơ.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn.

Tóm tắt bài viết

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào niệu quản. Tình trạng này đa phần xảy ra ở trẻ nhỏ. Trào ngược bàng quang - niệu quản thường không trực tiếp gây ra các triệu chứng nhưng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận.

Các trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản nhẹ thường không cần điều trị và đa số trẻ tự khỏi bệnh khi lớn lên. Những trường hợp nặng hơn có thể phải dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Vô niệu là gì? Điều trị bằng cách nào?
Vô niệu là gì? Điều trị bằng cách nào?

Vô niệu (anuria) là tình trạng thận không tạo ra nước tiểu. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh bị thiểu niệu (lượng nước tiểu quá ít) trước khi bị vô niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn điều trị bằng cách nào?

Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn liên cầu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B không phổ biến bằng nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn khác nhưng cũng có các triệu chứng tương tự.

Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang
Nguyên nhân và cách điều trị co thắt bàng quang

Co thắt bàng quang là khi cơ bàng quang đột ngột siết lại một cách không tự chủ, gây ra cảm giác buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy. Co thắt bàng quang thường được hiểu là bàng quang tăng hoạt (OAB).

Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị
Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một vấn đề rất phổ biến. Các triệu chứng điển hình gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ (són tiểu). Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị bàng quang tăng hoạt.

Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm bàng quang cấp là tình trạng bàng quang bị viêm đột ngột. Viêm bàng quang cấp đa phần xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng là do vi khuẩn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây