1

Thuốc Paxlovid có gây mất ngủ không?

Paxlovid là một thuốc được dùng để điều trị bệnh Covid-19. Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng không cho thấy mất ngủ là tác dụng phụ của Paxlovid nhưng nhiều người đã phản ánh về tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn khi dùng loại thuốc này.
Thuốc Paxlovid có gây mất ngủ không? Thuốc Paxlovid có gây mất ngủ không?

Paxlovid là một loại thuốc kháng virus đường uống. Loại thuốc này hiện được phê duyệt sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh Covid-19nghiêm trọng. Để có hiệu quả tốt nhất, nên bắt đầu dùng thuốc trong vòng 5 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng Covid-19.

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Paxlovid cũng có tác dụng phụ. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu xem liệu mất ngủ có phải là tác dụng phụ của Paxlovid hay không.

Paxlovid có gây mất ngủ không?

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ sâu.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ thử nghiệm lâm sàng hay tài liệu y khoa nào báo cáo mất ngủ là tác dụng phụ của Paxlovid. Tuy nhiên, một số người dùng loại thuốc này đã phản ánh về tình trạng gián đoạn giấc ngủ.

Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Paxlovid có phải là nguyên nhân trực tiếp gây gián đoạn giấc ngủ hay không. Nhưng đã có một số lời giải thích về lý do tại sao một số người lại gặp vấn đề về giấc ngủ khi dùng Paxlovid.

Nguyên nhân có thể là do các tác dụng phụ khác của Paxlovid, ví dụ như đau cơ và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Ngoài ra, bệnh Covid-19 gây ra các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, ho và đau cơ. Những triệu chứng này cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ.

Mặc dù Paxlovid bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi dùng liều đầu tiên nhưng phải mất một thời gian thì các triệu chứng Covid-19 mới thuyên giảm hoàn toàn. Điều này có nghĩa là trong thời gian đầu điều trị, người bệnh vẫn sẽ gặp các triệu chứng khó chịu và vấn đề về giấc ngủ.

Các tác dụng phụ khác của Paxlovid

Theo thông tin trên Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, Paxlovid có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Hơi thở có mùi
  • Cảm giác khó chịu, không khỏe
  • Đau cơ
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Tăng huyết áp

Mặc dù hiếm gặp nhưng Paxlovid có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc vấn đề về gan.

Ngoài ra, Paxlovid còn có thể tương tác với một số loại thuốc như:

  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim
  • Thuốc điều trị cao huyết áp
  • Thuốc chống đông máu
  • Thuốc điều trị bệnh tâm thần
  • Thuốc điều trị động kinh
  • Statin

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng đang dùng để bác sĩ kê thuốc điều trị Covid-19 phù hợp. Trong thời gian điều trị bằng Paxlovid, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng một loại thuốc mới.

Hiệu quả của Paxlovid

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho thấy rằng liệu trình dùng Paxlovid trong 5 ngày giúp giảm 89% nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng. Thử nghiệm này được thực hiện trên những người trưởng thành chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và không có tiền sử bị Covid-19 trước đó.

Một nghiên cứu vào năm 2022 trên những người đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc những người đã từng bị Covid-19 cho thấy những người dùng Paxlovid có tỷ lệ phải nhập viện thấp hơn 51% so với những người không điều trị.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy Paxlovid có thể giúp ngăn ngừa hội chứng Covid kéo dài. Một số triệu chứng của hội chứng Covid kéo dài gồm có mệt mỏi dai dẳng, sương mù não và các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ.

Các loại thuốc điều trị Covid-19 khác

Nhiều người mắc bệnh Covid-19 ở mức độ nhẹ đến vừa có thể điều trị bằng các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc không kê đơn để giảm bớt các triệu chứng như sốt, ho và đau nhức.

Đối với những người có nguy cơ bị Covid-19 nghiêm trọng, các loại thuốc điều trị khác ngoài Paxlovid gồm có:

  • molnupiravir (Lagevrio): một loại thuốc kháng virus đường uống. Các tác dụng phụ thường gặp gồm có tiêu chảy, buồn nôn và chóng mặt
  • remdesivir (Veklury): một loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch. Các tác dụng phụ gồm có các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn

Điều trị mất ngủ

Các cách khắc phục tình trạng mất ngủ gồm có:

  • Ngủ trong phòng tối, yên tĩnh và nhiệt độ thoải mái
  • Không xem TV và sử dụng các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh khác như điện thoại trước khi đi ngủ
  • Thực hiện một hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ như đọc sách hoặc tắm nước ấm
  • Không tiêu thụ caffeine hoặc rượu bia vào cuối ngày
  • Không ngủ trưa nhiều
  • Tiếp xúc với ánh nắng vào ban ngày, đặc biệt là vào buổi sáng để điều chỉnh đồng hồ sinh học

Nếu tình trạng mất ngủ không cải thiện thì có thể cần dùng thuốc hoặc liệu pháp nhận thức hành vi.

Paxlovid có thể tương tác với một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Vì vậy, nếu bạn bị mất ngủ khi dùng Paxlovid thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ nào.

Tóm tắt bài viết

Cho đến nay, các thử nghiệm lâm sàng và tài liệu y khoa đều không báo cáo mất ngủ là tác dụng phụ của Paxlovid. Tuy nhiên, một số người cho biết rằng họ ngủ không ngon giấc khi dùng loại thuốc này.

Mặc dù Paxlovid có thể cản trở giấc ngủ nhưng nguyên nhân cũng có thể là do các yếu tố khác như các tác dụng phụ khác của Paxlovid và các triệu chứng của Covid-19.

Các cách để khắc phục tình trạng mất ngủ gồm có thay đổi thói quen, dùng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng điều trị mất ngủ nào trong thời gian dùng Paxlovid.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?
Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Một giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ là dùng thuốc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một trong số đó là clonidine.

Mất ngủ có tự hết không?
Mất ngủ có tự hết không?

Một số thay đổi về thói quen sống có thể giúp khắc phục tình trạng mất ngủ cấp tính nhưng chứng mất ngủ mạn tính thường phải điều trị bằng thuốc hoặc trị liệu.

Tập thể dục trước khi đi ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?
Tập thể dục trước khi đi ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?

Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, thư giãn tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng và điều hòa đồng hồ sinh học. Tập thể dục sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khi thân nhiệt giảm, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.

Ngủ 5 tiếng một ngày có đủ không?
Ngủ 5 tiếng một ngày có đủ không?

Thường xuyên chỉ ngủ ít hơn 7 tiếng một ngày sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng của cơ thể. Thiếu ngủ kéo dài sẽ làm làm tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và giảm khả năng tư duy.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ?

Không ngủ, dù chỉ một ngày, sẽ gây hại cho sức khỏe. Thời gian không ngủ càng kéo dài thì hậu quả càng nghiêm trọng, từ suy giảm nhận thức, ảo giác cho đến tử vong.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây