1

Sa niệu đạo điều trị bằng cách nào?

Sa niệu đạo là tình trạng một phần niệu đạo lệch khỏi vị trí bình thường và đẩy vào âm đạo. Trong những trường hợp nghiêm trọng, niệu đạo còn tụt hẳn xuống dưới và nhô ra ngoài qua lỗ niệu đạo.
Sa niệu đạo điều trị bằng cách nào? Sa niệu đạo điều trị bằng cách nào?

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Bình thường, niệu đạo được giữ cố định bởi hệ thống dây chằng, cơ và mô. Tuy nhiên, những cấu trúc hỗ trợ này có thể trở nên suy yếu do nhiều nguyên nhân. Kết quả là niệu đạo dịch chuyển ra khỏi vị trí bình thường, đẩy vào âm đạo và thậm chí còn nhô ra ngoài lỗ niệu đạo.

Trong nhiều trường hợp, niệu đạo và bàng quang cùng bị sa. Tình trạng này được gọi là sa niệu đạo – bàng quang.

Triệu chứng sa niệu đạo

Sa niệu đạo nhẹ thường không có triệu chứng. Khi tình trạng sa niệu đạo trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:

  • Cảm giác căng tức, khó chịu ở vùng chậu và âm đạo
  • Các vấn đề về tiết niệu, chẳng hạn như rò rỉ nước tiểu, tiểu nhiều lần, không thể đi tiểu hay tiểu không hết
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Khối sa nhô ra ngoài âm đạo hoặc niệu đạo
  • Chảy máu do khối sa cọ xát với âm đạo hoặc âm hộ

Sa niệu đạo được phân loại theo mức độ nghiêm trọng:

  • Sa độ 1: niệu đạo bị sa nhẹ, chỉ hơi đẩy vào thành âm đạo hoặc hơi tụt xuống lỗ niệu đạo.
  • Sa độ 2: niệu đạo bị sa nặng hơn, khiến âm đạo bị thu hẹp hoặc niệu đạo tụt nhiều hơn xuống lỗ âm đạo hoặc lỗ niệu đạo.
  • Sa độ 3: khối sa nhô ra ngoài lỗ âm đạo hoặc niệu đạo.

Nguyên nhân gây sa niệu đạo

Sa niệu đạo xảy ra khi các cơ, mô và dây chằng giữ niệu đạo trở nên suy yếu. Các cơ quan nội tạng được giữ cố định bởi một loại mô liên kết cứng gọi là mạc cơ. Khi mạc cơ bị hỏng hoặc trở nên suy yếu, các mô khác sẽ không đủ khỏe để giữ các cơ quan ở vị trí bình thường và kết quả là các cơ quan bị sa.

Các cấu trúc giữ cố định niệu đạo có thể trở nên suy yếu do nhiều nguyên nhân.

Ai có nguy cơ bị sa niệu đạo?

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ sa niệu đạo.

Mãn kinh

Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị sa niệu đạo cao hơn. Hormone estrogen có vai trò rất quan trọng đối với sự chắc khỏe của các cơ. Khi bước vào giai đọan tiền mãn kinh, nồng độ estrogen của phụ nữ sẽ bắt đầu giảm và điều này khiến các cơ dần trở nên suy yếu, bao gồm cả cơ sàn chậu – các cơ có vai trò hỗ trợ các tạng trong vùng chậu, trong đó có niệu đạo. Cơ sàn chậu cũng trở nên suy yếu do sự lão hóa tự nhiên.

Mang thai và sinh nở

Những phụ nữ đã từng mang thai và sinh thường có nguy cơ bị sa niệu đạo cao hơn. Sự chèn ép từ thai nhi trong thời gian mang thai và áp lực trong quá trình sinh nở sẽ làm suy yếu cơ sàn chậu. Những điều này còn có thể khiến cơ sàn chậu bị kéo căng và rách.

Ở nhiều người, những vấn đề do cơ sàn chậu suy yếu không xảy ra ngay sau khi sinh mà phải nhiều năm sau mới xuất hiện.

Cơ sàn chậu yếu bẩm sinh

Ở một số người, cơ sàn chậu bị suy yếu bẩm sinh. Những người này có nguy cơ bị sa niệu đạo từ sớm, ngay cả khi chưa mang thai hay mãn kinh.

Tăng áp lực vùng bụng

Áp lực lớn tác động lên các cơ sàn chậu có thể khiến các cơ này trở nên suy yếu. Các nguyên nhân có thể làm tăng áp lực lên cơ sàn chậu gồm có:

  • Thường xuyên bê đồ nặng
  • Béo phì
  • Ho mạn tính
  • Thường xuyên rặn khi đại tiện
  • Có khối u ở vùng chậu, bao gồm cả u lành và u ác tính

Từng phẫu thuật vùng chậu

Những người từng phẫu thuật điều trị sa niệu đạo hoặc sa các tạng vùng chậu khác có nguy cơ cao tiếp tục bị sa niệu đạo do cơ sàn chậu bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật.

Điều trị sa niệu đạo

Sa niệu đạo nhẹ có thể không cần điều trị. Trên thực tế, đa số người bệnh đều không biết mình bị sa niệu đạo cho đến khi tình trạng trở nên nặng hơn. Đó là vì sa niệu đạo ở giai đoạn đầu thường không gây triệu chứng.

Sa niệu đạo nặng sẽ phải điều trị. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa, tình trạng sức khỏe của người bệnh và kế hoạch mang thai trong tương lai.

Phương pháp điều trị không phẫu thuật

  • Vòng nâng pessary: đây là một phương pháp được sử dụng để điều trị sa tạng chậu. Vòng pessary được đặt vào âm đạo nhằm hỗ trợ âm đạo. Vòng nâng pessary được làm bằng silicon, có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau. Đây là một phương pháp điều trị đơn giản, không xâm lấn, vì vậy các bác sĩ thường khuyến nghị đặt vòng nâng pessary trước khi thử các phương pháp điều trị khác.
  • Liệu pháp estrogen tại chỗ: bổ sung estrogen trực tiếp vào vùng mô bị suy yếu, giúp củng cố các cấu trúc hỗ trợ tạng chậu.
  • Bài tập Kegel: giúp tăng cường các cơ hỗ trợ cơ quan trong vùng chậu. Cơ sàn chậu là các cơ mà bạn siết lại mỗi khi nhịn tiểu hay dừng tiểu giữa chừng. Hãy siết các cơ này trong vài giây, sau đó thả lỏng 5 - 10 giây, lặp lại như vậy 10 lần. Thực hiện 3 lần mỗi ngày.
  • Giải quyết nguyên nhân gây suy yếu cơ sàn chậu: Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực và làm suy yếu cơ sàn chậu. Giảm cân khi bị thừa cân, béo phì sẽ giúp giảm áp lực lên các cơ này. Tương tự, điều trị các bệnh lý gây ảnh hưởng đến cơ sàn chậu cũng sẽ giúp bảo vệ các cơ và cải thiện tình trạng sa tạng. Không nên mang vác đồ vật quá nặng. Nếu bị táo bón, hãy ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Thường xuyên phải rặn khi đại tiện sẽ làm suy yếu cơ sàn chậu và dẫn đến sa tạng.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả hoặc không khả thi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để củng cố các cấu trúc hỗ trợ niệu đạo, đưa niệu đạo về đúng vị trí và sửa chửa thành âm đạo.

Có một số loại phẫu thuật để điều trị sa niệu đạo. Loại phẫu thuật cần thực hiện sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng sa, sức khỏe tổng thể của người bệnh và có cơ quan nào khác bị sa cùng với niệu đạo hay không.

Tóm tắt bài viết

Sa niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị sa khỏi vị trí bình thường và đẩy vào thành âm đạo, đôi khi còn nhô ra ngoài ra lỗ niệu đạo. Mặc dù sa niệu đạo nhẹ thường không có triệu chứng nhưng tình trạng này có thể trở nên nặng hơn và gây ra các triệu chứng khó chịu.

Có nhiều lựa chọn điều trị sa niệu đạo, gồm có vòng nâng pessary, liệu pháp estrogen tại chỗ, bài tập Kegel và điều chỉnh lối sống. Nếu tình trạng sa nghiêm trọng và những phương pháp này không có tác dụng thì người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn điều trị bằng cách nào?

Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn liên cầu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B không phổ biến bằng nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn khác nhưng cũng có các triệu chứng tương tự.

Hẹp niệu đạo điều trị bằng cách nào?
Hẹp niệu đạo điều trị bằng cách nào?

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Đường kính niệu đạo trung bình ở người trưởng thành là 4 – 6mm, đủ rộng để nước tiểu chảy qua dễ dàng. Niệu đạo bị thu hẹp sẽ gây cản trở dòng nước tiểu. Hẹp niệu đạo chủ yếu xảy ra ở nam giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hẹp niệu đạo.

Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?
Trào ngược bàng quang - niệu quản điều trị bằng cách nào?

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang vào một hoặc cả hai niệu quản (ống nối bàng quang với thận).

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?
Ung thư tuyến tiền liệt kháng cắt tinh hoàn là gì và điều trị bằng cách nào?

Trong những trường hợp bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển và trở nên kháng cắt tinh hoàn, còn nhiều phương pháp điều trị khác có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, mặc dù các phương pháp này không thể chữa khỏi ung thư. Mục tiêu điều trị chính là ngăn ung thư lan từ tuyến tiền liệt đến các bộ phận ở xa trong cơ thể như cột sống, phổi và não (di căn).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây