Các triệu chứng sỏi bàng quang và cách điều trị
Hơn 90% nước tiểu là nước, phần còn lại là các khoáng chất như muối và các chất thải như protein. Nước tiểu cô đặc thường có màu từ hổ phách đậm đến nâu, tùy thuộc vào loại chất thải và khoáng chất có trong nước tiểu.
Nước tiểu cô đặc thường là kết quả do tình trạng mất nước hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu. Các nguyên nhân gây không thể làm trống bàng quang hoàn toàn gồm có phì đại tuyến tiền liệt, các vấn đề về bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Triệu chứng sỏi bàng quang
Các triệu chứng điển hình của sỏi bàng quang gồm có:
- Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm
- Đau bụng dưới
- Cảm giác đau hoặc nóng rát ở niệu đạo khi đi tiểu
- Nước tiểu đục hoặc có máu
- Tiểu không tự chủ
Ai có nguy cơ bị sỏi bàng quang?
Sỏi bàng quang chủ yếu xảy ra ở nam giới, đặc biệt là nam giới lớn tuổi có vấn đề về tuyến tiền liệt. Nam giới ở độ tuổi 80 có nguy cơ bị sỏi bàng quang cao hơn nhiều so với nam giới trẻ tuổi. Tuy nhiên, nam giới trẻ tuổi sẽ có nguy cơ bị sỏi bàng quang cao hơn nếu như có chế độ ăn nhiều chất béo và đường.
Thường xuyên không uống đủ nước và chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi bàng quang. Điều này có thể xảy ra ở cả trẻ em.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang có thể là kết quả của một vấn đề khác ở đường tiết niệu. Các nguyên nhân có thể góp phần gây hình thành sỏi bàng quang gồm có:
Nhiễm trùng
Bàng quang có thể bị nhiễm trùng và viêm do vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Nhiễm trùng bàng quang là một nguyên nhân phổ biến gây sỏi bàng quang.
Mặc dù sỏi bàng quang phổ biến hơn ở nam giới nhưng phụ nữ lại có nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang cao hơn. Lý do là vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo của nam giới nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang hơn.
Niệu đạo bị tổn thương
Niệu đạo có thể bị tổn thương do bệnh tật hoặc chấn thương. Nhiễm trùng có thể làm thu hẹp niệu đạo, gây cản trở dòng chảy nước tiểu và nước tiểu ứ lại trong bàng quang sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép niệu đạo và khiến nước tiểu khó chảy qua. Nước tiểu ứ đọng trong bàng quang sẽ trở nên cô đặc và hình thành sỏi.
Bàng quang thần kinh
Bàng quang thần kinh là tình trạng chức năng của bàng quang bị rối loạn do tổn thương các dây thần kinh trao đổi tín hiệu giữa não và bàng quang. Khi các dây thần kinh này bị tổn thương, não bộ sẽ không thể truyền tín hiệu báo cho cơ bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra ngoài. Điều này khiến nước tiểu đọng lại trong bàng quang và hình thành sỏi.
Cơ bàng quang suy yếu
Thành bàng quang có thể bị suy yếu ở một số khu vực và tạo thành các túi phình. Nước tiểu có thể tích tụ lại ở những vị trí này.
Sỏi thận
Sỏi hình thành trong thận có thể di chuyển qua niệu quản vào bàng quang. Mặc dù sỏi thận có quá trình hình thành khác sỏi bàng quang nhưng khi vào bàng quang thì sẽ được gọi là sỏi bàng quang.
Những viên sỏi nhỏ có thể di chuyển qua đường tiết niệu và trôi ra ngoài theo nước tiểu nhưng những viên sỏi lớn sẽ bị mắc kẹt và cần can thiệp loại bỏ.
Chẩn đoán sỏi bàng quang
Hãy đi khám khi nhận thấy những thay đổi bất thường khi đi tiểu hoặc bất kỳ triệu chứng nào nghi là sỏi bàng quang. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Đối với nam giới, quá trình khám lâm sàng gồm có bước khám trực tràng để xem có bị phì đại tuyến tiền liệt hay không.
Các phương pháp chẩn đoán sỏi bàng quang gồm có:
Xét nghiệm nước tiểu
Phân tích mẫu nước tiểu xem có tinh thể, dấu hiệu nhiễm trùng hay các bất thường khác hay không.
Chụp CT xoắn ốc
Kỹ thuật chụp CT này có thể phát hiện các vấn đề ở bàng quang cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. Chụp CT xoắn ốc nhanh hơn và chính xác hơn so với chụp CT truyền thống.
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Hình ảnh thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiệ sỏi trong bàng quang.
Chụp X-quang và chụp thận tĩnh mạch
Chụp X-quang cho thấy hình ảnh của bàng quang, qua đó giúp phát hiện các thay đổi bất thường.
Trong quá trình chụp thận tĩnh mạch (hay còn gọi là chụp X quang niệu đồ tĩnh mạch), thuốc cản quang được tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh, sau đó chảy đến đường tiết niệu. Thuốc cản quang sẽ làm nổi bật các bất thường trên ảnh chụp X-quang.
Chụp X-quang không hiển thị rõ từng viên sỏi trong bàng quang và do đó, phương pháp này hiện không được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán sỏi bàng quang.
Điều trị sỏi bàng quang
Sỏi bàng quang được điều trị bằng thủ thuật nội soi tán sỏi bàng quang, trong đó bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo hoặc qua một đường rạch nhỏ vào bàng quang và sử dụng năng lượng laser hoặc sóng siêu âm để phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ.
Nếu không thể làm vỡ sỏi bằng thủ thuật này thì sẽ phải mổ mở để loại bỏ sỏi.
Tiên lượng
Sỏi bàng quang có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Sau khi điều trị, người bệnh có thể ngăn ngừa sỏi tái phát cũng như các vấn đề về bàng quang khác bằng cách uống nhiều nước (1,8 – 2 lít nước mỗi ngày). Ngoài ra, cần phát hiện và điều trị kịp thời nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lý về đường tiết niệu khác.
Khi ung thư đã lan vào lớp cơ của bàng quang hoặc xa hơn thì được gọi là “ung thư bàng quang xâm lấn cơ”. Loại ung thư bàng quang này thường lan nhanh chóng, vì vậy nên tiên lượng của những người mắc bệnh rất kém.
Ung thư bàng quang bắt đầu xảy ra ở lớp niêm mạc của bàng quang. Ung thư có thể lan đến các mô quanh bàng quang và theo máu hoặc hệ bạch huyết lan đến các vị trí ở xa trong cơ thể. Ung thư bàng quang được chia giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng của tế bào ung thư.
Ung thư bàng quang bắt đầu lớp niêm mạc bàng quang. Sau một thời gian, ung thư sẽ lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang rồi lan ra khỏi bàng quang đến khu vực xung quanh. Tế bào ung thư có thể lan theo máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan ở xa trong cơ thể.
Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.
Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.