Điều trị mất ngủ bằng thuốc đối kháng thụ thể orexin kép (DORA)
So với một số loại thuốc trị mất ngủ khác, DORA có ưu điểm là không gây lệ thuộc. Các thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu đã chỉ ra rằng DORA có thể giúp người dùng đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
Các loại DORA
DORA là thuốc đường uống, dùng ngay trước khi đi ngủ. Các loại thuốc này ngăn chặn các chất hóa học tạo sự tỉnh táo trong não. Điều này giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Hiện có ba loại DORA đã được phê duyệt để điều trị chứng mất ngủ:
- daridorexant
- lemborexant
- suvorexant
Suvorexant là loại DORA đầu tiên được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt (tháng 8 năm 2014). Lemborexant được phê duyệt vào tháng 12 năm 2019. Dariodorexant là loại thuốc mới nhất trong số ba loại này và được FDA phê duyệt vào tháng 1 năm 2022.
Cơ chế tác dụng
Orexin là một loại peptide thần kinh hay chất dẫn truyền thần kinh trong não. Có hai loại orexin là orexin A và orexin B. Mỗi loại liên kết với các thụ thể khác nhau (OX1R hoặc OX2R), các thụ thể này có vai trò quan trọng đối với chu kỳ ngủ - thức.
Orexin góp phần giữ cho chúng ta tỉnh táo. DORA ngăn orexin liên kết với thụ thể OX1R và OX2R, điều này khiến cho cơ thể không nhận được tín hiệu để thức dậy và cử động giữa các giai đoạn của giấc ngủ. Như vậy, DORA không chỉ giúp bạn chìm vào giấc ngủ dễ hơn mà còn giúp duy trì giấc ngủ sâu, không bị gián đoạn.
Sở dĩ được gọi là thuốc đối kháng thụ thể orexin kép vì các loại thuốc này tác động lên cả hai loại thụ thể (OX1R và OX2R). Các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm các loại thuốc chỉ có tác dụng lên một thụ thể orexin để điều trị các tình trạng như rối loạn trầm cảm nặng. Các loại thuốc này được gọi là thuốc đối kháng thụ thể orexin chọn lọc (selective orexin receptor antagonist - SORA).
DORA có gì khác với các loại thuốc trị mất ngủ khác
Có nhiều loại thuốc điều trị mất ngủ và mỗi loại có cơ chế tác dụng khác nhau:
- Nhóm thuốc benzodiazepine và thuốc Z-drug tác động lên tín hiệu thần kinh trong não để tạo ra tác dụng an thần, thư giãn cơ và buồn ngủ.
- Chất chủ vận thụ thể melatonin giúp điều hòa nhịp sinh học hay chu kỳ ngủ - thức.
- Nhiều loại thuốc trị mất ngủ không kê đơn có chứa diphenhydramine, một loại thuốc kháng histamin gây buồn ngủ.
DORA không gây cảm giác buồn ngủ hay điều chỉnh nhịp sinh học. Đây là nhóm thuốc trị mất ngủ duy nhất ngăn chặn hoạt động của orexin và từ đó làm giảm sự tỉnh táo.
Hiệu quả của DORA
Nhiều thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của DORA trong điều trị mất ngủ.
Một nghiên cứu vào năm 2017 trên 291 người bị mất ngủ cho thấy lemborexant giúp những người tham gia đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ lâu hơn so với giả dược. Nghiên cứu này kéo dài trong 2 tuần.
Một nghiên cứu vào năm 2019 trên 1006 người trên 55 tuổi bị mất ngủ cho thấy lemborexant có hiệu quả hơn so với giả dược và zolpidem trong việc làm giảm thời gian đi vào giấc ngủ và tăng thời lượng giấc ngủ. Thời gian dùng thuốc là 30 ngày.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2017 gồm các nghiên cứu về suvorexant cho thấy loại thuốc này giúp cải thiện tổng thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ và thời gian đi vào giấc ngủ. Các tác giả kết luận rằng suvorexant có hiệu quả nhưng vẫn cần có thêm các nghiên cứu so sánh.
Một phân tích tổng hợp vào năm 2020 dã so sánh lemborexant và suvorexant và cho thấy rằng cả hai loại thuốc đều có hiệu quả tốt hơn giả dược trong việc cải thiện các khía cạnh của giấc ngủ. Lemborexant có hiệu quả cải thiện giấc ngủ tốt hơn suvorexant.
Một thử nghiệm lâm sàng vào năm 2020 trên 359 người dưới 65 tuổi bị mất ngủ cho thấy daridorexant giúp làm giảm tần suất tỉnh giấc sau khi chìm vào giấc ngủ và giúp dễ ngủ lại hơn khi tỉnh giấc. Hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào liều dùng.
Một thử nghiệm lâm sàng trên 58 người trên 65 tuổi bị mất ngủ vào năm 2020 cho thấy daridorexant giúp cải thiện tình trạng gián đoạn giấc ngủ và rút ngắn thời gian đi vào giấc ngủ, đặc biệt là khi dùng liều trên 10mg.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy DORA có hiệu quả điều trị mất ngủ cao hơn so với giả dược. Dùng lemborexant liều 10 mg giúp làm giảm tổng thời gian thức giấc sau khi chìm vào giấc ngủ nhưng suvorexant lại có tác dụng về lâu dài tốt hơn.
Ưu điểm của DORA
Thuốc đối kháng thụ thể orexin kép có một số ưu điểm so với các loại thuốc điều trị mất ngủ khác.
Cụ thể, DORA không gây nhờn thuốc sau một thời gian sử dụng và không gây hội chứng cai thuốc khi ngừng dùng giống như một số thuốc trị mất ngủ kê đơn khác. Tình trạng mất ngủ cũng thường không tái phát khi ngừng sử dụng DORA.
Rủi ro và tác dụng phụ của DORA
Nhìn chung, DORA là một nhóm thuốc an toàn nhưng vẫn có tác dụng phụ.
DORA có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, đặc biệt là khi bạn không ngủ đủ giấc sau khi dùng thuốc.
Những người mắc chứng ngủ rũ không nên dùng DORA vì thuốc có thể làm tăng tình trạng buồn ngủ vào ban ngày. Một phần nguyên nhân dẫn đến chứng ngủ rũ là do quá trình truyền tín hiệu orexin bị trục trặc và dùng DORA có thể khiến cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn. DORA còn có thể làm tăng nguy cơ mất trương lực cơ đột ngột (yếu cơ) ở những người mắc chứng ngủ rũ.
Các tác dụng phụ khác của DORA còn có:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Viêm mũi
Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp các tình trạng dưới đây khi dùng DORA:
- Các triệu chứng trầm cảm nặng hơn hoặc xuất hiện ý định tự tử
- Bóng đè (liệt cơ trong giấc ngủ)
- Ảo giác
- Mất trương lực cơ đột ngột
- Hành động bất thường trong lúc ngủ, ví dụ như đi lại
DORA còn có thể tương tác với một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.
Tóm tắt bài viết
Thuốc đối kháng thụ thể orexin kép (DORA) là một nhóm thuốc điều trị mất ngủ. Các loại thuốc này ngăn cản các tín hiệu thần kinh tạo sự tỉnh táo trong não, nhờ đó giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn. Hiện có ba loại DORA đã được phê duyệt là daridorexant, lemborexant và suvorexant.
DORA có một số tác dụng phụ nhưng không gây nghiện giống như một số loại thuốc trị mất ngủ khác. Ngừng dùng DORA cũng không gây hội chứng cai thuốc.
Có rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị chứng mất ngủ mạn tính. Một nhóm thuốc chính là thuốc an thần. Tuy nhiên, những loại thuốc này đều chỉ là giải pháp tạm thời. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Có nhiều cách để khắc phục tình trạng mất ngủ và một trong số đó là sử dụng thuốc ngủ.
Mất ngủ có thể là do nhiều vấn đề về thần kinh gây ra, gồm có các rối loạn giấc ngủ nguyên phát như hội chứng chân không yên và các bệnh thần kinh như bệnh Parkinson, động kinh và rối loạn thần kinh cơ.
Rất nhiều phụ nữ bị mất ngủ sau sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay từ khi mang bầu hoặc sau khi sinh mới bắt đầu xảy ra. Mất ngủ, đặc biệt là mất ngủ nhiều đêm liên tiếp, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người mẹ.
Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, từ vấn đề về hô hấp, mãn kinh cho đến thói quen ngủ. Các giải pháp điều trị gồm có trị liệu, dùng thuốc và thay đổi lối sống.