1

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh trong bàng quang phát triển mất kiểm soát và hình thành khối u ác tính.
Nguyên nhân gây ung thư bàng quang Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Theo ước tính trên thế giới có hàng trăm ngàn ca mắc mới bệnh ung thư bàng quang mỗi năm.

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ung thư bàng quang nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ví dụ như tuổi cao, là nam giới và hút thuốc lá.

Bài viết này sẽ nêu ra một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ chính của bệnh ung thư bàng quang, bao gồm cả những nguyên nhân khiến bệnh tiến triển sang những giai đoạn sau.

Ung thư bàng quang là gì?

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu ở các tế bào bàng quang. Ung thư xảy ra khi các tế bào bắt đầu phát triển vượt tầm kiểm soát và hình thành khối u.

Ban đầu, ung thư chỉ giới hạn ở trong bàng quang nhưng theo thời gian, ung thư sẽ lan dần ra ngoài bàng quang và sang các bộ phận khác của cơ thể.

Loại ung thư bàng quang phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp hay còn gọi là ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu. Loại ung thư này bắt đầu ở các tế bào trong niêm mạc bàng quang.

Các loại ung thư bàng quang khác ít phổ biến hơn gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy
  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
  • Sarcoma

Triệu chứng ung thư bàng quang

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư bàng quang gồm có:

  • Nước tiểu có máu, đây thường là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên của bệnh ung thư bàng quang
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Cảm giác buồn tiểu ngay cả khi bàng quang không đầy
  • Đau vùng chậu
  • Đau lưng

Khi ung thư lan ra ngoài bàng quang đến các bộ phận khác của cơ thể thì được gọi là ung thư bàng quang di căn.

Khi ung thư di căn, người bệnh sẽ còn gặp thêm các triệu chứng khác ngoài những triệu chứng kể trên như không thể đi tiểu, đau một bên thắt lưng, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân và đau nhức xương.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

Mặc dù khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ung thư nói chung và ung thư bàng quang nói riêng nhưng theo các chuyên gia, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Một số yếu tố trong đó nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng có những yếu tố có thể thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh, ví dụ như hút thuốc.

Hút thuốc

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), sử dụng thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư bàng quang. (1)

Trên thực tế, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư bàng quang và phần lớn các trường hợp là do sử dụng thuốc lá dạng hút. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), khoảng một nửa số ca bệnh ung thư bàng quang có yếu tố nguy cơ hàng đầu là hút thuốc lá. (2)

Khói thuốc lá chứa nhiều hóa chất độc hại có thể làm hỏng niêm mạc bàng quang. Theo thời gian, sự tiếp xúc với những hóa chất này có thể dẫn đến sự phát triển tế bào ung thư.

Tuổi cao

Ung thư bàng quang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở người cao tuổi. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, phần lớn số ca ung thư bàng quang là người trên 55 tuổi và độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán là 73. (3)

Là nam giới

Nam giới có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 4 lần so với phụ nữ. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 9,6/100.000 trong khi ở phụ nữ là 2,4/100.000. Nam giới cũng có nguy cơ tử vong do ung thư bàng quang cao hơn nữ giới. (4)

Tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang

Những người có ít nhất một người thân trong gia đình bị ung thư bàng quang có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này có thể là do cùng tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư, ví dụ như hóa chất có trong thuốc lá.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những người trong một gia đình có thể cùng mang những đột biến gen gây cản trở sự phân hủy một số hóa chất độc hại nhất định và điều này làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, không giống như các loại ung thư khác, ung thư bàng quang thường không có tính di truyền.

Tiếp xúc với một số hóa chất

Thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất gây ung thư, gồm có các hóa chất dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, cao su, da giày, dệt may, sơn và mực in có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, điều này chủ yếu xảy ra trong môi trường làm việc, đặc biệt là ở những nơi sử dụng một số hóa chất hữu cơ.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài các yếu tố nguy cơ kể trên còn có những yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang:

  • Bị nhiễm trùng và kích thích bàng quang mạn tính, ví dụ như do sỏi thận, sỏi bàng quang và nhiễm trùn đường tiết niệu
  • Dùng một số loại thuốc
  • Từng hóa trị, nhất là sử dụng thuốc hóa trị cyclophosphamide (Cytoxan)
  • Từng xạ trị để điều trị ung thư ở các cơ quan trong vùng chậu
  • Uống nước nhiễm asen
  • Không uống đủ nước
  • Người da trắng
  • Có tiền sử ung thư bàng quang

Giống như các bệnh ung thư khác, nhiều trường hợp mắc ung thư bàng quang không có yếu tố nguy cơ nào được xác định. Mặt khác, một số người dù có nhiều yếu tố nguy cơ cùng lúc nhưng lại không mắc bệnh.

Điều quan trọng là phải duy trì sức khỏe tổng thể tốt và đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng như máu trong nước tiểu hoặc tăng tần suất đi tiểu.

Các yếu tố làm tăng tốc độ tiến triển của ung thư bàng quang

Khi được phát hiện và điều trị sớm, người mắc bệnh ung thư bàng quang có khả năng sống sót khá cao.

Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện muộn, trì hoãn điều trị hoặc kháng lại các phương pháp điều trị thì ung thư sẽ tiến triển sang các giai đoạn sau, nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị, tế bào ung thư sẽ tiếp tục phát triển và dần xâm lấn các lớp sâu bên trong của thành bàng quang, sau đó lan ra khỏi bàng quang đến các hạch bạch huyết lân cận cũng như các cơ quan khác trong cơ thể.

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh. Ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn, từ 0 đến 4. Ở giai đoạn 0, ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc của bàng quang. Sau đó, ung thư sẽ phát triển dần vào các lớp bên trong của thành bàng quang. Ở giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di chuyển theo máu hoặc hệ bạch huyết và hình thành khối u ở các khu vực khác của cơ thể. Tình trạng này được gọi là ung thư bàng quang di căn. Ung thư di căn có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Một số yếu tố góp phần làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh ung thư bàng quang và làm tăng nguy cơ tử vong gồm có:

  • Phát hiện muộn
  • Có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc
  • Tuổi tác cao
  • Ung thư tái phát
  • Khối u cấp độ cao

Tóm tắt bài viết

Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư bàng quang nhưng một số yếu tố đã được xác định là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm có hút thuốc, tuổi tác cao, là nam giới, tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang và tiếp xúc với một số hóa chất. Một số yếu tố trong đó có thể phòng ngừa được trong khi một số lại không thể thay đổi. Điều quan trọng nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là duy trì lối sống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ.

Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa ung thư bàng quang tiến triển sang các giai đoạn sau và cải thiện tiên lượng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các nguyên nhân gây tử vong ở người bị ung thư bàng quang
Các nguyên nhân gây tử vong ở người bị ung thư bàng quang

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư bàng quang, ví dụ như tuổi tác cao, hút thuốc và tiếp xúc với hóa chất độc hại, trong đó có những yếu tố có thể phòng ngừa được.

Đau bàng quang là do những nguyên nhân nào?
Đau bàng quang là do những nguyên nhân nào?

Đau bàng quang có thể xảy ra ở bất kỳ ai và do nguyên nhân khác nhau gây ra, một số là những vấn đề nghiêm trọng trong khi một số lại không quá đáng ngại. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây đau bàng quang, những triệu chứng khác cần lưu ý và các phương pháp điều trị.

Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang kẽ: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang kẽ (interstitial cystitis) là một tình trạng phức tạp có đặc trưng là viêm mạn tính các lớp cơ bàng quang. Điều này gây ra các triệu chứng như đau hoặc căng tức ở vùng chậu hoặc bụng, tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị
Viêm bàng quang xuất huyết: Nguyên nhân và điều trị

Viêm bàng quang xuất huyết là tình trạng lớp niêm mạc bên trong bàng quang bị viêm, gây ảnh hưởng đến các mạch máu và dẫn đến chảy máu. Một triệu chứng điển hình của viêm bàng quang xuất huyết là nước tiểu có máu (đái máu), kèm theo các triệu chứng viêm bàng quang khác.

Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm bàng quang thường xảy ra do bàng quang bị nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm có buồn tiểu liên tục, ngay cả khi vừa mới đi tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp và tiểu ra máu. Nếu không được điều trị, viêm bàng quang có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây