Các giai đoạn của ung thư bàng quang
Sau khi chẩn đoán ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn bệnh.
Có hai cách phân chia giai đoạn ung thư bàng quang chính là hệ thống TNM và hệ thống số. Cả hai hệ thống đều phổ biến và cũng có thể được kết hợp với nhau.
Cùng tìm hiểu về cách phân chia giai đoạn ung thư bàng quang của mỗi hệ thống.
Hệ thống phân giai đoạn ung thư TNM
Hệ thống TNM phân chia giai đoạn ung thư bàng quang dựa trên ba yếu tố: kích thước khối u (tumor), mức độ lan đến hạch bạch huyết (node) và mức độ di căn (metastasis).
Kích thước khối u
Yếu tố đầu tiên mà hệ thống TNM sử dụng để phân chia giai đoạn ung thư bàng quang là kích thước của khối u (tumor). Nói chung, con số càng cao thì có nghĩa là ung thư càng phát triển sâu vào thành bàng quang (ung thư bắt đầu ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang và phát triển ra bên ngoài).
Cụ thể, dựa trên yếu tố kích thước khối u, ung thư bàng quang được chia thành các giai đoạn như sau:
- T0: Không có bằng chứng ung thư.
- Ta: Các tế bào ung thư đã phát triển vào bên trong bàng quang. Đây được gọi là ung thư thể nhú. Ung thư chưa lan từ niêm mạc bên trong bàng quang ra bên ngoài.
- Tis: viết tắt của “tumor in situ”, có nghĩa là khối u tại chỗ, hay còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ – CIS). Điều này có nghĩa là các tế bào ung thư có dạng một lớp phẳng bên trong niêm mạc bàng quang.
- T1: Ung thư đã lan ra khỏi lớp niêm mạc bên trong bàng quang đến mô liên kết bên ngoài nhưng chưa lan đến lớp cơ.
- T2: Ung thư đã lan vào lớp cơ nhưng chưa đến mô mỡ bên ngoài. Giai đoạn này tiếp tục được chia thành:
- T2a: ung thư mới chỉ lan đến lớp cơ bên trong.
- T2b: ung thư đã lan đến lớp cơ bên ngoài.
- T3: Ung thư đã lan vào lớp mô mỡ. Giai đoạn này tiếp tục được chia thành:
- T3a: Ung thư trong lớp mô mỡ chỉ có thể phát hiện được dưới kính hiển vi.
- T3b: Ung thư trong lớp mô mỡ có thể được nhìn thấy mà không cần kính hiển vi.
- T4: Ung thư đã lan ra ngoài bàng quang. Giai đoạn này tiếp tục được chia thành:
- T4a: Ung thư đã lan đến tử cung, âm đạo, tuyến tiền liệt hoặc ruột.
- T4b: Ung thư đã lan đến các khu vực khác ngoài T4a.
- TX: không thể kiểm tra khối u nguyên phát.
Mức độ lan đến hạch bạch huyết
Yếu tố thứ hai để phân chia giai đoạn ung thư bàng quang là mức độ ung thư lan đến các hạch bạch huyết gần bàng quang. Các hạch bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch. Con số càng cao thì có nghĩa là ung thư đã lan đến càng nhiều hạch bạch huyết.
Dựa trên mức độ lan đến các hạch bạch huyết, ung thư bàng quang được chia thành các giai đoạn như sau:
- N0: Không có tế bào ung thư ở các hạch bạch huyết gần bàng quang.
- N1: Ung thư đã lan đến một hạch bạch huyết gần bàng quang.
- N2: Ung thư đã lan đến nhiều hạch bạch huyết lân cận.
- N3: Ung thư đã lan rộng hơn, đến các hạch bạch huyết chậu chung.
- NX: Không thể kiểm tra các hạch bạch huyết.
Mức độ di căn
Yếu tố cuối cùng để phân chia giai đoạn ung thư bàng quang theo hệ thống TNM là mức độ ung thư đã lan đến (di căn) các bộ phận khác của cơ thể.
Dựa trên mức độ di căn, ung thư bàng quang được chia thành các giai đoạn như sau
- M0: Ung thư chưa di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
- M1: Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn này tiếp tục được chia thành:
- M1a: Ung thư mới chỉ giới hạn ở các hạch bạch huyết ngoài khoang chậu.
- M1b: Ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở xa đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi hoặc gan.
Kết hợp
Khi xác định giai đoạn ung thư bàng quang, các yếu tố T, N và M sẽ được kết hợp cùng nhau, ví dụ như giai đoạn “T1, N0, M0”, có nghĩa là ung thư chưa phát triển vào lớp cơ của bàng quang (T1), chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận (N0) và các bộ phận khác của cơ thể (M0).
Hệ thống phân chia giai đoạn theo số
Một hệ thống phân chia giai đoạn ung thư bàng quang phổ biến khác là hệ thống số. Theo đó, ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn, từ 0 đến 4 (đôi khi sử dụng chữ số La Mã).
Ung thư bàng quang giai đoạn 0 (giai đoạn đầu)
- Giai đoạn 0A: Các tế bào ung thư mới chỉ phát triển vào bên trong bàng quang.
- Giai đoạn 0is: Các tế bào ung thư có dạng một lớp phẳng trong lớp niêm mạc bên trong bàng quang.
Ung thư bàng quang giai đoạn 1
Ung thư đã phát triển ra ngoài lớp niêm mạc bên trong bàng quang nhưng chưa vào lớp cơ.
Ung thư bàng quang giai đoạn 2
Ung thư đã phát triển vào lớp cơ của bàng quang nhưng chưa vào lớp mô mỡ.
Ung thư bàng quang giai đoạn 3
- Giai đoạn 3A: Ung thư đã phát triển vào lớp mô mỡ của bàng quang và có thể đã lan đến tử cung, âm đạo, tuyến tiền liệt, ruột hoặc một hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 3B: Ung thư đã lan đến nhiều hạch bạch huyết lân cận hoặc hạch bạch huyết chậu chung.
Ung thư bàng quang giai đoạn 4
- Giai đoạn 4A: Ung thư nguyên phát đã lan rộng hơn so với giai đoạn 3 hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết ở xa.
- Giai đoạn 4B: Ung thư đã lan ra ngoài các hạch bạch huyết ở xa đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
Đối chiếu hệ thống số với hệ thống TNM
Giai đoạn theo hệ thống TNM | |||
Giai đoạn theo hệ thống số | T | N | M |
Giai đoạn 0a | Ta | N0 | M0 |
Giai đoạn 0is | Tis (CIS) | N0 | M0 |
Giai đoạn 1 | T1 | N0 | M0 |
Giai đoạn 2 | T2 | N0 | M0 |
Giai đoạn 3A | T3a, T3b hoặc T4a | N0 | M0 |
Giai đoạn 3A | T1–T4a | N1 | M0 |
Giai đoạn 3B | T1–T4a | N2–N3 | M0 |
Giai đoạn 4A | T4b | Bất kì | M0 |
Giai đoạn 4A | Bất kì | Bất kì | M1a |
Giai đoạn 4B | Bất kì | Bất kì | M1b |
Thuật ngữ cho một số giai đoạn ung thư bàng quang
Một số giai đoạn nhất định của bệnh ung thư bàng quang được gọi bằng thuật ngữ riêng nhưng vẫn có thể được phân chia theo hệ thống TNM và hệ thống số.
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ
Ung thư bàng quang không xâm lấn cơ (non-muscle invasive bladder cancer) có nghĩa là ung thư chưa phát triển vào lớp cơ của bàng quang, tương ứng với giai đoạn 0 – 1 hoặc T dưới 2 theo hệ thống TNM.
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ
Ung thư bàng quang xâm lấn cơ có nghĩa là ung thư đã phát triển vào lớp cơ của bàng quang, tương ứng giai đoạn 2 - 4 hoặc T từ 2 trở lên theo hệ thống TNM.
Ung thư bàng quang di căn
Ung thư bàng quang di căn có nghĩa là ung thư đã rộng trong cơ thể, tương đương giai đoạn T4b hoặc M lớn hơn 0. Nếu xét theo hệ thống số thì lúc này ung thư bàng quang ở giai đoạn 4.
Tiên lượng ung thư bàng quang theo từng giai đoạn
Nói chung, ung thư được phát hiện càng sớm thì tiên lượng càng tốt và điều này cũng đúng với bệnh ung thư bàng quang.
Mặc dù tiên lượng cụ thể của mỗi một ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng các tổ chức y tế đã đưa ra số liệu thống kê về tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối dựa trên giai đoạn ung thư bàng quang tại thời điểm chẩn đoán.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ: (1)
- Ung thư tại chỗ: Đối với ung thư bàng quang giai đoạn Tis (CIS) hoặc giai đoạn 0is, tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là 96%.
- Ung thư khu trú: Đối với ung thư bàng quang chưa lan ra ngoài bàng quang (T dưới 4, N0, M0 hoặc giai đoạn 0 đến một số giai đoạn 3A), tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là 69,6%.
- Ung thư di căn vùng: Đối với ung thư bàng quang đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận (T dưới 4, N dưới 3, M0 hoặc giai đoạn 0 đến một số giai đoạn 3A và 3B), tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là 39%.
- Ung thư di căn xa: Đối với ung thư bàng quang đã di căn đến các cơ quan ở xa trong cơ thể (M trên 0 hoặc giai đoạn 4), tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là 7,7%.
Cần lưu ý rằng trên đây chỉ là số liệu thống kê. Tiên lượng của mỗi bệnh nhân là khác nhau. Bác sĩ sẽ cho biết tiên lượng cụ thể dựa trên tình trạng của mỗi ca bệnh.
Tóm tắt bài viết
Có nhiều cách để phân chia giai đoạn ung thư bàng quang nhưng tất cả đều dựa trên mức độ lan rộng của ung thư (ung thư mới chỉ giới hạn trong bàng quang hay đã lan ra bên ngoài).
Cả hệ thống TNM và hệ thống phân chia giai đoạn theo số đều được sử dụng phổ biến. Một số giai đoạn ung thư bàng quang có tên riêng, ví dụ như ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, ung thư bàng quang xâm lấn cơ và ung thư bàng quang di căn.
Ung thư bàng quang bắt đầu lớp niêm mạc bàng quang. Sau một thời gian, ung thư sẽ lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang rồi lan ra khỏi bàng quang đến khu vực xung quanh. Tế bào ung thư có thể lan theo máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan ở xa trong cơ thể.
Tiên lượng của người mắc bệnh ung thư bàng quang giai đoạn cuối phụ thuộc vào mức độ ung thư lan rộng trong cơ thể. Nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết quanh bàng quang, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 39%. Nếu ung thư đã lan đến một cơ quan ở xa thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 7,7%.
Các phương pháp để sàng lọc và chẩn đoán ung thư bàng quang gồm có khám lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành sinh thiết hoặc nội soi bàng quang để xác nhận chẩn đoán.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt.