Trứng vịt: Giá trị dinh dưỡng, lợi ích và tác hại
Trứng, bao gồm cả trứng vịt, là loại thực phẩm rất phổ biến vì có giá thành rẻ, chế biến dễ và nhanh chóng, tiện lợi.
Trứng vịt có kích thước lớn hơn gấp rưỡi hoặc gấp đôi trứng gà với lớp vỏ cứng hơn, phần lòng trắng thường đặc hơn và lòng đỏ to hơn, vàng sậm hơn. Nhiều người thích trứng vịt hơn trứng gà vì cảm thấy trứng vịt có vị đậm đà hơn.
Vỏ trứng vịt thường có màu trắng hoặc hơi xanh. Giống như trứng gà, vỏ trứng vịt cũng thay đổi theo từng giống vịt, môi trường sống và loại thức ăn.
Trứng vịt hay trứng gà đều là những thực phẩm bổ dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Giá trị dinh dưỡng của trứng vịt
Trứng là một nguồn cung cấp protein chất lượng cao. Trứng có chứa tất cả các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần để tạo ra protein. Lòng đỏ trứng giàu chất béo và cholesterol, cũng như là nhiều vitamin và khoáng chất.
Trứng vịt bổ dưỡng hơn trứng gà một chút, một phần là do có kích thước lớn hơn. Một quả trứng vịt trung bình nặng khoảng 70 gram, trong khi một quả trứng gà cỡ vừa nặng khoảng 50 gram. Như vậy, một quả trứng vịt sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn một quả trứng gà.
Tuy nhiên, nếu so sánh khối lượng tương đương thì trứng vịt vẫn có giá trị dinh dưỡng cao hơn một chút. Bảng dưới đây là giá trị dinh dưỡng trong 100 gram trứng gà và trứng vịt (tương đương 1,5 quả trứng vịt và 2 quả trứng gà). (1)
Trứng vịt | Trứng gà | |
Lượng calo | 185 calo | 148 calo |
Protein | 13 gram | 12 gram |
Chất béo | 14 gram | 10 gram |
Carb | 1 gram | 1 gram |
Cholesterol | 295% giá trị hàng ngày (DV) | 141% DV |
Vitamin B12 | 90% DV | 23% DV |
Selen | 52% DV | 45% DV |
Vitamin B2 | 24% DV | 28% DV |
Sắt | 21% DV | 10% DV |
Vitamin D | 17% DV | 9% DV |
Choline | 263 mg | 251 mg |
Trứng vịt chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, một quả trứng vịt có thể đáp ứng gần 100% nhu cầu vitamin B12 hàng ngày. Vitamin B12 là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hình thành tế bào hồng cầu, tổng hợp DNA và chức năng thần kinh.
Tóm tắt: Trứng vịt to hơn trứng gà từ 1,5 – 2 lần. Trững vịt chứa nhiều protein, chất béo cùng nhiều loại vitamin và khoáng chất.
Các lợi ích của trứng vịt đối với sức khỏe
Trứng được coi là một loại thực phẩm hoàn hảo vì vô cùng bổ dưỡng. Ngoài ra, trứng còn chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe khác.
Lòng đỏ trứng vịt có màu vàng sậm nhờ các sắc tố tự nhiên có tên là carotenoid. Đây là nhóm hợp chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào và DNA khỏi bị tổn thương do oxy hóa – nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mãn tính và các bệnh do lão hóa.
Các loại carotenoid chính trong lòng đỏ trứng là carotene, cryptoxanthin, zeaxanthin và lutein. Các hợp chất này giúp làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do lão hóa, đục thủy tinh thể, bệnh tim mạch và một số loại ung thư.
Lòng đỏ trứng còn rất giàu lecithin và choline. Choline là một chất dinh dưỡng giống như vitamin, có vai trò quan trọng đối với màng tế bào, cũng như là chức năng não bộ, chất dẫn truyền thần kinh và hệ thần kinh. Lecithin là một chất được cơ thể chuyển hóa thành choline.
Choline đặc biệt cần thiết đối với sức khỏe não bộ. Một nghiên cứu được thực hiện trên gần 2.200 người lớn tuổi cho thấy nồng độ choline cao trong máu giúp cải thiện chức năng não.
Choline cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ vì choline hỗ trợ sự phát triển trí não khỏe mạnh của thai nhi.
Phần lòng trắng của trứng vịt và các loại trứng khác đều rất giàu protein, ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy nhiều hợp chất có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm trong lòng trắng trứng.
Tóm tắt: Ngoài các chất dinh dưỡng thiết yếu, trứng vịt còn chứa nhiều hợp chất khác có tác dụng tăng cường sức khỏe. Ăn trứng vịt có lợi cho sức khỏe mắt và não bộ, đồng thời giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và các bệnh do tuổi già.
Tác hại của trứng vịt
Mặc dù trứng vịt có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn trứng vịt. Trứng vịt hay bất cứ loại trứng nào đều có thể gây dị ứng, bị nhiễm khuẩn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở một số người.
Dị ứng
Protein trong trứng là một chất gây dị ứng phổ biến. Vì thế nên dị ứng trứng là một trong số những loại dị ứng thực phẩm có tỷ lệ người mắc cao nhất. Dị ứng trứng chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng thường tự khỏi sau vài năm.
Các triệu chứng dị ứng trứng thường gặp gồm có nổi mề đay trên da, đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Trong những trường hợp nghiêm trọng, dị ứng thực phẩm còn gây sốc phản vệ - một dạng phản ứng dị ứng cấp tính ảnh hưởng đến hô hấp và đe dọa đến tính mạng.
Trứng vịt và trứng gà có chứa các protein tương tự nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Vì thế nên nhiều người mặc dù bị dị ứng trứng gà nhưng lại vẫn ăn được trứng vịt và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng với một loại trứng nào đó thì cần phải thận trọng khi ăn thử các loại trứng khác.
Bệnh tim mạch
Trứng vịt có chứa lượng cholesterol khá cao nhưng hầu hết các nghiên cứu đã chứng minh rằng cholesterol trong lòng đỏ trứng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người khỏe mạnh. (2)
Ăn lòng đỏ trứng có thể làm tăng nồng độ LDL cholesterol (cholesterol xấu) ở một số người nhưng đồng thời cũng làm tăng nồng độ HDL cholesterol (cholesterol tốt).
Tuy nhiên, vì trứng có chứa nhiều cholesterol nên một số người nên hạn chế ăn trứng, chẳng hạn như người mắc bệnh tiểu đường và người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng chất choline trong lòng đỏ trứng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Vi khuẩn trong đường ruột chuyển hóa choline thành một hợp chất có tên là trimethylamine N-oxide (TMAO). Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ TMAO trong máu cao làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Chế độ ăn có lượng chất béo càng cao thì cơ thể sẽ càng tạo ra nhiều TMAO.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu TMAO trực tiếp làm tăng nguy cơ hay nồng độ TMAO cao là một dấu hiệu chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một số loại thực phẩm như cá có hàm lượng TMAO cao tự nhiên nhưng ăn nhiều cá lại là điều được khuyến nghị để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhiễm khuẩn và kim loại nặng
Một trong những vấn đề có thể xảy ra khi ăn trứng là nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Đã có nhiều đợt bùng phát nhiễm khuẩn Salmonella do ăn trứng vịt được ghi nhận, trong đó có cả đợt bùng phát trên diện rộng vào năm 2010 ở Anh và Ireland. (3)
Nhiễm khuẩn Salmonella gây ra các triệu chứng như đau bụng, sốt và tiêu chảy, có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng 6 tiếng đến 6 ngày sau khi bị nhiễm khuẩn và kéo dài 4 – 7 ngày.
Ở một số nơi, trứng vịt còn bị nhiễm kim loại nặng. Ăn một lượng kim loại nặng lớn sẽ gây hại cho sức khỏe.
Để tránh bị nhiễm khuẩn thì khi mua trứng cần chọn mua những quả có vỏ nguyên vẹn, không nứt và không có các dấu hiệu lạ như có nhớt hay phấn trên bề mặt. Sau khi mua về nên rửa sạch trứng, lau khô và cất ngay vào tủ lạnh. Bảo quản trứng ở nhiệt độ thấp trong tủ lạnh sẽ giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Trước khi nấu nên đập trứng ra bát và ngửi thử xem có mùi lạ hay không. Nếu trứng loãng lòng và có mùi khó chịu thì phải vứt đi ngay. Không nên ăn trứng sống mà phải nấu chín trước khi ăn. Điều này giúp tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nhiễm khuẩn Salmonella.
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn trứng nhưng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ cao hơn nên cần phải đặc biệt cẩn thận khi chế biến trứng.
Tóm tắt: Trứng vịt không phù hợp với người dị ứng trứng và những người có nguy cơ cao mắc mắc bệnh tim mạch. Nên bảo quản trứng trong tủ lạnh và nấu chín trứng trước khi ăn để tránh bị nhiễm khuẩn.
Cách chế biến trứng vịt
Trứng vịt cũng có thể chế biến thành nhiều món giống như trứng gà, chẳng hạn như luộc, hấp, ốp la, trứng tráng, trứng bác, nấu canh,... Nhưng nếu cần làm bánh ngọt hay món tráng miệng vì tốt nhất nên chọn trứng gà vì trứng vịt có thể sẽ khiến thành phẩm có mùi hơi tanh.
Cách nấu chín trứng đơn giản nhất là luộc. Chỉ cần cho trứng vào nồi, đổ nước ngập trứng và bắc lên bếp, để lửa lớn. Khi nước sôi thì hạ xuống lửa nhỏ và luộc trong 6 – 12 phút. Sau đó tắt bếp, có thể ngâm trứng thêm một vài phút hoặc vớt trứng ra luôn và ngâm vào nước lạnh để làm nguội trứng.
Do có nhiều chất béo hơn trứng gà nên trứng vịt có vị ngậy và đậm đà hơn một chút.
Tóm tắt: Cách chế biến trứng vịt về cơ bản cũng giống như trứng gà. Trứng vịt có vị đậm đà hơn một chút so với trứng gà.
Tóm tắt bài viết
Trứng vịt có kích thước lớn hơn và bổ dưỡng hơn một chút so với trứng gà. Trứng vịt rất giàu dinh dưỡng, ngoài ra còn cung cấp các chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi cho sức khỏe mắt và não bộ. Một số chất trong trứng vịt còn có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và ngăn ngừa các bệnh do lão hóa.
Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch nên hạn chế ăn trứng. Những người bị dị ứng trứng gà có thể vẫn ăn được trứng vịt nhưng nên thử ăn từng chút một và theo dõi phản ứng của cơ thể.
Dù là loại trứng nào thì cũng nên bảo quản trong tủ lạnh và nấu chín trước khi ăn để tránh bị nhiễm khuẩn.
Trứng luộc ít calo nhưng lại giàu vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng quan trọng. Trong khi chất béo, protein và các dưỡng chất khác tập trung chủ yếu ở lòng đỏ thì lòng trắng gần như chỉ chứa protein.
Cà chua là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lycopene chính trong chế độ ăn uống. Chất này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư.
Ăn cà rốt giúp làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe của mắt. Ngoài ra, loại củ này còn có ích cho việc giảm cân.
Thịt bò nạc rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là chất sắt và kẽm. Do đó, ăn thịt bò ở mức độ vừa phải là một điều được khuyến khích trong chế độ ăn uống lành mạnh.
Yến mạch là một trong những loại ngũ cốc lành mạnh nhất và là nguồn cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật cần thiết cho cơ thể.
- 0 trả lời
- 90 lượt xem