Toan chuyển hóa là gì? Do nguyên nhân nào gây ra?
Toan chuyển hóa là gì?
Khi mà dịch cơ thể chứa quá nhiều axit thì được gọi là nhiễm toan. Nhiễm toan xảy ra khi thận và phổi không thể giữ cân bằng độ pH của cơ thể.
Axit được tạo ra từ nhiều quá trình diễn ra trong cơ thể. Phổi và thận có thể bù đắp sự mất cân bằng pH nhẹ nhưng khi các cơ quan này có vấn đề, axit dư thừa sẽ tích tụ trong cơ thể và máu.
Độ pH phản ánh mức độ axit hay bazơ của một chất. Giá trị pH dao động trong khoảng từ 0 – 14, trong đó độ pH bằng 7 là trung tính, độ pH càng thấp thì độ axit càng mạnh và độ pH càng cao thì độ bazơ hay kiềm càng mạnh.
Độ pH bình thường của máu là khoảng 7,4. Khi độ pH của máu từ 7,35 trở xuống thì có thể được coi là nhiễm toan. Nhiễm kiềm là khi độ pH của máu từ 7,45 trở lên.
Mặc dù sự chênh lệch giữa độ pH bình thường, nhiễm toan và nhiễm kiềm là không nhiều nhưng đủ để tạo ra sự khác biệt lớn. Nhiễm toan chuyển hóa có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân gây toan chuyển hóa
Có một số nguyên nhân gây toan chuyển hóa. Toan chuyển hóa bắt đầu ở thận chứ không phải ở phổi. Toan chuyển hóa xảy ra khi thận không thể loại bỏ hết axit dư thừa hoặc loại bỏ quá nhiều bazơ khỏi máu. Có 4 dạng nhiễm toan chuyển hóa chính:
- Nhiễm toan ceton: xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt. Khi cơ thể thiếu insulin, ceton (một loại axit trong máu) sẽ tích tụ và làm tăng độ axit của máu.
- Nhiễm toan tăng clo huyết: xảy ra do mất natri bicarbonat (sodium bicarbonate). Natri bicarbonat giúp giữ cho máu có độ pH trung tính. Cả tiêu chảy và nôn mửa đều có thể dẫn đến nhiễm toan tăng clo huyết.
- Nhiễm toan axit lactic: xảy ra khi có quá nhiều axit lactic trong cơ thể. Nguyên nhân có thể là do thường xuyên uống nhiều rượu, suy tim, ung thư, co giật, suy gan, thiếu oxy kéo dài và lượng đường trong máu thấp. Thậm chí tập thể dục trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến sự tích tụ axit lactic.
- Nhiễm toan ống thận (toan hóa ống thận): xảy ra khi thận không thể bài tiết axit từ máu vào nước tiểu. Điều này làm cho máu tăng tính axit.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa
Các yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm toan chuyển hóa gồm có:
- Chế độ ăn nhiều chất béo và ít carbohydrate
- Suy thận
- Béo phì
- Mất nước
- Ngộ độc aspirin hoặc metanol
- Bệnh tiểu đường
- Ngộ độc carbon monoxide
Triệu chứng nhiễm toan chuyển hóa
Một số triệu chứng phổ biến của nhiễm toan chuyển hóa gồm có:
- Nhịp thở nhanh và nông
- Lú lẫn
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Buồn ngủ
- Chán ăn
- Vàng da
- Nhịp tim nhanh
- Hơi thở có mùi trái cây, đây là dấu hiệu của nhiễm toan ceton
Chẩn đoán toan chuyển hóa
Những người bị nhiễm toan chuyển hóa thường bị ốm nặng và thường xuyên phải đi cấp cứu. Phát hiện tình trạng từ sớm sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn. Các phương pháp chẩn đoán toan chuyển hóa gồm có:
Khoảng trống anion
Nhiễm toan được chẩn đoán bằng một loạt xét nghiệm máu. Một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là đo khoảng trống anion. Khoảng trống anion là sự chênh lệch giữa các chất điện giải tích điện dương và chất điện giải tích điện âm trong máu.
Chất điện giải là những chất dịch khoáng như magiê, natri và canxi. Các chất điện giải này giúp kiểm soát sự cân bằng giữa axit và bazơ trong cơ thể. Chất điện phân cũng mang điện tích.
Nếu sự chênh lệch giữa chất điện giải tích điện dương và chất điện giải tích điện âm quá cao hoặc quá thấp thì có nghĩa là đang có vấn đề bất thường trong cơ thể.
Khí máu động mạch
Khí máu động mạch là xét nghiệm đo nồng độ oxy và carbon dioxide trong máu. Xét nghiệm này còn cho biết độ pH trong máu. Bảng trao đổi chất cơ bản sẽ đánh giá chức năng thận, đồng thời đo nồng độ canxi, protein, lượng đường và chất điện giải trong máu. Các xét nghiệm này có thể được thực hiện kết hợp với nhau để xác định dạng nhiễm toan.
Xét nghiệm nước tiểu
Nếu bác sĩ nghi ngờ nhiễm toan chuyển hóa, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu. Độ pH của nước tiểu sẽ giúp đánh giá mức độ lọc axit và bazơ của thận. Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây nhiễm toan.
Nếu người bệnh bị nhiễm toan hô hấp, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang lồng ngực hoặc xét nghiệm chức năng phổi để kiểm tra tình trạng của phổi.
Điều trị toan chuyển hóa
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa trên nguyên nhân gây nhiễm toan chuyển hóa. Để điều trị toan chuyển hóa, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gốc rễ gây mất cân bằng axit - bazơ. Mỗi dạng nhiễm toan chuyển hóa có phương pháp điều trị riêng:
- Nhiễm toan do suy thận có thể điều trị bằng natri citrat (sodium citrate).
- Bệnh nhân tiểu đường bị nhiễm toan ceton có thể cần truyền dịch và insulin qua đường tĩnh mạch để cân bằng độ pH trong máu.
- Các phương pháp điều trị nhiễm toan axit lactic gồm có bổ sung bicarbonat, truyền dịch tĩnh mạch, liệu pháp oxy hoặc kháng sinh, tùy thuộc vào nguyên nhân.
- Người bị nhiễm toan tăng clo huyết có thể cần dùng natri bicarbonat đường uống.
Natri bicarbonat
Natri bicarbonat (sodium bicarbonate) hay còn được gọi là baking soda thường được dùng cho những người mắc một số dạng nhiễm toan chuyển hóa nhất định. Do có khả năng trung hòa axit dạ dày nên hợp chất hóa học này còn được sử dụng để điều trị chứng ợ nóng.
Khi được sử dụng để điều trị nhiễm toan chuyển hóa, natri bicarbonat có thể giúp làm tăng tính kiềm của dịch cơ thể hay tăng độ pH của máu. Natri bicacbonat có thể được dùng qua đường uống hoặc đường tĩnh mạch.
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy bổ sung natri bicacbonat rất có ích cho những người bị nhiễm toan do mất natri bicarbonat. Điều đó thường xảy ra do tiêu chảy.
Theo một thử nghiệm có đối chứng được công bố vào năm 2019, điều trị toan chuyển hóa bằng bicacbonat không chỉ an toàn cho những người bị suy thận mà còn có thể giúp cải thiện chức năng thận và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Biến chứng của nhiễm toan
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm toan có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Sỏi thận
- Bệnh thận mạn
- Suy thận
- Bệnh về xương
- Chậm phát triển
Phòng ngừa nhiễm toan
Không có cách nào có thể phòng ngừa nhiễm toan một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ toan chuyển hóa bằng các cách như:
- Uống đủ nước hàng ngày để tránh bị mất nước.
- Người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
- Không uống nhiều rượu. Thường xuyên uống nhiều rượu sẽ làm tăng sự tích tụ axit lactic trong cơ thể.
Tiên lượng
Một số người hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm toan chuyển hóa nhưng đôi khi, tình trạng này dẫn đến suy tạng, suy hô hấp và suy thận. Toan chuyển hóa nghiêm trọng có thể gây sốc hoặc thậm chí tử vong.
Khả năng phục hồi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nhiễm toan chuyển hóa. Điều trị kịp thời, đúng cách sẽ làm tăng khả năng hồi phục.
Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.
Bí tiểu có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và mỗi một nguyên nhân cần có phương pháp điều trị khác nhau.
Tiểu ngập ngừng có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu thường xuyên bị tiểu ngập ngừng thì nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị.
Việc đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp có thể là bình thường nếu như không đi kèm các triệu chứng khác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và cần phải điều trị.