Tắc nghẽn cổ bàng quang do nguyên nhân nào gây ra?

Cổ bàng quang là một nhóm cơ nối bàng quang với niệu đạo. Khi không đi tiểu, các cơ này siết chặt để giữ nước tiểu trong bàng quang và khi đi tiểu, các cơ giãn ra để cho phép nước tiểu chảy vào niệu đạo. Khi cổ bàng quang bị tắc nghẽn, nước tiểu sẽ không thể chảy qua một cách bình thường và dẫn đến nhiều vấn đề về tiết niệu.
Tắc nghẽn cổ bàng quang do nguyên nhân nào gây ra? Tắc nghẽn cổ bàng quang do nguyên nhân nào gây ra?

Nam giới trên 50 tuổi có nguy cơ bị tắc nghẽn cổ bàng quang cao hơn bất kỳ nhóm đối tượng nào khác. Tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi.

Nếu tình trạng tắc nghẽn cổ bàng quang không được điều trị trong thời gian dài, bàng quang có thể bị suy yếu vĩnh viễn. Bàng quang yếu có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tổn thương thận
  • Túi thừa bàng quang (túi phình lên trong bàng quang)
  • Tiểu không tự chủ

Nên đi khám sớm khi có các dấu hiệu tắc nghẽn cổ bàng quang. Điều trị kịp thời sẽ giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Triệu chứng tắc nghẽn cổ bàng quang

Nam giới và phụ nữ bị tắc nghẽn cổ bàng quang có các triệu chứng tương tự, gồm có:

  • Dòng tiểu yếu, ngắt quãng khi đi tiểu
  • Không thể làm trống bàng quang hoàn toàn (tiểu không hết)
  • Tăng tần suất đi tiểu
  • Tiểu gấp
  • Tiểu không tự chủ (són tiểu khi buồn tiểu)
  • Đau vùng chậu, phổ biến ở nam giới hơn nữ giới

Nguyên nhân gây tắc nghẽn cổ bàng quang

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn cổ bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ trong hệ sinh dục nam giới. Tuyến tiền liệt nằm bên dưới bàng quang, bao quanh niệu đạo và có chức năng tạo ra chất dịch trong tinh dịch.

Tuyến tiền liệt bị phì đại sẽ chèn ép niệu đạo và gây cản trở dòng nước tiểu. Phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn, có nghĩa là nước tiểu không thể chảy ra khỏi bàng quang.

Tắc nghẽn cổ bàng quang cũng có thể là một biến chứng của phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt hoặc xạ trị điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Mô sẹo hình thành sau các phương pháp điều trị này có thể làm tắc nghẽn cổ bàng quang.

Mặc dù hiếm gặp ở phụ nữ nhưng tắc nghẽn cổ bàng quang có thể xảy ra khi bàng quang bị sa xuống âm đạo. Điều này thường xảy ra do thành âm đạo bị suy yếu. Các nguyên nhân chính gây suy yếu thành âm đạo gồm có:

  • Lão hóa
  • Mãn kinh
  • Sinh khó
  • Sinh thường nhiều lần

Đôi khi, tắc nghẽn cổ bàng quang xảy ra do dị tật bẩm sinh trong cấu trúc bàng quang hoặc các cơ và mô liên kết xung quanh.

Chẩn đoán tắc nghẽn cổ bàng quang

Tắc nghẽn cổ bàng quang có các triệu chứng tương tự như một số bệnh lý khác, gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh bàng quang thần kinh.

Các công cụ để chẩn đoán tắc nghẽn cổ bàng quang gồm có:

Quay phim niệu động học

Để đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu quay phim niệu động học. Phương pháp này giúp đánh giá chức năng bàng quang.

Quay phim niệu động học sử dụng tia X hoặc siêu âm để tạo ra hình ảnh chi tiết của bàng quang trong thời gian thực. Một ống thông nhỏ được đưa vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Sau đó, dung dịch vô trùng được bơm qua ống thông để làm đầy bàng quang.

Khi bàng quang đầy, người bệnh được yêu cầu ho và đi tiểu. Bàng quang sẽ được chụp X-quang hoặc siêu âm trong quá trình này.

Hình ảnh thu được giúp bác sĩ quan sát tình trạng tắc nghẽn cổ bàng quang khi bàng quang được làm đầy và làm trống. Quay phim niệu động học còn giúp họ phát hiện các bất thường về cấu trúc bàng quang hoặc niệu đạo.

Nội soi bàng quang

Nội soi bàng quang cũng là một công cụ chẩn đoán tắc nghẽn cổ bàng quang. Trong quá trình nội soi, một thiết bị dạng ống dài, hẹp có gắn camera và đèn được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Sau đó dung dịch vô trùng được bơm vào bàng quang. Điều này giúp làm căng bàng quang để bác sĩ có thể quan sát rõ hơn.

Điều trị tắc nghẽn cổ bàng quang

Tắc nghẽn cổ bàng quang có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của người bệnh và nguyên nhân gây tắc nghẽn.

Thuốc

Thuốc chẹn alpha thường là bước đầu tiên để điều trị tắc nghẽn cổ bàng quang. Thuốc chẹn alpha, chẳng hạn như tamsulosin hoặc alfuzosin, giúp làm giãn cơ bàng quang.

Một loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị tắc nghẽn cổ bàng quang là thuốc ức chế 5-alpha-reductase, chẳng hạn như finasteride và dutasteride. Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm làm giảm kích thước tuyến tiền liệt phì đại, nhờ đó loại bỏ sự chèn ép lên niệu đạo.

Đặt thông tiểu ngắt quãng

Trong một số trường hợp, người bệnh cần đặt thông tiểu ngắt quãng kết hợp với dùng thuốc chẹn alpha. Đặt thông tiểu ngắt quãng là một thủ thuật an toàn, không gây đau đớn, trong đó người bệnh luồn một ống rỗng qua niệu đạo vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang. Điều này được lặp lại nhiều lần trong ngày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tắc nghẽn và mức độ phản ứng với thuốc. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách đưa ống thông tiểu vào bàng quang và cách giữ sạch ống thông.

Phẫu thuật

Người bệnh có thể phải điều trị bằng phẫu thuật nếu tình trạng không cải thiện khi dùng thuốc và đặt ống thông tiểu. Loại phẫu thuật tiêu chuẩn để điều trị tắc nghẽn cổ bàng quang là cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP).

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ đưa ống nội soi và dụng cụ mổ qua niệu đạo để cắt bỏ hoặc rạch lên tuyến tiền liệt bị phì đại để mở rộng niệu đạo, giúp nước tiểu có thể chảy qua bình thường. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, có nghĩa là người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn sau phẫu thuật.

Bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser là một giải pháp khác để điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Phương pháp này sử dụng các công nghệ laser như laser ánh sáng xanh (greenlight) và laser holmium (HoLep) để phá hủy mô tuyến tiền liệt đang chèn ép lên niệu đạo.

Bóc nhân tuyến tiền liệt bằng laser có một số ưu điểm so với phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo, chẳng hạn như mất ít máu hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Một loại phẫu thuật mới được áp dụng trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt là UroLift, trong đó sử dụng những chiếc kẹp nhỏ đưa vào qua niệu đạo để nâng và giữ mô tuyến tiền liệt bị phì đại, ngăn tuyến tiền liệt chèn lên niệu đạo. Thủ thuật này đã được phê duyệt vào năm 2013.

Trong những năm gần đây, liệu pháp điều trị bằng tia nước (aquablation) cũng cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt và tắc nghẽn cổ bàng quang. Thủ thuật này sử dụng nước muối sinh lý áp suất cao thay cho laser và dao mổ để cắt bỏ mô tuyến tiền liệt phì đại.

Tắc nghẽn cổ bàng quang có chữa khỏi được không?

Sau khi nguyên nhân gốc rễ gây tắc nghẽn cổ bàng quang, ví dụ như phì đại tuyến tiền liệt, được giải quyết, nước tiểu sẽ có thể chảy bình thường từ bàng quang xuống niệu đạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây tử vong ở người bị ung thư bàng quang
Các nguyên nhân gây tử vong ở người bị ung thư bàng quang

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư bàng quang, ví dụ như tuổi tác cao, hút thuốc và tiếp xúc với hóa chất độc hại, trong đó có những yếu tố có thể phòng ngừa được.

Đau bàng quang là do những nguyên nhân nào?
Đau bàng quang là do những nguyên nhân nào?

Đau bàng quang có thể xảy ra ở bất kỳ ai và do nguyên nhân khác nhau gây ra, một số là những vấn đề nghiêm trọng trong khi một số lại không quá đáng ngại. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây đau bàng quang, những triệu chứng khác cần lưu ý và các phương pháp điều trị.

Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.

Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây